Để thợ mỏ không còn “than khó”…

13:42 | 12/09/2017

2,804 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước những khó khăn về điều kiện khai thác hay tính chất khắc nghiệt của nghề, thợ mỏ chưa khi nào hết “than khó”. Nếu không có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời thì Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để đáp ứng nhu cầu tái sản xuất sức lao động cũng như thu hút được lao động làm việc lâu dài với nghề than, TKV đã phải chi trả cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, đời sống của thợ mỏ cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác.

Thợ mỏ hiện nay có mức lương bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng. Riêng thợ lò có mức thu nhập bình quân 10-15 triệu đồng/người/tháng. Cá biệt có những thợ ngày công cao, thợ lò có thể đạt thu nhập 20-30 triệu đồng/người/tháng. Các điều kiện về học nghề, ăn ở, đi lại… của thợ mỏ đều được miễn phí hoàn toàn. Thợ mỏ được sống trong những căn hộ chung cư khang trang, được ăn tự chọn, đời sống văn hóa tinh thần được cải thiện…

de tho mo khong co n than kho
Khai thác tài nguyên than tại Quảng Ninh

Những điều đó thể hiện sự nỗ lực rất lớn của TKV trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Thực tế, khai thác than là một dây chuyền phức tạp, từ thăm dò, thiết kế, đầu tư xây dựng mỏ cho đến khai thác, vận chuyển, chế biến… Thợ mỏ là một nghề vất vả, nặng nhọc và nhiều hiểm nguy, “làm than như quân đội đánh giặc”.

Bao năm qua, lớp lớp thế hệ người thợ mỏ đã cung cấp hàng trăm triệu tấn than cho nền kinh tế. Than là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong nền công nghiệp còn non trẻ của đất nước, đến nay vai trò đó ngày càng được khẳng định.

Cùng với điện lực và dầu khí, than là 1 trong 3 trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Từ đó, hằng năm, Chính phủ và các bộ, ngành đều giao kế hoạch khai thác than trong ngắn hạn và dài hạn cho TKV. Theo quy hoạch cấp than cho ngành điện được Chính phủ phê duyệt, trong 10-20 năm tới, sản lượng khai thác hằng năm của ngành than sẽ lên đến 70-80 triệu tấn, tăng gấp đôi hiện nay.

Căn cứ theo quy hoạch đó, TKV đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng các mỏ than có công suất lớn như Khe Chàm III, Khe Chàm II-IV, Núi Béo, Mạo Khê, Vàng Danh… và liên thông các mỏ lộ thiên để chủ động đầu tư thiết bị lớn như băng tải đá, xe tải trọng tải lên đến hàng trăm tấn... Song song với việc đầu tư cho phát triển dài hạn, hằng năm, TKV còn ký các hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất ngắn hạn.

Khai thác than là một dây chuyền phức tạp, từ thăm dò, thiết kế, đầu tư xây dựng mỏ cho đến khai thác, vận chuyển, chế biến… Thợ mỏ là một nghề vất vả, nặng nhọc và nhiều hiểm nguy, “làm than như quân đội đánh giặc”.

Tuy nhiên, thị trường than đã xuất hiện những cạnh tranh cả trong và ngoài nước. Sản lượng than tồn kho lớn khiến TKV khó cân đối tài chính. Đời sống thợ mỏ gặp nhiều khó khăn. Đứng trước thách thức đó, Tập đoàn đã nhanh nhạy điều tiết linh hoạt, vừa sản xuất bảo đảm than dự trữ cho nền kinh tế khoảng 6-7 triệu tấn, vừa nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ, giữ ổn định sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho gần 11 vạn lao động của ngành than.

Mới đây nhất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra đề xuất giảm mua 2 triệu tấn than của TKV so với kế hoạch, việc mua bán than giữa EVN và TKV đã rơi vào tình trạng căng thẳng. Theo tính toán từ TKV, nếu EVN giảm mua than, sẽ có hàng ngàn công nhân, lao động của Tập đoàn đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Rất mừng, nhờ sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, sự nỗ lực đàm phán, cuối cùng hai bên đã có sự thống nhất về giá bán than. Nếu không, TKV sẽ khó có thể để hoàn thành nhiệm vụ gia tăng sản lượng 2 triệu tấn than trong năm nay do Chính phủ giao.

Hy vọng ngành than luôn nhận được sự hậu thuẫn tích cực từ Chính phủ, các bộ, ngành, tiếp tục tạo nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để ngành than phát triển bền vững.

Minh Châu

  • el-2024