Dạy con kiểu… Tây

07:40 | 27/01/2016

1,166 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính việc chưa có một khái niệm quy chuẩn nào về cách dạy con nên hiện tại, nhiều phụ huynh Việt đang dạy con theo cảm tính theo chính sách và theo kiểu… Tây.  

Mất phương hướng

Chia sẻ của chị P.T.P (Cầu Giấy, Hà Nội) trên mạng xã hội khiến nhiều  người đặt dấu hỏi trong văn hóa dạy con hiện nay.

Theo chia sẻ của chị P.T.P thì: “Tôi tìm hiểu khá nhiều phương pháp dạy con của các nước phương Tây nên định hướng phải để cho con tự lập ngay từ nhỏ. Thế nhưng, tôi không ngờ con đang tự lập đến vô cảm. Vừa nhận kết quả đỗ đại học, mặc dù nhà ở Hà Nội nhưng con nằng nặc đòi ra thuê phòng ở riêng. Dù không bằng lòng nhưng thấy con cương quyết, tôi đành chấp nhận. Tôi chỉ chu cấp tiền học, còn tiền nhà con tự lo.

Tưởng thế thì nó có muốn ra ngoài cũng không được lâu, nhưng con bé vừa học vừa làm thêm, thành thử tiền nhà trọ cũng không là vấn đề to tát với nó. Tôi nghĩ, thôi tự lập cũng tốt. Nhưng vừa rồi, nó báo con không về ăn tết vì còn bận đi du lịch. Tôi thực sự sốc”.

day con kieu tay
TS Trần Thành Nam

Chia sẻ của chị P nhận được nhiều “like” từ các bậc phụ huynh. Chị N.T.L chia sẻ: “Con trẻ bây giờ chẳng hiểu nổi chúng suy nghĩ gì. Bản thân mình có con mới hơn 3 tuổi nhưng cũng chưa biết dạy con thế nào cho đúng…”.

Vậy nên, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lúng túng trong việc dạy con. Anh H.T.D (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Con tôi chưa học tiểu học hỏi: Bố ơi, khi nào thì con được lấy vợ? Nếu sau này lấy vợ thì còn sẽ lấy bạn B cùng lớp. Khi bố nói, con chưa đến tuổi được lấy vợ thì cháu nói, ở lớp con có 2 bạn yêu nhau rồi đấy bố ạ. Thỉnh thoảng các bạn thơm má nhau… Con thấy thật kinh tởm”.

Lời nói của con khiến anh D băn khoăn, bởi con anh mới chuẩn bị lên lớp 1, anh chưa biết phải nên nói chuyện giới tính với con thời điểm nào thì phù hợp.

Những băn khoăn, thắc mắc và cả những hệ lụy bên trên chỉ là phần nhỏ những tình huống mà các bậc cha mẹ gặp phải. Hiện tại, chưa có một quy chuẩn nào hướng dẫn các bậc phụ huynh nên dạy con thế nào cho phải. Nhất là thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, các bậc phụ huynh tiếp cận càng nhiều với các phương pháp dạy tiên tiến thì họ lại càng… mất phương hướng.

Mà đúng là thời hội nhập thì cũng… nhập đủ thứ. Chỉ riêng việc nuôi dạy con thì từ tên gọi đến cách thức dạy trẻ thì tưởng như tất cả đang dần bị ngoại lai hóa. Nhiều phụ huynh đang bị quay cuồng giữa các phương pháp như: Dạy con theo kiểu Tây, dạy con kiểu Đức, rồi mẹ Nhật dạy con thế nào? 

Đã có thời nhiều phụ huynh phát cuồng với phương pháp dạy cho con tự lập trong ăn, ngủ của người Pháp, phương pháp không dùng đến roi vọt của người Mỹ, việc chú trọng giáo dục sớm và tránh “tâm lý vỏ trứng” của người Do Thái, phương pháp giáo dục qua chơi đùa của người Nhật... Phải nói rằng, đây đều là những phương pháp khoa học và những quy trình này cho “xuất xưởng” những đứa trẻ với tinh thần độc lập tự cường rất cao.

Cứ thử so sánh việc trẻ con Tây mới tí tuổi đầu mà nề nếp, tự lập, khỏe mạnh, năng động… thì đương nhiên sẽ hơn hẳn cái nhút nhát, vô kỷ luật, lớn rồi nhưng cái gì cũng “mẹ” của phần đông trẻ Việt!

Thế nhưng, nhiều phụ huynh vì quá mải mê chạy theo thị hiếu dạy con kiểu Tây, kiểu Nhật, kiểu Hàn… mà quên mất cái “văn hóa dạy” gốc gác vẫn là cái Việt. Để rồi mới nảy sinh những “tác dụng phụ” trong cuộc sống hiện đại. Điều đó khiến một bộ phận giới trẻ hiện nay đang sống theo kiểu “Tây hóa”, 18 tuổi là “biến” khỏi nhà, có về thăm bố mẹ thì cũng kiểu lấy lệ như thăm… hàng xóm.

Bố mẹ có làm gì không vừa lòng thì cho rằng bố mẹ không có “quyền”. Chưa kể về tình yêu thì có yêu thương ai, cưới ai là tự quyết định, cha mẹ chỉ việc đứng ngó chứ không được phép “chen” vào…

day con kieu tay

Hẳn đã không ít phụ huynh bị sốc nặng.

Thừa nhận, cách giáo dục kiểu cha mẹ cầm tay chỉ việc cho con cái, vô tình khiến con trẻ mất hết cơ hội học kỹ năng sinh tồn quan trọng như: Xử lý tình huống, thiếu kỹ năng sống, nhút nhát, khả năng tự lập kém. Thế nhưng, vì mải “dạy con kiểu Tây” mà không ít người quên dạy con theo nếp Việt.

Đặc trưng của văn hóa Việt trong giáo dục “kiểu ta” là sự gắn bó, quyến luyến sâu đậm với gia đình. Thế nhưng, nhiều phụ huynh nỡ quên mà chỉ nhăm nhăm vận dụng khuôn phép để dạy con thì vô hình trung lại phải ngậm đắng.

Đừng quên văn hóa Việt

Phải thừa nhận rằng, trong thời đại phát triển như hiện nay, việc trả lời câu hỏi: Dạy con thế nào cho phải đang là câu chuyện khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu. Nhất lại là khi các bậc phụ huynh có điều kiện tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.

Giữa mớ thông tin hỗn độn, một bộ phận phụ huynh đang chạy theo việc chăm con theo cách của người Mỹ, người Nhật, người Anh…

Thế nhưng, TS Trần Thành Nam, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng: “Dù có dạy con theo cách của người Nhật, người Mỹ thì các bậc phụ huynh phải luôn nhớ rằng, con mình sinh ra ở Việt Nam và đang sống ở môi trường Việt Nam”.

Chuyên gia Trần Thành Nam phân tích: Các bậc phụ huynh dù có tham khảo cách dạy con ở nước nào thì việc áp dụng thế nào mới là quan trọng. Kể cả có dạy con theo cách của người Nhật, người Mỹ… thì con của mình cũng đang sống ở Việt Nam, phải thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam. Nên điều cốt lõi nhất giữa các chương trình dạy con như thế nào thì điều phụ huynh cần nắm được đó là bản chất của việc dạy con nằm ở đâu.

Chuyên gia Nam cho rằng, người cha, người mẹ bao giờ cũng tìm cái tốt nhất dành cho con mình nhưng dạy con cần được định hướng rõ ràng. Ông Nam đưa ra 3 vấn đề cốt lõi mà cha mẹ phải nắm được.

Thứ nhất là, cách ứng xử với con cái của mình, phụ huynh phải luôn thể hiện được sự ấm áp, gần gũi với con. Làm gì thì làm, có thể phê bình con nhưng nhớ đừng phê bình nhân cách của cháu.

Thứ hai là, phương pháp dạy con phải dựa trên tiêu chí nhất quán: Ở đây là sự nhất quán giữa các thành viên trong gia đình, để đưa ra một phương pháp chung nhất nuôi dạy con cái, tránh chệch hướng trong cách giáo dục. Nếu mỗi người một phách thì sẽ khiến trẻ bối rối trước sự kiện.

Thứ ba là, đừng để trẻ mất quyền tự chủ: Nhiều cha mẹ Việt vẫn còn quá bao bọc con cái nên trẻ không được tự chủ làm việc. Việc làm này có hại cho con trẻ vì chúng bị hạn chế điều kiện để trải nghiệm cuộc sống. Mà không được trải nghiệm cuộc sống thì trẻ bị hạn chế kỹ năng sống. Vậy nên, khi có điều kiện để trẻ tự làm được thì hãy để trẻ tự làm, đừng tước cơ hội làm việc của trẻ.

Ông Nam cũng nhấn mạnh, giáo dục không khuyến khích những sai lầm, giáo dục cũng không nhằm mục đích xử lý các vấn đề do thờ ơ và cẩn trắc. Nên giáo dục tốt là phải tổ chức được các bài học hiệu quả từ những việc làm nhỏ nhặt hằng ngày và biến chúng trở thành các bài học cuộc sống cho chính con trẻ.

Cùng quan điểm này, nhà báo - chuyên gia giáo dục Nguyễn Thành Đoàn cũng cho rằng: Các bậc phụ huynh đang bị va đập bởi nhiều hệ thống giáo dục khác nhau. Từ những nguồn thông tin đa chiều trên truyền thông, kể cả hệ thống maketing quảng cáo thì có muôn vàn mô hình giáo dục… Nhưng đâu mới là mô hình giáo dục chuẩn để áp dụng vào hệ thống giáo dục ở Việt Nam?

Đó là điều mà các bậc phụ huynh phải sáng suốt lựa chọn. Nhưng vẫn phải trên tiêu chí có định hướng. Trong thời đại phát triển như hiện nay thì ngoài tình thương và sự gương mẫu, dạy con thời nay đòi hỏi các bậc phụ huynh phải có kiến thức, kỹ năng và nghệ thuật giáo dục con cái cho phù hợp với đà phát triển của xã hội.

Nhưng làm gì thì làm cũng phải lựa chọn phương pháp giáo dục nhất quán ngay từ đầu, đảm bảo tính định hướng ngay từ đầu. Vì kết quả của giáo dục nó là quá trình dài chứ không phải ngày một ngày hai.

 

Huyền Anh

Năng lượng Mới 494

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc