Để lễ hội bớt đi những chuyện không đẹp

07:00 | 10/02/2017

1,037 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến hẹn lại lên, tết Nguyên đán qua là đến mùa lễ hội. Nhưng cũng đến hẹn lại lên, mùa lễ hội lại cộm lên nhiều điều bức xúc. Những chuyện không đẹp vẫn còn dai dẳng tiếp diễn. Làm sao để bớt đi những điều này?

Trong tiết xuân, đất trời vạn vật bắt đầu một chu kỳ thời gian, ai cũng hồ hởi muốn hành hương cầu mong may mắn, hanh thông cho cả năm làm việc tiếp theo của mình, của gia đình. Tâm nguyện tốt đẹp và chính đáng đó là nhu cầu văn hóa - tâm linh của xã hội, được ủng hộ và định hướng để ngày càng tốt hơn, đẹp hơn. Nhưng nói đến những mùa lễ hội lễ gần đây, hai từ được nhắc đến nhiều nhất vẫn là chặt chém và hỗn loạn.

Giá gửi một xe ôtô 200-300 nghìn đồng trong đêm chợ Viềng (năm 2016 còn lên đến 350 nghìn đồng một xe). Phải chi tới 40-50 nghìn đồng cho một cái xúc xích nướng ở chùa Hương làm cho người ăn nó phải bấm bụng “ngậm bồ hòn làm ngọt” nếu không muốn gặp rắc rối với chủ hàng bặm trợn. Đó là chưa kể đến nhiều dịch vụ “ăn theo” khác cũng là “máy chém” du khách trong mùa lễ hội: dịch vụ, phòng nghỉ, chiếu và thậm chí cả ghế ngồi tạm (!)... Chuyện phổ biến hơn, chẳng cần báo chí đưa tin mà ai cũng biết, ở khu vực công cộng nào cũng có thể gặp là cảnh “loạn” phí.

de le hoi bot di nhung chuyen khong dep

Ở Hà Nội, quanh hồ Gươm, cần phải chi 20, thậm chí 50 nghìn đồng để gửi một chiếc xe máy nếu muốn ung dung tản bộ. “Giá sàn” tối thiểu 100 nghìn và có thể tăng cao hơn nhiều nếu gửi một chiếc ôtô. Đáp lại những lời chất vấn gay gắt của đương sự và cả của cơ quan chức năng trong những trường hợp bắt chẹt và bán cắt cổ là thái độ bất hợp tác và lời giải thích “cùn”: Tết nên đắt (!). Vẫn biết và thông cảm vì trong những ngày tết và cả sau tết, khi mọi người nghỉ ngơi vui xuân thì những người làm dịch vụ không được nghỉ mà còn phải làm việc vất vả hơn, giá cả thực phẩm cũng tăng cao hơn ngày thường. Nhưng bán hàng với giá “ở trên trời” rồi đổ tại cho tết là một thủ đoạn kinh doanh bất lương cần lên án và cần thiết phải có sự can thiệp mạnh tay của các cơ quan quản lý.

Nhưng “loạn” giá, “loạn” phí ở khắp mọi điểm công cộng mới chỉ gây ra khó chịu, bức xúc. Những cảnh hỗn loạn đầy bạo lực ở một số lễ hội còn khiến người ta kinh sợ hơn nhiều. Những đám thanh niên lao vào nhau để cướp sạch hoa tre trên kiệu trong lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Đám đông dẫm đạp nhau để mỗi người giành giật bằng được cho mình một cái gọi là “lộc” ở sân chùa Hương trong ngày khai hội. Tranh ấn, cướp “lộc” vẫn diễn ra hằng năm trong đêm khai ấn ở đền Trần (Nam Định)... Những màn bạo lực hỗn loạn đó làm cho những người điềm đạm thuộc thế hệ trước chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Mối lợi lớn thu được từ niềm tin biến thái bị đẩy đi quá xa của đám đông với ấn đền Trần còn kích hoạt cho “dịch khai ấn” lan tràn ở nhiều nơi, v.v...

Không phải những người có trách nhiệm tổ chức lễ hội không nhận ra những bất cập nhưng những sự nhếch nhác và lộn xộn, mất mỹ quan và mất an toàn vẫn cứ diễn ra. Nguyên nhân có lẽ nằm ở mặt khác của vấn đề. Đã tổ chức lễ hội, ban tổ chức nào cũng muốn càng đông người dự càng tốt. Lượng người đến đông sẽ tăng “lượng thu”, lợi nhuận từ lễ hội sẽ tăng lên. Đây là nguồn cám dỗ khó cưỡng lại với nhiều người “làm” lễ hội. Họ bất chấp sức chứa của không gian diễn ra lễ hội, bất chấp khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng dịch vụ, không tính đến năng lực điều hành yếu kém của những người tổ chức không chuyên nghiệp v.v... tất cả chỉ để thu lợi dưới một danh nghĩa màu mè. Khái niệm đã bị đánh tráo. Cụm từ thường được nhắc lại nhiều lần khi tổ chức lễ hội là “xã hội hóa lễ hội” nhưng thực ra họ đã “thương mại hóa lễ hội” một cách không thương tiếc. Nhiều địa phương thậm chí còn tỏ ra rất “sáng tạo” để lách luật. Huyện Phúc Thọ (Hà Nội) muốn “tổ chức Thi trâu kéo khỏe” chứ không phải “chọi trâu” (!) - như bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã nêu trong một hội nghị tổng kết về lễ hội được Bộ tổ chức gần đây.

Với nhiều cố gắng, sang năm Đinh Dậu 2017, bức tranh lễ hội cũng đã có những “chuyển động” theo hướng trật tự hơn. Một số nghi lễ gây nhiều tranh cãi, mang những hình ảnh không đẹp đã được điều chỉnh: Hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đã không còn nghi lễ chém lợn giữa thanh thiên bạch nhật ở sân đình. Hội “Đả cầu cướp phết” ở Bản Giản (Vĩnh Phúc) không còn cảnh tranh cướp quả phết đến sứt đầu mẻ trán như những năm trước mà đã tổ chức rước phết và kiệu một cách trang trọng.

Nhiều Hội chọi trâu biến tướng (không hề có trong truyền thống địa phương) để bán thịt giá cao đã bị ngành văn hóa chính thức yêu cầu không tổ chức v.v… Nhưng, những nỗ lực như vậy chưa thể coi là đủ. Vẫn cần sự theo dõi, quản lý chặt chẽ thường xuyên và sự điều chỉnh kịp thời và hiệu quả bằng những chế tài đủ sức răn đe nếu cần thiết. Vẫn cần những phương thức, cách làm mới để từng bước đưa nhận thức và hành vi thực hành lễ hội trở về với những điều hay, điều đẹp vốn từng có trong bản chất.

Một khía cạnh khác cần quan tâm là việc nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng về cái thiêng. TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, cho rằng: “Lỗi nằm ở sự thiếu giáo dục về cái thiêng - tôn giáo cho thế hệ trẻ của người già, người nghiên cứu. Có thể nhận xét thế này: khi niềm tin hỗn loạn thì hành vi lệch chuẩn”. Khi nhận thức đã được nâng cao, niềm tin đã đúng đắn, mỗi người dự lễ hội sẽ điều chỉnh hành vi của mình theo hướng thiện.

Thiên Phương