Đẩy mạnh cơ giới hóa ngành than

07:00 | 21/04/2016

475 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để đáp ứng chủ trương phát triển ngành than bền vững, hiện nay sản lượng khai thác hầm lò ngày càng tăng, số lượng mét đào lò của các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng ngày một lớn. Bởi vậy, đẩy mạnh cơ giới hóa trong khai thác được xem là lựa chọn duy nhất và cũng là thách thức lớn của ngành than hiện nay.  

Từng bước làm chủ công nghệ

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá của Tập đoàn trong thời gian gần đây chính là việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, chế biến than. Việc triển khai ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ khai thác hiện đại trên thế giới đã góp phần quan trọng giúp Tập đoàn khắc phục những khó khăn, tăng năng suất lao động, phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường.

Với công nghệ khai thác hầm lò, Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện các công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khai thác than lò chợ và tăng cường sử dụng đồng bộ thiết bị cơ giới hóa đào lò để tăng tốc độ đào lò chuẩn bị, sử dụng rộng rãi công nghệ chống như vì neo bê tông cốt thép, neo dẻo cốt thép, bê tông phun trong các đường lò.

Đặc biệt vừa qua, Tập đoàn đã triển khai dự án thử nhiệm đổi mới công nghệ khai thác mỏ, chống lò chợ xiên chéo, bằng giàn chống mềm ZRY, tổng mức đầu tư trên 59 tỉ đồng, cho khai trường có công suất thiết kế 90.000 tấn/năm của Công ty Than Hồng Thái. Đây là công nghệ mới, lần đầu tiên áp dụng cho ngành mỏ Việt Nam, hướng thay thế cho vật liệu chống lò truyền thống bằng gỗ và vì chống thủy lực đơn.

Kết quả áp dụng thử nghiệm loại hình công nghệ khai thác mới tại mỏ Hồng Thái sẽ là cơ sở xem xét nhân rộng áp dụng cho những khu vực có điều kiện tương tự tại một số mỏ than hầm lò khác như Uông Bí, Nam Mẫu, Mạo Khê, Mông Dương… góp phần đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả và tạo bước phát triển mới trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ khai thác hầm lò.

day manh co gioi hoa nganh than
Sử dụng công nghệ giá khung ZH trong khai thác than tại Công ty Than Vàng Danh

Có thể khẳng định, đến nay các đơn vị khai thác hầm lò của TKV đã làm chủ công nghệ và xây dựng được lực lượng cán bộ kỹ thuật có đủ trình độ, năng lực để thiết kế, chỉ đạo, giám sát việc thi công, ứng dụng các công nghệ mới. Các đơn vị thành viên đã chủ động đầu tư các thiết bị để đồng bộ dây chuyền đào lò, đầu tư đồng bộ dây chuyền thiết bị phục vụ thi công tại các hạng mục đường lò chính của các dự án.

Được biết, TKV đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công nghệ cơ giới hóa đồng bộ đã đầu tư tại Vàng Danh, Nam Mẫu, Khe Chàm, Uông Bí, Mạo Khê. Việc áp dụng thành công công nghệ lò này đã góp phần quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và nâng cao sản lượng, mức độ an toàn, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Bên cạnh đổi mới công nghệ trong hầm lò thì với khai thác lộ thiên, Tập đoàn cũng tiếp tục đầu tư thiết bị xúc bốc, vận tải có công suất lớn trong khai thác than lộ thiên để giảm chi phí.

Hiện TKV đang nghiên cứu trình tự khai thác đổ thải vùng Cẩm Phả, cơ cấu lại các mỏ Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai để khai thác tối ưu, triệt để tài nguyên, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nghiên cứu trình tự kết thúc khai thác các mỏ lộ thiên vùng Hòn Gai kết hợp hoàn thổ cải tạo phục hồi môi trường đạt hiệu quả cao nhất và giảm chi phí sản xuất. Đối với khâu sàng tuyển, chế biến than, Tập đoàn sẽ áp dụng công nghệ mới, tự động hóa tối đa các công đoạn để giảm ô nhiễm môi trường, giảm khâu lao động nặng nhọc cho người lao động…

Đặc biệt, trước những khó khăn do điều kiện địa chất phức tạp, khai thác than xuống sâu, áp lực lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, cháy, nổ khí mỏ dẫn đến tai nạn lao động, TKV chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất. Tiêu biểu như việc đưa hệ thống kiểm soát khí cháy nổ mêtan tự động vào trong hầm lò đã giúp Tập đoàn làm chủ trong việc đánh giá hàm lượng khí mêtan trong các vỉa than. Nhờ đó, hàng loạt hệ thống tự động quan trắc khí mêtan tập trung đã được đưa vào hoạt động ở hầu hết các mỏ hầm lò và được kết nối với mạng internet để giám sát từ xa.

Ngành than đang chủ trương chuyển hướng từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng xanh, từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu. Các mỏ lộ thiên vùng Quảng Ninh cũng có xu hướng chuyển sang khai thác hầm lò. Khi nguồn than lộ thiên ngày một cạn kiện, việc chuyển dịch này là điều tất yếu, vừa giúp tận thu nguồn tài nguyên, vừa bảo đảm môi trường sinh thái. Nhằm chủ động trong thi công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mỏ mới cũng như phát huy cao nhất năng lực trong nước, ngành than đã thí điểm đầu tư xây dựng một số mỏ giếng đứng do các đơn vị trong nước tự thiết kế, thi công và cung cấp thiết bị, có liên danh hoặc thuê nhà thầu phụ nước ngoài.

Thách thức phía trước

Tuy đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ, nhưng bức tranh phát triển công nghệ sản xuất của TKV trong 20 năm qua vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, mới chỉ dựa vào mở rộng sản xuất chứ chưa đạt đến trình độ cao trong áp dụng khoa học công nghệ. Trong quá trình thử nghiệm cơ giới hóa khai thác tại một số mỏ than, thời gian khai thác chỉ chiếm chưa đầy một nửa quỹ thời gian sản xuất, còn lại bị cản trở do các sự cố gây ách tắc sản xuất. Ðể đáp ứng cho các lò chợ cơ giới hóa được hoạt động liên tục, công tác đào lò cần được đầu tư đồng bộ. Thế nhưng, tiến độ đào lò ở nhiều mỏ còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về diện sản xuất và ảnh hưởng kế hoạch sản lượng của các công ty. Ðây chính là rào cản khiến hàm lượng công nghệ trong khai thác than còn thấp.

Ðể duy trì và phát triển theo hướng hiện đại, các đơn vị trong Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng cơ giới hóa khai thác và đào lò tại những khu vực có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ phù hợp. Thực tiễn đã chứng minh, việc áp dụng cơ giới hóa trong đào lò và khai thác than hầm lò là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác, bảo đảm phát triển bền vững cho toàn ngành. Để có thêm 1 mét lò đào, ra thêm một tấn than ngành than đã phải đánh đổi không ít mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả sự hy sinh trong đó.

Bởi vậy, ngoài việc đề xuất Nhà nước có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cả về nguồn lực và cơ sở vật chất trong nghiên cứu thiết kế, nội địa hóa chế tạo các sản phẩm cơ khí và trang thiết bị cơ giới hóa, TKV cần huy động nguồn vốn đầu tư xã hội cho các dự án cơ giới hóa khai thác và đào lò, tăng cường gắn kết giữa Tập đoàn, đơn vị tư vấn, các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và phát triển, hiện đại hóa các mỏ than, từng bước nâng cao năng lực khai thác than hầm lò.

Minh Châu

Năng lượng Mới số 515