Đến ngày bầu cử Quốc hội nhớ lời căn dặn của Bác Hồ

10:05 | 20/05/2011

847 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Càng gần đến ngày hội này, nhiều người trong chúng ta lại nhớ đến những lời động viên, kêu gọi của Bác: “Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người dân nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do..."

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Đến nay, có thể khẳng định mọi công tác chuẩn bị từ các điểm bỏ phiếu, khu vực niêm yết danh sách cử tri… đều đã sẵn sàng.

Như chúng ta đã biết, ngày 6-1-1946, là ngày bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hơn 65 năm sau, ngày 22-5-2011, ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 tiếp tục được diễn ra. Càng gần đến ngày hội này, nhiều người trong chúng ta lại nhớ đến những lời động viên, kêu gọi của Bác: “Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người dân nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do… Tất cả mọi công dân, trai, gái từ 18 tuổi đều có quyền bầu cử, ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, giống nòi”.

Đối với những người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, Người đã phân tích: Nếu trúng cử thì phải ra sức cố gắng làm việc “cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc. Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã có lòng hăng hái với nước với dân thì hãy luôn luôn giữ vững lòng hăng hái đó. Dù ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được trúng cử thì ta cứ giúp làm cho nhân dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau nếu ta ứng cử, quốc dân nhất định bầu ta”. Bên cạnh đó, Người cũng khẳng định rõ ràng: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu. Ngày mai là ngày bầu cử, ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.

Người cũng phân tích sâu sắc giá trị của lá phiếu cử tri: “Lá phiếu cử tri có một dấu hiệu rất cao quý, nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Nhân dân ta đã hy sinh biết bao xương máu mới giành và giữ được quyền dùng lá phiếu này. Vì vậy, đối với lợi ích chung của Tổ quốc và lợi ích mỗi người thì mỗi cử tri phải hoàn thành nhiệm vụ của mình là phải đi bầu cử và nhắc nhở những người khác đi bầu cử”.

Cũng trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của Nhà nước. Ngoài ra, Bác cũng khẳng định lại quyền làm chủ trong bầu cử: “Mọi người có quyền bầu cử, có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nếu thấy họ không còn xứng đáng. Mọi người có quyền thật sự tham gia quản lý Nhà nước.

Nói về việc bầu cử hay tuyển cử, Bác nhấn mạnh: “Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời của vua quan, rồi của thực dân Pháp… Biết bao người đã bị bắn, bị chém, bị nhốt, bị đày ở các nhà tù như: Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La… mới đòi được cái quyền bầu cử hôm nay”.

Nhớ lại ngày 8-5-1960, ngày bầu cử Quốc hội khóa II. Trong buổi các vị ứng cử ra mắt cử tri tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết và nhấn mạnh vai trò quan trọng của Quốc hội khóa I: “Quốc hội khóa I là Quốc hội chiến đấu, đã đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi vẻ vang… đồng thời Người khẳng định, Quốc hội khóa II sắp tới sẽ là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống đã rất quan tâm tới công tác bầu cử với mong muốn xây dựng Quốc hội, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Người khẳng định, việc chọn ai vào làm đại biểu Quốc hội và HĐND hoàn toàn phụ thuộc vào quyền và sự sáng suốt của cử tri. Với ý nghĩa đó, hy vọng các đại biểu Quốc hội và HĐND khóa tới khi được bầu luôn phát huy tinh thần trách nhiệm trước dân, góp phần làm cho cơ quan dân cử thực sự là của dân, do dân và vì dân.

- Theo Hội đồng bầu cử Trung ương, do đặc thù của một số địa phương nên một số nơi đã tiến hành bỏ phiếu sớm. Cụ thể: ngày 2-5 vừa qua, những lá phiếu đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 trong cả nước đã được cán bộ, chiến sĩ lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam trên các tàu đang làm nhiệm vụ tại khu vực mỏ Đại Hùng và mỏ Rồng thực hiện. Tiếp đó, ngày 9-5, tại nhà chờ sân bay Vũng Tàu, Tổ bầu cử số 14 của Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro đã tổ chức bầu cử sớm cho cán bộ, công nhân của Liên doanh và hơn 10 nhà thầu khác có công trình dầu khí đang xây dựng trên biển. Ngày 15-5, lễ khai mạc bầu cử Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã diễn ra tại 21 điểm bỏ phiếu ở thị trấn Trường Sa và các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

- Trong số 827 người ứng cử ĐBQH Khóa XIII Nhiệm kỳ 2011 – 2016: có 260 ứng cử viên (ƯCV) nữ, chiếm 31,44%, 133 ƯCV dân tộc thiểu số chiếm 16,08%, 118 ƯCV ngoài Đảng, chiếm 14,27%, 183 ƯCV dưới 40 tuổi, chiếm 22,13%, 183 ƯCV tái cử, chiếm 22,13%. 36,76% ƯCV (304 người) có trình độ trên đại học, 59,49% ƯCV (492 người) có trình độ đại học, chỉ có 3,74% ƯCV (31 người) có trình độ từ cao đẳng trở xuống.

- Tổng số ĐB HĐND cấp tỉnh được bầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ là 3.832 ĐB, cấp huyện là 21.131 ĐB, cấp xã là 281.491 ĐB. Kết thúc hiệp thương lần thứ ba, kết quả lập danh sách chính thức là 5.965 người ứng cử ĐB HĐND cấp tỉnh. Trong đó, người ứng cử là nữ có 2.052, chiếm 34,4%, trẻ tuổi là 1.211 người, chiếm 20,3%, ngoài Đảng là 872 người, chiếm 14,62%, dân tộc ít người là 1.146, chiếm 19,21%, tự ứng cử là 25 người, chiếm 0,41%.

Nhật Anh