Dạy con biết sống gọn gàng

09:21 | 19/08/2012

1,898 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đến một ngày, khi mẹ đi công tác dài ngày, ông bố vốn rất bừa bãi, không ngăn nắp đã thở dài sườn sượt và “đúc kết” với “ông con” 8 tuổi rằng: “Con nhớ nhé! Hãy sống gọn gàng hơn để chính mình hạnh phúc hơn”. Một đức tính và thói quen rất cần dạy cho con trẻ từ những năm đầu đời - đó chính là gọn gàng, ngăn nắp.

Ngăn nắp là cách sống khoa học và cũng là một trong những cách để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường có thói quen vứt lung tung các đồ chơi, đồ dùng học tập, quần áo… Sở dĩ trẻ có thói quen xấu như vậy là do trẻ không ý thức được việc làm của mình và không được cha mẹ hướng dẫn cách sống ngăn nắp, gọn gàng ngay từ nhỏ. Bên cạnh đó còn là tấm gương mà trẻ học tập từ chính những người trong gia đình. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý từng bước dạy trẻ:

1. Hình thành ý thức cho trẻ từ khi còn nhỏ

Khi trẻ bắt đầu biết nhận thức về hành vi của mình, cha mẹ nên dạy trẻ hình thành thói quen này. Thông thường, trước 3 tuổi bé rất hay để ý đến các hành động, việc làm của cha mẹ và bắt chước theo. Lúc này, bạn nên khuyến khích trẻ bắt chước những hành vi tốt, nhưng không nên ép buộc vì bé chưa thể hiểu hết được những hành vi của mình. Khi trẻ lớn hơn, hãy giải thích cho bé hiểu những ích lợi của việc sống ngăn nắp, gọn gàng.

2. Hướng dẫn trẻ cách thực hiện

Bố mẹ nên cùng sắp xếp, dọn dẹp đồ đạc với trẻ và hưởng ứng việc làm của bé. Bước đầu bố mẹ nên làm mẫu và sau đó hướng dẫn bé làm. Những việc đầu tiên cần dạy bé là gấp chăn, màn, quần áo, xếp gọn gàng đồ dùng học tập, đồ chơi… Và hãy xuất hiện đúng lúc, khi bé cần sự hướng dẫn hoặc trợ giúp. Nhưng đừng làm thay trẻ những phần việc đó.

3. Giao trách nhiệm cho trẻ

Cũng cần giao trách nhiệm để trẻ có ý thức trong việc duy trì sự gọn gàng và sạch sẽ chứ không phải là tùy hứng hay khi được nhắc nhở. Với những việc như: dọn đồ chơi, đồ dùng học tập đúng nơi quy định, lau nhà, quét nhà, dọn dẹp phòng ngủ… cần được “đặt trọng trách” cho bé. Từ những việc cụ thể này, tính cách gọn gàng, ngăn nắp của bé sẽ được hình thành. Đó là những việc khá nhẹ nhàng, khi bé đã thành thạo, bạn có thể hướng dẫn trẻ tiếp cận với các công việc mới, ở mức khó hơn, tạo hứng thú cho trẻ trong công việc.

4. Khen, thưởng kịp thời

Thay vì ép buộc bé, bạn hãy khuyến khích, động viên tinh thần trách nhiệm của bé. Đây là động lực giúp con nỗ lực học hỏi và phấn đấu hoàn thành. Phần thưởng có thể là bim bim, đồ chơi, một bữa đi xem phim hoạt hình… nhưng không thể thiếu những lời khen ngợi.

Điều đáng lưu ý là cha mẹ không nên thường xuyên tỏ thái độ không vừa ý như: càu nhàu, la mắng, phạt khi trẻ vứt đồ chơi, quần áo một cách bừa bãi. Điều này sẽ khiến con trở nên chán nản và đôi khi còn làm tổn thương đến trẻ, gây áp lực, thậm chí hình thành sự đối kháng của bé đối với cha mẹ. Hãy nhẹ nhàng khuyên bảo và kiên trì đối với trẻ.

5. Đánh giá kết quả theo tuần

Sau khi con đã làm quen với việc dọn dẹp, gọn gàng, mỗi tuần bố mẹ cần dành 5-10 phút để trò chuyện với con về những gì được và chưa được. Thỉnh thoảng cần nhắc lại cho con về các bước sắp xếp đồ đạc, đừng nổi nóng nếu sau 1-2 tuần mà bé vẫn chưa biết sắp xếp các đồ đạc đúng chỗ.

Việc hình thành thói quen sống ngăn nắp, gọn gàng ngay từ khi còn bé có vai trò quyết định trong việc hình thành tính cách của trẻ sau này. Vì vậy, cha mẹ hãy giúp bé có được những thói quen tốt từ khi còn nhỏ.

Đinh Hương

Năng lượng Mới số 147, ra ngày 17/8/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.