Đầu tư cơ sở hạ tầng như thế nào?

16:47 | 17/05/2017

1,225 lượt xem
|
(PetroTimes) - Ngày 17/5, tại Ninh Bình, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... tổ chức Hội thảo bên lề Hội nghị các quan chức cấp cao tài chính APEC (SFOM) trong khuôn khổ APEC 2017 tại Việt Nam với chủ đề “Đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng”.

Hội thảo có sự tham dự của khoảng 80 quan chức tài chính cao cấp của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Bộ Tài Chính, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Vũ Như Thăng nhấn mạnh về nhu cầu ngày càng lớn về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khi nguồn lực công còn hạn chế: “Vấn đề tìm kiếm đầu tư dài hạn để đáp ứng nhu cầu là một trong những ưu tiên hàng đầu trong khu vực, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Trong những năm qua, sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng đóng vai trò quan trọng. Mô hình hợp tác công- tư hay còn gọi là PPP đã đưa ra giải pháp giúp huy động vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chủ đề về PPP đã được thảo luận trong nhiều cuộc họp của APEC và các cuộc hội thảo cấp kỹ thuật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những vấn đề cần được giải quyết nhằm thu hút thành công đầu tư dài hạn”.

dau tu co so ha tang nhu the nao
Khai mạc Hội thảo "Đầu tư lâu dài về cơ sở hạ tầng".

Các nội dung chính được trao đổi tại Hội thảo gồm: Tổng quan về đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng trong khu vực APEC: Nhu cầu cơ sở hạ tầng, khả năng tài chính, vai trò tư nhân trong APEC, các đề xuất về đầu tư vào cơ sở hạ tầng…; thay đổi về lâu dài trong đầu tư cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế thành viên APEC; hình thức đối tác công- tư (PPP) như một giải pháp tiềm năng cho các dự án cơ sở hạ tầng: Tổng quan về PPP trong APEC; các yếu tố tư nhân tham gia các dự án cơ sở hạ tầng trong APEC và kinh nghiệm các dự án phát triển PPP.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tiến hành thảo luận về cơ chế phân bổ rủi ro của các dự án PPP, gồm các vấn đề : Sơ lược về cơ chế phân bổ rủi ro các dự án PPP; kinh nghiệm phân bổ rủi ro như: phương tiện đi lại, nguồn nước, xử lý nước thải (các nền kinh tế thành viên APEC); kết quả thăm dò phân bổ rủi ro của các nhân tố tư nhân; công cụ quản lý dự án cơ sở hạ tầng.

Hội thảo sẽ tổng kết, đề xuất cho APEC về giải pháp đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng và các kết quả dự kiến được trình lên FMM vào tháng 10/2017.

dau tu co so ha tang nhu the nao
Đại biểu các thành viên APEC tham dự Hội thảo.

Các nội dung được trao đổi tại Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam. Những năm gần đây, nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua hình thức đối tác công- tư (PPP) tại Việt Nam và một số nền kinh tế thành viên APEC đang là vấn đề ngày càng được quan tâm, đặc biệt khi áp lực thiếu hụt nguồn vốn đầu tư ngày càng lớn. Do đó, tìm nguồn vốn dài hạn để đầu tư vào hệ thống hạ tầng thông qua hình thức PPP là một trong các chủ đề được thảo luận tại các diễn đàn APEC cũng như nhiều diễn đàn và hội thảo quốc tế khác.

Chủ đề đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng trong APEC 2017 được các nền kinh tế thành viên APEC và tổ chức quốc tế thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm hướng tới việc thu hút các nguồn vốn đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các dự án PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông qua việc giải quyết vấn đề chia sẻ rủi ro và xây dựng các cơ chế giảm thiểu rủi ro cho dự án.

dau tu co so ha tang nhu the nao
Toàn cảnh Hội thảo "Đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng".

Để thực hiện những mục tiêu trên, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tháng 2/2017 đã thông qua kế hoạch hoạt động về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng với đề xuất định hướng hợp tác trong năm 2017.

Cụ thể: Tổ chức hội thảo về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng vào tháng 5/2017 chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm giữa các thành viên APEC trong việc xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý, đa dạng hóa các nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng và các công cụ giảm thiểu rủi ro hiệu quả; phối hợp với các đối tác quốc tế như OECD, WB, ADB, Trung tâm cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIH) trong việc đúc kết và phổ biến các kinh nghiệm tốt nhất trong việc xây dựng ma trận chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP và các công cụ để giảm thiểu rủi ro trong một số lĩnh vực cụ thể, phù hợp với các nền kinh tế thành viên APEC để các thành viên APEC có thể tham khảo trong quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP cụ thể; các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực sử dụng Source- một hệ thống công cụ trực tuyến về quản lý các dự án đầu tư của Tổ chức cơ sở hạ tầng bền vững (SIF) phát triển nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC trong xây dựng và quản lý dự án cơ sở hạ tầng.

Kết quả hợp tác về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 10/2017.

Bùi Công