Để chính sách vào cuộc sống

07:00 | 28/03/2017

745 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2016, lần đầu tiên sau nhiều năm gần như “giậm chân tại chỗ”, Việt Nam đã tăng 9 bậc trong bảng xếp hạng môi trường cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới. Đây chính là kết quả của những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc xây dựng, triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh (từ năm 2014 đến nay) cũng như Nghị quyết 35 hỗ trợ doanh nghiệp phát triển năm 2016. Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia tại cuộc tọa đàm “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - Hiệu quả và giải pháp”.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu: Cần phản biện, giám sát của doanh nghiệp

de chinh sach vao cuoc song

Thông thường, bất kỳ cuộc cải cách nào đó cũng có 2 câu hỏi cơ bản là làm gì? làm như thế nào? Khi xác định được phương hướng thì tổ chức thực thi, thực hiện ra sao? Chúng ta không nên bàn nhiều về câu hỏi làm gì, làm như thế nào vì Nghị quyết 19 đã trả lời đầy đủ câu hỏi này. Nghị quyết 19 lần này đã xác định 250 giải pháp, có nghĩa là chúng ta có 250 công việc cụ thể để làm nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Không chỉ tính đến biện pháp ngắn hạn là cải thiện trực tiếp chất lượng, Nghị quyết 19 lần này còn tính đến giải pháp dài hạn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Như vậy, về mặt chủ trương, làm gì, chúng ta đã đi đúng hướng và được xác định. Vấn đề chính nằm ở chỗ chúng ta tổ chức thực thi giải pháp, biện pháp đặt ra thế nào?

Qua theo dõi 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 và 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, tôi cho rằng, thách thức lớn nhất của chúng ta là làm thế nào để thực hiện đúng và đủ. Hiện tôi vẫn chưa nhìn thấy việc thực hiện có chuyển biến. Cho đến năm 2017, chúng ta mới đạt được chuyển biến về nhận thức, kết quả đạt được vẫn hạn chế, còn khoảng cách rất lớn so với kỳ vọng của DN và cộng đồng xã hội. Thách thức là như vậy, đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới và nếu cứ duy trì cải cách đều thì không thể có bước tiến, thậm chí còn có bước đi lùi.

Một trong những nội dung của Nghị quyết 19 là rà soát để bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh. Nhưng vấn đề là các bên liên quan sẽ làm thế nào? Khi các bên liên quan không tích cực, phải làm thế nào để bắt họ vào cuộc? Quan sát thực tế của tôi trong thời gian vừa qua cho thấy, bên cạnh các địa phương tích cực cũng vẫn còn nhiều địa phương chưa tích cực. Với các địa phương tích cực, chỉ tích cực thôi chưa đủ mà còn phải có phương thức thực hiện hợp lý.

Những địa phương tích cực thì lại đang xử lý vấn đề một cách rất cơ học. Cụ thể, với mục tiêu như vậy, họ ép cơ học đối với các cơ sở, phòng, ban hoàn thành bằng cách nhanh nhất… Như vậy rất áp lực và tốn kém nhân sự. Tôi cho rằng, về lâu dài Nhà nước phải rút dần và trao lại quyền cho xã hội, đặc biệt là các hiệp hội DN. Hay như tổ chức đối thoại giữa chính quyền và DN cũng vậy, vẫn mang tính hình thức, chưa hiệu quả, nhiều kiến nghị không được xử lý.

Vì vậy, tôi cho rằng, nên giao cho một cơ quan độc lập tổ chức buổi đối thoại. Cơ quan này có trách nhiệm nghiên cứu, tập hợp kiến nghị của DN và cập nhật các giải pháp của chính quyền. Mọi DN có kiến nghị đều được giải quyết như nhau. Còn đối với các địa phương chưa tích cực, không tích cực, cần tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, công bằng trong việc đánh giá hiệu quả của công chức. Có như vậy mới thu hút được những công chức có tâm vào làm việc, tránh tình trạng đặt người không đúng chỗ.

Nhưng xét về lâu dài, chúng ta cần phải có giải pháp làm thế nào để cơ quan Nhà nước không muốn làm nhưng họ buộc phải làm. Điều này phải ở chính các DN và Hiệp hội DN. Hiện nay, vai trò của cộng đồng DN đã tích cực hơn, tiếng nói đã hiệu quả hơn nhưng còn rất xa so với tiềm lực họ có thể đóng góp trong cuộc cải cách. Có thể thấy, hầu hết các cuộc đối thoại giữa DN và chính quyền hiện nay phần lớn bắt đầu từ cơ quan nhà nước, chứ DN chưa thực sự kiến nghị hay yêu cầu phải có cuộc đối thoại.

Tôi thấy hiện nay duy nhất chỉ có VCCI là có 1-2 chỉ số là đánh giá, giám sát quá trình thực thi. Con số này quá ít, cần phải tăng cường vai trò của xã hội để tăng cường phản biện xã hội. Hiện, phản biện của DN còn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp. Ở nước ngoài, bản kiến nghị của DN thường mang tính xây dựng rất cao, là tập hợp ý kiến của nhiều DN về các nhóm vấn đề. Vì vậy, tôi kêu gọi các hiệp hội DN, các địa phương nên tập hợp lại với nhau, hành xử một cách chuyên nghiệp để có sự phản biện tốt.

Các hiệp hội cũng cần có chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 nhưng chương trình của hiệp hội phải ngược lại với các chương trình của cơ quan liên quan, đó là làm sao để giám sát, phản biện, đưa thông tin kịp thời tới cơ quan Nhà nước, buộc cơ quan Nhà nước phải đối thoại và đưa ra những giải pháp cho DN.

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong: Chuẩn quốc gia với thủ tục hành chính

de chinh sach vao cuoc song

Về mục tiêu cải cách, tôi cho rằng, giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn cực kỳ quan trọng bởi thời điểm này đã kế thừa những gì của giai đoạn trước đó, DN đổ vỡ hàng loạt, áp lực hội nhập rất lớn và đặt ra yêu cầu phải quyết liệt cải cách với các mục tiêu cụ thể. Mục tiêu thứ nhất là giảm thiểu gánh nặng cho DN, trong đó giảm thuế, tài chính; chi phí vốn cho DN (lãi suất, điều kiện tiếp cận, yêu cầu thế chấp); thể chế của DN - một gánh nặng tồn tại dai dẳng đối với DN. Mục tiêu thứ hai là hội nhập quốc tế. Và mục tiêu thứ ba và đồng thời cũng là cách làm, đó là chúng ta chuyển từ một nhà nước - nhà đầu tư trở thành một nhà nước kiến tạo, pháp quyền, hành động, liêm chính hỗ trợ cho DN. Chính phủ trong suốt 4 năm qua từ 2011-2016 đều rất nhất quán. Việc đưa ra các Nghị quyết 19 lặp lại 4 lần, Nghị quyết 35, các chỉ thị… tạo điểm nhấn, khác biệt và thể hiện quyết tâm nhất quán.

Về kết quả, rõ ràng các tổ chức trong và ngoài nước đều đánh giá là tốt hơn, tiêu biểu là Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ở góc độ luật, những ghi nhận trong pháp lý được rõ hơn. Người đứng đầu Chính phủ và hệ thống quản lý Nhà nước đã tỏ ra quyết tâm chính trị cao. Do vậy, chưa bao giờ tâm lý hứng khởi và niềm tin đầu tư vào Việt Nam được thể hiện rõ như vậy. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, sự chuyển động trong việc thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 là chưa đồng đều ở các cơ quan Nhà nước. Thực tế ở Hà Nội cho thấy, ở những sở, ngành trực tiếp xử lý đầu vào cho DN thì khả năng bị “kêu” nhiều hơn do mức độ xử lý khó khăn hơn. Còn đối với một số nơi dù chỉ chuyển động ít, thậm chí là không có chuyển động gì nhưng vì không liên quan trực tiếp giải quyết các vấn đề cho DN thì không bị ảnh hưởng gì.

Từ thực tế đó, tôi cho rằng, có 5 vấn đề ảnh hưởng đến xu hướng, tốc độ và kết quả thực tế của những chuyển động về cải cách. Thứ nhất là nội dung yêu cầu và lộ trình hội nhập; Thứ hai là, vai trò của người đứng đầu thực sự quan trọng. Nếu người đứng đầu nghiêm túc và trực tiếp chỉ đạo thì có sự đẩy nhanh trong việc thực hiện; Thứ ba là, xây dựng về quy trình khi được chuẩn hóa, thể chế hóa sẽ đi vào hành động; Thứ tư là, dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin để quản lý dữ liệu thông tin trong tỉnh và trên cả nước; Thứ năm là, vấn đề chế tài. Địa phương nào càng nghiêm túc thì thực hiện càng tốt.

Tôi tin rằng, sắp tới tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 sẽ tiếp tục được lặp lại, thậm chí ở mức độ cao hơn với tinh thần Chính phủ kiến tạo. Do đó, vấn đề làm thế nào để tăng hiệu quả vẫn sẽ phải tiếp tục. Các cấp, ngành, VCCI cần chủ động rà soát lại các văn bản hội nhập để xây dựng và tạo thuận lợi cho DN. Chính phủ cần họp định kỳ và những nội dung của nghị quyết phải được đưa ra để nghe, báo cáo và kịp thời giải quyết cho DN. Bên cạnh đó, xác lập tốt hơn vai trò của người đứng đầu để có răn đe thực sự mạnh mẽ, tạo ra sức ép mạnh cho người thừa hành; đồng thời sẽ lan tỏa tới từng nhân viên thấp nhất. Và chỉ khi nào sự lan tỏa này tới được người cuối cùng thì mới giải quyết được vấn đề. Đồng thời, xây dựng được hệ thống thông tin, tiện cho tiếp cận và chia sẻ thông tin, khiếu nại đơn, kêu cứu của DN và được truyền tải trực tiếp thì những điểm cần phải gỡ sẽ nhận diện rất nhanh.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Thời: Xây dựng “thước đo” hiệu quả cải cách

de chinh sach vao cuoc song

Nghị quyết thảo luận rất hay, không chê được điểm nào. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy thiếu, đó chính là chế tài. Các nghị quyết không ban hành chế tài, mà các nhà soạn thảo mặc định nó ở các văn bản pháp luật. Mà thiếu chế tài là thiếu một thước đo, đánh giá hiệu quả của một DN, một địa phương. Các nhà nghiên cứu nên bổ sung thêm thước đo đánh giá các bộ, ngành. Chính phủ, Đảng cần sử dụng thước đo đó để đánh giá các lãnh đạo. Ở tỉnh, HĐND tỉnh lấy đó làm thước đo đánh giá các sở, ngành như vậy mới hiệu quả.Thực tế ở Thái Nguyên, các DN có tính phản biện cao nên trong quá trình thực hiện, chúng tôi thường xuyên tham gia góp ý, phản biện với tỉnh về những khó khăn của DN, thường xuyên đối thoại với cấp tỉnh. Chúng tôi đề nghị mỗi sở, ngành đối thoại với DN một lần. Mỗi lần có vấn đề nổi cộm ở ngành nào thì giám đốc sở ngồi đối thoại với DN. Do vậy chúng tôi đã giải quyết được một số việc.

Doanh nghiệp giờ phải cạnh tranh nhiều. Bản thân tự DN không muốn lobby thì giờ cũng phải làm. Lỗi do DN tự nguyện, nhưng nếu không tự nguyện thì mọi thứ không suôn sẻ được. Để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thì cần phải có một nghị quyết yêu cầu tự khắc khi cấp trên hô hào thì cấp dưới phải chạy. Tóm lại tôi muốn nhấn mạnh, chế tài trong văn bản ban hành ra cần phải tăng thêm thì mới có tác dụng. Chính vì mục tiêu như vậy, những năm tới, chúng ta cần cơ quan quản lý xây dựng “thước đo” cho các nhiệm vụ, mục tiêu của cải cách, Hiệp hội DN và VCCI sẽ là người “đo” kết quả hoạt động, từ đó sẽ thúc đẩy sự phát triển.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Phượng: Vẫn gặp khó về thủ tục hành chính

de chinh sach vao cuoc song

Thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện rất tốt. Ngay sau khi có nghị quyết, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ DN. Hội nghị đã quyết định thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn cho DN trên địa bàn tỉnh. Lần đầu tiên sau 10 năm hoạt động, Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh được tỉnh tạo điều kiện đến việc giải quyết khó khăn, kiến nghị. Cụ thể, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phải trả lời tất cả những kiến nghị, khó khăn vướng mắc của DN từ hiệp hội bằng văn bản. Đây là điểm rất mới và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN, tránh tình trạng lảng tránh hoặc chỉ trả lời bằng miệng như trước đây. Việc cung cấp các dịch vụ hiện đã thực hiện tốt, các DN đã được tham gia.

Tuy nhiên, DN trên địa bàn còn gặp khó về thủ tục hành chính. Cụ thể, DN phải thực hiện một “chặng đường dài” của những thủ tục. Ví dụ một DN có thủ tục xin đất được chủ tịch tỉnh đồng thuận, mà đây lại là dự án xử lý nước thải và chuyển đổi từ đất công mà cũng mất đến 1 năm dài để thực hiện cấp đất. Chúng ta muốn phát triển DN mà không có đất thì phát triển vào đâu. Nếu để từng DN xin thuê ở địa phương sẽ thành manh mún sau xử lý môi trường rất khó, thậm chí một số dự án giao DN đền bù nhưng nhiều yếu tố dẫn đến việc không thể thực hiện dự án. Vì vậy, chúng tôi rất mong Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương cùng giúp sức cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn sau khi có đơn thì chậm nhất là 3 tháng cơ quan nhà nước cấp huyện có thể có quyết định cho chúng tôi. Nếu có một đơn vị dịch vụ giúp DN làm thủ tục thì tiến trình phát triển DN sẽ nhanh lên. Còn thủ tục hành chính là cả một chuỗi nên dẫn đến chậm trễ cho tiến độ triển khai dự án của DN.

Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Nam Toàn cầu Hoàng Trần Hiếu: Đối thoại với cơ quan Nhà nước

de chinh sach vao cuoc song

Là một DN kinh doanh thực phẩm sạch, chúng tôi đánh giá Nghị quyết 35 của Chính phủ đã mang lại lợi thế cho DN trẻ. Tuy nhiên, đi vào đầu tư cho lĩnh vực này, chúng tôi thấy nảy sinh một số vấn đề về nguồn cung và cầu. Cụ thể, nhu cầu thực phẩm sạch cao, nguồn cung cao nhưng lại tồn tại mức mong muốn. Về phía DN, để cung cấp được thực phẩm sạch, chúng tôi phải đầu tư sản xuất, đầu tư kinh doanh. Về phía người tiêu dùng có thể bỏ nhiều tiền để mua thực phẩm sạch nhưng không có căn cứ để xác định thực phẩm đó sạch và bản thân người nông dân cũng không tự tin để cam kết cung cấp dài hạn thực phẩm sạch bởi làm thực phẩm sạch cần phải đầu tư cao.

Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ cần sự vào cuộc của Chính phủ định hướng, tổ chức giúp DN, nhà sản xuất hay người nông dân sản xuất tập trung, quy mô hơn. Và để làm được điều này, tôi cho rằng, lợi ích, đạo đức và luật pháp và là 3 yếu tố luôn đồng hành và cần đồng bộ với nhau. Hiện nay, thủ tục hành chính đã có thay đổi và đi vào thực tế. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quản lý vĩ mô còn việc thực hiện cụ thể cần có các hiệp hội, tổ chức tiêu dùng. Vậy nên, tôi cho rằng, cần phải chuyển từ việc Nhà nước chủ động đối thoại với DN thành việc đề xuất gặp gỡ của tổ chức nghề nghiệp, DN với cơ quan Nhà nước. Có thể là đối thoại trong phạm vi nhỏ, giúp DN và các hiệp hội DN dễ dàng chia sẻ và đề xuất với cơ quan chức năng. Đặc biệt, để Nghị quyết 35 đi vào đời sống phải chú trọng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu từ phía các hiệp hội và cơ quan Nhà nước. Phải có cơ chế giám sát và kiểm điểm với người đứng đầu các đơn vị này.

Mục tiêu của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP là đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng mức trung bình của các nước ASEAN 4. Cụ thể:

- Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.

- Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày); Thủ tục kết nối cấp, thoát nước xuống còn 7 ngày (giảm 7 ngày); Tiếp cận điện năng không quá 35 ngày; Đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 20 ngày; Thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; Giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày; Thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 30 tháng.

Thanh Ngọc