4 bệnh viện cam kết đổi mới phong cách phục vụ:

Để cam kết không là lời hứa suông!

11:00 | 29/07/2015

714 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
4 bệnh viện (BV) gồm: BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV K và BV Nhi Trung ương vừa ký cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” trước sự chứng kiến của 26 BV. Đây thực sự là một hành động quyết liệt của ngành y tế trong việc chấn chỉnh thái độ của y, bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trước những cam kết này người ta vẫn nghi ngờ về “chất lượng” của lời hứa.  

13 bệnh viện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép

13 bệnh viện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép

Không để bệnh nhân nằm ghép, chấm dứt tình trạng quá tải là cam kết của 13 bệnh viện tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác khám chữa bệnh năm 2014.

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên mà đã nhiều lần, ngành y tế giương cao “ngọn cờ” này để cán bộ, viên chức của ngành y làm theo.

Thế nhưng, vẫn không hiệu quả, mặc dù đã thể hiện dưới nhiều hình thức: Kêu gọi, phát động thành phong trào, vận động, thi đua khen thưởng, tập huấn kỹ năng rồi cả thức tỉnh lương tri bằng lời thề Hypocraf, bằng lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”…

Để cam kết không là lời hứa suông!

4 bệnh viện lớn ở Hà Nội ký cam kết thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh

Điển hình nhất phải nói đến là phong trào “Xin chào, xin lỗi, xin phép… bệnh nhân” mà Bộ Y tế phát động vào ngày 22/4 vừa qua cũng tại một hội nghị giao lưu trực tuyến gồm 700 BV trong cả nước tham gia. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn chỉ đạo: “Nhân viên y tế phải luôn cảm ơn, luôn nhẹ nhàng, luôn thăm hỏi, luôn giúp đỡ bệnh nhân”. Vậy mà kết quả vẫn không như mong muốn cho nên mới dẫn tiếp đến lần ký cam kết đầu tiên của 4 bệnh viện lớn tuyến cuối lớn nhất và cũng là bị phàn nàn nhiều nhất này.

Trong lần ký cam kết của 4 bệnh viện này, người đứng đầu Bộ Y tế thể hiện rõ quyết tâm thay đổi phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân của y, bác sĩ. Tuy nhiên, lãnh đạo một bệnh viện vẫn lo ngại phong trào lần này e rằng chỉ dừng lại ở phong trào, sau đó thoái trào sau khi đã đi qua “đỉnh điểm” mà không trở thành ý thức của nhân viên y tế! Bởi đã bao nhiêu lần kết cục của các phong trào đều vậy.

Vậy vì sao các phong trào, cuộc vận động… của ngành y về chấn chỉnh phong cách, thái độ của y, bác sĩ đều không thành công?

Nhiều người trong ngành cho rằng đó là do tình trạng quá tải bệnh nhân dẫn đến các thầy thuốc phải làm quá sức; Do cơ sở hạ tầng thấp kém gây khó khăn cho y bác sĩ trong quá trình làm việc, do sự mất cân bằng cung - cầu… Tuy nhiên, tất cả đó chỉ là một phần lý do trong số rất nhiều lý do. Đó là chưa nói đến có những lý do trong số ấy chưa hoàn toàn thuyết phục. Như tình trạng quá tải chẳng hạn, không ít bệnh viện hiện nay giữ rịt bệnh nhân không muốn cho họ chuyển viện trong khi khả năng điều trị không đáp ứng được với tình hình thực tế bệnh tình…

Trong khi căn nguyên để dẫn đến yếu kém trong ngành y lại ít được đề cập đến - chính là “chế tài” xử lý những trường hợp vi phạm.

Bởi “chế tài” dành cho các trường hợp vi phạm tuy có nhưng hình thức hoặc chưa đủ mạnh hoặc chưa nghiêm minh. Đây đó vẫn có sự bao che, dung túng theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” khi lãnh đạo các BV kỷ luật những trường hợp vi phạm.

Điển hình nhất như vụ bác sĩ: Nguyễn Văn Nam (Khoa Ngoại) và Nguyễn Quang Đô (Khoa Hồi sức cấp cứu) BV Đa khoa TP Vĩnh Long do chẩn đoán nhầm nên đã mổ dạ dày thành ruột thừa khiến bệnh nhân tử vong mới đây. Vậy mà hình thức kỷ luật của Sở Y tế Vĩnh Long đối với 2 bác sĩ này chỉ là… khiển trách.

Để cam kết không là lời hứa suông!
Chăm sóc bệnh nhân bị ung thư đại tràng

Với hình thức xử lý như vậy không thể ngăn chặn nạn “chẩn đoán nhầm” và đẩy bệnh nhân vào… nguy cơ tử vong oan nếu rơi vào 2 bác sĩ này điều trị. Hình thức kỷ luật ấy không đủ sức răn đe đối với không những người trực tiếp vi phạm mà với cả các nhân viên y tế khác!

Trường hợp 2 bác sĩ ở BV Đa khoa Đồng Hới cũng vậy, sau khi sai sót nhiều trong quá trình gây tê, hút dịch đối với sản phụ trong quá trình mổ đẻ đã khiến thai phụ tử vong, vậy mà hai bác sĩ thực hiện chính cũng chỉ bị… khiển trách.

Với sai sót nghiêm trọng ấy mà y, bác sĩ chỉ bị kỷ luật với hình thức “nhẹ như lông hồng” như vậy thì đối với những vi phạm thuộc về thái độ, ứng xử, còn nhẹ nữa, thậm chí chỉ là “rút kinh nghiệm” vì tâm lý “có chết người đâu” mà phải nói đến chuyện nặng nhẹ trong xử lý! Hơn nữa, chuyện bác sĩ, nhân viên y tế mắng mỏ, quát nạt bệnh nhân là chuyện “nhỏ” ở đâu chẳng có nên kỷ luật thế nào.

Nguyên nhân thứ hai ít được bàn luận sâu đến chính là ý thức của thầy thuốc khi điều trị cho bệnh nhân. Thái độ, ứng xử của hầu hết những người khoác áo blu trắng hiện nay đối với bệnh nhân là ban ơn hơn là ý thức trách nhiệm, phục vụ người bệnh. Họ cho rằng, chữa trị bệnh tật, mang lại sức khỏe cho bệnh nhân là họ đã ra một “ân huệ” cho bệnh nhân được sống. Và vì điều ấy, họ có quyền muốn đối xử với bệnh nhân như thế nào cũng được từ lời nói đến hành động.

Thống kê kết quả cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế trong 6 tháng vừa rồi cho thấy ngay điều này khi những cuộc gọi phản ánh về thái độ, ứng xử của nhân viên y tế có đến 400 cuộc. Mặc dù đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây vẫn chưa phải là con số lý tưởng, vẫn phản ánh tinh thần, thái độ chung của các y, bác sĩ đối với bệnh nhân hiện nay chưa tích cực.

Để thay đổi nhận thức này, các bệnh viện vẫn không đề ra giải pháp, hành động cụ thể nào trong suốt thời gian qua. Trong khi đáng lẽ có thể như BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ cụ thể hóa quy chế: Ai vi phạm về thái độ ứng xử một lần sẽ hạ mức lương, cùng với đó, khoa, phòng có nhân viên như vậy cũng hạ thi đua khen thưởng. Từ lần thứ hai trở đi, hình thức kỷ luật nặng hơn và nặng nhất là nghỉ việc.

Ngay cả lần ký cam kết của 4 bệnh viện tuyến cuối tại miền Bắc vừa rồi cũng như các phát động, vận động phong trào trước, thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ y tế từ ban ơn sang phục vụ vẫn là một giải pháp được bàn luận là nên làm, phải làm, quyết tâm làm nhưng rất tiếc mới chỉ là khẩu hiệu. Còn chủ trương giám sát, “chế tài” xử lý với những người vi phạm quy định đó đặc biệt của các bệnh viện vẫn chỉ được đề cập đến một cách mờ nhạt trong khi có thể coi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu (ngoại trừ “kênh” facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế, đường dây nóng của Bộ).

Vậy thì mong gì kết quả tốt đẹp từ những cuộc phát động, vận động phong trào!

Vẫn biết thay đổi một phong cách, thái độ ứng xử đã tồn tại, trở thành tiềm thức bao lâu nay là một điều khó, không thể ngày một ngày hai mà hiệu quả ngay được. Tuy nhiên, trước khi thực hiện thay đổi đó, đặc biệt là đã trải qua không ít lần thất bại trước đó, phải nhìn nhận, đánh giá một cách thẳng thắn những nguyên nhân đã dẫn đến thất bại để từ đó có thể đề ra những giải pháp, hành động cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Và đặc biệt là phải mạnh mẽ, quyết liệt như lời nói đã thể hiện chứ không thể để cam kết chỉ là hứa suông.

Được biết, kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” lần này được Bộ Y tế đưa ra 8 nội dung cơ bản cần thực hiện, trong đó nhấn mạnh đến việc tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp với người bệnh cho cán bộ y tế và phương châm phục vụ người bệnh: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình. Bệnh nhân về chăm sóc chu đáo”.

Bộ Y tế còn đưa ra bộ tài liệu hướng dẫn các quy tắc, tình huống ứng xử mẫu cho từng chức danh công việc của cán bộ y tế (từ bác sĩ, điều dưỡng đến trông xe, bảo vệ...) ở từng tình huống cụ thể. Ví dụ ở tình huống này người này phải chào, nói thế nào… Ở tình huống kia, người kia phải thể hiện thái độ ra sao, cười như thế nào. Tất nhiên trong tình huống thông báo thông tin xấu về người bệnh thì không thể cười được… Tuy nhiên, cùng với đó, Bộ Y tế cũng đặt ra chữa trị cứu người là mục tiêu hàng đầu.

Tú Anh

Năng lượng Mới 442