Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường

16:23 | 26/05/2015

750 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 26/5/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành hữu quan về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình và giải pháp thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường cho thấy thời gian qua công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực này tiếp tục có những chuyển biến tích cực, bảo đảm đầy đủ khung pháp lý cho việc quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của Bộ. Cơ chế, chính sách cũng như các quy định TTHC ngày càng hoàn thiện, đơn giản hóa; đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và giảm chi phí tuân thủ TTHC cho tổ chức, cá nhân; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Tin nhap 20150526161219

Trong lĩnh vực đất đai, Bộ đã công bố bộ TTHC trong lĩnh vực này gồm 41 thủ tục đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 30 thủ tục); 62 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai 1 cấp (giảm 9 thủ tục). Đồng thời đã rà soát, bãi bỏ một số thủ tục hoặc công việc không cần thiết trong giao đất, cho thuê, cấp giấy chứng nhận. Về thời gian thực hiện thủ tục đã giảm nhiều so với quy định trước đây đối với tất cả các thủ tục, đặc biệt đối với thủ tục thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công,…Về hồ sơ thực hiện thủ tục cũng đã giảm một số loại giấy tờ phải nộp trong thành phần các loại hồ sơ; bổ sung quy định về hồ sơ thủ tục đăng ký lập dạng số đối với địa phương đã triển khai thực hiện đăng ký điện tử; bổ sung quy định giao dịch điện tử.

Trong lĩnh vực môi trường, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa về trình tự, thành phần hồ sơ đối với 65 TTHC trong quá trình xây dựng, ban hành các thông tư hướng dẫn thi hành Luật và các Nghị định.

Trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ đã cắt giảm được gần 40% TTHC không cần thiết; đồng thời công bố 30 TTHC, công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và 2 TTHC đang được rà soát để chuẩn hóa.

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ đã công bố 27 TTHC. So với trước đây, một số giấy tờ, hồ sơ không cần thiết liên quan đến kết quả phân tích chất lượng nước, giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất,… đã được bãi bỏ; đặc biệt đã thực hiện lồng ghép nộp hồ sơ đề nghị cấp phép trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (đối với trước hợp chưa có công trình khai thác nước mặt, nước biển).

Ngoài ra, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực biển và hải đảo; đo đạc và bản đồ; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến;… cũng được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng thừa nhận công tác cải cách TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài Nguyên và Môi trường vẫn còn một số hạn chế. Nhiều lĩnh vực quản lý của Bộ có tính chất nhạy cảm, phức tạp; do vậy TTHC cho dù được cải cách từ nhiều năm nay nhưng kết quả giải quyết chưa được như mong đợi của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể như trong lĩnh vực đất đai, việc công bố TTHC về đất đai của địa phương còn chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện còn 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành bộ TTHC về đất đai. Trong lĩnh vực khoáng sản, giá tính thuế và khung thuế suất thuế tài nguyên không phù hợp với thực tiễn, tác động tiêu cực đến ngành khai thác, chế biến khoáng sản. Trong lĩnh vực môi trường, một số văn bản chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 ban hành chậm so với tiến độ. Trong lĩnh vực tài nguyên nước, thông tin, dữ liệu, số liệu về tài nguyên nước vừa thiếu, vừa không đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông và công tác dự báo, cảnh báo sớm diễn biến lưu lượng, chất lượng nước.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách TTHC nói chung và cải cách TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói riêng là để quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn, công khai minh bạch hơn, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng; đồng thời tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. “Mục tiêu của cải cách TTHC không phải là bỏ vai trò quản lý nhà nước mà cải cách là để quản lý tốt, công khai, minh bạch đi liền với tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Đưa ra yêu cầu phải quyết tâm thực hiện để đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trước hết lãnh đạo, người đứng đầu các Bộ, ngành, các địa phương phải không ngừng nâng cao nhận thức, đề cao tinh thần trách nhiệm, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của mình. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, nhất là rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định trong Luật, Nghị định, Thông tư theo hướng bãi bỏ những quy định không cần thiết, hoặc nếu giữ để quản lý thì phải đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch nhằm vừa quản lý tốt hơn, vừa tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. “Muốn cải cách thủ tục hành chính thì phải hoàn thiện thế chế, luật pháp chứ không thể kêu gọi chung chung” - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện, thực thi pháp luật và cải cách TTHC; hợp nhất, liên thông trong quy trình xử lý TTHC. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc đi liền sơ kết, tổng kết, biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời chấn chỉnh, phê bình những đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ. Tại cuộc họp này, Thủ tướng đã phê bình một số địa phương chậm trễ trong việc thực hiện cải cách TTHC về đất đai. Trong đó có 22 tỉnh, thành phố chưa công bố bộ TTHC về đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; 49 tỉnh, thành phố chưa đưa Văn phòng đăng ký đất đai một cấp đi vào hoạt động (48 tỉnh, thành phố mới lập xong đề án và 1 tỉnh chưa lập đề án).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, khoáng sản; giải quyết TTHC. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường để phục vụ công tác quản lý nhà nước, trước hết là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong thời gian tới.

Văn phòng Chính phủ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc