Day dứt tái định cư thủy điện Bản Vẽ

16:30 | 21/06/2015

1,992 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay, việc người dân các khu tái định cư “hồi hương”, về làm ăn và sinh sống ở vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) luôn làm “đau đầu” chính quyền địa phương cả nơi đi lẫn nơi đến. Chưa kể đến công tác quản lý xã hội, một vấn đề khiến không ít người day dứt, đó là cuộc sống và tương lai của những đứa trẻ...

Năng lượng Mới số 431

Nắng như đổ lửa xuống những cánh rừng nằm dọc theo biên giới của huyện Thanh Chương, chúng tôi tìm đến bản Kim Hồng, thuộc khu tái định cư xã Ngọc Lâm khi mặt trời gần đứng bóng. Cả bản như vắng lặng, hình như mọi người đều ở trong nhà để tránh cái nắng gay gắt ban trưa, thi thoảng chỉ vẳng lên những tiếng chó sủa vu vơ. Dọc đường, bắt gặp những căn nhà cửa đóng then cài, vườn hoang xơ xác vì chủ nhân đang mải miết mưu sinh ở quê cũ, nơi chủ còn lại núi rừng và hồ nước mênh mông.

Chúng tôi chọn Kim Hồng làm điểm đến, vì đây là bản có số lượng hộ trở về Tương Dương đông nhất, thậm chí ở vùng lòng hồ Bản Vẽ hiện có một cụm hàng chục gia đình sinh sống và vẫn gọi là “bản” Kim Hồng. Vừa từ rẫy chè trở về, mồ hôi nhễ nhại, lại bận rộn với việc chuẩn bị bữa ăn trưa nhưng chị Lương Thị Liêm - Bí thư Chi bộ vẫn vui vẻ, nhiệt tình tiếp khách. Nữ bí thư trẻ chia sẻ: “Về đây đã được 6-7 năm rồi, đa số bà con đã yên tâm với sinh sống, làm ăn ở vùng đất mới này. Nhưng trong bản vẫn còn những người chưa thích nghi với cuộc sống mới, cách làm mới nên tìm đường trở về quê cũ làm ăn. Hiện tại, có tới 36/104 hộ đang ở quê cũ, có những hộ đã bán nhà ở đây rồi”. Những hộ đã bán nhà, chắc hẳn quyết định sẽ mãi mãi sinh sống ở chốn núi rừng hiểm trở và hoang vu, giao thông cách trở, việc đi lại hoàn toàn bằng cuốc bộ và bơi thuyền. Nghĩa là họ sống trong một thế giới khép kín, không mấy khi được giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài. Còn những hộ cài then, chốt cửa về quê cũ là để tìm kế sinh nhai, kiếm cái ăn qua ngày, con trẻ đành gửi lại cho ông bà, cô bác trông nom, chăm sóc. Những đứa trẻ ấy đang ngày đêm gánh chịu bao nỗi thiệt thòi, thiếu tình thương và sự quan tâm của bố mẹ, con đường đi tới tương lai còn muôn nỗi gập ghềnh.

Thủy điện bản vẽ: Day dứt tái định cư

Trẻ em bản Kim Hồng (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương) trong những ngày đầu hè

Ngôi nhà nhỏ của ông Quang Văn Vinh (79 tuổi) hầm hập nóng, vậy mà ông vẫn mình trần xoay quanh bên bếp củi nóng ran và nghi ngút khói. Hết nhóm lửa rồi vo gạo nấu cơm, luộc vội mớ rau rừng rồi đun ấm nước, ông đưa tay lau cặp mắt cay xè vì mồ hôi và khói, ông Vinh buồn bã kể chuyện: “Bà nhà tôi đã mất gần 1 năm nay, con cái đều đã ở riêng, bây giờ còn phải nuôi 2 đứa cháu nội, bố mẹ chúng về quê cũ làm ăn. Một mình tôi kiếm sống đã khó khăn, vất vả, bây giờ lại phải cõng thêm sự ăn,  học cho bọn trẻ con nữa. Có khi bố mẹ chúng chưa kịp về thì tôi đã đi theo với tổ tiên rồi”. Con trai của ông Vinh là Quang Văn Chắn cùng vợ là Mạc Thị Hoa do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên đã ngược vùng lòng hồ để phát nương, làm rẫy. Vợ chồng anh Chắn lên đó làm ăn, buộc lòng phải gửi 2 con gái là Quang Thị Cáng (lớp 11) và Quang Thị Nhất (lớp 7) cho ông nội trông nom. Mỗi năm chỉ về nhà 1-2 lần, mang theo một ít tiền và gạo nếp cho các con rồi lại tất tả ngược miền rừng núi. Chừng ấy không thể đủ cái ăn hằng ngày cho 2 đứa trẻ chứ chưa nói gì đến việc học. Và rồi, mọi khoản chi tiêu, đóng góp, học hành đều đè lên vai người ông bước vào tuổi 80. Để có gạo, có tiền nuôi cháu, ông Quang Văn Vinh không nề hà bất cứ việc gì, từ việc làm ruộng, trồng sắn, phát rẫy đến việc kiếm củi bán.

Nửa buổi chiều, ánh mặt trời dọi thẳng vào cửa ngôi nhà của vợ chồng bà Mạc Thị Minh và ông Lương Văn An. Cái nắng gay gắt, nhiệt độ lên cao khiến cái nóng bức, ngột ngạt càng làm cho đôi vợ chồng ở tuổi 60 này thêm mệt lả. Đã thế, mấy đứa trẻ lại tụ tập chơi đùa, hò hét và chạy lung tung khắp nhà, cái ồn ào cũng dễ làm con người ta mệt mỏi. Trong số những đứa trẻ ấy, có một cô bé chừng 7 tuổi, nét mặt khá thanh tú nhưng ánh mắt dường như luôn chứa đựng sự buồn bã, ưu tư. Cô bé ấy có tên là Lương Thị Kim Ngân (SN 2008), là cháu ngoại của ông An - bà Minh. Cũng như nhiều gia đình khác ở bản Kim Hồng này, anh Lương Văn Thông và vợ là Lương Thị Tiên đã trở lại vùng lòng hồ Bản Vẽ sinh sống, làm ăn 4-5 năm nay. Biết rằng nơi ấy đi lại gian nan, khó khăn nhiều trong việc chăm sóc con nhỏ nên anh chị quyết định gửi 2 con gái nhỏ cho ông bà ngoại để lên đường.

Ở chốn sơn cùng thủy tận, bố mẹ của Kim Ngân mải miết với những mùa lúa, mùa ngô nên mỗi năm chỉ về nhà được vài lần. Nói rằng quê cũ dễ làm ăn, thả hạt giống xuống là có thu hoạch nhưng việc vận chuyển sản phẩm ra thị trường bên ngoài không phải là chuyện dễ dàng. Núi rừng hiểm trở, đường sá xa xôi, sức người có hạn, cước phí tăng cao nên thành ra những người như vợ chồng anh Thông, chị Tiên chẳng còn được bao nhiêu sau mỗi mùa rẫy. Đi biền biệt cả năm trời cũng chỉ đưa về vài chục cân gạo và một ít tiền gửi ông bà ngoại nuôi cháu. Về được mấy ngày, cái giường nằm chưa ấm chỗ, họ lại tất tả ngược rừng. Chỉ thương những đứa trẻ thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ và sự dạy bảo, vỗ về của người cha. Ông bà ngoại cũng rất nghèo nên không có điều kiện cho Lương Thị Kim Ngân theo học lớp mẫu giáo. Ngân không được học những bài hát dành cho trẻ thơ, không được chơi những trò chơi dành cho con trẻ như các bạn cùng trang lứa, suốt ngày quanh quẩn bên ông bà. Có lẽ vì thế, ánh mắt của em lúc nào cũng chất chứa nỗi buồn, ngày cả bây giờ em khi đã học hết lớp 2.  Ngày ông ngoại đến trường xin cho Ngân vào học lớp 1, cô giáo đã ngại ngần không muốn nhận, bởi sợ em chưa học qua mẫu giáo nên sẽ khó khăn trong việc rèn luyện các kỹ năng. “Được cái, nó cũng sáng dạ, cuối năm lớp 1 nó được tặng giấy khen. Năm học này chưa tổng kết, không biết có còn được khen nữa không”- bà ngoại của Ngân chia sẻ.

Thủy điện bản vẽ: Day dứt tái định cư

Nhiều em nhỏ bản Kim Hồng (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương) đang phải sống xa bố mẹ

những đêm khuya, bất chợt Ngân bật khóc, những tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào. Biết cháu đang buồn tủi vì nhớ bố mẹ, bà cũng không có cách nào hơn là xoa đầu, vỗ về cháu tìm đến giấc ngủ và hứa sẽ nhắn lên quê cũ để bố mẹ về thăm. Vậy mà khi đã ngủ say, những tiếng nấc ấy vẫn không dứt, nước mắt bà cũng lặng lẽ tuôn rơi. Chị gái của Ngân là Lương Thị Dung cũng ở với ông bà ngoại mấy năm, học hết tiểu học đành gác lại ước mơ đến trường để theo bố mẹ lên làm ăn ở quê cũ. Dung năm nay 13 tuổi, suốt ngày theo bố mẹ phát rẫy, làm nương, không mấy khi được tiếp xúc với bên ngoài. Không biết, rồi đây tương lai của Dung sẽ thế nào khi phải nghỉ học sớm, lại sinh sống ở chốn hoang vu? Và tương lai của Kim Ngân, liệu em có phải đối diện với nguy cơ nối bước con đường của chị? Điều ấy rất dễ xẩy ra, bởi lẽ bà ngoại của em cho biết, ông bà đang tìm người để gửi Ngân lên quê cũ với bố mẹ trong dịp nghỉ hè sắp tới.

Ông bà nội, ngoại đều gặp hoàn cảnh khó khăn, già yếu, không còn cách nào khác, vợ chồng chị Quang Thị Xuyến đành gửi con gái Kha Thị Bích (SN 2000) cho người anh trai để trở về quê cũ làm ăn. Hoàn cảnh gia đình cũng không phải hàng khá giả, nhưng vì thương em và không muốn cháu bỏ học giữa chừng, anh Quang Văn Thủy đồng ý chăm nuôi cháu Bích. “Bố mẹ nó đi biền biệt, không mấy khi về nhà nên chi phí ăn uống, sinh hoạt và học hành của Bích đều do vợ chồng tôi chu cấp. Nhiều lúc khá túng thiếu, vì tôi còn phải nuôi 2 cháu nội đang học mẫu giáo, tiền học có lúc phải xin nhà trường nộp chậm hơn”. Được cái, Bích là cô bé rất chăm chỉ và có ý thức, ngoài giờ học em thường giúp đỡ hai bác việc nội trợ cũng như việc đồng áng, nương rẫy. Năm học này Bích đã xong lớp 9, ước mơ của em là được tiếp tục học lên cấp 3 để sau này có cơ hội tìm một nghề nào đó thích hợp. Nhưng cho đến hiện giờ, Bích vẫn chưa biết được ước nguyện ấy có thành hiện thực được hay không. Nếu lên cấp 3 sẽ phải ra học tại thị trấn Dùng, phải ở trọ, các khoản chi sẽ tăng lên, gia đình người bác lại không dư dả. Vì thế, hè này phải chờ bố mẹ về bàn bạc và quyết định việc học hành của em sẽ thế nào. Hy vọng, Bích sẽ được tiếp tục đi trên con đường mở ước, không phải theo chân bố mẹ ngược rừng về với chốn non cao.

Về Kim Hồng, chúng tôi còn được chứng kiến bữa cơm trưa của gia đình ông Vi Công Tới. Một nồi cơm khá lớn, một ít xôi và 2 đĩa cà luộc và mấy đứa trẻ ngồi ăn một cách ngon lành. Trong số ấy, có một đứa cháu nội và một đứa con của người em gái hiện bố mẹ đang mưu sinh ở vùng lòng hồ. Ngoài hai đứa cháu của ông bà ra, ông bà còn cưu mang những đứa trẻ mà bố mẹ chúng đi làm xa chẳng có ai chăm sóc cho dù điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, kiếm được cái ăn hằng ngày là cả một bài toán lớn. Dường như ông Vi Công Tới không muốn chia sẻ điều này, ngồi một lặng lẽ suốt bữa ăn, chắc ông đang tìm lời giải cho cái ăn trong những ngày sắp tới. Không riêng gì ông tới và những gia đình chúng tôi có dịp ghé thăm, ở bản Kim Hồng còn không ít những gia đình bất đắc dĩ phải giúp đỡ, cưu mang và nuôi nấng những trẻ nhỏ vì bố mẹ chúng đang mải miết ở chốn rừng xanh, núi thẳm. Đó là ông Lương Xuân Nhưỡng, Chướng Xuân Tần, Quang Văn Thương, Lô Văn Thưởng...

Đến đây, chúng tôi lại nhớ lần lên xã Hữu Khuông (Tương Dương), thấy những túp lều nhỏ nằm ven suối, quanh khuôn viên trường tiểu học. Đó là chốn trọ của những em nhỏ ở các bản Kim Hồng, Chà Coong, Xốp Lằm, Nhạn Mai theo bố mẹ lên đây kiếm sống. Và hành trình đi tìm con chữ của các em rất đỗi nhọc nhằn, thậm chí phải đối mặt với bao nỗi hiểm nguy, trắc trở. Những túp lều tạm bợ ấy là chỗ nghỉ ngơi sau giờ đến trường, nguồn lương thực hằng ngày chờ bố mẹ tiếp tế mỗi tuần một lần, mọi sinh hoạt khác các em đều phải tự lập. Những mái lều mong manh giữa lòng hồ rộng lớn, nếu xuất hiện cuồng phong hay lũ dữ sẽ không nói trước được điều gì.

Rời Kim Hồng, chúng tôi nhận thấy con đường về bản đang được thi công rải nhựa phẳng lì, sẽ mang đến cho bản làng một sắc diện mới. Và hy vọng rồi đây cuộc sống ở Kim Hồng sẽ đổi thay, không còn cảnh những đứa trẻ phải sống xa cha mẹ, không còn day dứt khi nghĩ tới tương lai...

Bùi Khánh Huyền

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps