Để đọc sách tốt hơn

07:00 | 14/09/2015

1,118 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các cụ xưa có câu “Vạn ban giai hạ phẩm - Duy hữu độc thư cao” đề cao việc đọc sách. Nay thì sách trở thành hạ phẩm đến nỗi ngành văn hóa vừa đưa ra một đề án phát triển văn hóa đọc để lấy ý kiến.

de doc sach tot hon

Rộn ràng Ngày sách Việt Nam 2014

Sáng 20/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã chính thức khai mạc "Ngày hội sách và Văn hóa đọc 2014". Đây là hoạt động chính nằm trong chương trình hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4 đầu tiên.

Bỏ qua điều ong tiếng ve về dự toán lên đến 230 tỉ đồng, các chuyên gia đã nhận xét rằng, đề án này rất khó thành công. Bởi lẽ ở một quốc gia đang phát triển, đã phổ cập tiểu học, đang phổ cập trung học cơ sở mà vẫn phải lo đầu tư hình thành thói quen và phát triển nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh phong trào đọc trong xã hội, xây dựng thế hệ đọc tương lai, chú trọng tầng lớp thanh, thiếu niên.

de doc sach tot hon

Các chuyên gia nhận xét, 40 năm nay, hệ thống thư viện nông thôn gần như đóng băng vì không hoạt động… Thế nhưng, theo dự án, kinh phí dành cho thư viện huyện chỉ chiếm khoảng 20% là quên cái gốc. Các chuyên gia thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong quản lý, vận hành hệ thống thư viện huyện là không chuyên nghiệp, biến thư viện thành kho sách. Nhiều thư viện huyện và cả thư viện tỉnh phải đi "ăn nhờ ở đậu" trên đất của các cơ quan khác, cơ sở vật chất yếu kém, nhếch nhác. 40 năm xây dựng hệ thống thư viện trên báo cáo thì cấp nào cũng có nhưng đến bây giờ mới ghi nhận được 30 thư viện trong tổng số 626 thư viện cấp huyện có cơ ngơi riêng. Nhìn lại bước đường phát triển của hệ thống thư viện, tủ sách, phong trào đọc sách cho thấy đây là một bước lùi rất dài so với thời bao cấp. Cái thời sách phải in bằng giấy dó,  thời mà hiệu sách phố huyện là kho tri thức đã giúp cho rất nhiều học sinh nông thôn lớn lên trong trang sách. Nay hiệu sách phố huyện không còn vì đã chuyển đổi thành điểm bán điện thoại di động, nhà hàng, quán xá hoặc siêu thị mini.

Có thể thấy, từ việc mua sách đến việc đọc sách hiện nay đều thiếu sự quan tâm, phối hợp của gia đình, ngành giáo dục, ngành văn hóa để tạo một môi trường văn hóa đọc sách đúng ý nghĩa cho lớp trẻ. Nước ta hiện nay có khoảng 270 triệu bản sách, trừ đi khoảng gần 200 triệu bản sách giáo khoa, còn khoảng 70 triệu bản sách chia cho 90 triệu dân, thì ra con số 0,8 bản sách/người/năm. Tất nhiên, trừ sách giáo khoa thì đây là số sách xuất bản và phát hành chứ không phải con số đọc sách.

Đề án của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đưa ra mục tiêu sau 5 năm sẽ có 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại, có ứng dụng công nghệ thông tin; 50% thư viện cấp huyện có trụ sở độc lập, có kinh phí đảm bảo cho các hoạt động; 30% thư viện thôn, bản có phòng đọc sách; 90% trường phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp có thư viện… Đây là mục tiêu xa vời và không thể thực hiện cho dù đề án được phê duyệt.

Đấy là cái vỏ của thư viện, còn chỉ tiêu về số sách trong hệ thống thư viện công cộng đạt mức bình quân 0,8 bản sách trên mỗi đầu người. Nghĩa là tổng số sách sẽ là 80 triệu cuốn cũng là bất khả thi.

Xem ra đề án của Bộ VH-TT&DL dù có mục tiêu khá rõ ràng nhưng vẫn xa rời thực tế. Những người xây dựng đề án này hình như chưa hề biết đến cách làm tủ sách và vận động đọc sách thành công của ông Nguyễn Quang Thạch. Bàn vấn đề đọc sách mà không nói về Hiệp sĩ Thư viện Nguyễn Quang Thạch, sinh năm 1975 tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, tốt nghiệp Đại học Vinh sẽ là thiếu sót. Ông Thạch vốn là viên chức ở Hà Tĩnh, vì yêu sách đã xin nghỉ việc để xây dựng phong trào "Sách hóa nông thôn". Ông có cách làm khác với đề án của Bộ là xây dựng tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh, tủ sách giáo xứ, tủ sách hậu phương - chiến sĩ, tủ sách nhà trường.

Hoạt động từ năm 2007 đến nay, phong trào "Sách hóa nông thôn" do ông khởi xướng đã thu hút hơn một trăm nghìn người tham gia, xây dựng được 3.800 tủ sách, có mặt tại 25 tỉnh thành. Tại xã An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình sau 4 năm tham gia chương trình "Sách hóa nông thôn", học sinh từ việc đọc chỉ khoảng 0,4 cuốn một năm, giờ đây đã đọc từ 10-20 cuốn mỗi năm.

Ông kể rằng, khi về nông thôn, ông hỏi lũ trẻ: “Có ai biết Yết Kiêu, Dã Tượng là ai không?” thì chúng nhao nhao nói “không, không” rồi với lấy cuốn sách về hai danh tướng này đọc ngấu nghiến. Cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” cũng vậy. Có đứa nhét sách vào bụng, dưới áo để có cảm giác sở hữu. Khi đưa sách về nông thôn, bọn trẻ rất háo hức. Vì trước đó chúng chưa bao giờ có sách. Ở nông thôn đang vô cùng khát sách. Người đàn ông đi bộ xuyên Việt để xin tiền, vận động các dòng họ ở nông thôn lập tủ sách, tại sao không được Bộ VH-TT&DL quan tâm, động viên dù chỉ bằng một tấm giấy khen, một lời tuyên dương. Cần nhân rộng mô hình “xã hội hóa” không cần ngân sách của Hiệp sĩ Thư viện đáng trân trọng này.

 

 

Bảo Dân

Năng lượng Mới 456

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc