Di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu:

Để người dân an cư lạc nghiệp

21:11 | 11/02/2017

893 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ vượt tiến độ 1 năm so với kế hoạch đề ra, làm lợi cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng, công tác di dân tái định cư phục vụ Dự án thi công dự án Thủy điện Lai Châu còn đang góp phần thay đổi mạnh mẽ cuộc sống người dân vùng dự án. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Minh - Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), nơi đặt Nhà máy Thủy điện Lai Châu xung quanh câu chuyện này.  

PV: Trước hết, xin ông đánh giá khái quát về công tác di dân tái định cư phục vụ Dự án Thủy điện Lai Châu trên địa bàn huyện Nậm Nhùn?

Ông Phạm Đức Minh: Phải nói rằng, công tác di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của huyện Nậm Nhùn những năm qua. Toàn huyện đã thực hiện di dân tái định cư trên địa bàn 3 xã và 8 điểm với trên 800 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu phải di dời khỏi vùng lòng hồ. Và đến ngày 30-6-2014, công tác này đã hoàn thành.

Ưu tiên hàng đầu được Nậm Nhùn triển khai là ổn định cơ sở hạ tầng cũng như các công trình thiết yếu như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... để phục vụ nhân dân, đảm bảo cho nhân dân khi đến nơi ở mới có điều kiện hoạt động, thích nghi với điều kiện cuộc sống. Chúng tôi cũng tập trung tổ chức lại sản xuất cho nhân dân, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện cuộc sống của nhân dân trên địa bàn. Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến đất ở và đất sản xuất, đặc biệt là đất sản xuất cho nông nghiệp vì người dân vùng tái định cư Thủy điện Lai Châu chủ yếu sản xuất nông nghiệp.

Để đảm bảo đời sống lâu dài, bền vững cho nhân dân, chúng tôi đã đưa các mô hình cây trồng có chất lượng và năng suất cao, rồi tư vấn, hướng dẫn người dân khai thác hiệu quả tài nguyên rừng trên địa bàn các xã có tái định cư; Tạo điều kiện cho họ có những thương hiệu, những sản phẩm mà khu vực có thể khai thác… Đặc biệt, chúng tôi tạo điều kiện để cho các xã tái định cư có thể hoàn thành đầy đủ các tiêu chí cho xây dựng nông thôn mới. Ví như Mường Mô, chúng tôi đã thực hiện, triển khai và cơ bản đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thông mới. Đời sống của nhân dân cơ bản ổn định, thu nhập cũng ổn định, người dân cũng đã bắt đầu tiếp cận với các điều kiện ở nơi ở mới và phục hồi các bản sắc văn hóa dân tộc, có sự giao lưu chung với các xã lân cận mà không phải tái định cư.

de nguoi dan an cu lac nghiep
Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn Phạm Đức Minh

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về những thay đổi trong cuộc sống đối với các hộ thuộc diện di dân tái định cư?

Ông Phạm Đức Minh: Năm 2013, khi Nậm Nhùn mới thành lập, các xã, bản này chưa được tái định cư thì thu nhập bình quân đầu người tại các xã này rất hạn chế. Lúc đó, toàn huyện, thu nhập bình quân vào khoảng 8 triệu đồng/người/năm. Nhưng nhờ quá trình tổ chức, thực hiện di dân tái định cư và sắp xếp lại hoạt động sản xuất, bố trí lại các điều kiện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các hộ dân tái định cư nói riêng và các hộ dân trên địa bàn huyện nói chung, mức thu nhập bình quân tăng cao qua các năm. Như ở Mường Mô - xã 100% di dân tái định cư - đến nay thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 14 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 6 triệu đồng so với 2013. Đời sống của bà con cũng đã ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Lúc khởi điểm di dân tái định cư thì tỷ lệ hộ nghèo của xã Mường Mô vào khoảng trên 40%, nhưng hiện nay Mường mô chỉ còn khoảng 21%.

PV: Việc di dân tái định cư có gặp khó khăn gì và được tháo gỡ như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Đức Minh: Trong quá trình triển khai công tác tái định cư, ban đầu chúng tôi cũng có những khó khăn. Trước hết, người dân vốn đã sinh sống lâu đời ở nơi ở cũ, tập tục canh tác, văn hóa, các điều khác người ta rất là bịn rịn nên công tác tuyên truyền ban đầu là khá khó khăn. Thứ hai, khi thực hiện công tác tái định cư thì chính sách tái định cư cũng có nhiều bất cập. Thứ nữa là việc thực hiện di dân tái định cư rơi đúng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như trong nước nên đã ảnh hưởng lớn đến giá cả thị trường và đời sống của người dân. Ngoài ra, trong điều kiện là một huyện mới thành lập, quỹ đất sản xuất nông nghiệp rất hạn chế, đất bằng đã ngập nên việc tạo quỹ đất cho nhân dân sản xuất là rất khó khăn.

de nguoi dan an cu lac nghiep
Một góc bản trung tâm của xã Mường Mô

Trước những khó khăn trên, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu và đưa các giải pháp để đưa các cây trồng phù hợp và khai thác hiệu quả tiềm năng vùng lòng hồ. Tới đây, chúng tôi dự kiến đưa mô hình nuôi cá lồng vùng lòng hồ để người dân có thêm thu nhập trên diện tích mặt nước cũng như đưa các thủy cầm vào để đồng bào chăn nuôi.

PV: Thực tế ở một bản của Mường Mô, người dân vẫn còn khó khăn về đất, thiếu nước sản xuất. Thời gian tới, Nậm Nhùn giải quyết thế nào?

Ông Phạm Đức Minh: Về đất sản xuất, chúng tôi đã thanh lý rừng sản xuất (rừng nghèo) để cho nhân dân khai hoang, đầu tư phát triển diện tích lúa nước. Và một phần diện tích đồi núi có khả năng canh tác được các cây trồng có giá trị kinh tế như trồng cây ăn quả, chúng tôi đã cho chuyển đổi. Ở đây, chúng tôi sẽ tạo ra quỹ đất để cho nhân dân sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực cũng như có thu nhập để xóa đói giảm nghèo và cũng là hướng mục tiêu đảm bảo ít nhất mỗi một khẩu phải có khoảng 1.500m2 sản xuất lúa nước 2 vụ.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng như cấp nước, đến nay toàn bộ các điểm tái định cư đã được đầu tư các công trình cấp nước. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, khai thác, việc tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng ở cấp cơ sở, thôn bản là chưa chủ động được, vì vậy có tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Vì vậy, tới đây, chúng tôi sẽ cho rà soát lại, thành lập các tổ trực tiếp ở các thôn bản chứ không phải ở xã để sử dụng nguồn nước này. Như vậy sẽ phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân. Chúng tôi cũng đầu tư các công trình thủy lợi có khả năng phục vụ cho các diện tích ruộng có thể khai hoang được để người dân vừa có nước để sản xuất, vừa có nước phục vụ đời sống.

PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Thủy điện Lai Châu với sự phát triển của huyện Nậm Nhùn?

Ông Phạm Đức Minh: Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia, mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng. Với Nậm Nhùn, việc được sở hữu vùng mặt hồ sẽ tạo điều kiện để cho nhân dân tăng gia sản xuất, phát triển thủy sản; Phát triển thương mại du lịch vùng lòng hồ, tạo công ăn việc làm và thu hút đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện làm du lịch.

Một điều nữa, có Thủy điện Lai Châu cũng là cơ hội để các xã của Nậm Nhùn được bố trí tái định cư và đi cùng với đó là được đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các xã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống lâu dài. Bên cạnh đó, Nậm Nhùn cũng được đầu tư các dự án lớn như các tuyến đường được nâng cấp, kiên cố đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, đi lại của người dân trên địa bàn, cùng với đó là các hoạt động giao thương, buôn bán sẽ phát triển... Đặc biệt, khi thực hiện di dân tái định cư và có Thủy điện Lai Châu, Nậm Nhùn cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, tập trung các nguồn lực cho các xã vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện củng cố và tạo niềm tin trong nhân dân các dân tộc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Ngọc