Để hài “sạch” và văn minh

07:17 | 07/05/2017

1,490 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đài Truyền hình Vĩnh Long đã đi tiên phong trong cuộc “thanh trừng” hài nhảm bằng cách “cấm sóng” đối với nghệ sĩ Trấn Thành. Tuy nhiên, việc giảm thiểu hài tục, hài nhảm trên sóng truyền hình không chỉ là trách nhiệm của nghệ sĩ, mà còn cần sự góp sức chung tay của chính nhà sản xuất và cả khán giả. 

Lạm phát hài nhảm

Chiều 25-4, Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long tuyên bố “cấm cửa” Trấn Thành trên sóng nhà đài, đồng thời thay đổi vị trí giám khảo của Trấn Thành sang Thanh Bạch trong chương trình thực tế “Tuyệt đỉnh song ca nhí”. Theo Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long, chương trình này đào tạo các bé nhưng nhà đài cảm thấy vị trí huấn luyện viên của Trấn Thành không thích hợp. Dư luận đánh giá động thái này của Đài Truyền hình Vĩnh Long nhằm hạn chế hài nhảm, hài tục trong các chương trình được phát sóng.

Trả lời báo chí, Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long Lê Quang Nguyên cho rằng, thời gian qua Trấn Thành liên tục có thể hiện không đẹp. Mở đầu từ việc trích đoạn vở “Tô Ánh Nguyệt remix” mà cây hài biểu diễn cho một trung tâm hải ngoại bị chỉ trích là thô tục, bóp méo phiên bản gốc. Sau đó Trấn Thành liên tục bị chê “cười nhạt”, “làm hài nhảm” hay “bới đời tư đồng nghiệp gây cười” trong các show thực tế, đặc biệt trong chương trình “Thách thức danh hài”, anh bị cho là đã cười khó hiểu suốt cả 5 vòng thi dù khán giả hay các giám khảo khác im lặng.

Giữa những ồn ào mà Trấn Thành là tâm điểm, anh đã có phản ứng: “Nếu quý vị cảm thấy chương trình nào nhảm nhí, hãy tắt tivi”. Phát ngôn này cũng khiến lãnh đạo Đài Vĩnh Long không hài lòng và cho rằng: “Tôi không lấy lý do rating hay khán giả mà để hài nhảm xuất hiện, dù làm chương trình gì thì đồng tiền không thể lấn lướt. Có thể lượng người xem giảm, nhưng cần chấn chỉnh để tác phẩm sạch và văn minh”.

Đây là lần đầu tiên một đài truyền hình có tên tuổi thẳng thắn từ chối khi sự xuất hiện của nghệ sĩ gây ảnh hưởng tới chất lượng chương trình. Thực ra, tại các quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển, việc “cấm sóng” nghệ sĩ có thái độ không đúng mực là không hiếm. Nhóm nhạc trẻ Block B bị các đài truyền hình ở Hàn Quốc cấm lên sóng khi có những phát ngôn đùa cợt quá trớn về các nạn nhân bị lũ lụt tại Thái Lan. Hay cặp vợ chồng Natalia Kills và Willy Moon, trên sóng chương trình “X - Factor New Zealand” đã có những lời lẽ xúc phạm đến một thí sinh, đã bị sa thải ngay lập tức và phải rời bỏ đất nước để trốn tránh những chỉ trích của dư luận.

de hai sach va van minh
Nghệ sĩ Trấn Thành (giả gái) trong vở diễn “Tô Ánh Nguyệt remix” từng bị xử phạt 32 triệu do diễn phản cảm

Hài kịch Việt Nam nói chung và hài kịch phía Nam nói riêng đã từng có thời hoàng kim với 28 nhóm hài hoạt động liên tục, những tên tuổi nghệ sĩ như Bảo Quốc, Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân... và sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt sân khấu kịch nói. Thời ấy, các nghệ sĩ kỳ cựu cẩn trọng từng câu chữ, từng lời thoại, từng hành động trên sân khấu, để cái hài họ truyền tải dân dã nhưng không dễ dãi, không thô tục, khiến hài kịch trở thành thế mạnh của sân khấu phía Nam.

Tuy nhiên, tất cả đã bị thay đổi khi truyền hình thực tế xuất hiện. Khán giả không mất tiền để xem hài, họ cũng dễ dãi hơn với những chiêu chọc cười của các nghệ sĩ, đôi khi họ còn chấp nhận sự lố lăng, những câu chuyện đời tư, giả gái, răng vẩu, nói ngọng, thậm chí là văng tục trên sân khấu.

Sự “xuống dốc” của hài kịch, đặc biệt là hài kịch phía Nam đã khiến người trong nghề bức xúc. NSƯT Hữu Châu từng thốt lên: “Khi xem các game show về diễn xuất nhưng tôi thấy người chơi không diễn mà đang giỡn mặt với khán giả truyền hình. Nếu làm giám khảo, tôi phải thỏa thuận với nhà sản xuất, chọn thí sinh này, loại thí sinh kia. Khi thí sinh diễn dở mà mình vẫn khen vì tiền thì ra ngoài tôi làm sao dám dạy ai nữa. Vì vậy tôi không nhận lời làm giám khảo game show. Có những giám khảo đáng học trò tôi, nhận xét của họ rất mắc cười vì vậy tôi tuyệt đối không coi game show. Thà tôi coi thế giới động vật còn thích hơn”.

Đừng đổ lỗi cho diễn viên!

Để hài kịch trở nên lố bịch, nhố nhăng, thậm chí là tục tĩu trong mắt khán giả, lỗi đầu tiên thuộc về chính các nghệ sĩ hài. Những nghệ sĩ trẻ hiện nay rất ít người được đào tạo bài bản về sân khấu, đài từ; sân khấu hiếm kịch bản hay và thiếu kịch bản được đầu tư về chất lượng. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ hiện nay đang chạy show quá nhiều, trở nên “nhẵn mặt” với khán giả nên không có thời gian trau dồi nghề nghiệp hay nghĩ ngợi về tiểu phẩm cho sâu sắc.

Nghệ sĩ hài Xuân Hương phân tích: “Tôi nghĩ thị hiếu của khán giả là do nghệ sĩ hướng, nhưng họ thì cứ trượt dài với những tung hô những ngôi sao này, ngôi sao nọ trong khi chuẩn mực về cái hài, họ lại chưa đạt tới. Lối diễn hài của các diễn viên hiện nay là lối diễn hài không có nội tâm, tính cách nhân vật nên nhân vật đó không có nét riêng, không tạo được hình tượng, mà chỉ là diễn viên lên sân khấu đối đáp với nhau để khán giả cười.

Việc tung hô không đúng chỗ đã tạo ra cho người làm nghề một ảo giác rằng họ đã lên đến đỉnh vinh quang, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, chạm đến nóc của sự nổi tiếng. Với lối suy nghĩ đó, họ lại càng trượt dài thêm. Họ bỏ ngoài tai những lời góp ý, phê bình của những người có trình độ, có tâm huyết, có học thuật!”.

Có nghĩa là, chính khán giả đã tung hô và góp phần nuôi dưỡng hài nhảm thời gian qua bằng sự bằng lòng của chính mình. Bên cạnh đó, việc nội dung chương trình có nhiều yếu tố nhảm nhí nhưng vẫn lên sóng lại không phụ thuộc hoàn toàn vào nghệ sĩ. Trong bất kỳ chương trình truyền hình nào, bộ phận biên tập, kiểm duyệt đều có trách nhiệm kiểm tra, rà soát toàn bộ kịch bản, nội dung, nhân vật để chương trình đảm bảo chất lượng và có sự chọn lọc khi lên sóng. Nếu xuất hiện hài nhảm, hài tục không phù hợp với văn hóa thì nhà đài là đơn vị toàn quyền được cắt bỏ.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) có chia sẻ về vấn đề này: “Việc cấm sóng Trấn Thành cũng chỉ là bước đầu tiên trong việc gạn đục khơi trong cho làng hài kịch. Bởi một mình Trấn Thành không thể làm nên sự nhảm của làng hài. Sóng Đài đã bán - nhà sản xuất đã mua. Câu chuyện bán mua thả nổi từ lâu. Phải nghĩ đến lúc cả 2 bên đều kiếm hàng chục tỉ đồng sau những chương trình từ Trấn Thành mà nhìn vấn đề có ngọn ngành.

Cấm Trấn Thành không sai, là đúng mà chưa có trúng. Giải quyết như vậy với Trấn Thành chỉ là giải quyết cái ngọn của vấn nạn để lọt hài dung tục lên sóng truyền hình. Bởi người giúp Trấn Thành có những tiết mục ấy là nhà đài và các đơn vị sản xuất. Trấn Thành - nhà sản xuất - nhà đài, cả ba bên cùng đồng hành với nhau qua những hợp đồng, thỏa thuận, cùng nhau hưởng lợi từ sự quan tâm của khán giả. Tại sao lại chỉ có một bên bị cấm cửa vì nhảm, còn nhà đài và đơn vị lại vô can, không có trách nhiệm gì khi để cho sự nhảm ấy tồn tại suốt một thời gian dài?

Nếu nhà đài, nhà sản xuất kiểm duyệt chặt về nội dung, không thả nổi thì đâu có cơ hội cho Trấn Thành diễn hài nhảm hay phát ngôn thiếu kiểm soát? Mà việc này xảy ra không chỉ một lần. Trách nhiệm trước tiên phải thuộc về nhà đài, nhà sản xuất”.

Tóm lại, để giải quyết gốc rễ của vấn đề hài nhảm thì cấm sóng nghệ sĩ chưa đủ mà còn phải có sự chấn chỉnh của các nhà sản xuất, các nhà đài. Bản thân các nhà sản xuất, các nhà đài cần phải có sự tôn trọng nhất định đối với khán giả đại chúng, nhà đài cần rating nhưng không có nghĩa bất chấp tất cả để có rating. Chỉ khi nhà đài, nhà sản xuất, danh hài, đạo diễn, biên tập đều phải tôn trọng khán giả thì mới có sự lâu bền và trả lại sự trong sạch cho hài kịch.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.