Để Mường Nhé bình yên

07:00 | 18/07/2015

6,050 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ việc gần 7.000 bà con người Mông bị lôi kéo tụ tập trái phép, gây mất trật tự ở khu vực bản Huổi Khon (xã Nậm Kè, Mường Nhé) năm 2011 đã khép lại. Mường Nhé bây giờ đã bình yên. Việc này cho thấy, công tác phòng, chống phản động, chống âm mưu tôn giáo hóa dân tộc nơi vùng cao biên giới chưa bao giờ và không bao giờ là đơn giản…  

Bí quyết làm giàu của lão nông ở Mường Nhé

Bí quyết làm giàu của lão nông ở Mường Nhé

Nhiều người hỏi về bí quyết làm giàu, tôi bảo, tôi tin vào đôi bàn tay lao động chân chính của mình và làm theo những điều hay mà cán bộ, bộ đội biên phòng phổ biến...

Kỳ 1: Mường Nhé những ngày nóng bỏng

Hồi bé, tôi vẫn nghe người lớn nói ý với nhau rằng, đất Tây Bắc không phải nơi đi cho vui, nói đi là đi ngay được. Có lẽ họ nói đường sá xa xôi, nhỏ bé, vòng vèo và cố gắng lắm đường cái cũng chỉ tới tỉnh lỵ, huyện lỵ. Chứ như Quốc lộ 6 bây giờ, đường đèo Pha Đin mới, rồi Quốc lộ 13 rộng rãi, phẳng phiu. Ngay cả cung đường “huyền thoại” của dân phượt từ thành phố Điện Biên Phủ tới Mường Chà rồi rẽ ngược lên Chà Cang, Mường Nhé, Sín Thầu lên cột mốc số 0 ngã 3 biên giới giờ cũng êm ái. Chắc chỉ còn vài điểm bản là cán bộ vẫn phải cuốc bộ mà thôi, còn cơ bản đường rải nhựa hết rồi, xoàng lắm thì cũng rải đá cấp phối lên tận bản, tận hum…

Để Mường Nhé bình yên
Một góc trung tâm xã Chung Chải, Mường Nhé

Đất Điện Biên rộng lớn, lên đến đây chỗ nào cũng muốn ngó nghiêng, trải nghiệm một chút. Hiểu tâm lý người miền xuôi lần đầu lên đây, nên không phải ngẫu nhiên Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên “tư vấn”: Cậu phải lên Mường Nhé, bởi đơn giản lên đó mới là lên… Điện Biên. Một chuyến xe công vụ cùng các sĩ quan của Phòng Công tác Chính trị làm hướng đạo sinh nhanh chóng đưa chúng tôi vút lên địa điểm của điểm cực Tây của Tổ quốc.

“Trước đây, đến được Mường Nhé, lên A Pa Chải là mơ ước của rất nhiều người vì đi lại cực kỳ khó khăn, gian khổ. Bây giờ, đường sá tốt hơn rất nhiều nhưng cũng mất khoảng 5 tiếng đồng hồ đi từ Điện Biên mới vào tới Mường Nhé. Nếu thời tiết thuận lợi, anh em Công an tỉnh vào làm việc với Mường Nhé phải mất trọn 1 ngày”, Thiếu tá Dương Thành Trung, Đội trưởng Đội Tuyên truyền Phòng Công tác Chính trị thông tin đến chúng tôi.

Mường Nhé là huyện vùng cao nghèo nhất trong 65 huyện nghèo của cả nước. Huyện có 11 xã, trong đó 6 xã biên giới, dân số khoảng hơn 3,5 vạn người với 10 dân tộc anh em, đa số là dân tộc Mông, Thái và Hà Nhì. Nằm ở phía tây bắc của tỉnh Điện Biên, là ngã ba biên giới có đường biên dài 206km giữa Việt Nam với hai nước láng giềng là Lào và Trung Quốc, Mường Nhé có vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh biên giới của tỉnh và quốc gia. Điểm cực Tây của Tổ quốc tại độ cao 1.864m so với mực nước biển là A Pa Chải - Tá Miếu (xã Sín Thầu) lâu nay được biết đến là vùng "1 con gà gáy, cả 3 nước đều nghe thấy" và là 1 trong 2 ngã ba biên giới đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam (ngã ba Đông Dương còn lại thuộc xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum).

Để Mường Nhé bình yên
Lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên nói chuyện với bà con huyện Mường Nhé

Cũng như người “em trai” Nậm Pồ (Nậm Pồ được thành lập trên cơ sở 30% diện tích của Mường Nhé cũ), Mường Nhé chưa có huyện lị. Trung tâm huyện nằm gọn trên địa bàn xã Mường Nhé. Hiện nay, huyện Mường Nhé có 11 xã, xấp xỉ 36 ngàn dân, hơn 60% dân số là dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc. Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng Công an huyện Mường Nhé thì tình trạng tuyên truyền gây mất đoàn kết dân tộc, nghe và tin theo kẻ xấu, rồi xuất nhập cảnh trái phép từng là những vấn đề phức tạp. Vụ tụ tập đông người gây mất trật tự xã hội ở Huổi Khon, xã Nậm Kè tháng 5-2011 là một ví dụ điển hình… Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời các lực lượng chức năng tổ chức bám sát nhân dân, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt nên phức tạp về mặt dân tộc đang tạm được đẩy lui.

Trong các câu chuyện của cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Điện Biên, công tác phòng, chống phản động, chống tôn giáo hóa dân tộc, mà đỉnh điểm là vụ việc tụ tập đông người ở Huổi Khon năm 2011 có lẽ vẫn là “vấn đề” thời sự nóng hổi. Theo Trung tá Mùa A Páo, Đội trưởng Đội An ninh huyện Mường Nhé - cán bộ đang trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống phản động, chống tôn giáo hóa dân tộc, thì từ cuối năm 2003, một số xã biên giới thuộc huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé đã xuất hiện luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý "Mỹ, Vàng Pao sắp đánh Lào và Việt Nam".

Luận điệu trên khiến cho một bộ phận đồng bào dân tộc Mông hoang mang lo sợ, bán tài sản, mua lương khô, đi tìm lá thuốc dự trữ, một số hộ đã may quần áo truyền thống của dân tộc Mông để mặc phòng khi xảy ra… chiến tranh. Cũng trong thời gian này, tình hình di cư tự do vào khu vực biên giới, xuất cảnh trái phép sang Lào diễn ra rất phức tạp. Cá biệt, vào đêm 30-4 và ngày 1 và 2/5/2005 có 9 hộ, 40 người ở bản Huổi Quang 1, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà tụ tập lên núi chờ máy bay của Vàng Pao đón sang Lào tham gia hoạt động phỉ, lập "vương quốc Mông". Cũng từ đó, khái niệm “kêu gọi thành lập” cái gọi là “vương quốc Mông” bắt đầu manh nha xuất hiện ở ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung. Và đáng chú ý hơn, do bị giật dây từ nước ngoài, luận điệu Vương quốc Mông được nhiều nhóm đối tượng ở địa bàn khác nhau âm thầm tiến hành một cách độc lập.

Qua xác minh đã làm rõ, từ đầu năm 2003 có một nhóm gồm 40 đối tượng do Vừ A Nếnh, Vừ Nỏ Xá ở xã Na Sang, huyện Mường Chà cầm đầu đã đi nhiều nơi dạy võ kết hợp với tuyên truyền "vương quốc Mông", lôi kéo người Mông trốn sang Lào tham gia hoạt động phỉ; do bị ảnh hưởng bởi luận điệu tuyên truyền trên đã có một bộ phận người Mông ở 17 xã, 4 huyện (Mường Nhé, Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên Đông) tin, tham gia hoạt động lập "vương quốc Mông". Đẩy mạnh đấu tranh với các đối tượng, ngày 22/6/2007 đã phối hợp bắt quả tang đối tượng Sùng A Sài ở xã Mường Toong, huyện Mường Nhé đang vận chuyển tài liệu tuyên truyền "vương quốc Mông", thu giữ 1 lá cờ "vương quốc Mông", 2 biểu tượng vua Mông và nhiều tài liệu khác có liên quan.

Qua đấu tranh khai thác đã làm rõ Sùng A Sài nằm trong tổ chức “Người Mông yêu thương người Mông” do Vừ A Nếnh cầm đầu; mục đích tập võ là để sang Lào tham gia hoạt động phỉ, lập “Vương quốc Mông”; Sùng A Sài nhận cờ, biểu tượng vua Mông từ đối tượng Mùa Gà Dơ ở bản Huổi Đá, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (theo yêu cầu của Vừ A Nếnh, đối tượng Hờ Chứ người Mông Lào đã chuyển 4 lá cờ “vương quốc Mông” cho Mùa Gà Dơ cất giấu và phân phát cho các đối tượng khác). Khai thác mở rộng Sùng A Sài đã kịp thời phát hiện một số đối tượng trên địa bàn đang tìm cách móc nối với số đối tượng hoạt động lập “vương quốc Mông” ở nước ngoài xin tài trợ tiền, phương tiện và đường hướng hoạt động.

Trong quá trình đấu tranh bóc gỡ, vô hiệu hóa tổ chức phản động “Người Mông yêu thương người Mông”, Công an tỉnh Điện Biên phát hiện nhóm đối tượng do Lý A Dế, Giàng Giả Sân ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà cầm đầu đang có âm mưu, hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, tổ chức đưa người trốn sang Lào tham gia hoạt động phỉ, lập “vương quốc Mông”. Trước tình hình trên, Công an tỉnh chỉ đạo và chủ trì phối hợp với Công an huyện Mường Chà lập kế hoạch tổ chức trinh sát, đón bắt nhóm đối tượng trên khi chúng đang trên đường trốn sang Lào. Kết quả từ ngày 4 đến ngày 6/1/2011 đã phối hợp bắt gọn 2 toán, 21 đối tượng đang trên đường trốn sang Lào tham gia hoạt động phỉ.

Qua đấu tranh bóc gỡ nhóm đối tượng Lý A Dế, Công an tỉnh tiếp tục phát hiện một nhóm đối tượng trên địa bàn đang có ý định gây rối, gây bạo loạn, lập “vương quốc Mông” ngay tại huyện Mường Nhé do đối tượng Tráng A Chớ ở xã Mường Toong, huyện Mường Nhé cầm đầu. Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã xây dựng và chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch đấu tranh bóc gỡ nhóm đối tượng tuyên truyền “xưng, đón vua”, lập “vương quốc Mông" trên địa bàn huyện Mường Nhé. Qua thực hiện kế hoạch đã làm rõ trước đây Tráng A Chớ, Lý A Dế cùng 11 đối tượng khác đã trốn sang Trung Quốc học cách thức hoạt động lập “vương quốc Mông” do một đối tượng người Mông Trung Quốc dạy; nhưng sau khi về Việt Nam do không thống nhất về chủ trương, cách thức hoạt động nên từ tháng 7/2010 nhóm Tráng A Chớ đã tách ra hoạt động riêng.

Nhóm Tráng A Chớ đã hình thành tổ chức phản động với tên gọi “nhóm 7 cánh”. Chúng đã nhiều lần tổ chức họp phân công vai trò, vị trí của từng tên trong tổ chức; soạn thảo chính cương, điều lệ; soạn thảo, lưu hành tài liệu hướng dẫn cách thức tuyên truyền, lôi kéo người tham gia; ráo riết tổ chức huấn luyện quân sự, võ thuật, tuyên truyền luận điệu chiến tranh và dự định tiến hành bạo loạn lập “vương quốc Mông” tại Mường Nhé trong tháng 5/2011. Tuy nhiên, toàn bộ nhóm đối tượng này đã bị bắt giữ trước khi kịp manh động.

Huổi Khon “thời khắc” giông bão

Qua đấu tranh với nhóm đối tượng Tráng A Chớ, các đơn vị nghiệp vụ đã phát hiện nhóm đối tượng Vàng A Ía (nhóm 6 cánh) ở bản Nậm Mỳ, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé cũng có chủ trương tiến hành gây rối, gây bạo loạn, lập “vương quốc Mông” tại Mường Nhé trong tháng 5/2011 bằng hoạt động xưng, đón vua. Chúng lợi dụng mê tín dị đoan, thần quyền giáo lý và điện thoại di động để tuyên truyền lừa bịp, lôi kéo đồng bào Mông từ các nơi kéo về tụ tập tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé để "Xưng vua - lập vương quốc Mông"; đồng thời chúng ráo riết họp bàn phân công vai trò, vị trí của từng tên, tổ chức tập luyện quân sự, mở các lớp hướng dẫn cách thức tuyên truyền, lôi kéo người tham gia; chỉ đạo số đối tượng trong nhóm đẩy mạnh tuyên truyền chiến tranh tâm lý, chuẩn bị vũ khí, lương thực, cờ, biểu trưng, biểu tượng… để phục vụ cho hoạt động gây bạo loạn.

Do bị ảnh hưởng bởi luận điệu tuyên truyền của các đối tượng trên trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2011 đã có một số lượng lớn người Mông từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông… và từ các huyện trong tỉnh di cư vào huyện Mường Nhé; một số hộ gia đình ở các huyện Mường Nhé, Mường Chà bỏ lao động sản xuất, bán tài sản, tích trữ lương thực, đèn pin, xăng dầu, vải bạt để sử dụng khi có… chiến tranh xảy ra. Đặc biệt từ ngày 30/4/2011 đến ngày 6/5/2011, đã có khoảng 7.000 người Mông ồ ạt kéo về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè để tụ tập. Chúng dựng khoảng 300 lều, lán bằng bạt để ở, lập barie tại đầu bản Huổi Khon và bố trí người canh gác chặt chẽ làm cho tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp.

Để Mường Nhé bình yên
Cán bộ công an và bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân

Trước tình hình dân ở các nơi ồ ạt di cư vào Mường Nhé, ngày 16/4/2011 Công an tỉnh đã báo cáo, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức họp các sở, ban, ngành, đoàn thể để thống nhất đánh giá tình hình và đề ra các giải pháp giải quyết tình hình di cư tự do; thành lập các chốt, trạm để kiểm soát, ngăn chặn dân di cư đến, rà soát số dân mới di cư đến để trao trả về nơi ở cũ và phân loại số đối tượng cầm đầu, kích động để đấu tranh xử lý. Đặc biệt, ngày 30/4/2011 khi số lượng người tụ tập về bản Huổi Khon tăng đột biến, Công an tỉnh tiếp tục báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và Tỉnh ủy, UBND tỉnh để xin chủ trương, biện pháp giải quyết; đồng thời phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan đi sâu điều tra xác định đối tượng chủ mưu, cầm đầu, số lượng quần chúng tham gia tụ tập và vũ khí, phương tiện của chúng… để có biện pháp xử lý hiệu quả, triệt để.

Ngày 6/5/2011, các đơn vị liên quan nhanh chóng giải tán vụ tụ tập trái phép tại bản Huổi Khon, vận động nhân dân quay về nơi ở cũ và bắt giữ số đối tượng có hành vi ngoan cố, chống đối. Qua điều tra, khai thác các đối tượng, đồng thời tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh khởi tố vụ án "Phá rối an ninh" bắt, xử lý 9 đối tượng cầm đầu, cốt cán. Tuy nhiên, đối tượng Vàng A Ía, Thào A Lù (Lử) và một số đối tượng cầm đầu đã trốn thoát và sang một số quốc gia ở Đông Nam Á ẩn náu; tại đây chúng tiếp tục tuyên truyền, lôi kéo số tay chân trong nước trốn sang nước ngoài; chỉ đạo số tay chân trên địa bàn chuẩn bị vũ khí, tập luyện võ thuật quân sự để tiếp tục quay về Mường Nhé gây rối, gây bạo loạn khi thời cơ đến.

Những thách thức mới

Từ đầu năm đến nay, người dân di cư từ địa phương khác vào địa bàn Mường Nhé đã tàn phá trái phép gần 480ha rừng để làm nương. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn đã tàn phá trái phép gần 480ha rừng để làm nương. Diện tích rừng bị tàn phá tập trung ở các xã: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Toong, Mường Nhé, Nậm Kè, Quảng Lâm và Nậm Vì. Các đối tượng chủ yếu phá rừng bằng cưa máy vào ban đêm, với số lượng từ 15 đến 20 người, cắt cử người cảnh giới, khi phát hiện thì sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ. Mặc dù các lực lượng chức năng đã bắt được một số đối tượng vi phạm nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, do các đối tượng khai báo bằng tên và địa chỉ giả, vì di cư tự do chưa có hộ khẩu thường trú, lai lịch không rõ ràng. Chính vì vậy, huyện Mường Nhé mới chỉ xử lý được gần 30%, trong tổng số 157 vụ chặt phá rừng từ đầu năm đến nay.

Để Mường Nhé bình yên
Danh sách đối tượng cầm đầu vụ việc Huổi Khon năm 2011

Trước thực trạng trên, nếu Điện Biên không có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn kịp thời thì hàng chục nghìn ha rừng, trong đó có cả rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé sẽ còn tiếp tục bị xâm hại. Đó là sự tiềm ẩn nguy cơ vô cùng lớn với cộng đồng dưới hạ nguồn trong bối cảnh diễn biến thay đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

“Mường Nhé đợt này được Nhà nước đầu tư, cơ sở vật chất đẹp lắm rồi" - Đại tá Trường nói như khoe… Cách đây 3 năm, huyện bắt đầu tập trung mở rộng diện tích trồng cao su, những quả đồi trọc lóc, phơi bột đất đỏ au. Và kết quả là bây giờ cả tuyến đường từ Điện Biên vào trung tâm huyện, lởm chởm đất đá ổ gà, ổ voi… nhìn đâu cũng thấy rừng cao su đã xòe tán rộng… Tôi cảm nhận một điều, dẫu người dân nơi đây chưa hết đói nghèo, song đã có phần khởi sắc…

Ngay cả công tác an sinh xã hội của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng dành cho Mường Nhé nói riêng, và tỉnh Điện Biên, Lai Châu những sự giúp đỡ hết sức cụ thể. Ngoài Trạm quân dân y kết hợp ở Sín Thầu (nằm cạnh Đồn biên phòng A Pa Chải) do các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) xây tặng, từ 2012, hằng năm Công đoàn Dầu khí Việt Nam làm đầu mối, phối hợp cùng Báo Năng lượng Mới tặng hàng nghìn tấm chăn ấm, quần áo, tiền cho các đối tượng chính sách và bà con nghèo.

(Xem tiếp kỳ sau)

Lê Tùng

Năng lượng Mới số 439

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps