Dẹp chuyện lấp hồ

21:54 | 15/04/2017

1,757 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đô thị là nơi có mật độ dân cư cao, bầu không khí bị ô nhiễm nặng. Vì vậy, những hồ nước trong thành phố được ví như lá phổi để điều hòa không khí.

Thành phố nào cũng mơ có nhiều hồ nước. Vậy mà ở giữa thủ đô Hà Nội, có người lại nảy sinh ý tưởng lấp bớt một phần hồ Thành Công để xây nhà cao tầng tái định cư. Thế là mấy ngày nay khiến dư luận dậy sóng phản đối.

Hôm 10-4 vừa qua, tại Hội thảo Cải tạo chung cư cũ của Hà Nội, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (VIHAJICO) đưa ra thông cáo báo chí về đề xuất nâng tầng chung cư và lấp đi 1ha phần hồ Thành Công để làm nhà phục vụ tái định cư tại chỗ.

Theo đại diện VIHAJICO, chủ đầu tư cải tạo khu chung cư cũ Thành Công và cũng là đơn vị đề xuất dự án này thì phần hồ bị lấp sẽ được hoàn trả lại bằng việc đào hồ mới vào trong khu dân cư, tức đào bổ sung 1ha mặt nước về phía bắc và đảm bảo tỷ lệ cây xanh mặt nước đô thị theo đúng quy hoạch phân khu.

dep chuyen lap ho

Theo đó VIHAJICO cho rằng, thuận lợi này giúp cho việc di dời tạm cư, tránh gây xáo trộn cho cuộc sống của người dân. Cái lý mà họ đưa ra là hầu hết các dự án cải tạo xây dựng chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội các năm qua gặp khó khăn, bế tắc chủ yếu ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề tạm cư cho người dân. Nay với đề xuất này của công ty thì có thể xây nhà tái định cư ngay mà chưa cần phải di dời các hộ dân đang sử dụng khu tập thể. Thay cho việc người dân nhận tiền tự lo nơi tạm cư ở vị trí khác hoặc phải di chuyển cả hộ gia đình, người dân sẽ được sử dụng nhà ở ngay tại chính khu vực mình đang sinh sống.

Có lẽ vì có cái hồ ngon ăn bên cạnh khu chung cư nên nhà đầu tư nghĩ ra cái ý tưởng “nhất cử lưỡng tiện” như thế, có lợi cho cả nhà đầu tư và người dân. Thế thì hàng chục khu chung cư cần cải tạo, nâng cấp hoặc cho tái định cư khác lấy đâu ra hồ để san lấp cho tiện? Mà lâu nay, nhiều khu tái định cư đã bố trí xây dựng ở khu khác, cách xa khu chung cư cũ là chuyện bình thường.

Việc lấp đi một phần hồ hiện nay rồi dù có phải đào trả lại phần diện tích hồ đã bị lấp sẽ là chuyện viễn tưởng. Mà giả sử điều đó có xảy ra thì theo KTS Lê Hoàng Cương là sẽ “rất tốn kém, thậm chí tốn kém gấp đôi so với lựa chọn phần mặt bằng khác đã có sẵn”. Ngoài chuyện chi phí tốn kém thì còn phải tính đến các vấn đề như cấp thoát nước, sinh thái liên quan.

Nói về đề xuất này, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc và Đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cũng nói rằng, đề xuất này là không theo quy hoạch và lấp hồ là không hợp lý. Các chuyên gia lưu ý việc này là vi phạm Luật Thủ đô.

Hồ Thành Công rộng gần 6ha, nằm trong Công viên Indira Gandhi, thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội). Tên cũ của địa danh này là Công viên hồ Thành Công. Hồ nằm ngay ngã tư, giáp các phố Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng, Thành Công, Nguyên Hồng. Tổng diện tích Công viên Indira Gandhi bao gồm hồ rộng hơn 8,6ha, trong đó có 5,9ha diện tích mặt nước. Tên Công viên Indira Gandhi được UBND TP Hà Nội đặt từ năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng thủ đô. Hồ Thành Công có đường đi xung quanh bờ, được kè đá cẩn thận. Nước hồ đã được cải tạo trong xanh và sạch sẽ, có đài phun nước ở chính giữa. Đây còn là nơi tập thể dục lý tưởng cho người dân hằng ngày.

Hồ được cải tạo, kè lại từ năm 1997. Năm 2013, thành phố chính thức giao UBND quận Ba Đình tiếp nhận việc quản lý công viên này. Tại hội thảo khoa học về cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng giải thích, đây là phương án táo bạo song được nhiều hộ dân chấp thuận. Họ không phải rời đi tạm cư nơi khác, lại tận mắt chứng kiến nhà tái định cư được xây dựng như thế nào. Ngay gần hồ là khu nhà tập thể Thành Công đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Một số hộ dân đã được UBND thành phố phê duyệt phương án di dời khẩn cấp cách đây 1 năm. Theo lãnh đạo Công ty Việt Hưng, doanh nghiệp đã trình các đề xuất lên Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội để lấy ý kiến. Hiện tại, một số ngôi biệt thự của một dự án bất động sản được xây lên ngay ven hồ.

Giải thích của nhà đầu tư rằng, phương án được nhiều hộ dân chấp thuận. Thì tất nhiên, dân của khu chung cư được hưởng lợi, làm gì họ chẳng ủng hộ. Song còn hàng triệu người khác sẽ bị ảnh hưởng nếu hồ bị mất một phần thì không thể đồng tình. Cho nên, đề án này đã trình lên Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhưng chắc chắn không thể chấp nhận. Các chuyên gia kiến trúc và xây dựng đã lên tiếng, dư luận đã phản đối. Vậy thì Hà Nội sẽ sớm nhận ra tác hại của việc lấp hồ và dẹp bỏ. Tránh để sự đã rồi thì đến hồ Gươm, hồ Tây cũng sẽ chung số phận.

Bùi Đức