Đấu tranh chống “lợi ích nhóm” thế nào đây?

07:15 | 25/07/2015

3,733 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị Trung ương 3 của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định sự cần thiết phải đấu tranh với “lợi ích nhóm”. Đến Hội nghị Trung ương 4 Ban Chấp hành Trung ương đã ra nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xác định phải đấu tranh chống “lợi ích nhóm”.

Xây bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất: Coi chừng lợi ích nhóm

Xây bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất: Coi chừng lợi ích nhóm

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội “xin” UBND thành phố Hà Nội cho phép xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Thống Nhất. Dù đây mới chỉ là đề xuất, dư luận đã có nhiều phản ứng trái chiều…

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 vạch rõ, “lợi ích nhóm” sẽ làm cho sự phát triển của đất nước, lợi ích quốc gia, dân tộc suy yếu và tổn thất nghiêm trọng; nhân dân bị tước đoạt quyền lực và lợi ích; thành quả cách mạng và chế độ chính trị - xã hội không được bảo vệ, dẫn đến đổ vỡ.

Đấu tranh chống “lợi ích nhóm” thế nào đây?

Vậy “nhóm lợi ích” và “lợi ích nhóm” là gì? Theo các chuyên gia, “nhóm lợi ích” là sự kết hợp vì mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích giữa bên có quyền lực trong bộ máy Nhà nước với những người có nhiều tiền trong xã hội. Tiền sẽ chuyển hóa thành quyền lực. Có quyền lực sẽ chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn.

Khi ấy, đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội. “Nhóm lợi ích” còn móc nối, bẻ ghi một số nhóm truyền thông không lành mạnh để tác động chi phối dư luận theo hướng có lợi cho “nhóm lợi ích” và xuyên tạc vu cáo những người, những doanh nghiệp không cùng nhóm để tranh quyền lực và lợi ích.

Trong các văn kiện của Đảng và văn bản của Chính phủ, hiện nay, “lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Cụ thể là trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước, dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong hoạt động tư pháp, nội vụ, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành.

Trở lại một vài vụ án tham nhũng trọng điểm có vai trò xuyên suốt của “nhóm lợi ích” và “lợi ích nhóm” như là vụ án ở Công ty Cho thuê tài chính II (còn gọi ALC II, thuộc Agribank Việt Nam). Tòa tuyên phạt mức án tử hình Tổng giám đốc ALC II Vũ Quốc Hảo. Còn Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Long Hải cùng trong “nhóm lợi ích” của Hảo cũng bị xử phạt mức án tử hình. Theo bản án, Vũ Quốc Hảo cùng một số người khác thành lập Công ty Cát Long Hải là sân sau của mình. Biết có chiếc tàu lặn Tinro 2 có thể mua về để làm giá, bị cáo Hảo thỏa thuận đưa tàu này thành tài sản góp vốn vào Công ty Cát Long Hải. Vì con tàu này không có giấy tờ chính thức nên Hảo chỉ đạo Phạm Minh Tuấn chuyển tàu Tinro 2 ra Hải Phòng để tạo tình huống bị bắt giữ. Sau đó tàu lặn Tinro 2 được bán đấu giá và Công ty Cát Long Hải đứng ra mua với giá 100 triệu đồng. Với quyền hành là Tổng giám đốc ALC II, Hảo giật dây “nhóm lợi ích” các lãnh đạo công ty giám định, thẩm định Việt Nam để nâng giá trị tàu lặn Tinro 2 từ 100 triệu đồng thành 130 tỉ đồng và chỉ đạo giải ngân rút tiền chia ngay ngon lành.

Còn trong “đại án” tham nhũng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), các bị cáo thuộc “nhóm lợi ích” xúc tiến mua ụ nổi 83M. Các bị cáo biết ụ nổi có giá là 5 triệu USD nhưng đã hợp thức hóa các thủ tục để mua thông qua môi giới là Công ty AP (Singapore) với giá 9 triệu USD nhằm rút tiền chênh lệch ăn chia. Các bị cáo vì “lợi ích nhóm” lập biên bản thỏa thuận ăn chia số tiền giữa Công ty AP, công ty của Nga để Vinalines nhận được khoản “lại quả” hơn 1,66 triệu USD. Cũng để “nhóm lợi ích” ăn chia.

Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu các vụ tiêu cực, tham nhũng có tổ chức, đã làm rõ hơn tình hình “lợi ích nhóm” ở Việt Nam đã lan rộng, khá phổ biến và nghiêm trọng đến mức báo động.

TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhận xét: “Lợi ích nhóm” làm cho đất nước bị tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư, bị kìm hãm không thể phát triển nhanh, thậm chí không thể phát triển bình thường, mất sức sống, nền kinh tế sẽ bị khiếm khuyết, dị tật, kinh tế “ngầm”, thị trường “ảo”, chụp giật, hoang dã, khống chế và “thanh toán” lẫn nhau để giành độc quyền, làm hỏng môi trường phát triển lành mạnh và bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Hậu quả do “nhóm lợi ích” gây ra là sự chệch hướng khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính (và cũng xa lạ với chủ nghĩa tư bản hiện đại), đất nước đi theo một con đường khác, sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Đó là con đường không có tiền đồ và rất nguy hiểm, không có tự do và dân chủ (vì bị “nhóm lợi ích” độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn), để lại hậu quả lâu dài mà dân tộc phải gánh chịu. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của các giá trị nhân cách thì “nhóm lợi ích” lại thúc đẩy đồng tiền, cộng với quyền lực, chiếm địa vị thống trị.

Thực chất “nhóm lợi ích” là đồng tiền (tư bản) chi phối quyền lực, trực tiếp tham gia giành và chiếm giữ quyền lực, làm cho quyền lực không còn là của nhân dân, cũng có nghĩa là chệch khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính”.

Cũng theo TS Vũ Ngọc Hoàng, “chủ nghĩa tư bản thân hữu” không phải là một giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, mà là một hiện tượng, một khuyết tật, một sự tha hóa của chủ nghĩa tư bản. Đây là loại hình “phát triển” mà trong đó các doanh nghiệp dựa vào ưu thế về mối quan hệ với những người có quyền lực để tạo ra nguồn thu tài chính cho cá nhân và đơn vị mình. Các doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào “quan hệ”, vào “quan chức” để từ đó mà dùng quyền lực tạo ra lợi nhuận siêu ngạch.

TS Vũ Ngọc Hoàng chỉ rõ, đặc trưng của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” là có sự cấu kết, xâm nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế và nhóm đặc quyền quyền lực. Người kinh doanh cũng đầu tư vào quyền lực và người có quyền lực cũng tham gia kinh doanh, làm quan chức để làm giàu, họ cùng nhau bóc lột “mềm” toàn xã hội, bóc lột cả dân tộc, họ thâu tóm các nguồn tài chính, của cải và thâu tóm quyền lực chính trị, biến bộ máy Nhà nước thành công cụ của một nhóm người nhân danh cầm quyền thực hiện độc quyền kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị.

Hậu quả do “nhóm lợi ích” gây ra chính là tổn thất tài sản công, là sự suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội. Không còn nghi ngờ gì nữa, “lợi ích nhóm” chính là tham nhũng có tổ chức. Vì vậy, phòng chống “lợi ích nhóm” ở ta rất phức tạp, là công việc hết sức khó khăn, cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc tình hình và nguy cơ, cần được đặt ra rốt ráo tại Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Minh Nghĩa

Năng lượng Mới 442

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc