"Đề xuất lập phố đèn đỏ" ở TP HCM: "Quy hoạch" để quản lý

07:00 | 03/02/2013

2,940 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từ khi luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực với quy định không quản lý hay đưa người bán dâm vào các cơ sở chữa bệnh, tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP HCM trở nên phức tạp trở lại. Trước tình hình đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng TP nên kiến nghị cho phép quy hoạch vùng tập trung các ngành nhạy cảm. Petrotimes có cuộc đối thoại với ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) TP HCM xung quanh vấn đề này.

Mại dâm vẫn tồn tại

PV: Ông đánh giá như thế nào về tệ nạn mại mại dâm ở TP HCM hiện nay?

Ông Lê Văn Quý: Tệ nạn mại dâm (TNMD) trên địa bàn TP HCM đang diễn biến khá phức tạp, hoạt động mua bán dâm diễn ra không chỉ bằng hành vi giao cấu giữa kẻ mua và người bán tại khách sạn hoặc nơi ăn chơi thác loạn tại một số nhà hàng, vũ trường, karaoke… mà phổ biến là các hành vi khiêu dâm, kích dục tại các điểm từ bình dân đến cao cấp; núp bóng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán cà phê, tiệm hớt tóc gội đầu, cơ sở chăm sóc sức khỏe như xông hơi, xoa bóp, y học cổ truyền day ấn huyệt, cạo gió giác hơi, spa chăm sóc sức khỏe...

Đặc biệt, trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều đường dây mại dâm “gái gọi hạng sang” với những người xưng danh là diễn viên, người mẫu tham gia bán dâm với giá hàng nghìn USD. Hoạt động mại dâm nam, mại dâm trong nhóm đồng tính nam, mại dâm có yếu tố nước ngoài và xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm ngày càng gia tăng.

Ông Lê Văn Quý, Phó chi cục PCTNXH TP HCM

Các đường dây mại dâm thông qua Internet mang tính chất xuyên quốc gia (còn gọi sextour) đang hình thành ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, mại dâm tại nơi công cộng, hoạt động lưu động bằng xe máy trên đường phố đã và đang tác động xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hộị, gây bức xúc trong dư luận.

Qua kiểm tra, hiện tại trên địa bàn có ít nhất 15.000 nữ bán dâm đang hoạt động. Toàn TP có khoảng 30.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, trong  đó có 950 khách sạn, 850 nhà nghỉ, 708 nhà trọ, 1.630 quán ăn, 28 vũ trường, 739 karaoke, hơn 7.000 quán cà phê giải khát, 336 cơ sở massage và 760 tiệm cắt tóc gội đầu nam nữ, khoảng 50 chủ chứa, 85 đối tượng dẫn dắt hoạt động mại dâm, 3.500 gái mại dâm đang hoạt động.

PV: Là đơn vị quản lý trực tiếp, Chi cục PCTNXH đã có giải pháp gì để kéo giảm tình trạng này?

Ông Lê Văn Quý: Trong hội thảo mới đây bàn về tình hình mại dâm và các giải pháp quản lý, giúp đỡ người bán dâm trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2013-2015, chúng tôi đã có đề xuất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP có tham mưu cho UBND TP kiến nghị với Trung ương cho phép TP quy hoạch vùng tập trung các ngành nhạy cảm để giúp việc quản lý mại dâm được dễ hơn.

Tuy nhiên đây cũng mới chỉ là ý kiến đề nghị, cần được trình lên UBND TP và Trung ương phê duyệt. Hiện Sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp phụ nữ và Ủy ban Phòng chống AIDS TP HCM đang thí điểm mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các chị có nhu cầu hoàn lương. Mô hình này không bắt buộc người bán dâm ngay tức khắc bỏ bán dâm, nhưng phải giảm tần suất bán dâm để đầu tư học nghề nghiêm túc và hướng đến việc kiếm sống bằng nghề được học.

Đến nay mô hình này đã hỗ trợ 21 chị học các nghề cắt tóc, trang điểm, làm móng, nấu ăn... Ngoài ra còn kết hợp hỗ trợ tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng kinh doanh và chăm sóc y tế.

PV: Kiến nghị trên chắc chắn sẽ không được chấp nhận vậy hướng đi tiếp theo của thành phố trong vấn đề quản lý tệ nạn mại dâm là gì?

Ông Lê Văn Quý:  Là đơn vị quản lý trực tiếp về vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện công tác thanh kiểm tra tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn thành phố. Qua đó sẽ có cái nhìn rõ hơn về tình hình thực tế của hoạt động này, chú trọng việc sâu sát từng địa bàn trọng điểm để nhằm kéo giảm sự gia tăng của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Bởi đây là tiền đề nảy sinh hoạt động mại dâm.

Song song với việc kiểm tra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở từng địa bàn để giúp các chị em sau khi trở về địa phương phải ý thức được việc bảo vệ sức khỏe của mình cũng như của cộng đồng.

Một mặt chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chị em sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng có công ăn việc làm phù hợp với khả năng của họ. Kêu gọi xã hội cùng chung tay giúp đỡ chị em tái hòa nhập cộng đồng. 

Phố đèn đỏ Pigalle – Paris, Pháp

PV: Việc đưa ra kiến nghị tập trung các hoạt động dịch vụ “nhạy cảm” để giúp việc quản lý mại dâm rất dễ bị xem như là việc lập “phố đèn đỏ” ở TP, ông nghĩ sao về việc này?

Ông Lê văn Quý: Chúng tôi không hề có ý định kiến nghị TP thành lập “phố đèn đỏ”. Trên thực tế, trước tình hình tệ nạn mại dâm đang có chiều hướng trỗi dậy, trong hội thảo mới đây bàn về tình hình mại dâm và các giải pháp quản lý, giúp đỡ người bán dâm trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2013-2015, Chi cục có đề xuất với Sở LĐ-TB&XH TP có tham mưu cho UBND TP kiến nghị với Trung ương cho phép TP quy hoạch vùng tập trung các ngành nhạy cảm.

Việc quy hoạch tập trung các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về một khu vực là để quản lý chặt chẽ người bán dâm, đồng thời kết hợp đồng bộ các giải pháp hỗ trợ dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe phòng ngừa giảm tác hại… nhằm góp phần ngăn chặn TNMD hoạt động tràn lan ngoài cộng đồng chứ không phải là thành lập phố đèn đỏ như các nước.

Ngoài việc kiến nghị quy hoạch vùng tập trung các ngành nhạy cảm thì chúng tôi còn kiến nghị bổ sung các quy định xử lý các hành vi chứa chấp, sử dụng phương thức khiêu dâm, kích dục tại cơ sở kinh doanh dịch vụ quy định xử lý mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm có yếu tố nước ngoài và các chế tài để bảo đảm việc thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, đề nghị cho TP được thí điểm thành lập trung tâm công tác xã hội để giáo dục, hỗ trợ người bán dâm về mặt tâm lý, tư vấn, tham vấn giúp đỡ họ nhận thức một cách đúng đắn về những hành vi, vi phạm thuần phong mỹ tục để từng bước rèn luyện, tránh tái phạm. Trung tâm này cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp họ an tâm, ổn định cuộc sống.

PV: Vậy nếu theo phương án trên thì quy hoạch quản lý của thành phố cụ thể sẽ như thế nào?

Ông Lê Văn Quý: Tất nhiên, việc kiến nghị quy hoạch vùng tập trung các ngành nghề nhạy cảm ở TP HCM sau khi được trình phải được Trung ương cho phép mới có thể thực hiện, thành phố chỉ đang xin phép về mặt chủ trương. Nếu được đồng ý thì còn phải thành lập một đề án cụ thể, UBND TP sẽ chủ trì với sự phối hợp của rất nhiều các ban, ngành từ Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Công an TP...

Để thực hiện quy hoạch không phải là vấn đề có thể hoàn thành trong vài tháng hoặc vài năm, mà phải có lộ trình cụ thể, chia thành nhiều giai đoạn. Có thể chọn một vài địa bàn là những khu vực tương đối tách biệt với trung tâm để quy hoạch. Tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường, nhà hàng, nhà nghỉ, spa... sẽ được tập trung về đây. Những người có nhu cầu vui chơi, giải trí cho bớt căng thẳng trong công việc có thể đến đây với đầy đủ dịch vụ.

Phố đèn đỏ Amsterdam – Hà Lan

Theo đó tất cả tiếp viên nữ làm việc trong khu vực này phải có hợp đồng lao động quy định mức lương cụ thể với chủ cơ sở, tham gia bảo hiểm y tế... Trên thực tế, hiện nay nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm cũng có hợp đồng, nhưng chủ yếu là để đối phó, che mắt cơ quan chức năng, các nhân viên nữ vẫn sống bằng thu nhập từ tiền bo của khách.

Ngoài ra, các nhân viên nữ hoạt động trong khu vực này phải được thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để bảo đảm không lây lan bệnh cho người khác. Nếu kiến nghị được chấp nhận thì nó được xem như là việc thí điểm trong công tác quản lý tệ nạn mại dâm. Vì vậy nên trong quá trình thực hiện sẽ rút kinh nghiệm và có sửa đổi nhiều điểm cho phù hợp với thực tế tình hình.

Khó xác định số lượng gái mại dâm đang hoạt động

PV:  Vậy vấn đề khó khăn nhất trong việc quản lý tệ nạn mại dâm hiện nay trên địa bàn thành phố là gì?

Ông Lê Văn Quý: Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc giúp đỡ gái mại dâm tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, trong số những người sắp được thả có tới 8% bị nhiễm HIV, gây nguy cơ lây lan căn bệnh thế kỷ cho xã hội. Nếu như trước đây, nguyên nhân dẫn đến việc lây lan HIV chủ yếu qua đường tiêm chích ma túy thì hiện nay, mại dâm lại là nguyên nhân chính của căn bệnh này.

Vì vậy phải có những biện pháp để đưa những gái bán dâm có bệnh vào cơ sở chữa bệnh, người không nơi nương tựa vào cơ sở bảo trợ xã hội, xem các trung tâm như nhà tạm lánh, giúp chữa bệnh và tạo công ăn việc làm tại chỗ để người ta tự nuôi sống bản thân, tương tự như xử lý người lang thang, cơ nhỡ.

Bên cạnh đó thì phải tuyên truyền, tư vấn để người bán dâm biết nếu họ mắc bệnh và tự nguyện đi chữa bệnh thì họ sẽ được đưa vào các Trung tâm. Thời gian chữa bệnh thì sẽ quy định tối thiểu theo phác đồ điều trị của ngành y tế.

Phố đèn đỏ Patpong – Bangkok, Thái Lan

Một vấn đề khác là hiện nay là đa số gái mại dâm sau khi trở về địa phương có trình độ học vấn rất thấp, nếu muốn đào tạo lại cho lực lượng này thì cần kinh phí rất lớn. Trong khi đó chưa có quy định về việc hỗ trợ gái mại dâm trở về địa phương nên rất khó khăn để các chị em tìm kiếm được việc làm hợp lý. Dẫn đến có không ít chị em tái tham gia trở lại hoạt động mại dâm.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều gái mại dâm từ các nơi đổ về TP HCM hoạt động khiến công tác quản lý của chính quyền và các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn vì không nắm bắt được con số cụ thể. Điều đáng chú ý là hiện nay tình trạng gái mại dâm ở các tỉnh đổ dồn về TP HCM hoạt động ngày càng nhiều, chính việc di chuyển hoạt động này đã khiến công tác quản lý tệ nạn này ở các địa phương rất khó khăn.

Nếu bây giờ để nói chính xác số lượng gái mại dâm hoạt động trên địa bàn thì chỉ có thể ước lượng, chứ không thể có con số chính thức, bởi rất nhiều gái mại dâm là từ tỉnh khác đến hoạt động rồi trở về lại địa phương của họ, chứ không cố định một nơi.

Một vấn đề khác nữa là khó khăn về nguồn kinh phí, hiện nay vấn đề này không chỉ cản trở các địa phương mà còn cản trở các cơ quan chức năng. Ví dụ trong tình hình TNMD hoạt động tinh vi như hiện nay với các loại hình sextour, gái gọi cao cấp thì rất khó phát hiện được. Nếu lực lượng chức năng muốn điều tra ra thì phải cần nguồn kinh phí khá lớn để xâm nhập vào các đường dây này.

Trong khi đó, kinh phí cho hoạt động điều tra này hiện nay là rất ít, vì vậy dù biết có rất nhiều đường dây mại dâm cao cấp hoạt động trên địa bàn nhưng chúng ta hầu như không có đủ tiềm lực để điều tra, phát hiện được. Đến nay, mới chỉ có vài vụ mại dâm cao cấp đếm trên đầu ngón tay mới được phát hiện.

PV: Việc kiến nghị tập trung những cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về một mối có thể sẽ ảnh hưởng đến người dân tại những địa phương này và hoạt động kinh doanh của các cơ sở, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Lê Văn Quý: Như đã nói ở trên, hiện nay TP có hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm. Trong đó tập trung tại một số khu vực trọng điểm như tuyến Ngô Văn Năm, Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Nguyễn Phi Khanh, Đông Du (quận 1); đường Nguyễn Trãi, Lê Hồng Phong (quận 5); đường D2, D5 (quận Bình Thạnh)... Đây là các địa bàn tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn hoạt động dưới hình thức bia ôm hay quán bar - billard.

Ở các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Sa (quận 1), Tú Xương, Nguyễn Thông, Hai Bà Trưng (quận 3), Nguyễn Chí Thanh, Châu Văn Liêm, Đào Duy Từ, Ngô Quyền (quận 5, 10)… là nơi tập trung của hoạt động mại dâm nơi công cộng. Như vậy có thể thấy rằng, hoạt động các dịch vụ nhạy cảm vốn dĩ đã có địa bàn tập trung tại một số địa bàn trọng điểm.

Phố đèn đỏ Kabukicho – Tokyo, Nhật Bản

Như vậy thì khi đưa về một mối chắc chắn sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các cơ sở này. Mặt khác, khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm đồng ý vào khu vực này thì cũng đã lường được khả năng hoạt động của mình. Nếu cơ sở nào cảm thấy sẽ không có tiềm năng thì chấp nhận ngừng kinh doanh dịch vụ này chuyển sang dịch vụ khác để tránh thua thiệt.

Đây cũng là phương án tích cực trong việc góp phần hạn chế tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm liên tục gia tăng trong những năm gần đây trên địa bàn TP. Chỉ tính riêng trong năm 2012 thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ này đã tăng lên 800 cơ sở so  với  năm 2011.

Về vấn đề lo ngại ảnh hưởng đến người dân thì sẽ không lo bởi điều dĩ nhiên là một khi kiến nghị được chấp nhận thì sẽ phải có đề án cụ thể, khi đó chúng tôi sẽ phải tính tới vấn đề này. Chúng ta sẽ phải quy hoạch làm sao để khu vực này chỉ dành cho các ngành kinh doanh dịch vụ, các đơn vị trường học, bệnh viện, khu dân cư... sẽ không nằm trong khu vực này mà sẽ được di dời đi nơi khác. Đây cũng là phương án nhằm giảm bớt các.

PV: Có ý kiến cho rằng, nên chăng xem mại dâm như là một nghề, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? 

Ông Lê Văn Quý: Chúng ta quy hoạch để tập trung tất cả dịch vụ nhạy cảm về đây cho dễ quản lý, giảm sự lây lan của bệnh AIDS chứ không thừa nhận mại dâm là một nghề.

Tôi xin khẳng định lại như thế, đến nay quan điểm của Việt Nam vẫn không coi mại dâm là một nghề vì mại dâm là sự bóc lột nhân phẩm phụ nữ, thể hiện sự bất bình đẳng giới nghiêm trọng, xâm phạm thuần phong mỹ tục. Hoạt động mại dâm mang lại lợi nhuận rất cao, cũng là nguyên nhân xuất phát của những tệ nạn khác.

Vì vậy, ở khía cạnh luật pháp và phong tục tập quán và truyền thống đạo đức thì không thể coi mại dâm là một nghề hợp pháp. Việc phòng chống mại dâm phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay và những năm tới.

Thùy Trang

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc