Đền ơn bao nhiêu cũng chưa đủ

22:46 | 26/07/2017

312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến tranh đã đi qua gần 30 năm, nhưng hậu quả nặng nề của chiến tranh vẫn còn là gánh nặng của xã hội.

Người nằm lại trên chiến trường chưa được tìm thấy, người trở về mang thương tích, bệnh tật di chứng của chiến tranh. Hàng vạn gia đình đang phải gánh chịu những hậu quả do chiến tranh để lại rất cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội để giúp họ vơi bớt nỗi thương đau.

Đến nay, còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia. Ngoài ra, hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng thiếu thông tin, chưa rõ danh tính. Như vậy, tổng số liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hơn 500.000. Hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin có 2 dạng: thiếu hoàn toàn (liệt sĩ chưa biết tên); thiếu một phần, chỉ có quê, đơn vị hoặc chỉ còn tên mà không có bất kỳ thông tin nào khác.

Một vấn đề cấp bách đặt ra là công việc tìm kiếm, xác minh hài cốt liệt sĩ phải tiến hành nhanh vì càng để lâu thì càng khó thực hiện. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng thực chứng và giám định ADN. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với 5 đơn vị thực hiện việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ và 2 đơn vị thực hiện xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng.

Chăm lo tới thương, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ và người có công nói chung là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lấy ngày 27-7 hằng năm là “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để cả nước thể hiện lòng tri ân với những người có công trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi... tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó.

den on bao nhieu cung chua du
Hội CCB Tập đoàn tặng quà cho thương binh cựu quân tình nguyện mặt trận 479 (Ảnh: Nguyễn Hoan)

Với truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác chính sách và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội quan tâm thực hiện ngày càng tốt hơn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc và sự trường tồn của dân tộc.

Thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm chặt chẽ, chính xác, từ năm 2010 đến nay, cơ quan chính sách quân đội đã lập hồ sơ, đề nghị xác nhận hơn 800 liệt sĩ; cấp giấy chứng nhận thương binh cho hơn 6.000 trường hợp, hơn 5.000 bệnh binh; tham gia xác lập hồ sơ, đề nghị phong tặng, truy tặng hơn 75.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Từ năm 2013, triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị và Đề án “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến 2020 và những năm tiếp theo” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (gọi tắt là Đề án 1237) có sự đóng góp rất lớn của các đội chuyên trách tìm kiếm, quy tập của các đơn vị quân đội. Vì vậy, đến nay các đội đã tìm kiếm, quy tập được gần 12.000 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước gần 6.000; ở Lào gần 2.000; ở Campuchia hơn 4.000). Đã đề xuất chủ trương, giải pháp và từng bước tôn tạo các công trình tưởng niệm liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào và Campuchia.

Hiện nay, cả nước có hơn 12.700 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng, hơn 1 triệu đối tượng hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, với số tiền hơn 4.832 tỉ đồng. Chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được xác định đến hết năm 2017, cơ bản hoàn thành việc giải quyết chế độ trên địa bàn cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có một số việc triển khai còn chậm, có việc còn kéo dài. Công tác quản lý chế độ, chính sách ở một số nơi chưa chặt chẽ, cá biệt còn để xảy ra tiêu cực; đời sống của đối tượng chính sách, người có công tuy đã được cải thiện nhưng nhìn chung còn khó khăn.

Thực tế cho thấy, những địa phương nào đóng góp sức người, sức của cho chiến tranh nhiều nhất thì nơi đó cuộc sống sau chiến tranh gặp nhiều khó khăn nhất. Vì vậy, bên cạnh chính sách ưu đãi của Nhà nước, rất cần có sự đóng góp rộng rãi của nhiều nguồn lực trong xã hội. Các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm luôn luôn đi đầu trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc đền ơn đáp nghĩa còn lâu dài mới mong bù đắp phần nào cho những hy sinh mất mát, nên các tầng lớp, các thế hệ cần tâm niệm rằng, đền ơn đáp nghĩa bao nhiêu cũng chưa đủ.

Đức Toàn