Đây đích thị là âm mưu phá hoại!

18:29 | 12/11/2015

4,672 lượt xem
|
(PetroTimes) - Lại vẫn giọng điệu “Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất” đòi ưu đãi; lãi nhờ ưu đãi; điệp khúc xin ưu đãi; ỉ lại vào sự ưu đãi và không thể “đèo bòng” mãi.... Thậm chí còn đòi “dừng hoạt động” để “cơ cấu” lại nhà máy. Đây là những lời mà chúng tôi lọc ra ở một bài báo gần đây nói về NMLD Dung Quất.  

Những kiểu nhắm mắt nói bừa

Viện dẫn ý kiến của Giáo sư nọ, Tiến sĩ kia cho “nặng ký” bài báo này đang tung thứ “hỏa mù” để đánh đồng khái niệm giữa ưu đãi và sự bình đẳng cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Vấn đề Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vừa qua báo cáo về tác động của chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu có ảnh hưởng rất lớn đến các sản phẩm NMLD Dung Quất, là khách quan và trung thực và rất cần thiết để lãnh đạo các cấp xem xét, từ đó có bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp.

day dich thi la am muu pha hoai
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Sự chênh lệch về thuế suất là “tác nhân” gây lên sự xáo trộn. Đã là người kinh doanh thì người ta có quyền tìm nguồn rẻ hơn để buôn bán. Chính sự chênh lệch thuế suất từ nguồn nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN với NMLD Dung Quất, nên các đầu mối nhập khẩu xăng dầu chẳng dại gì mua sản phẩm của NMLD Dung Quất, khi mà giá thành sản phẩm của nhà máy này cao hơn giá nhập khẩu cùng chủng loại.

NMLD Dung Quất không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm nhập khẩu nếu không có sự bình đẳng. Ví như thuế suất nhập khẩu xăng dầu là 0, trong khi đó Lọc dầu Dung Quất vẫn phải chịu mức thuế suất là 5, là 10 hay 15. Thì xin thưa các vị giáo sư, tiến sĩ khả kính: Đặt các vị vào địa vị đó, các vị không giãy nảy lên như “đỉa phải vôi”, thì đích thị đầu óc các vị có vấn đề.

Để giúp các vị nhìn rõ thực trạng, xin xem bảng dưới đây:

day dich thi la am muu pha hoai

Nhìn vào bảng tổng hợp trên đây, các sản phẩm của NMLD Dung Quất đang chịu thua thiệt rất nhiều so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Nhưng bài báo nọ lại dẫn lời “chuyên gia” tỏ ra lo lắng “cứ ưu đãi mãi cho doanh nghiệp thì chỉ làm hỏng doanh nghiệp bởi họ sẽ chẳng có động lực để vươn lên, không chịu đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả quản lý. Hậu quả là Việt Nam phải gánh một hệ thống doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu...”. Rồi đề nghị đã “đến lúc phải nghiêm túc đặt ra các vấn đề ưu đãi cái gì, ngưỡng ưu đãi là bao nhiêu, ai được phép ký quyết định ưu đãi... để việc quản lý được công khai, minh bạch, đồng thời tránh thiệt hại cho nền kinh tế”.

Ghê gớm hơn, “trách nhiệm hơn”, có vị “chuyên gia” còn cho rằng không nên để kéo dài tình trạng này mà Nhà nước phải xem xét lại, thậm chí nếu cần thiết thì chấp nhận dừng lại để cơ cấu lại nhà máy. Không thể đèo bòng, ưu đãi mãi bởi như thế Nhà nước không đủ sức mà bản thân doanh nghiệp cũng không thay đổi được.

Cổ nhân dạy “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” là để nhắc nhở mọi người cách phát ngôn như thế nào, đừng gây tổn hại cho bất cứ ai. Nhất là với các vị được coi là có học hàm, học vị không nên “nói lấy được”. Bởi mỗi “lời vàng, ý ngọc” của các vị nó khác xa với “hàng tôm, hàng cá”. Nhưng xem ra, với những gì mà bài báo nọ trích dẫn từ giáo sư, tiến sĩ với cái áo “chuyên gia” xem ra còn vớ vẩn hơn “hàng tôm hàng cá” nhiều.

Ưu đãi” và “bình đẳng” khác hẳn nhau

Trong bài báo trước chúng tôi có viết: Không riêng ở Việt Nam, bất cứ nước nào trên thế giới cũng đều có có chính sách ưu đãi của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư. Đây là yếu tố cần thiết để kêu gọi đầu tư và cũng là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ dự án nào.

Và những ưu đãi mà NMLD Dung Quất đang được hưởng nằm trong chính sách của Chính phủ. Hoàn toàn không có sự “phân biệt đối xử”, không có sự “ưu ái”; hoàn toàn bình đẳng như các dự án khác. Nói như vậy để thấy rằng NMLD Dung Quất không có “đặc ân” riêng. Một lần nữa xin nhắc lại những đề nghị của BSR, của PVN với Chính phủ và các bộ, ngành là những đề nghị chính đáng. Hoàn toàn không phải là sự “đòi hỏi”, sự “ỉ lại” như những nhận định ác ý trên.

NMLD Dung Quất là một trong những dự án trọng điểm; cũng là dự án đầu tiên của ngành công nghiệp Lọc hóa dầu non trẻ của đất nước. Hơn 5 năm qua, kể từ khi vận hành thương mại đến nay, BSR đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 100 ngàn tỷ đồng. Tỷ trọng thu ngân sách hằng năm từ BSR chiếm khoảng 80% đến 90% tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Tính riêng năm 2014, BSR đóng góp vào tổng thu ngân sách quốc gia khoảng 3%.

Sự nỗ lực của BSR là đáng trân trọng, đồng thời phải khẳng định sự đầu tư đúng hướng và hiệu quả của Chính phủ đối với NMLD Dung Quất. Chính sự đúng hướng và hiệu quả ấy Chính phủ mới cho phép PVN tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm, với tổng mức đầu tư 1,82 tỉ USD.

Và vào lúc 19h30 ngày 11/11/2015, NMLD Dung Quất đã cán đích 5,86 triệu tấn sản phẩm, BSR đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về sản lượng năm 2015, “về đích sớm” trước 50 ngày. Theo dự kiến, năm 2015, BSR sẽ sản xuất 6,8 triệu tấn xăng dầu các loại (vượt 116,1% kế hoạch năm). Và tính đến 19h30 ngày 11/11/2015, BSR đã xuất bán 5,87 triệu tấn sản phẩm các loại. Theo kế hoạch, cả năm 2015, Công ty sẽ xuất bán khoảng 6,82 triệu tấn xăng dầu các loại (đạt 116,3% kế hoạch năm).

Tính hết tháng 10/2015, BSR đạt doanh thu 81.652 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 18.297 tỷ đồng, vượt 114% kế hoạch năm. BSR đã khắc phục nhiều khó khăn để giữ vững vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn và ổn định, luôn ở mức 103-107% công suất thiết kế. Xin được nhắc lại, từ khi NMLD Dung Quất đi vào hoạt động đến nay, đã sản xuất 36,283 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại; đạt doanh thu thuần khoảng trên 710 ngàn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 120,3 ngàn tỷ đồng. Hiện nay BSR đang tích cực triển khai Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất và lộ trình cổ phần hóa Công ty.

Sự thật là hiển nhiên như vậy, mà bài báo nọ nhắm mắt phán bừa rằng: "Nhà máy Lọc dầu đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp, lại trục trặc luôn giống như đường ống nước sông Đà. Bây giờ cứ liên tục xin giảm thuế, nếu không có nguy cơ hết chỗ chứa dầu hay có nguy cơ đóng cửa, những thứ đó chỉ là chữa cháy cho thực trạng trước mắt".

Những lời lẽ “phán xét” vô trách nhiệm này, đich thực là “nọc độc của rắn độc”, là sự phá hoại có chủ đích, là sự xúc phạm tới hàng nghìn con người đang ngày đêm lao động miệt mài ở BSR. Dám cả gan nói NMLD Dung Quất trục trặc liên tục; rồi ví nhà máy “giống đường ống nước sông Đà”, đúng là “điếc không sợ súng".

Trong nhiều lần làm việc với lãnh đạo BSR, các đồng chí đều khẳng định BSR hoàn toàn không “đòi hỏi” sự “ưu ái” của Chính phủ, BSR chỉ kiến nghị những điều chính đáng bảo đảm sự “bình đẳng” đối với lộ trình sản xuất, kinh doanh của NMLD Dung Quất.

Tất cả chúng ta đều hiểu rằng: Chỉ có sự cạnh tranh lành mạnh mới làm cho doanh nghiệp phát triển. BSR không hề “đòi hỏi” cơ chế ưu đãi riêng biệt. BSR cũng sòng phẳng như những NMLD khác trên thế giới, từ “đầu vào” tức là mua dầu thô thông qua đấu thầu và bằng ngoại tệ. Rồi việc tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

Vậy không thể lẫn lộn giữa “ưu đãi” và “bình đẳng” được. BSR hay PVN có đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành cũng là những đề nghị chính đáng. Thiếu sự bình đẳng trong “sân chơi” này, chính là đẩy BSR vào đường cùng, là sự không công bằng của cơ chế thị trường.

Mọi thông tin, mọi nhận định, mọi đóng góp phải dựa trên thực tế khách quan. Dựa vào chủ quan để phán bừa, phán ẩu không chỉ là xúc phạm đến người lao động chân chính, mà còn hướng dư luận vào những điều tồi tệ. Suy rộng ra đây là hành động phá hoại đích thực.

Đặng Trung Hội

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc