Để tết an lành

07:10 | 31/01/2016

430 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tết Nguyên đán đang đến gần - khoảng thời gian theo “quy luật” thông thường dễ xảy ra dịch bệnh nhất do chuyển mùa Đông - Xuân, tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… làm tăng nguy cơ mắc bệnh… Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo các cơ quan trong ngành như giám đốc ở y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị y tế các ngành... thực hiện tốt công tác bảo đảm y tế để người dân có tết an lành, khỏe mạnh.  

Không để xảy ra dịch bệnh

Đối với dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch, nhất là các bệnh cúm A (H7N9), Ebola, MERS-CoV, bệnh cúm A (H5N1), tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút rota là các bệnh đã trở thành đại dịch và cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Cùng với đó là các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân nhất là dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội và trong thời khắc nghiệt như hiện nay.

de tet an lanh
Số người nhập viện dịp tết Nguyên đán năm 2015 vì đánh nhau, tai nạn giao thông

Đồng thời, với việc phòng chống dịch bệnh trên, để sâu sát xuống từng địa phương cần tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại tuyến xã, huyện, các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch.

Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế cần kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ để phát hiện, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam. Cơ quan kiểm dịch phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành trong việc kiểm tra, giám sát gia cầm, động vật, thực phẩm nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới.

Đồng thời thành lập các đội cơ động phòng chống dịch tại trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh để sẵn sàng đi điều tra, xử lý ổ dịch khi có yêu cầu. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời.

Phân công cán bộ, tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ tết Nguyên đán Bính Thân để theo dõi, nắm tình hình bệnh dịch xảy ra trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị trực và báo cáo tình hình bệnh dịch theo đúng quy định.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ thị, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông ra thị trường trước, trong và sau tết, lễ hội; xử lý kịp thời những vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm đến cộng đồng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý, tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp trong công tác điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra.

Cả 4 cấp trực ứng phó

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo đó, công tác trực sẽ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, xử lý thông tin đường dây nóng; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Xây dựng kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.

Các đơn vị chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra như có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.

Đồng thời, tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh như dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh.

Các đơn vị phải bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Ngoài ra, theo yêu cầu của người đứng đầu Bộ Y tế, các đơn vị tổ chức phải thăm hỏi và đón tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp tết, đặc biệt chú ý người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách. Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã. Thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật…

Trực bán thuốc 24/24

Để phục vụ công tác khám chữa bệnh được hiệu quả, yêu cầu Cục Quản lý Dược chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh lên kế hoạch dự trù thuốc phục vụ phòng bệnh và chữa bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, có chất lượng, giá cả hợp lý; không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt.

Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc khi có yêu cầu phục vụ công tác cấp cứu hoặc phòng chống bệnh dịch, đặc biệt là bệnh dịch tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24 giờ và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu người bệnh trong những ngày nghỉ tết.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh, kiểm tra, chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành và các hành vi đầu cơ, tích trữ ảnh hưởng đến các công tác bình ổn và quản lý giá thuốc dùng cho người.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, trước không khí lạnh tăng cường đang tràn xuống các tỉnh phía Bắc khiến nhiệt độ giảm sâu, đồng thời thời tiết sẽ chuyển mùa Đông - Xuân khi tết đến làm tăng nguy cơ mắc bệnh như viêm đường hô hấp, phổi, cảm cúm, tiêu chảy, sởi, thủy đậu… người dân cần: Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm.

Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi có dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

P.V

Năng lượng Mới 494

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.