Dấu son chói lọi của thế kỷ XX

06:00 | 30/04/2018

305 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 30-4-1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

“Cả năm 1975 là thời cơ”

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam có sự thay đổi mau lẹ theo hướng có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Song, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975”.

dau son choi loi cua the ky xx
Xe tăng Lữ đoàn 203 thần tốc tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh, cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để giảm thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” và đưa ra quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang - là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông. Đến ngày 25-4-1975, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã mất hầu hết các vị trí then chốt trong tuyến phòng thủ từ xa quanh Sài Gòn.

Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28-4 đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Song song với tổng tấn công của bộ đội chủ lực, Chiến dịch còn được tiếp sức bằng làn sóng nổi dậy của quần chúng nhân dân. Quá trình nổi dậy của quần chúng nhân dân đã diễn ra sôi nổi và được chuẩn bị từ sớm. Ngay từ cuối năm 1974, Trung ương Cục đã có các biện pháp chính trị để chuẩn bị cho quần chúng tiến hành nổi dậy, đặc biệt đã có trên 40.000 người tham gia quá trình nổi dậy với 7.000 người công khai. Các biện pháp đấu tranh bao gồm: ra đường phố làm công tác địch vận, phổ biến lôi kéo, tranh thủ hù dọa đối với lực lượng kìm kẹp tại chỗ của Việt Nam Cộng hòa, thúc đẩy chúng vứt bỏ vũ khí, cởi bỏ trang phục, rút khỏi trụ sở, đồn bốt, về nhà hoặc tháo chạy, ẩn náu... Sau khi Quân Giải phóng tiến vào tiếp quản các đô thị, quần chúng tiến hành dẫn đường hoặc chở bộ đội, bảo vệ nhà máy xí nghiệp, kho bãi, nhà ga, bến cảng, thu các giấy tờ, hồ sơ, hạ cờ Việt Nam Cộng hòa, kéo cờ Mặt trận, cử đại diện chính quyền cách mạng…

Chiến thắng ngày 30-4-1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc.

Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đại thắng mùa Xuân 1975

Giải phóng miền Nam là nguyện vọng thiêng liêng của đồng bào miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Điều đó đã được thể hiện trong Nghị quyết tháng 6-1973 của Bộ Chính trị và sau đó, trong Nghị quyết số 21 vào tháng 7-1973 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 24-5 đến 30-6-1973) xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ là “Tiếp tục con đường bạo lực cách mạng, mở đường đi tới thắng lợi cuối cùng...”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẩn trương thành lập Tổ trung tâm của Cục Tác chiến gồm những cán bộ tham mưu chiến lược giỏi do tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng và tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng trực tiếp chỉ đạo. Tổ trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu, lập kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam.

dau son choi loi cua the ky xx
Quân Giải phóng miền Nam tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975

Ngày 18-7-1974, khi chỉ thị cho Tổ trung tâm xây dựng kế hoạch chiến lược cơ bản để thông qua Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: “Xây dựng kế hoạch cơ bản theo hai bước: bước một, giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định, đó là lúc ta làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng trên chiến trường...; bước hai, trên cơ sở đó, phát triển lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn. Về chọn hướng chiến lược: nên chọn hai hướng: Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ...”. Bản kế hoạch chiến lược do Tổ trung tâm dự thảo, qua 7 lần bổ sung, chỉnh lý đã được Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương (diễn ra từ 30-9 đến 8-10-1974) phê duyệt. Quyết tâm chiến lược được xác định là giải phóng miền Nam trong hai năm.

Năm 1975, quân ta đánh nam Tây Nguyên và các nơi khác đánh phối hợp. Tây Nguyên là hướng chủ yếu... Thời cơ chiến lược có thể xuất hiện vào đợt hai, sau khi đánh vào nam Tây Nguyên. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ chiến lược... Giải phóng được Tây Nguyên sẽ làm chủ miền Trung, tạo thế chia cắt chiến trường miền Nam, uy hiếp cửa ngõ phía bắc Sài Gòn, mặt khác, cô lập mặt trận Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Tiến công vào Tây Nguyên sẽ có nhiều thuận lợi trong việc triển khai lực lượng và bảo đảm hậu cần. Cánh phía bắc Buôn Ma Thuột đã nối liền với đường vận tải chiến lược 559. Địa hình xung quanh Buôn Ma Thuột ít núi cao, ta triển khai binh khí kỹ thuật dễ dàng.

Sau chiến thắng Phước Long, ngày 5-2-1975, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng được cử vào Tây Nguyên, trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên và chuẩn bị cho chiến dịch quyết định cuối cùng.

Vào lúc 1 giờ 55 phút sáng ngày 10-3-1975, quân ta nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột. Và 11 giờ ngày 11-3-1975, quân ta hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột.

Quân địch đã đi vào đúng kế của ta và sa vào thế trận đã được ta bày sẵn. Tâm lý thất bại dẫn đến sự suy sụp về ý chí của quân địch. Tiếp theo đó, địch lại phạm thêm một sai lầm về chiến lược. Việc quyết định rút khỏi Tây Nguyên, tướng sĩ hỗn loạn, mạnh ai nấy chạy, làm cho tâm lý thất bại lây lan cả những lực lượng địch ở khắp miền Trung, tạo thời cơ mới để quân và dân ta phát huy thắng lợi, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích tình hình và chỉ thị: “Điểm trúng huyệt chí tử của địch là Buôn Ma Thuột, gây cho địch chấn động về chiến lược, buộc địch phải rút bỏ Tây Nguyên, thì phải nhanh chóng đánh Huế và Đà Nẵng. Nếu ở đây, chúng cũng phải rút lui chiến lược thì phải cấp tốc đánh thẳng vào Sài Gòn”.

Ngày 18-3-1975, trong cuộc họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị và Bộ Chính trị đã đồng ý “hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm ngay trong năm 1975”. Với quyết tâm đó, cuộc tiến công chiến lược trên thực tế đã chuyển thành cuộc tổng tiến công chiến lược. Cũng từ ngày 18-3 đến 25-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp chính thức để nghe báo cáo và hạ quyết tâm mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị: “Không cần đợi giải phóng xong Huế mới bắt đầu tiến công Đà Nẵng; phải đánh Đà Nẵng ngay... ở hướng Sài Gòn, lực lượng đã đủ - yêu cầu trong tháng 5 phải giải quyết xong Sài Gòn...”.

Sau khi giải phóng Huế, Mặt trận Quảng Đà lập tức được thành lập, do Phó tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh. Mặt trận Quảng Đà chỉ trong 32 giờ đã đập tan một cụm quân lớn nhất ở phía Bắc chiến trường miền Nam do tướng ngụy Ngô Quang Trưởng chỉ huy, giải phóng căn cứ quân sự liên hiệp Đà Nẵng. Đây chính là “vòng cung chiến lược phía Đông” mà Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ấp ủ, tính toán từ trước.

Chỉ trong vòng 1 tháng thực hiện phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quân và dân ta đã giải phóng toàn bộ các thị trấn, thành phố dọc đường số 1, các tỉnh Đông Nam Bộ.

Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4 đến 30-4-1975) do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam làm Chính ủy và các Phó tư lệnh: tướng Trần Văn Trà, tướng Lê Trọng Tấn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao cho.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thiết kế nên một thế trận với mưu kế thật kỳ diệu: Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế - Đà Nẵng; phía Nam giữ địch ở Sài Gòn. Giữ địch ở hai đầu chiến tuyến như vậy làm cho địch bộc lộ sơ hở ở miền Trung và Tây Nguyên. Tây Nguyên bị thất thủ, tạo ra đột biến về chiến lược. Lợi dụng thời cơ, quân ta giải phóng Huế, Đà Nẵng, đẩy địch vào thế tan rã thảm hại để sau đó, huy động toàn bộ lực lượng gồm 5 quân đoàn giải phóng Sài Gòn.

Chiến thắng 30-4-1975 với báo giới nước ngoài

“Việt Nam là một cuộc chiến tranh đầu tiên mà Mỹ thất bại trong việc giành chiến thắng và đã đẩy nước Mỹ đến những phân rẽ cay đắng”, nhà sử học Nigel Cawthorne nhận xét về ngày 30-4-1975 lịch sử.

dau son choi loi cua the ky xx
Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng

Thời báo New York còn dẫn tập tài liệu mật ghi chép của Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam với gần 70.000 trang, do luật sư Danien phát hiện. Điều này khiến người Mỹ hiểu rõ thực chất cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là tàn bạo và vô nghĩa.

Thời báo Los Angeles viết: “Người Mỹ ra đi, Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt Nam”. Báo Mặt trời Baltimore viết: “Chúng ta bị thương tổn và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn hơn lên một chút qua sự kiện chiến sự Sài Gòn - Gia Định”.

Phóng viên Hãng UPI mô tả: “Quân đội Cộng sản tươi cười và vui vẻ cưỡi xe tăng vào Phủ Tổng thống ở Sài Gòn và hô vang với những người đứng bên đường và các nhà báo đang theo dõi. Họ thật sự không để ý đến sự có mặt của các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của chính quyền Sài Gòn trước những người cộng sản”.

Hãng tin Pháp AFP bình luận: “Không còn nghi ngờ gì nữa. Chiến sự Sài Gòn - Gia Định kết thúc. Sự kiện này ảnh hưởng to lớn đến khu vực trên thế giới trong tương lai”.

Chỉ 1 ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 1-5-1975, AFP viết: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30-4 của Việt Nam, “dư chấn” rung động địa cầu”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, sau gần 30 năm im lặng đã phải tự dằn vặt rằng: “Những người cộng sự của tôi trong chính quyền John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson là một nhóm người đặc biệt… Tại sao nhóm người giỏi nhất và thông minh nhất ấy lại mắc sai lầm về Việt Nam? Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại mắc sai lầm như vậy?”.

Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30-4 của Việt Nam, “dư chấn” rung động địa cầu.

Tờ Pasason, tiếng nói của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày 29-4-2010, đã có bài viết tựa đề “Truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam”, ca ngợi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần chiến đấu ngoan cường và anh dũng của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân cũ và mới, tạo ra Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy tháng 5-1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975.

Với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ NewYork Times ngày 1-5-1975 chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền ngụy và chiến thắng của các lực lượng cách mạng. Theo bài viết, ngày 30-4-1975 là ngày “lịch sử của thế giới”.

Cũng trong số ra ngày 1-5-1975, Hãng tin AP đăng một bài viết có đoạn “Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của Quân Giải phóng tiến nhanh vào Dinh Tổng thống. Cũng trong thời gian này, tướng trung lập Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và truyền hình công bố lệnh đầu hàng”.

Bên cạnh những tờ báo lớn, hầu hết các chương trình thuộc 3 hệ thống truyền hình Mỹ tối 1-5-1975 đều dành cho những đoạn phim về cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29-4-1975 và các tin về giây phút cuối cùng của chế độ được gọi là Việt Nam Cộng hòa, cùng với việc ra đời một chế độ mới tại miền Nam Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 30 năm Việt Nam thống nhất (1975-2005), tờ Washington Time ra đặc san về Việt Nam, trong đó nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trên đường đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc san đem đến cho độc giả những thông tin chân thực và sinh động về đất nước, con người và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Minh Quân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc