Dạy thêm, học thêm xuất hiện sự "ăn chia" không minh bạch

05:00 | 03/11/2012

1,481 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Bộ GD-ĐT đã có quy định cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, gây bức xúc cho nhiều bậc phụ huynh. Trước tình hình đó, vừa qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức một cuộc hội thảo lấy ý kiến của các giáo viên nhằm cải thiện tình trạng dạy thêm, học thêm.

Dạy thêm cấp tiểu học: cấm hay không?

Theo dự thảo Quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội, có một số trường hợp không được dạy thêm, đặc biệt “không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.

Đây là một nội dung được lấy từ Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT, quy định về dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, các nội dung hướng dẫn tiếp theo của dự thảo lại mâu thuẫn với quy định này.

Trong điều 5 của dự thảo có nêu, một trong những hình thức dạy thêm học thêm là: “Nhận quản lý học sinh tiểu học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình”. Thêm vào đó, dự thảo còn quy định: “Học sinh tiểu học không quá 2 tiết/buổi học, không quá 2 buổi/tuần”. Được biết, những nội dung này từng có trong dự thảo Thông tư 17 nhưng đến khi ban hành chính thức thì bị gạch bỏ. Vấn đề này gây nên những luồng ý kiến khác nhau.

Nhiều bất cập trong việc quản lý dạy thêm, học thêm.

 

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, lo ngại nếu quy định cho phép thành lập nhóm trông giữ trẻ sẽ dễ nảy sinh các vấn đề khó quản lý trong quá trình thực hiện. Chỉ nên quy định rõ là cho phép tổ chức các câu lạc bộ dạy các môn năng khiếu, bồi dưỡng nghệ thuật, thể thao, rèn luyện kỹ năng sống để tránh tình trạng dạy thêm, học thêm.

“Tiểu học nên tuyệt đối cấm dạy thêm, nhất là khi Hà Nội đã có gần 80% học sinh ở cấp này được học 2 buổi/ngày”, ông Dũng nói. 

Đồng quan điểm với ông Dũng, bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD-ĐT Hoàn Kiếm cho rằng, chính chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để xử lý những vi phạm trong hoạt động dạy thêm học thêm.

Bà cho biết: “Theo tôi, nên áp dụng chế tài theo Luật viên chức với hình thức xử lý rất quan trọng là hạn chế hoạt động nghề nghiệp. Theo đó, những giáo viên có hình thức ép học sinh đi học thêm, thu tiền cao, dạy không đảm bảo chất lượng thì các cấp quản lý có thể cho tạm dừng giảng dạy với môn học giáo viên đó đảm nhiệm trên lớp”.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng nhu cầu gửi con ngoài giờ học của các bậc phụ huynh rất lớn, bởi nhiều người vẫn còn đi làm. Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng GD-ĐT Gia Lâm, cho hay, hiện huyện Gia Lâm vẫn cho phép các trường được nhận quản lý học sinh ngoài giờ trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Ông cho rằng: “Nhu cầu là có, nếu cấm nhà trường thì phụ huynh sẽ phải gửi con ở nhà cô. Hiện vẫn có những cô sau giờ tan học 16g30 thì có tới hai ca dạy thêm ở nhà hay thuê chỗ dạy. Trong khi ở trường cơ sở vật chất có, quản lý cũng tốt hơn, mức thu cũng chắc chắn là thấp hơn nếu gửi tư nhân”.

Mặc dù vậy, việc quản lý học sinh ngoài giờ học theo nguyện vọng của gia đình cũng phải được coi là một trong những hình thức dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Quy định mức phí dạy thêm, học thêm?

Từ trước đến nay, vấn đề thu chi trong dạy thêm, học thêm cũng là nội dung rất được các bậc phụ huynh quan tâm và thường là một trong những lý do gây nên đơn thư, khiếu kiện từ các phụ huynh.

Theo dự thảo, mức thu tiền học thêm trong hay ngoài nhà trường là do thỏa thuận giữa đơn vị, cá nhân, tập thể tổ chức dạy thêm với cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến  cho rằng, quy định như thế là chung chung và tạo điều kiện để mỗi nơi đưa ra một mức giá theo đòi hỏi chủ quan mà không phải vì chất lượng.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Tây Hồ khẳng định, nếu giáo viên dạy tốt thì có thu đến 500.000 đồng/buổi thì lớp vẫn đông nhưng điều khiến phụ huynh bức xúc là giáo viên dạy không ra gì nhưng lại ép con họ đi học. 

“Chúng tôi đi kiểm tra ở một số trường tiểu học và biết được có nơi thu tiền dạy thêm học thêm tới 700.000 đồng/học sinh”, đại diện Phòng GD-ĐT Hà Đông cho biết.

Cần xem xét và có sự quản lý trong việc thu phí học thêm cấp tiểu học

Bà Nguyễn Thị Hương, Phòng GD-ĐT huyện Từ Liêm cũng cho biết, vì không có quy định cụ thể nào với mức thu từ dạy thêm học thêm nên một số giáo viên dạy tiểu học có thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng trong dịp hè khi thu tới 100.000 đồng/cháu/buổi với một lớp hơn 30 học sinh.

Không chỉ thắc mắc về mức thu dạy thêm học thêm từ phía phụ huynh mà ngay cả giáo viên nhiều trường cũng bức xúc về tỷ lệ chi cho các khâu quản lý hiện nay do hiệu trưởng quyết định. Một giáo viên phản ánh: “Chúng tôi không muốn thu nhiều của học sinh nhưng nhà trường trích về tới 20% tiền dạy thêm học thêm của giáo viên để chi cho khâu quản lý”.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng sở dĩ vừa qua có nhiều khiếu kiện của GV từ các trường là do quản lý không tốt, “ăn chia” không minh bạch. Vì vậy, ông Dũng đề xuất: “Nên tính toán công lao động của GV và đưa ra một mức trần tối đa học phí là bao nhiêu, trong đó quy định rõ tỷ lệ chi cho quản lý, cơ sở vật chất, GV, phục vụ… Nếu không lại rơi vào tình trạng loạn thu”.

Trước những ý kiến để việc quản lý dạy thêm, học thêm hiệu quả, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Sở sẽ cố gắng nghiên cứu thêm để đưa ra được một quy định rõ hơn về trình độ GV cũng như tỷ lệ chi trong khoản thu tiền học thêm của các nhà trường. Đồng thời, cũng đưa ra nguyên tắc về dạy thêm như: GV ở các trường công lập chỉ có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng tuyệt đối không được đứng ra tổ chức dạy thêm - học thêm. Để được cấp phép dạy thêm, phải công bố được dự toán thu chi rõ ràng để cơ quan chức năng thẩm tra”.

 

Vương Tâm