Đề xuất khó khả thi

20:13 | 23/11/2017

1,255 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay, tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ) diễn ra khá phổ biến, gây thiệt thòi cho NLĐ. Để khắc phục vấn nạn này, Bộ Tài chính vừa đề xuất phương án cơ quan thuế sẽ thực hiện đồng thời thu thuế và thu tiền đóng BHXH bắt buộc của chủ sử dụng lao động (SDLĐ).   

Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và một số điều chỉnh theo Bộ luật Hình sự bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2018. Trong đó, luật có quy định rất rõ: nếu người SDLĐ trốn đóng BHXH sẽ bị phạt nặng. Cụ thể, người SDLĐ gian dối, dùng thủ đoạn để không đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho người lao động hoặc đóng không đầy đủ từ 6 tháng trở lên, sẽ bị phạt hành chính từ 50 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Quy định mức phạt nặng hơn là thế nhưng không phải DN nào cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Họ vẫn giở trò lách luật, chây ỳ, trốn tránh bằng nhiều thủ đoạn, gây thiệt hại cho Nhà nước và quyền lợi NLĐ. Đã có hàng vạn NLĐ khốn khổ vì khi làm thủ tục nghỉ hưu mới gặp vướng mắc vì chủ DN không đóng BHXH hoặc đóng chưa đầy đủ cho mình. Vì thế mà Bộ Tài chính muốn góp một phần quan trọng, tháo gỡ khó khăn trong việc thu BHXH của các DN.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) của Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp đã có những ý kiến trái chiều.

de xuat kho kha thi

Có ý kiến cho rằng, mục tiêu của đề xuất cơ quan thuế vừa thu thuế vừa thu tiền BHXH là Bộ Tài chính nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và đóng BHXH; cắt giảm và đơn giản hóa TTHC như đơn vị SDLĐ chỉ khai và nộp thuế cùng tiền BHXH tại một cơ quan; giảm thời gian kê khai thuế - BHXH (thực hiện trên cùng một tờ khai); cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thanh tra, kiểm tra việc nộp thuế và BHXH, minh bạch hóa TTHC và phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Để làm được điều này, Bộ Tài chính đưa ra 2 giải pháp: Một là cứ làm như hiện nay, cơ quan thuế và BHXH phối hợp thu BHXH theo quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam. Hai là cơ quan thuế thực hiện thu các khoản BHXH mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị SDLĐ; song cơ quan thuế phải nắm vững nghiệp vụ thu BHXH, tổ chức sắp xếp lại bộ máy 2 cơ quan, số lượng lao động điều chuyển sau khi chuyển đổi mô hình.

Nếu cơ quan thuế thu cả thuế và BHXH bắt buộc của các đơn vị SDLĐ thì sẽ xóa bỏ tình trạng DN trốn đóng bảo hiểm. Một số chuyên gia cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính có thể giúp giảm chi phí quản lý thuế và đầu mối phụ trách vấn đề thuế cũng đơn giản hơn. Còn phía DN cũng có thể tiết kiệm được phần nào chi phí với chính sách thuế và BHXH. Tuy nhiên, cần có thêm thời gian tổng hợp ý kiến các bộ, ngành; đánh giá đầy đủ, trên mọi khía cạnh.

Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính khó khả thi, vì những lý do sau:

Có nhiều điểm khác biệt trong quản lý thu BHXH, vì ngoài thu BHXH bắt buộc, cơ quan BHXH còn phải thu BHYT, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, thu khu vực sự nghiệp công lập; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản… Trong khi đó, cơ quan thuế chỉ quản lý thu BHXH bắt buộc tại DN. Nếu hợp nhất bộ phận thu BHXH về cơ quan thuế, cơ quan BHXH vẫn phải duy trì bộ máy để thu các khoản BHXH khác. Như vậy, cả ngành thuế và ngành BHXH cùng có “bộ phận thu BHXH”, không những không tiết kiệm chi phí, mà còn gây lãng phí hơn, bộ máy cồng kềnh hơn. Khi đó, NLĐ và người dân muốn xác nhận BHXH sẽ phải đến 2 cơ quan, gây lãng phí tiền bạc, công sức của họ.

Hơn nữa, các chuyên gia khẳng định rằng, chỉ có cơ quan BHXH mới theo dõi được lịch sử tham gia BHXH của NLĐ để giải quyết các chế độ (như chế độ hưu trí thì phải khoảng sau 30 năm mới thực hiện). Vì thế, nếu chuyển thu BHXH sang cơ quan thuế thì có thể sau 5 năm đã phải sửa đổi lại.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh, cũng cho rằng: Không thể nào chuyển toàn bộ nhiệm vụ này sang cơ quan thuế thu được. Cải cách là rất tốt, nhưng phải thận trọng, tránh để đưa vào luật rồi khó thực hiện, lại phải sửa.

Linh Trang