TS Nguyễn Tùng Lâm:

“Dạy người là trách nhiệm và mục tiêu của ngành giáo dục”

06:49 | 18/03/2014

3,517 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đây, clip “thầy tát trò, trò đánh lại thầy” trong một lớp học ở tỉnh Bình Định được phát tán trên các trang mạng xã hội đã khiến dư luận “choáng váng”. Dường như “bạo lực học đường” đã và đang dần trở thành một căn bệnh trầm kha có thể bùng phát mọi lúc, mọi nơi trong môi trường giáo dục nước nhà. Và một lần nữa câu chuyện về đạo đức và bạo lực trong học đường lại được nhắc đến, thống thiết và bức xúc! Đứng ở góc độ quản lý và nghiên cứu về tâm lý học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội có những chia sẻ với các trường học, giáo viên và học sinh.

Năng lượng Mới số 304

Cần bỏ quan niệm “yêu cho roi cho vọt”

PV: Thưa tiến sĩ, ông nhìn nhận như thế nào về vụ thầy giáo đánh học sinh ở Bình Định?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Theo tôi, hiện tượng xảy ra ở Bình Định là bất thường, khiến dư luận không yên tâm vào ngành giáo dục, đặc biệt trong thời điểm chúng ta đang bàn rất nhiều về đổi mới giáo dục. Trong khi đó, những hiện tượng đánh học sinh, thiếu tôn trọng học sinh đã xảy ra và được nhắc nhở, rút kinh nghiệm nhiều lần. Tôi tự hỏi không hiểu tại sao thầy giáo không suy nghĩ, không nhận thức được việc đó, để vẫn tiếp tục xảy ra. Đây là điều chúng ta thấy đáng buồn, đáng quan tâm, đáng suy nghĩ.

Tất nhiên chúng ta không thể hy vọng những điều tiêu cực, sai trái trong xã hội có thể biến mất ngay lập tức, nhưng riêng với giáo dục, những điều gì chúng ta đã công khai trên dư luận, đã lên án và rút kinh nghiệm, thầy cô giáo lại đều là người có hiểu biết, được tiếp xúc với thông tin chứ không phải là người ít văn hóa để không rút được kinh nghiệm.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

Chúng ta nên nhìn nhận hiện tượng này một cách nghiêm túc. Bởi đây không phải sự việc chỉ xảy ra ở Trường THPT Nguyễn Huệ hay ở riêng tỉnh Bình Định mà nó đã thành vấn nạn bạo lực trong học đường. Hiện tượng bạo lực giữa học sinh với học sinh thì có lẽ khó giải quyết, nhưng vấn đề bạo lực giữa giáo viên và học sinh thì buộc phải chấm dứt ngay.

PV: Theo ông, người thầy trong clip đã sai những điều gì?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Thầy giáo đó vi phạm 3 điều.

Thứ nhất là vi phạm quy tắc ứng xử sư phạm. Những nội quy đó, các trường sư phạm đều dạy, các trường học cũng đều có quy định cụ thể. 

Thứ hai là thầy giáo đã vi phạm đạo đức nhà giáo, thiếu tôn trọng, yêu thương học sinh. Và thứ ba, thầy giáo này đã vi phạm pháp luật. 

PV: Nhiều thầy, cô giáo có quan niệm “yêu cho roi cho vọt” và mặc nhiên coi chuyện đánh học sinh là chấp nhận được. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Cần phải khẳng định, học sinh ngày nay khác hoàn toàn học sinh những thế hệ trước. Học sinh ngày nay được tiếp xúc với rất nhiều luồng thông tin, được tự do, dân chủ hơn, được thể hiện cá tính nhiều hơn. Ngày xưa quan niệm thầy đánh trò là chuyện bình thường, yêu cho roi cho vọt… nhưng ngày nay, quan niệm này cần phải thay đổi, phương pháp giáo dục này cũng cần phải chấm dứt triệt để.

Thế kỷ XXI rồi, con người hiện đại, con người có nhân cách, phẩm chất, chúng ta phải tôn trọng học sinh trước hết. Học sinh có yếu, có sai, có thiếu kiến thức thì mới đến trường, mới cần đến sự giảng dạy của nhà trường, của thầy cô.

PV: Vậy theo ông, tâm lý học sinh sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sau những trận “đòn roi” của giáo viên? Liệu học sinh có khuynh hướng tiêu cực trong hành xử không?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Các em học sinh trong vụ việc trên đều đang ở độ tuổi 17-18. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đã có ý thức về bản thân và muốn được khẳng định, thể hiện quan điểm riêng của mình.

Với học sinh trung học thì tác hại về tâm lý không lớn lắm, không đến mức sang chấn tâm lý như học sinh mầm non, nhưng nó cũng là một gương xấu ảnh hưởng đến học sinh. Nó làm cho học sinh thấy cách giải quyết những mâu thuẫn, vướng mắc trong cuộc sống không phải bằng ngôn ngữ, bằng đạo lý mà bằng bạo lực. Hiện nay chúng ta đang dẹp bạo lực trong nhà trường, thế nhưng thầy giáo lại làm việc xấu, trở thành tấm gương xấu cho học sinh nhìn vào. Từ đó, học sinh có thể luôn luôn đi tìm phương pháp giải quyết vấn đề một cách bạo lực.

PV: Ông có cho rằng hành động của thầy Trần Anh Tuấn thể hiện sự bất lực của giáo viên không? Bởi khi ngôn ngữ thất bại, mới phải sử dụng đến chân tay?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Đúng là thầy giáo đã hoàn toàn bất lực, thế nhưng không có cách nào có thể biện minh cho hành động đánh trò. Nếu thầy giáo đã bất lực với việc dạy học trò thì nên ra khỏi lớp, không có năng lực sư phạm giải quyết các tình huống thì nên xem xét lại việc có nên tiếp tục nghề giáo hay không, chứ không phải khi bất lực là chúng ta được quyền xông vào đánh học trò.

Về mặt tâm lý học, khi học sinh hư hỏng, mất trật tự, thầy giáo sử dụng roi vọt thì học sinh sẽ “co lại”, nhưng đây là phản xạ không tốt. Trong môi trường sư phạm, nhà trường là nơi được giao trách nhiệm giáo dục thì không được vi phạm điều đó.

Mỗi một nghề nghiệp lại có một quy phạm nhất định không thể vượt qua, là giáo viên thì phải tôn trọng học trò của mình. Khi xử lý tình huống, giáo viên có thể dạy dỗ, giáo dục học trò nhưng không thể sử dụng roi vọt được, bố mẹ các em có thể đánh con, nhưng giáo viên không được phép làm điều ấy.

PV: Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đạo đức học đường đang xuống dốc bởi một loạt các hành vi sai trái của thầy và trò. Từ chuyện thầy gạ tình học sinh, giáo viên đánh học sinh nhập viện… và thầy trò “ẩu đả” trên bục giảng. Ông nhận định thế nào về câu chuyện này? Liệu đã là “đáy” của đạo đức học đường chưa?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này theo hướng khác. Xã hội của chúng ta không nằm yên mà lúc nào cũng biến động và tất nhiên những biến động này tác động cả vào ngành giáo dục. Vấn đề đặt ra là với những biến động như thế, nhà trường cần phản ứng thế nào để hạn chế những tiêu cực tràn vào học đường. Vì thế, các trường sư phạm cần phải đào tạo tốt hơn, nhà trường cần đẩy mạnh hơn trong việc phát triển mô hình trường học thân thiện.

Chúng ta đừng nghĩ nó là “đáy” của đạo đức học đường, không bao giờ có khái niệm ấy. Bây giờ, chúng ta cần đặt ra vấn đề làm thế nào để hạn chế, giảm tối thiểu những tiêu cực trong ngành giáo dục và đến bao giờ những tiêu cực này mới chấm dứt.

“Dạy người” không phải là giảng đạo đức

PV: Trong hội nghị quán triệt về việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Có những thứ không cần đến đề án triệu đô, không cần đến tiền mà vẫn có thể làm ngay, đó là việc dạy cho học sinh, giáo viên đạo đức làm người”. Việc dạy “làm người” trong các trường học hiện nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Tất cả những yêu cầu giáo viên có năng lực xử lý tình huống, không vi phạm đạo đức sư phạm… nói thì rất đơn giản, nhưng làm được không dễ. Để dạy được học sinh làm người, không chỉ qua các bộ môn văn hóa kiến thức là chính mà chúng ta phải hiểu được tâm lý, tình cảm của học sinh. Việc dạy đạo đức cho học sinh đặt ra yêu cầu phải tác động vào ba mặt: nhận thức, tình cảm và hành vi thông qua những việc làm cụ thể.

Thế nhưng trường học hiện nay chủ yếu rao giảng về mặt nhận thức, chưa tác động được vào mặt tình cảm, từ đó chưa làm thay đổi hành vi của học sinh, chưa khiến các em thiết tha với những điều hay, điều đúng.

Một số hình ảnh bạo lực học đường

Hiện nay, hệ thống thi cử của chúng ta đang có vấn đề, chúng ta lao vào chất tải lên học sinh một cách nặng nề, gây hậu quả rất nguy hiểm. Trong đó, học sinh phải được học âm nhạc, hội họa, những kỹ năng sống, giá trị sống nhiều hơn và phải có những thực hành, được tham gia lao động, đi giúp đỡ những người khó khăn, phải có sân cho học sinh chơi, sách cho học sinh đọc… Tất cả những thiếu thốn đó phải được khắc phục thì mới dạy học sinh làm người, chứ không phải lên thuyết giáo một vài bài học về đạo lý thì học sinh dễ sinh chán nản.

Nhưng để làm được điều đó, việc đào tạo lại giáo viên là vô cùng quan trọng. Giáo viên âm nhạc, giáo viên hội họa chúng ta còn rất thiếu. Ngoài ra, chúng ta chưa có cái nhìn và đánh giá đúng về công việc giáo viên chủ nhiệm, không phải ai dạy vài ba tiết cũng trở thành giáo viên chủ nhiệm. Hiện nay chúng ta đang làm ngược quy trình, để những giáo viên mới ra trường làm giáo viên chủ nhiệm. Điều này là không đúng, giáo viên chủ nhiệm phải là những người có kinh nghiệm giảng dạy, có phương pháp và kỹ năng sư phạm mới đảm nhiệm được vị trí này.

Việc dạy người là trách nhiệm và mục tiêu của ngành giáo dục. Nhưng làm việc này không phải dễ và không phải không tốn kém. Rõ ràng để làm việc này, chúng ta không tốn kém hàng nghìn, hàng tỉ đồng, nhưng ngành giáo dục cũng cần được đầu tư, có kinh phí để thực hiện.

PV: Có ý kiến cho rằng, các trường sư phạm hiện chưa chú trọng dạy kỹ năng xử lý tình huống sư phạm đã tạo “lỗ hổng” về đạo đức trong nghề giáo, khiến giáo viên - nhất là giáo viên trẻ - không biết cách ứng xử trước những tình huống cụ thể trong giảng dạy. Là một hiệu trưởng, ông nhận xét thế nào về ý kiến này?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Thứ nhất, các trường sư phạm của chúng ta hiện nay đào tạo sinh viên chưa kỹ, mới nặng về đào tạo kiến thức khoa học, hàn lâm chứ chưa có kỹ năng, kiến thức để dạy học sinh làm người. Việc dạy học sinh biết sống đẹp, biết làm người tốt không phải chỉ dựa vào kiến thức suông, mà quan trọng nhất, các thầy phải có đủ kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, đó là cách dẫn giải, giảng dạy học sinh, lôi cuốn học sinh vào bài học. 

Kỹ năng mà sinh viên sư phạm và các giáo viên trẻ mới ra trường còn rất thiếu, đó là kỹ năng ứng xử với những tình huống sư phạm. Học sinh vô lễ, học sinh nói hỗn, học sinh nghỉ học, vào muộn, đánh nhau phải xử lý thế nào? Tất cả các trường sư phạm đều có những bộ môn chuyên ngành giảng dạy chuyên sâu về vấn đề này. Tuy nhiên cần phải khẳng định rằng, những môn như Tâm lý học, Giáo dục học ở các trường sư phạm hiện đang bị thiếu quan tâm, giảng dạy qua quýt, chưa đến nơi đến chốn. Như vậy, các trường sư phạm hiện nay không những không hình thành nổi về mặt nhận thức, kiến thức mà còn không đào tạo được kỹ năng cơ bản cho các sinh viên.

Tóm lại, các trường sư phạm chỉ dạy kiến thức hàn lâm, cơ bản cho giáo viên thì chưa đủ mà phải đào tạo những kỹ năng khác để người thầy giáo đủ tay nghề, đủ bản lĩnh để giáo dục học sinh ngày nay. Theo ý kiến của tôi, chúng ta cần phải đổi mới mạnh mẽ cách giảng dạy trong các trường sư phạm và phải làm một cách triệt để, đến nơi đến chốn.

Thứ hai, chúng ta đang kêu gọi xây dựng trường học thân thiện, phải có văn hóa học đường. Thế nhưng rõ ràng những tình huống này giải quyết chưa tốt, tập thể sư phạm ở đây chưa biết chăm lo, giúp đỡ những giáo viên trẻ còn mới vào nghề; hay hệ thống tổ chức và quản lý nhà trường chưa tốt. Tự mỗi nhà trường phải xây dựng văn hóa học đường, thực sự tạo nên một ngôi trường thân thiện. Chỉ có như vậy mới giải quyết được cả 2 vấn đề, cả việc gương mẫu của thầy giáo và sự tuân thủ kỷ luật của học sinh.

PV: Theo ông, vụ việc đáng tiếc xảy ra khiến ngành giáo dục và các trường học cần phải rút ra những bài học gì?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Đây chỉ là một hiện tượng để các trường học rút kinh nghiệm chung, chứ không thể đỗ hết lỗi cho ngành giáo dục hay các thầy, cô giáo hiện nay.

Vụ việc thầy giáo và học trò đánh nhau trên bục giảng cũng là một hồi chuông để các trường sư phạm rút kinh nghiệm trong việc đào tạo kỹ năng giảng dạy, xử lý tình huống ở môi trường giáo dục học đường cho sinh viên. Đặc biệt là cần chú trọng đến đào tạo đạo đức nhà giáo. Bởi vì các trường sư phạm chính là cái nôi đề đào tạo tri thức, kỹ năng cho những giáo viên tương lai chứ không phải là những trường học mà giáo viên đang công tác.

Các trường học cũng cần xây dựng tốt hơn nữa văn hóa học đường. Theo đó, học sinh khi đến trường không chỉ được truyền tải kiến thức mà còn phải được yêu thương. Người thầy giáo cũng cần được kính trọng, lắng nghe và được yêu quý. Nếu trong trường học tạo ra được những giá trị như vậy thì sẽ không có những điều đáng tiếc như vụ việc trên.

Thêm vào đó, để chấm dứt trường hợp này, Sở Giáo dục - Đào tạo các địa phương phải đặt lại vấn đề đạo đức của nhà giáo, những điều cam kết mà nhà giáo không được vi phạm trong nhà trường để tất cả các giáo viên đều được học tập, đều được thấm nhuần để không xảy ra những tình huống như thế này.

PV: Những học sinh trong vụ việc trên đều đang ở độ tuổi trưởng thành và giáo dục cho các em ở độ tuổi này có những điểm riêng biệt so với những lứa tuổi khác. Ông có thể đưa ra lời khuyên nào đối với các thầy cô giáo và phụ huynh trong việc quan tâm, giáo dục các em ở lứa tuổi này?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Đối với học sinh, chúng ta cần tôn trọng, hiểu và lắng nghe các em nhiều hơn. Chúng ta là bố mẹ, thầy cô thường kỳ vọng, mong muốn ở học sinh rất nhiều, nhưng chúng ta cũng phải mất công mất sức với các em nhiều hơn thì mình mới đỡ thất vọng. Những em giỏi, có năng lực sẽ tự phát triển, những em yếu hơn thì rất cần bàn tay của người thầy nâng đỡ, chỉ bảo. Từ đó, chúng ta sẽ tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp.

Với các em học sinh, trước hết phải nêu cao truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Nếu chúng ta đi học mà không biết quý trọng thầy, thì đừng nói gì đến chuyện chúng ta được tiếp thu kiến thức.

Các em phải đi tìm cho mình những giá trị sống đích thực. Ngày nay các em mới thích thú quần áo đẹp, trang sức đẹp, chạy theo những thú vui ảo chứ chưa thực sự đi tìm những giá trị tốt đẹp, chưa gắn mình với những hoài bão, ước mơ. Nếu các em thực sự gắn mình vào những ước mơ, các em sẽ thực sự đi tìm cách hoàn thiện mình bằng tri thức và có thái độ sống nghiêm túc.

Hiện nay có một tình trạng, có một số học sinh có ý thức, năng lực, chúng ta có thể tự hào rằng những học sinh đó có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu của cha mẹ và xã hội. Nhưng có 1 bộ phận khác, điều kiện bản thân và điều kiện giáo dục của gia đình không tốt nên các em không có động lực, không có thói quen học, vì thế những kiến thức cơ bản của nhà trường trang bị rơi vãi hết. Các em này luôn trông chờ vào sự giúp đỡ của bạn bè khi thi cử chứ không có năng lực tự chủ, không có động lực học. Học là thứ lao động vất vả, các em không muốn lao động mà muốn có kiến thức, kỹ năng, kết quả, thì đó là điều vô lối. Chúng ta phải mạnh dạn báo động thực trạng một bộ phận học sinh hiện nay.

Nếu chúng ta nâng cao được ý thức cho học sinh, cộng thêm với nhà trường có nhiều hoạt động ngoại khóa như giảng dạy cho học sinh những giá trị sống như: biết tôn trọng, khoan dung và yêu thương người khác cũng như kỹ năng xử lý nhiều tình huống bất ngờ, giúp các em hoàn thiện nhân cách của mình. Cái khó của chúng ta là chưa có nhiều hoạt động, chưa có nhiều thầy giáo giỏi để giúp đỡ học sinh và giúp cả giáo viên tháo gỡ khó khăn. Nếu làm được điều ấy, thì mỗi nhà trường sẽ thực sự trở thành một mái ấm cho học sinh và vầng trán trí tuệ cho cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

Theo số liệu thống kê từ đường dây nóng được Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) công bố trong những ngày cuối năm 2012, so với 10 năm trở về trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần.

Trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê này, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có 1 vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau.


Vương Tâm (thực hiện)