Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 9)

08:00 | 18/11/2022

5,448 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tháng 7 năm 1903, William Knox D’Arcy tới trị liệu tại một spa ở Marienbad, Bohemia. Đây là thời điểm khủng hoảng của D’Arcy. Ông đang tuyệt vọng và mệt mỏi vì tiến độ công việc chậm chạp và tốn kém của dự án khai thác dầu mỏ ở Ba Tư.
dau mo tien bac va quyen luc ky 9
Tàu chiến HMS M 33 của Hải quân Anh 1914

CHƯƠNG 8: CÚ NHẢY ĐỊNH MỆNH

Tháng 7 năm 1903, William Knox D’Arcy tới trị liệu tại một spa ở Marienbad, Bohemia. Đây là thời điểm khủng hoảng của D’Arcy. Ông đang tuyệt vọng và mệt mỏi vì tiến độ công việc chậm chạp và tốn kém của dự án khai thác dầu mỏ ở Ba Tư. Tuy nhiên, ở spa này, D’Arcy cảm thấy tinh thần sảng khoái, không chỉ nhờ phương pháp trị liệu mà còn vì ông đã được làm quen với Đô đốc John Fisher, khi đó là Thứ trưởng Hải quân Hoàng gia Anh và có biệt danh "người điên vì dầu lửa". Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa họ cuối cùng đã dẫn tới sự biến chuyển trong dự án của D’Arcy và đưa dầu lửa lên vị trí trung tâm trong các chiến lược quốc gia của nước Anh. Đô đốc Fisher nhiều năm là vị khách thường xuyên ghé thăm Marienbad, sau khi ông chữa khỏi căn bệnh lỵ kinh niên tại spa ở đây. Tuy nhiên, lần này, ông cũng đang ở trong tâm trạng thất vọng.

Không lâu trước đó, lần thử nghiệm đầu tiên dùng dầu nhiên liệu cho một con tàu chiến của Anh đã được tiến hành trên tàu HMS Hannibal. Dùng than loại tốt của xứ Wales, con tàu chiến này rời khỏi cảng Portsmouth với một vệt khói màu trắng. Sau khi có tín hiệu, con tàu chuyển sang chạy bằng dầu. Một lúc sau, cả con tàu bị bao phủ bởi một đám khói đen dày đặc. Một lò đốt bị hỏng đã biến cuộc thử nghiệm thành một thảm họa. Đây là một thất bại cay đắng cho hai người ủng hộ tích cực nhất việc sử dụng dầu nhiên liệu cho Hải quân Anh, lúc đó cùng có mặt trên tàu – Đô đốc Fisher và Marcus Samuel của công ty Shell.

Không lâu sau đó, Fisher tới Marienbad, nơi ông tình cờ gặp D’Arcy. Hai người này ngay lập tức phát hiện ra họ có cùng niềm đam mê đối với dầu lửa, và D’Arcy vội gửi cho Fisher các tấm bản đồ và tài liệu liên quan của dự án dầu lửa ở Ba Tư. Về phần mình, Fisher rất vui mừng và ấn tượng trước những gì mà D’Arcy, người được ông gọi là "triệu phú mỏ vàng", nói với ông. Fisher viết rằng, D’Arcy "vừa mới mua nửa phía Nam của Ba Tư vì dầu… Ông ấy nghĩ, đây sẽ là một điều tuyệt diệu: Tôi sẽ tới Ba Tư thay vì Portsmouth, vì ông ấy bảo tôi là muốn có một người giúp mình quản lý mọi việc!" D’Arcy hiểu rằng Fisher đã hứa hẹn sẽ có một sự giúp đỡ nào đó. Mặc dù sự giúp đỡ cũng tới – ban đầu là bí mật, rồi tiếp đó là công khai – nhưng nó không nhanh chóng như mong muốn của D’Arcy.

"Bố già dầu lửa"

John Arbuthnot Fisher, người được Marcus Samuel gọi là "Bố già dầu lửa", đã trở thành người đứng đầu Hội đồng Đô đốc của Hải quân Anh năm 1904. Trong vòng sáu năm tiếp sau đó, "Jacky" Fisher sẽ thống lĩnh Hải quân Anh theo cách chưa ai từng làm. Sinh ra ở Ceylon trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1854, Khi 13 tuổi Fisher gia nhập hải quân và trở thành thủy thủ trên một con thuyền buồm. Không hề có ưu thế về nguồn gốc gia đình hay địa vị, Fisher tiến bộ nhờ vào trí thông minh tuyệt vời, lòng kiên trì và động lực của ý chí. Theo đánh giá của một người cùng thời, Fisher là "sự kết hợp của một chính khách và một đứa trẻ". Lấn lướt tất cả những ai có quan hệ với mình, Fisher là một "cơn bão của sinh lực, lòng nhiệt tình và quyền năng thuyết phục". Một lần, sau khi vấp phải lý lẽ đầy sức mạnh của Fisher, vua Edward VII đã nói với vị đô đốc này: "Ta mong là ông sẽ thôi giơ quả đấm vào mặt ta".

Ngoài gia đình, khiêu vũ và tôn giáo (bao gồm khả năng ghi nhớ kỳ lạ những câu trích trong Kinh Thánh), Fisher chỉ còn một mối quan tâm là Hải quân Hoàng gia Anh. Ông cống hiến hết mình cho việc hiện đại hóa hải quân, nỗ lực tìm cách giải phóng lực lượng này khỏi những thói quen thâm căn cố đế, tính tự mãn và truyền thống cổ hủ. Ông theo đuổi những mục tiêu của mình với quyết tâm không thể lay chuyển. Một sĩ quan từng phục vụ dưới quyền ông nói: "Jacky không bao giờ thỏa mãn với bất kỳ điều gì ngoài "Vận tốc tối đa"". Tự xưng là kẻ cuồng tín trong sự nghiệp, Fisher là người khởi xướng mạnh mẽ nhất việc thay đổi công nghệ trong Hải quân Anh. "Quy tắc vàng" của ông là không bao giờ "cho phép bản thân chúng tôi bị lạc hậu". Với chút danh tiếng đạt được ban đầu trong hải quân với tư cách là một chuyên gia về ngư lôi, Fisher tiếp tục thành công với tàu ngầm, tàu khu trục, la bàn Kelvin, những tiến bộ về hỏa lực, cuối cùng là hàng không hải quân, và dầu lửa.

Đầu năm 1901, ông viết: "Dầu nhiên liệu sẽ cách mạng hóa triệt để chiến lược hải quân. Đó sẽ là một câu chuyện "Đánh thức nước Anh!" Fisher muốn hạm đội Hải quân Anh chuyển từ nhiên liệu than sang dầu. Những lợi ích của việc này sẽ là tốc độ cao hơn, hiệu quả và tính linh hoạt lớn hơn. Nhưng ông chỉ nằm trong nhóm thiểu số, các đô đốc khác cảm thấy an toàn hơn khi nhìn vào nguồn cung cấp than từ xứ Wales, và nhất quyết đòi tiếp tục dùng thứ nhiên liệu này. Khi trở thành Bộ trưởng Hải quân, Fisher vẫn tiếp tục quan tâm tới dự án mà D’Arcy đã giới thiệu với ông khi ở Marienbad. Muốn được chứng kiến những mỏ dầu được khai thác dưới quyền kiểm soát của nước Anh, ông thúc đẩy Bộ Hải quân Anh ủng hộ hợp đồng nhượng quyền khai thác dầu ở Ba Tư, và tiếp đó là gây áp lực với Công ty dầu mỏ Burmah để công ty này ra tay cứu giúp D’Arcy.

Mục tiêu hàng đầu của Fisher luôn là đưa hải quân hoàng gia vào kỷ nguyên công nghiệp và chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. Sớm hơn phần lớn những người khác, ông tin rằng kẻ thù của nước Anh sẽ là đối thủ công nghiệp đáng sợ nổi lên ở đại lục châu Âu – đế quốc Đức. Và ông sẽ thúc đẩy cả hải quân hoàng gia và Chính phủ Anh tiến tới trong vấn đề dầu lửa, vì ông cũng rất tin tưởng rằng dầu nhiên liệu là một yếu tố quyết định trong cuộc xung đột tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai.

dau mo tien bac va quyen luc ky 9
John Arbuthnot Fisher, người được Marcus Samuel gọi là "Bố già dầu lửa"

"Sản xuất tại Đức"

Mặc dù trong mối bất đồng trực tiếp giữa Đức và Anh gần như không có nhiều vấn đề cụ thể, song vẫn có nhiều yếu tố dẫn tới sự thù địch ngày càng tăng giữa hai quốc gia này vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Có thể kể đến việc mất niềm tin rõ ràng của Hoàng Đế Kaiser, một người cháu trai của nữ hoàng Victoria, đối với bác của ông, vua Edward VII của nước Anh. Tuy nhiên, không có yếu tố nào đóng góp vào sự thù địch này nhiều như cuộc chạy đua hải quân đang hình thành giữa Anh và Đức – một cuộc cạnh tranh về quy mô và tiến bộ kỹ thuật. Ở cả hai nước, đây là chủ đề thu hút sự chú ý của báo giới và công luận, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc đang lên và gây ra những mối lo ngại sâu sắc nhất. Một nhà sử học đã viết: "Theo quan điểm hiện tại, chính vấn đề hải quân đã làm mối quan hệ Anh − Đức xấu đi".

Tới thập niên 1890, Chính phủ Đức đã công khai theo đuổi Weltpolitik (Chính sách Thế giới) – một cuộc chạy đua để giành ưu thế về chính trị, chiến lược và kinh tế trên phạm vi toàn cầu, để Đức trở thành một cường quốc thế giới, và để đạt được cái gọi là "tự do chính trị trên thế giới," theo cách gọi của Berlin. Cách thức mạnh tay, đôi khi tàn bạo và hung hăng rõ nét mà "nước Đức mới" sử dụng để khẳng định bản thân trên trường quốc tế đã dẫn tới sự lo ngại và tăng thêm hồi chuông cảnh báo đối với các cường quốc khác. Thậm chí, một trong số các quan chưởng ấn của Kaiser cũng chỉ trích "tinh thần hung hăng, tự cao và độc đoán" của nước Đức. Dường như, đây là một cách xử sự phản ảnh tính cách của Kaiser Wilhelm, đồng thời, chính Kaiser cũng bị tính cách này làm cho thêm phần tồi tệ. Ông hoàng này là một người tính khí thất thường, đầy định kiến, nóng nảy và đồng bóng. Một số người Đức đã cảm thấy mất hết hy vọng vào việc Kaiser sẽ trở nên khôn ngoan hơn cùng với sự tăng lên của tuổi tác. Đối với nhiều người Đức sống trong những ngày hoàng kim thời kỳ hậu Bismacrk, có một chướng ngại vật lớn hơn tất thảy dường như đang đứng chắn trên con đường tiến tới giấc mơ trở thành cường quốc thế giới của họ – đó là quyền lực của nước Anh nằm ngoài khơi xa.

Theo lời một đô đốc Đức, mục tiêu của Đức là phá vỡ "sự thống trị trên thế giới của nước Anh để giải phóng những của cải cần thiết cho các nhà nước ở Trung Âu đang cần mở rộng". Điều đó có nghĩa là phải xây dựng một lực lượng hải quân để đối đầu với hải quân Anh. Bản thân Kaiser cũng tuyên bố: "Chỉ khi nào chúng ta có thể giơ sức mạnh vũ lực của chúng ta ra trước mặt con sư tử Anh thì nó mới chịu rút lui". Năm 1897, người Đức bắt đầu thách thức người Anh về hải quân. Mặc dù dự đoán phải mất 10 năm để đạt được mục tiêu này, song họ hy vọng người Anh rốt cục sẽ mệt mỏi trước cái giá phải trả cho sự đối địch. Tuy nhiên, mọi việc lại trái ngược với mong muốn ấy. Sự thách thức của nước Đức đã cảnh báo và thúc đẩy Anh nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong quan niệm của nước Anh, uy thế về hải quân luôn đóng vai trò trung tâm trong việc khẳng định sức mạnh của đế quốc Anh. Lúc này, nước Anh đang phải vật lộn với những áp lực mới. Vị trí dẫn đầu về công nghiệp đang vuột khỏi tay nước Anh, chuyển sang nước Mỹ, và tệ hơn nữa là nước Đức.

Năm 1896, một cuốn sách có tựa đề Made in Germany (Sản xuất tại Đức) đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Anh. Một viên bộ trưởng Anh than rằng, nước Anh đang là một "người khổng lồ kiệt sức". Đô đốc Fisher tin chắc chính nước Đức, và chỉ có nước Đức mới là kẻ thù trong tương lai. Ông lo ngại rằng, có thể vào một kỳ nghỉ cuối tuần dài nào đó, quân Đức sẽ đột ngột đánh lên từ dưới biển. Trong nhiều năm, các trợ lý của ông luôn luôn duy trì nhiệm vụ đặc biệt, và như thế, họ bị mất những dịp nghỉ cuối tuần. Với sự thúc giục của Fisher, Chính phủ Anh đã đáp trả sự thách thức của nước Đức bằng cách hiện đại hóa hạm đội hải quân.

Tới năm 1904, cuộc chạy đua hải quân đã đến độ cao trào – cả hai bên đều ở trong "một cuộc chạy nước rút về công nghệ" để nâng cao quy mô và tốc độ của các con tàu chiến, tầm bắn và độ chính xác của hệ thống hỏa lực, cũng như trong việc phát triển các loại vũ khí mới như ngư lôi và tàu ngầm. Tại cả hai quốc gia, cuộc chạy đua này diễn ra trên nền của sự bất ổn xã hội và lao động, của những xung đột trong nước, của những áp lực tài chính và ngân sách. Nước Anh phải trải qua một cuộc tranh cãi kinh điển về súng - hay - bơ. Đảng Tự do cầm quyền bị chia rẽ thành hai phe, một bên là "những người hải quân chủ nghĩa" ủng hộ chính sách "Hải quân lớn" và chủ trương tăng cường ngân sách cho Bộ Hải quân, còn bên kia là "những nhà kinh tế học" muốn hạn chế chi phí cho hoạt động của hải quân và thay vào đó, đầu tư nhiều tiền hơn vào các chương trình phúc lợi xã hội mà họ cho là cần thiết để duy trì ổn định trong nước. Cuộc tranh cãi diễn ra vô cùng gay gắt. "Liệu nước Anh sẽ từ bỏ vị trí hải quân siêu việt của mình để cấp lương hưu cho người già?" ‒ tờ Daily Express (Tin nhanh hàng ngày) đặt một câu hỏi lớn.

Từ năm 1908 trở đi, "những nhà kinh tế học" trong nội các của Thủ tướng Herbert Asquith tập hợp quanh David Lloyd George, vị luật sư xứ Wales, người giữ chức Bộ trưởng Tài chính. Cũng có lúc phe này do Winston Spencer Churchill đứng đầu. Giờ đây, trong nền chính trị Anh quốc, ông được coi là "người trẻ tuổi vội vàng".

Sự xuất hiện của Churchill

Winston Churchill là cháu của Công tước xứ Marlborough, là con trai của Raldolph Churchill, một người có tài nhưng tính khí thất thường và Jennie Jerome, một phụ nữ Mỹ xinh đẹp. Churchill đã trúng cử Nghị viện Anh năm 1901, khi ông 26 tuổi, với tư cách là thành viên Đảng Bảo thủ. Ba năm sau, ông rời Đảng Bảo thủ do vấn đề thương mại tự do và gia nhập phe Tự do. Sự chuyển hướng chính trị này không hề cản trở con đường thăng tiến của ông. Ít lâu sau, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng thương mại, và tới năm 1910, đã giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Churchill sống vì chính trị và chiến lược lớn. Thậm chí cả khi làm đám cưới trong nhà thờ, ông vẫn nói chuyện về chính trị. Churchill đã trở thành người lãnh đạo chiến dịch của "những nhà kinh tế học" chống lại chương trình hải quân mở rộng của Fisher.

Ông và Lloyd George đạt được một thỏa thuận về hải quân giữa Anh và Đức, một cách giảm ngân sách chi cho hải quân và dùng số tiền dôi ra cho cải cách xã hội. Mặc dù bị chỉ trích nặng nề, nhưng ông không hề nao núng. Ông tuyên bố, quan điểm cho rằng chiến tranh giữa Anh và Đức tất yếu sẽ nổ ra "thật vớ vẩn". Tuy nhiên, tháng 7 năm 1911, pháo hạm Con báo của Đức đã tiến vào cảng Agadir của Marốc – một thủ đoạn vụng về nhằm khẳng định việc nước Đức nhất quyết đòi có được vị trí ở châu Phi. Sự kiện này càng củng cố thêm tinh thần chống Đức cả ở Anh và châu Âu đại lục, đặc biệt là ở Pháp. Quan điểm của Churchill ngay lập tức thay đổi.

Kể từ thời điểm đó trở đi, ông không còn nghi ngờ gì về mục tiêu bành trướng của Đức, còn sự lớn mạnh của hạm đội hải quân Đức không nhằm phục vụ mục đích nào khác ngoài việc đe dọa nước Anh – một mối đe dọa cần phải chống trả lại. Giờ đây, ông kết luận, nước Đức sẽ gây chiến tranh. Do đó, nước Anh phải huy động các nguồn lực để duy trì uy thế của mình, và Churchill, mặc dù vẫn giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, đã bắt đầu quan tâm tới hải quân hoàng gia và đặt câu hỏi, liệu lực lượng này đã thật sự sẵn sàng cho một cuộc tấn công bất ngờ. Ông bất bình trước việc các quan chức cao cấp vẫn đi săn bắn tại Scotland ngay trong lúc xảy ra sự kiện Agadir.

dau mo tien bac va quyen luc ky 9
Winston Churchill

Cuối tháng 9 năm 1911, Churchill tới Scotland cùng với Thủ tướng Asquith. Trên đường quay về sau một trận golf, Thủ tướng đột ngột hỏi Churchill liệu ông có muốn trở thành Bộ trưởng Hải quân, vị trí dân sự cao nhất trong hải quân hoàng gia Anh không. "Tôi rất muốn", Churchill đáp lời. Giờ đây, Hải quân Anh đã có một nhà lãnh đạo dân sự, một người có thể hướng năng lực, tầm nhìn, khả năng tập trung và sức mạnh lớn lao của ông gánh vác nhiệm vụ bảo đảm chiến thắng của nước Anh trong cuộc chạy đua với người Đức. Churchill nói: "Toàn bộ tiền bạc của đế quốc Anh, toàn bộ khối tài sản tích luỹ được trong nhiều thế kỷ sẽ tiêu tan sạch nếu sức mạnh hải quân của chúng ta bị suy yếu". Ông có một phương châm rất rõ ràng trong những năm trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra: "Tôi muốn chuẩn bị để đối phó với cuộc tấn công của quân Đức như thể cuộc tấn công đó diễn ra ngay ngày mai". Đồng minh của Churchill trong chiến dịch đó là Đô đốc Fisher, một người gần gấp đôi tuổi ông, vừa mới nghỉ hưu và rời khỏi hải quân.

Kể từ sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ ở Biarritz năm 1907, Fisher đã bị Churchill mê hoặc. Hai người có mối quan hệ mật thiết đến nỗi, có thể chính Fisher là người đầu tiên biết tin Churchill sắp lấy vợ. Người ta cho rằng, Fisher đã trở thành "bảo mẫu" của Churchill. Còn theo lời Churchill, Fisher là khởi nguồn của "tất cả những bước đi quan trọng nhất trong việc mở rộng, tăng cường, hay hiện đại hóa hải quân" trong một thập kỷ. Ông cũng thừa nhận rằng, Fisher, người luôn dồn dập đưa cho ông những ý tưởng, là "một ngọn núi lửa thật sự của tri thức và cảm hứng".

Một trong số những bài học quan trọng nhất là bài học liên quan đến dầu mỏ. Theo lập luận của Fisher, loại nhiên liệu này chính là một phần không thể thiếu trong chiến lược giữ vững địa vị thống trị của nước Anh. Ông bắt đầu bằng việc giúp Churchill nhận thức rõ những ưu điểm của dầu lửa so với than khi được sử dụng cho hải quân Anh. Lo ngại trước những bản báo cáo cho biết quân Đức đang sử dụng những con tàu chạy bằng dầu lửa, Fisher lại tìm đến Marcus Samuel của Shell để tìm cách đẩy nhanh việc sử dụng dầu lửa trong hải quân Anh. Samuel cũng thông báo với Fisher việc một công ty vận tải đường biển của Đức đã ký hợp đồng mua dầu lửa trong 10 năm và một phần của lượng dầu lửa này được dùng cho lực lượng hải quân.

Tháng 11 năm 1911, Samuel viết thư cho Fisher: "Ông đã đúng và vẫn đúng! Sự phát triển của động cơ đốt trong là điều tuyệt vời nhất trên thế giới này. Cũng chắc chắn động cơ đốt trong sẽ thay thế động cơ hơi nước với tốc độ chóng mặt. Tôi cảm thấy rất buồn khi biết ông nằm trong mưu đồ của các quan chức tại Bộ Hải quân. Sẽ cần tới một người rất mạnh mẽ và có khả năng để làm lành vết thương mà họ đã gây ra cho ông. Nếu Winston Churchill là người đó, tôi sẽ ủng hộ ông ta bằng cả trái tim và tâm hồn".

Tăng tốc!

Không lâu sau đó, Fisher sắp xếp cho Marcus Samuel gặp Churchill để thuyết trình về những lợi thế của việc sử dụng dầu. Tuy nhiên, Churchill không có ấn tượng tốt về vị chủ tịch công ty Shell. Trong một lá thư ngắn gửi Churchill sau đó, Fisher trước hết thanh minh cho Samuel: "Ông ấy không giỏi trình bày, nhưng ông ấy đã khởi nghiệp bằng việc bán vỏ sò (vì thế, tên của công ty ông ấy là Shell) và giờ đây, đang có trong tay 6 triệu bảng. Ông ấy có một bình trà tốt, mặc dù có thể là một tay rót trà tồi". Sau đó, Fisher giải thích, ông sắp xếp cuộc gặp ấy chỉ nhằm thuyết phục Churchill rằng, dầu sẵn có với khối lượng lớn, đủ để hải quân Anh yên tâm sử dụng làm nhiên liệu. Ông trình bày những lợi thế của dầu so với than: "Hãy nhớ rằng, cũng giống như than, dầu không bị hỏng và ông có thể trữ trong những kho dự trữ lớn là những bể chứa ngầm để tránh sự phá hủy của hỏa hoạn và bom đạn hoặc bạo động và dầu ở phía Đông của kênh đào Suez thì rẻ hơn than".

Fisher nói thêm, Samuel mời ông gia nhập hội đồng quản trị của Shell nhưng ông từ chối: "Tôi là một người nghèo và rất vui vì lời đề nghị này! Nhưng nếu tôi muốn trở nên giàu có, tôi sẽ chạy theo dầu! Khi một con tàu chở hàng chạy bằng động cơ hơi nước có thể tiết kiệm tới 78% nhiên liệu và tăng khoảng rộng chứa hàng thêm 30% bằng cách sử dụng động cơ đốt trong và loại bỏ những người đốt lò và các kỹ sư, người ta sẽ thấy rõ một sự thay đổi tuyệt diệu diễn ra, với dầu". Fisher tỏ ra khinh bỉ trì hoãn chuyển sang sử dụng dầu và cảnh báo Churchill về những hậu quả nguy hiểm: "Các bà già sẽ cảm thấy vui khi con tàu chiến mới của nước Mỹ đơn độc chạy dầu trên biển, còn tàu chiến của Đức sẽ hỉ mũi chế giễu "những con rùa" của chúng ta!"

Khi Churchill nhậm chức tại Bộ Hải quân, nước Anh đang đóng dở 65 tàu khu trục và 74 tàu ngầm, toàn bộ đều chạy bằng nhiên liệu duy nhất là dầu. Người ta cũng dùng lượng dầu nhất định đổ lên than trong lò đốt của tất cả mọi con tàu. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của hạm đội hải quân Anh – những tàu chiến, đóng vai trò xương sống của lực lượng – vẫn chạy bằng than. Điều mà cả Churchill và Hải quân Anh đều muốn là tạo ra một thế hệ tàu chiến mới, không chỉ có những khẩu súng lớn hơn và vỏ bọc thép chắc chắn hơn mà còn có tốc độ cao hơn, để xông tới và bao vây kẻ thù. Fisher nhắc lại với Churchill: "Chiến đấu trên biển hoàn toàn là lẽ thường tình. Điều cần thiết đầu tiên là tốc độ, để có thể chiến đấu khi ­ông muốn, ở nơi ­ông muốn và theo cách ông muốn". Những con tàu chiến của nước Anh thời đó có thể đạt tốc độ 21 hải lý/giờ. Tuy nhiên, theo nhận định của Churchill, "tốc độ lớn hơn" sẽ đem tới "một nhân tố mới trong chiến tranh hải quân".

Trong một nghiên cứu được tiến hành theo yêu cầu của Churchill, Hội nghiên cứu chiến tranh tính toán rằng, với vận tốc 25 hải lý/giờ, một "Đội tàu nhanh" mới có thể mạnh hơn hạm đội mới đang nổi lên của nước Đức. Tóm lại, hải quân Anh muốn tăng vận tốc thêm 4 hải lý/giờ – và dường như không có cách nào để đạt được điều này ngoài cách sử dụng dầu. Cuối cùng, Churchill đã hiểu ra, dầu cho phép tạo ra không chỉ tốc độ lớn hơn, mà còn là khả năng tăng tốc cao hơn. Dầu đem đến thêm những lợi thế trong hoạt động và sức mạnh của hạm đội, giúp mở rộng bán kính hoạt động. Những con tàu chạy bằng dầu có thể được tiếp nhiên liệu ngay trên biển (trong điều kiện biển lặng), mà không cần phải dùng tới 1/4 nhân lực trên tàu để làm việc đó như đối với những con tàu chạy bằng than. Ngoài ra, dầu cũng giúp giảm đáng kể sự căng thẳng, thời gian, những mệt mỏi và bất tiện khi sử dụng than làm nhiên liệu, đồng thời, cắt giảm hơn một nửa số lượng công nhân đốt lò cần thiết. Ưu điểm dầu đem lại về mặt hoạt động, cũng như tốc độ, có thể được coi là những yếu tố quan trọng nhất vào thời điểm quan trọng nhất – trong chiến trận.

Sau này, Churchill viết: "Khi một con tàu chạy bằng than hết than, phải huy động rất nhiều nhân lực, kể cả những tay súng trong trường hợp cần thiết, để chuyển than từ những kho chứa xa và bất tiện tới kho chứa gần những lò đốt hoặc tới những lò đốt đó. Do vậy, hiệu quả chiến đấu của tàu giảm xuống, đặc biệt là vào những thời điểm quan trọng nhất trong trận đánh… Việc sử dụng dầu giúp cho mọi loại tàu có thể đạt được hỏa lực và tốc độ tốt hơn trong khi kích thước tàu và chi phí lại giảm xuống". Ba chương trình hải quân năm 1912, 1913 và 1914 là sự bổ sung lớn nhất – về mặt sức mạnh và chi phí – trong lịch sử của Hải quân Anh tính đến thời điểm đó. Tất cả mọi con tàu trong ba chương trình trên đều chạy bằng dầu. Một số tàu chiến ban đầu được thiết kế chạy bằng than, sau đó cũng được chuyển sang chạy bằng dầu. Quyết định then chốt được đưa ra vào tháng 4 năm 1912, với việc đưa vào chương trình hải quân một đội tàu nhanh gồm năm tàu chiến chạy bằng dầu. Churchill khẳng định, với "cú nhảy định mệnh" này, "những con tàu ưu việt của hải quân Anh, những con tàu nắm giữ cuộc sống của chúng tôi, được tiếp nhiên liệu là dầu và chỉ có thể được tiếp thứ nhiên liệu này".

Tuy nhiên, quyết định này lại dẫn tới một vấn đề gây tranh cãi – có thể tìm ra dầu ở đâu, liệu có đủ dầu không, và liệu đó có phải là nguồn cung cấp an toàn cả về mặt quân sự và chính trị? Ván bài lớn của Churchill là thúc đẩy quá trình chuyển sang sử dụng dầu cho tàu trước khi vấn đề nguồn cung được giải quyết. Ông giải trình vấn đề này như sau: "Đóng bổ sung một số lượng lớn tàu chạy bằng dầu cũng đồng nghĩa với việc đặt sức mạnh hải quân của chúng ta phụ thuộc vào dầu. Chúng ta không thể tìm thấy một mỏ dầu đáng kể nào trên quần đảo Anh quốc. Nếu muốn có dầu, chúng ta phải chở dầu trên biển, trong điều kiện hòa bình hoặc chiến tranh, từ những quốc gia xa xôi. Chúng ta đang có nguồn cung cấp than dùng cho động cơ hơi nước tốt nhất trên thế giới, một nguồn cung an toàn trong những mỏ than của chúng ta, nằm dưới lòng đất của chúng ta. Kiên quyết đưa hải quân vào con đường sử dụng dầu lửa thật ra là cầm vũ khí chống lại một biển những rắc rối. Tuy nhiên, nếu có thể khắc phục được những khó khăn và rủi ro, chúng ta sẽ có thể đưa toàn bộ sức mạnh và hiệu quả hoạt động của hải quân lên một mức độ cao hơn hẳn; những con tàu tốt hơn, thủy thủ tốt hơn, tính kinh tế cao hơn, lực lượng chiến tranh hùng hậu hơn" – tóm lại, ưu thế chính là phần thưởng của sự mạo hiểm này".

Ngài Đô đốc tháo vát

Churchill thành lập một ủy ban để nghiên cứu những khó khăn phát sinh khi chuyển từ dùng than sang dùng dầu, bao gồm giá cả, mức độ sẵn có và sự bảo đảm của nguồn cung. Đến lượt mình, ủy ban này lại đề xuất thành lập một ủy ban để điều tra kỹ lưỡng hơn về các vấn đề trên. Người được Churchill lựa chọn để đứng đầu ủy ban đó là đô đốc về hưu Fisher. Người phản đối duy nhất lại chính là Jacky Fisher. Vị đô đốc nóng tính lại một lần nữa nổi giận với Churchill vì một số trường hợp thăng chức mà Churchill quyết định. Tháng 4 năm 1912, Fisher viết thư cho Churchill: "Ông đã phản bội hải quân. Đây chắc chắn là lần liên lạc cuối cùng của tôi với ông". Phải cần tới rất nhiều những dỗ dành, bao gồm một chuyến du ngoạn trên biển Địa Trung Hải trên du thuyền của Hải quân, với sự tham dự của Churchill và Thủ tướng Asquith, và một lá thư giàu sức thuyết phục nhất để có thể lay động được vị đô đốc nóng nảy.

Churchill viết: "Fisher thân mến của tôi, Chúng ta là những người bạn quá tốt của nhau (tôi hy vọng thế) và những vấn đề mà chúng ta quan tâm là rất hệ trọng (tôi chắc chắn là vậy). Vấn đề về thứ nhiên liệu lỏng này cần phải được giải quyết, và những khó khăn tự nhiên, vốn có và không thể tránh khỏi, nhiều tới mức cần phải có lòng quyết tâm và nhiệt tình của một con người mạnh mẽ. Tôi muốn ông làm việc này và giải quyết những khó khăn đó. Không ai khác có thể làm tốt việc này bằng ông. Có lẽ không ai khác có thể làm được việc này. Tôi sẽ đưa ông lên một vị trí mà ở đó ông có thể giải quyết được mọi chuyện, nếu như vấn đề trên thực tế có thể giải quyết được. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ phải cống hiến cuộc đời và sức lực của mình, và tôi không biết mình có gì để đền đáp lại những thứ đó. Ông sẽ phải tìm ra dầu lửa – chỉ ra cách làm thế nào có thể dự trữ dầu lửa với giá rẻ, làm thế nào để mua dầu thường xuyên, với giá rẻ trong điều kiện hòa bình, và với sự bảo đảm tuyệt đối trong điều kiện chiến tranh. Sau đó, bằng mọi cách, phát triển việc ứng dụng nhiên liệu này theo cách tốt nhất đối với những con tàu hiện có và trong tương lai…. Khi ông đã giải quyết được vấn đề này, người ta sẽ phải lặng thinh mà chăm chú lắng nghe ông. Nhưng vấn đề này sẽ không được giải quyết, trừ phi ông sẵn sàng thực hiện – vì Chúa – xin ông hãy hết mình vì việc này".

Churchill không có con đường nào khác khả dĩ hơn những lời tâng bốc. Không cần khiêm tốn thái quá, Fisher viết thư cho vợ, kể rằng: "Anh phải thừa nhận là bọn họ đúng khi tất cả đều nhất trí nói với anh rằng, không ai khác có thể làm được việc này". Ông chấp nhận vị trí kia, và không lâu sau đó, để tránh xung đột lợi ích, ông bán đi những cổ phiếu của mình tại Shell với mức giá mà trong tương lai, ông sẽ bị thiệt. Một nhóm những nhân vật đáng kính đã được tập hợp trong Ủy ban nhiên liệu và động cơ, bao gồm chuyên gia dầu lửa luôn ra tay giúp đỡ, ngài Thomas Boverton Redwood với bông hoa lan trên khuy áo. Fisher lao vào công việc, và như ông nói, làm việc nghiêm túc như từ trước tới nay ông vẫn làm. Ông càng nôn nóng hơn khi ông được biết hải quân Đức đang tiến tới dùng dầu. "Chúng đã khiến 15 người phải chết trong các thí nghiệm với động cơ dầu, còn chúng ta vẫn chưa làm ai phải chết cả! Và hôm nọ, một chính khách Anh khờ khạo lại nói với tôi rằng, ông ta nghĩ, chúng ta đáng được khen vì điều này" – ông nói.

Ủy ban nhiên liệu và động cơ đưa ra báo cáo đầu tiên vào tháng 11 năm 1912 và hai bản tiếp theo năm 1913. Báo cáo nhấn mạnh tới "lợi thế vượt trội khi sử dụng dầu nhiên liệu" so với khi sử dụng than và tầm quan trọng có tính chất sống còn của dầu đối với hải quân. Báo cáo cũng xác nhận, có đủ nguồn cung cấp dầu tồn tại trên thế giới, nhưng cũng kêu gọi việc mở rộng hơn nữa các hệ thống kho chứa, vì theo như lời Fisher: "Dầu không gia tăng ở nước Anh". Cuối cùng, giấc mơ Hải quân Anh sử dụng nhiên liệu dầu của Marcus Samuel có vẻ như sắp trở thành hiện thực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một câu hỏi: Ai sẽ là người gặt hái những lợi nhuận này? Chỉ có hai lựa chọn: một là tập đoàn Royal Dutch/Shell hùng mạnh và kiên cố, và hai là Công ty dầu mỏ Anh − Ba Tư nhỏ bé hơn nhiều và vẫn đang vật lộn với khó khăn.

Mối đe dọa từ Shell

Mặc dù việc thành lập Công ty Anh-Ba Tư là kết quả của những nỗ lực phối hợp giữa William Knox D’Arcy, George Reynolds và Công ty dầu mỏ Burmah nhưng Charles Greenway mới thật sự là người tạo thành cho công ty này. Ông bắt đầu tham gia kinh doanh dầu lửa khi còn là giám đốc của một công ty mậu dịch ở Bombay. Các thương nhân người Scotland hợp tác với Burmah đề nghị Greenway giúp đỡ trong những giai đoạn đầu tiên của Công ty Anh-Ba Tư và giữ chức giám đốc điều hành công ty này trong một năm. Ông thống lĩnh công ty này trong suốt hai thập kỷ tiếp đó. Khi mới bắt đầu, ông gần như đơn độc, nhưng tới khi nghỉ hưu, ông đã là người đứng đầu một công ty dầu mỏ bao gồm nhiều lĩnh vực, có phạm vi hoạt động trên toàn thế giới. Sau này, ông được người đời gọi bằng biệt danh "Charlie Sâmpanh" và bị vẽ tranh biếm họa thành "Ông già đi ghệt và đeo kính một mắt".

Greenway là một người ngoan cố và luôn sẵn sàng to tiếng. Ông cũng rất kiên quyết và cứng rắn trong việc theo đuổi những mục tiêu trọng tâm của mình: xây dựng Công ty Anh-Ba Tư thành một thế lực lớn trên thị trường dầu mỏ thế giới và nhà vô địch trong lĩnh vực dầu mỏ tại nước Anh; phản kháng lại sự "ôm ấp" đến ngạt thở và không được trông đợi của tập đoàn Royal Dutch/Shell và bảo đảm quyền kiểm soát không thể tranh cãi của ông đối với công ty mới này. Greenway sẽ làm bất kỳ việc gì cần thiết để đạt được những mục tiêu của mình, bao gồm việc đeo đuổi mối thù hận không nguôi với tập đoàn Royal Dutch/Shell, điều đã trở thành một sách lược hữu ích, cũng như một nỗi ám ảnh của cá nhân ông. "Cú nhảy định mệnh" của nước Anh tất yếu khiến cho sự đối địch giữa Royal Dutch/Shell và Công ty Anh-Ba Tư càng trở nên dữ dội hơn. Trong cuộc chiến đó, Công ty Anh-Ba Tư rõ ràng ở vào thế bất lợi, vì một lần nữa, công ty này lại phải đối mặt với áp lực tài chính hết sức căng thẳng.

Đối với Greenway, thời gian ngày càng gấp rút, còn ông lại phải cùng lúc theo đuổi nhiều mục tiêu: huy động vốn để khai thác dầu ở Ba Tư, xây dựng công ty dầu mỏ, phát triển các thị trường an toàn, và tránh bị Royal Dutch/Shell thôn tính, mặc dù Công ty Anh-Ba Tư đã có một thỏa thuận về thị trường với tập đoàn này. Với vị thế yếu kém về mặt tài chính, ngoài Shell, Công ty Anh-Ba Tư chỉ có một lựa chọn khác, đó là Bộ Hải quân Anh. Greenway đề xuất với bộ này một hợp đồng cung cấp nhiên liệu kéo dài 20 năm và tích cực vận động để thiết lập một mối quan hệ đặc biệt có thể cứu vãn công ty ông khỏi tình trạng mắc kẹt tài chính. Lập luận lặp đi lặp lại của Greenway, khi ông trình bày trước ủy ban của Fisher hay trước Chính phủ Anh, đều là, nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ, Công ty Anh-Ba Tư sẽ bị Shell nuốt chửng. Ông cảnh báo, nếu điều đó xảy ra, Shell sẽ nắm thế độc quyền và khi đó, hải quân sẽ khổ sở vì phải mua dầu từ Shell với mức giá độc quyền. Greenway nhấn mạnh "tính chất Do Thái" của Samuel và "tính chất Hà Lan" của Deterding. Ông nói, Shell là do công ty Royal Dutch kiểm soát, còn Chính phủ Hà Lan thì lại rất dễ bị dao động trước áp lực từ phía Đức. Greenway nói với ủy ban của Fisher rằng, quyền kiểm soát của Shell rốt cục sẽ đặt Công ty Anh-Ba Tư "dưới sự cai trị của chính Chính phủ Đức".

Greenway thừa nhận với vẻ vị tha rằng, ông và các đồng nghiệp sẽ phải trả giá cho việc đã quá quan tâm tới lợi ích quốc gia của nước Anh. Nhưng ông cũng tiết lộ rằng, ông và các đối tác đều là những người Anh yêu nước, sẵn sàng – thậm chí trên cả mức sẵn sàng – hy sinh lợi ích kinh tế có thể có được từ việc liên kết với Shell và thay vào đó, tiếp tục duy trì là một công ty độc lập. Tất cả những gì họ yêu cầu để đổi lại sự hy sinh đó chỉ là sự chiếu cố nhỏ bé của Chính phủ Anh – một sự bảo lãnh hay một hợp đồng mà "trong bất kỳ trường hợp nào, cũng đem lại cho chúng tôi một khoản lợi nhuận khiêm tốn từ vốn của mình". Greenway liên tục nhấn mạnh rằng, Công ty Anh-Ba Tư tất nhiên phụ thuộc vào chiến lược và chính sách của nước Anh, đồng thời là một tài sản quốc gia quan trọng – và tất cả mọi giám đốc của công ty đều nhìn nhận vấn đề theo cách này. Thông điệp của Green đã được tiếp nhận.

Ngay sau phiên điều trần của ông trước ủy ban hoàng gia, Fisher đã giữ ông lại trao đổi. Fisher khẳng định, cần phải làm một điều gì đó ngay lập tức. Greenway vô cùng vui mừng nhận thấy rằng, mặc dù là bạn thân của Marcus Samuel, vị đô đốc này vẫn có cái nhìn rất rành mạch về những gì cần phải làm. Ông viết: "Chúng tôi phải cố gắng hết sức để kiểm soát Công ty Anh-Ba Tư, và tuyệt đối luôn giữ vững là một công ty "của người Anh". Những lập luận của Greenway cũng giành được sự ủng hộ ở những nơi khác. Lo ngại về địa vị của nước Anh tại vịnh Ba Tư, Bộ Ngoại giao Anh nhận thấy những lý lẽ của Greenway có tính thuyết phục. Ưu tiên của bộ này là, quyền khai thác dầu lửa của Công ty Anh-Ba Tư "đối với toàn bộ các mỏ dầu ở Ba Tư… không thể bị chuyển giao cho một công ty nước ngoài kiểm soát". Vị trí thống lĩnh về chính trị của nước Anh ở vịnh Ba Tư "rõ ràng là kết quả của vị trí thống lĩnh về thương mại của chúng ta". Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Anh còn bị thuyết phục bởi những nhu cầu cụ thể của Hải quân Anh.

Ngoại trưởng Edward Grey nhận định: "Rõ ràng, việc chúng ta phải làm là bảo đảm quyền kiểm soát của nước Anh đối với một mỏ dầu đủ cung cấp cho hải quân Anh". Mặc dù không mấy hài lòng và tỏ vẻ nghi ngờ những luận điệu lặp đi lặp lại của Greenway về "mối đe dọa từ Shell" và lòng yêu nước được quảng cáo quá nhiều của Công ty dầu mỏ Anh - Ba Tư, Bộ Ngoại giao Anh vẫn giữ nguyên lập trường đó. Cuối năm 1912, Bộ Ngoại giao Anh đã cảnh báo Bộ Hải quân nước này: "Rõ ràng, sự hỗ trợ ngoại giao đơn thuần trong việc gìn giữ sự độc lập của Công ty dầu mỏ Anh - Ba Tư sẽ vô nghĩa. Điều họ cần là sự hỗ trợ tài chính dưới một hình thức nào đó".

Trợ giúp cho Công ty Anh-Ba Tư

Sự hỗ trợ tài chính đó cần phải có Bộ Hải quân tham gia. Ban đầu, Bộ Hải quân không hề quan tâm đến việc phát triển một mối quan hệ đặc biệt như vậy với Công ty Anh-Ba Tư. Họ sợ phải dính líu đến một vụ làm ăn "là đối tượng của sự rủi ro quá lớn". Tuy nhiên, có ba yếu tố quyết định đã thay đổi cách nhìn của Bộ Hải quân. Thứ nhất, người ta ngày càng nghi ngờ về độ sẵn có và ổn định của những nguồn cung cấp dầu lửa ngoài Ba Tư. Thứ hai, giá dầu nhiên liệu đang tăng lên nhanh chóng, tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1913, do nhu cầu vận tải biển trên thế giới tăng cao. Đây là một yếu tố rất cần cân nhắc, khi việc đóng những con tàu chiến chạy dầu đã bắt đầu, thậm chí cả khi cuộc chiến chính trị kéo dài về vấn đề ngân sách cho Hải quân vẫn tiếp tục căng thẳng. Yếu tố thứ ba là Churchill, người đang thúc đẩy những quyết định và buộc các sĩ quan hải quân phân tích độ sẵn có, nhu cầu và hoạt động cung ứng dầu lửa cả trong điều kiện hòa bình và chiến tranh.

Tháng 6 năm 1913, Churchill trình lên Nội các một bản ghi nhớ then chốt về "cung cấp dầu nhiên liệu cho hải quân" và kêu gọi việc ký kết những hợp đồng dài hạn bảo đảm nguồn cung đầy đủ với mức giá ổn định. Một nguyên tắc chủ đạo là "duy trì những nguồn cung cấp độc lập và cạnh tranh" nhằm chống lại "sự hình thành một tập đoàn dầu mỏ độc quyền toàn cầu" và bảo vệ "Bộ Hải quân khỏi sự phụ thuộc vào bất kỳ công ty đơn lẻ nào". Nội các Anh đồng ý với nguyên tắc này. Trong bức thư gửi vua George V, Thủ tướng Asquith cho rằng, Chính phủ Anh nên "có quyền kiểm soát những nguồn cung cấp dầu lửa đáng tin cậy". Nhưng chính xác là bằng cách nào? Sau đó, Greenway gặp các thành viên Nội các và tìm được câu trả lời: Chính phủ Anh sẽ trở thành cổ đông trong Công ty Anh-Ba Tư để hợp pháp hóa sự ủng hộ tài chính dành cho công ty này.

Ngày 17 tháng 7 năm 1913, trong một bài phát biểu trước Quốc hội Anh, Churchill đưa ý tưởng đó tiến thêm một bước. Bài phát biểu này được tờ Times của London mô tả như một tuyên bố chính thức về lợi ích quốc gia trong lĩnh vực dầu lửa. Ông cảnh báo: "Nếu chúng ta không thể có dầu, chúng ta sẽ không thể có ngô, không thể có bông và không thể có một nghìn lẻ một thứ hàng hóa cần thiết cho việc duy trì sức mạnh kinh tế của nước Anh". Để bảo đảm nguồn cung cấp dầu lửa đáng tin cậy với mức giá hợp lý – vì "thị trường mở đang trở thành một trò đùa công khai" – Bộ Hải quân cần phải có khả năng "chưng cất và tinh lọc dầu thô" để luôn dự trữ được một lượng dầu cần thiết. Không có lý do nào để "lùi bước trong việc tiếp tục mở rộng hoạt động với quy mô lớn và đa dạng của Bộ Hải quân". Churchill bổ sung thêm: "Chúng ta không được phụ thuộc vào một đặc tính nào, một quy trình nào, một quốc gia nào, một tuyến đường hay một mỏ dầu nào. Sự an toàn và bảo đảm trong lĩnh vực dầu lửa nằm ở sự đa dạng và chỉ ở sự đa dạng mà thôi".

Mặc dù không có cam kết cụ thể nào với Công ty Anh-Ba Tư, Nội các Anh vẫn quyết định cử một phái đoàn tới Ba Tư điều tra xem thực tế công ty này có thể thực hiện những lời hứa đã đưa ra hay không. Nhà máy lọc dầu mới ở Abadan đang phải đối mặt với những vấn đề lớn. Một giám đốc của Công ty dầu mỏ Burmah miêu tả nhà máy này không khác gì một "đống phế liệu". Thậm chí, cả thứ dầu nhiên liệu sản xuất ra ở đây – được đặt cái tên rất kêu là "Bộ Hải quân" – cũng không vượt qua nổi cuộc kiểm tra chất lượng của Bộ Hải quân. Tuy nhiên, trước khi phái đoàn nói trên đến nơi, Công ty Anh-Ba Tư đã vội vã tiến hành nâng cấp vẻ bề ngoài, với sự dàn xếp của một giám đốc lọc dầu mới vừa gấp rút đến đây từ Rangoon. Thủ đoạn này đã thành công. "Có vẻ như đây là một dự án dầu lửa rất tốt, có thể phát triển trên quy mô lớn, với một khoản vốn lớn được rót vào" − Đô đốc Edmon Slate, cựu giám đốc Tình báo hải quân, người đứng đầu phái đoàn Nội các, đã báo cáo riêng với Churchill. "Dự án này sẽ tạo cho chúng ta vị thế an toàn hoàn hảo về mặt nguồn cung cấp dầu lửa cho những mục đích của chúng ta nếu có được quyền kiểm soát công ty này với một mức giá hợp lý". Trong bản báo cáo chính thức và rất có ảnh hưởng cuối tháng 1 năm 1914, Slade nói thêm rằng, sẽ là "một thảm họa quốc gia nếu quyền khai thác dầu rơi vào tay nước ngoài". Slade thậm chí còn cố gắng tìm được một số từ ngữ tử tế để nói về hoạt động của nhà máy lọc dầu ở Abadan.

Một chiến thắng cho dầu lửa

Bản báo cáo của Đô đốc Slade tạo thuận lợi cho Công ty Anh-Ba Tư. Tình hình tài chính của công ty đang xấu đi nhanh chóng, và trên thực tế, đã ở vào cảnh tuyệt vọng. Tuy nhiên, giờ đây, Slade đã nói tốt về hoạt động của công ty, và quan trọng hơn cả, đã tuyên bố rằng, đây là một nguồn cung cấp dầu lửa an toàn cho Hải quân Anh. Con đường để đi tới chỗ giải quyết vấn đề đã được mở ra. Ngày 20 tháng 5 năm 1914, chưa đầy bốn tháng sau khi bản báo cáo của Slade được công bố, Công ty dầu mỏ Anh - Ba Tư và Chính phủ Anh đã đi đến việc ký kết một thỏa thuận. Tuy nhiên, vẫn còn một trở ngại cuối cùng – Bộ Tài chính yêu cầu, việc phân bổ ngân sách nhất định phải được Nghị viện thông qua.

Ngày 17 tháng 6 năm 1914, Churchill giới thiệu với Hạ viện Anh phương sách có tính chất lịch sử của ông. Dự luật mà Churchill đề xuất bao gồm hai yếu tố chủ chốt: thứ nhất, Chính phủ Anh sẽ đầu tư 2,2 triệu bảng vào Công ty Anh-Ba Tư đổi lấy 51% cổ phần trong công ty; thứ hai, Chính phủ Anh sẽ đưa hai người vào hội đồng quản trị. Hai người này sẽ có quyền phủ quyết trong các vấn đề liên quan đến các hợp đồng cung cấp nhiên liệu của Bộ Hải quân và những vấn đề chính trị lớn, nhưng không có quyền phủ quyết trong các vấn đề thương mại của công ty. Một bản hợp đồng riêng rẽ khác cũng được vạch ra để có thể được giữ bí mật, trong đó, Bộ Hải quân được cung cấp dầu nhiên liệu trong vòng 20 năm. Những điều khoản của hợp đồng rất hấp dẫn, thêm vào đó, Hải quân Anh sẽ được hưởng chiết khấu từ lợi nhuận của công ty. Cuộc tranh luận tại Hạ viện diễn ra rất gay gắt. Charles Greenway ngồi ở chỗ ngồi của quan chức cùng với các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính phòng khi Churchill cần tới một thông tin đặc biệt nào đó.

Tại Hạ viện còn có một thành viên đến từ Wandsworth. Đó là Samuel Samuel, người đã làm việc nhiều năm bên cạnh người anh trai Marcus Samuel và giúp sáng lập công ty Shell. Hôm đó, Samuel mỗi lúc càng thêm bồn chồn và bực bội khi nghe Churchill nói. Churchill mở lời: "Chiều nay, chúng ta phải bàn bạc, không phải về chính sách đóng những con tàu sử dụng nhiên liệu là dầu lửa hay dùng dầu làm nhiên liệu phụ cho những con tàu chạy bằng than, mà về ảnh hưởng của chính sách đó". Ông hùng hồn tuyên bố, Hải quân Anh – người tiêu dùng dầu lửa trong trường hợp này – không thể tự do lựa chọn cả nhiên liệu hay nguồn cung cấp nhiên liệu. "Hãy nhìn vào sự mở rộng của các khu vực sản xuất dầu lửa trên thế giới. Hai tập đoàn dầu mỏ khổng lồ tại hai nửa bán cầu đang ở địa vị thống trị. Ở Tân thế giới có Standard Oil … Ở Cựu thế giới có công ty hợp nhất giữa Shell và Royal Dutch. Với tất cả những chi nhánh và bộ phận trực thuộc, hai công ty này gần như đã bao trùm toàn bộ thế giới".

Ở phần đầu cuộc tranh luận, Samuel Samuel ba lần đứng dậy đột ngột để phản đối những điều Churchill nói về Royal Dutch/Shell. Ông bị mất lượt phát biểu. Sau khi bị Samuel ngắt lời lần thứ ba, Churchill nói gay gắt: "Tốt hơn hết là ông nên nghe cho thủng những lời buộc tội trước khi đưa ra lý lẽ để biện hộ". Samuel lại ngồi xuống nhưng không còn giữ được bình tĩnh. Churchill tiếp tục: "Trong nhiều năm, chính sách của Bộ Ngoại giao Anh, Bộ Hải quân Anh và Chính phủ Ấn Độ là gìn giữ những lợi ích dầu lửa độc lập của nước Anh tại mỏ dầu ở Ba Tư, nhằm giúp phát triển mỏ dầu đó như chúng ta có thể làm, và hơn hết, ngăn chặn việc mỏ dầu đó bị Shell hay bất kỳ công ty nước ngoài hay đa quốc gia nào nuốt chửng". Ông nói thêm, vì Chính phủ Anh sẽ đem đến sự hỗ trợ như thế cho Công ty Anh-Ba Tư nên việc dùng cổ phiếu của công ty này đền đáp cho chính phủ cũng là hợp lý. "Trên toàn bộ những khu vực rộng lớn này, chúng tôi có quyền điều tiết hoạt động khai thác dầu vì lợi ích của hải quân và lợi ích quốc gia".

Sau đó, với lời tuyên bố, "tất cả những lời chỉ trích" dành cho một kế hoạch như vậy "cho tới nay, đều được phun ra từ một vòi", Churchill mở cuộc tấn công vào nguồn chỉ trích đó – tập đoàn Royal Dutch/Shell và Marcus Samuel. Mặc dù vậy, ông vẫn nói thêm rằng: "Tôi không muốn công kích Shell hay Công ty Royal Dutch". "Tuyệt đối không phải như vậy!" − Samuel Samuel kêu lớn từ hàng ghế phía sau. Những lời hùng biện của Churchill chứa đầy sự mỉa mai. Ông nói, nếu dự luật này không được thông qua, Công ty Anh-Ba Tư sẽ trở thành một bộ phận của Shell. "Chúng tôi chẳng có tranh chấp nào với Shell. Chúng tôi luôn nhận thấy họ là những người lịch sự, chu đáo, sẵn sàng giúp đỡ, sốt sắng phục vụ Bộ Hải quân, và thúc đẩy những lợi ích của Hải quân Anh và đế quốc Anh – với một mức giá khá cao. Khó khăn duy nhất chính là ở vấn đề giá cả".

Với việc đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu ở Ba Tư để "chúng tôi tuỳ ý sử dụng, chúng tôi không nghĩ là mình sẽ bị đối xử kém lịch sự hay kém chu đáo, hoặc sẽ nhận thấy những quý ông này giảm bớt mức độ sẵn sàng giúp đỡ và tinh thần phục vụ công cộng, hoặc bớt yêu nước hơn trước. Ngược lại, nếu sự khác biệt nhỏ trong quan điểm vẫn tồn tại từ trước đến nay về giá cả – tôi buộc phải quay lại vấn đề giá cả nặng nề và không mấy dễ chịu này – được giải quyết, mối quan hệ giữa chúng ta sẽ trở nên tốt hơn, ngọt ngào hơn, vì không còn dính dáng tới cảm giác về sự thiếu công bằng nữa". Cuối cùng, cuối cuộc thảo luận, Samuel có cơ hội đáp lại. "Thay mặt cho một trong những công ty công nghiệp thương mại lớn nhất nước Anh, tôi kịch liệt phản đối những lời công kích vừa được đưa ra. Đó là những lời công kích hết sức phi lý". Ông đề cập tới những sự hỗ trợ của Shell dành cho Hải quân Anh và việc công ty ủng hộ dùng dầu lửa làm nhiên liệu cho tàu hải quân. Ông yêu cầu Chính phủ Anh công khai mức giá mà Shell đã áp đặt, vốn vẫn nằm trong vòng bí mật. Ông nói, mức giá đó sẽ chứng tỏ công ty ông chưa bao giờ lừa gạt Bộ Hải quân. "Những lời công kích chúng ta vừa nghe không hề liên quan tới vấn đề đã nêu ra trước ủy ban" − Nghị sĩ Watson Rutherford nói.

Chỉ trích Churchill về việc làm dấy lên nỗi lo ngại về sự độc quyền và "trêu chọc người Do Thái," nghị sĩ này tuyên bố, việc tăng giá dầu nhiên liệu không phải là kết quả của "những mưu đồ của một tờ-rớt hay nghiệp đoàn nào đó", mà vì sự thật là, giá cả trên thị trường thế giới của dầu nhiên liệu – trái với giá cả của xăng, dầu hỏa và dầu nhờn – chỉ có tăng trong "hai hoặc ba năm vừa qua, do người ta đã tìm ra những ứng dụng mới cho loại dầu này". Ông nói thêm: "Trên thế giới, vẫn chưa có một điều khoản mà thế giới cho là cần thiết đối với những mục đích đặc biệt nhất định. Đó là lý do tại sao giá cả tăng lên, và không phải do những quý ông Do Thái có ác ý – tôi muốn nói tới những người theo chủ nghĩa quốc tế – đã bàn bạc với nhau để cố gắng đẩy giá cả lên cao".

Trên thực tế, đề xuất của Churchill đối với quyền sở hữu của Chính phủ Anh trong một công ty tư nhân là chưa từng có tiền lệ, trừ việc Disraeli mua lại cổ phiếu của Công ty kênh đào Suez nửa thế kỷ trước đó – một bước tiến cũng nhằm mục đích chiến lược. Đại diện cho lợi ích địa phương, một số nghị sĩ đưa ra lý lẽ để ủng hộ việc sản xuất dầu từ đá phiến sét của Scotland và chất lỏng lấy từ than của xứ Wales (nhiều năm trước đó vẫn được gọi là nhiên liệu tổng hợp). Họ nói, cả hai nguồn này sẽ là những nguồn cung cấp nhiên liệu đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, bất chấp những lời chỉ trích, dự luật về dầu lửa vẫn được thông qua với số phiếu áp đảo – 254 phiếu thuận và 18 phiếu chống, mức chênh lệch lớn đến nỗi chính Greenway cũng phải ngạc nhiên. Sau cuộc bỏ phiếu, ông hỏi Churchill: "Làm thế nào ông thuyết phục được Hạ viện thành công đến như vậy?" "Chính cuộc tấn công vào những công ty độc quyền và các tờ-rớt đã làm được điều đó", Churchill đáp.

Tuy nhiên, sự công kích của Churchill vào người nước ngoài và "những người theo chủ nghĩa thế giới" đã có tác dụng. Ngoài những lời nhạo báng, Churchill không đưa ra được một bằng chứng nào cho thấy Shell "chơi xấu" Bộ Hải quân. Thực tế, nhiều năm trước, Marcus Samuel từng đề nghị Chính phủ Anh cử một người vào hội đồng quản trị của Shell. Mặc dù không ưa gì Marcus Samuel, người đã trở thành Thị trưởng London, Churchill lại đánh giá rất tốt về Deterding, xét cho cùng, cũng là một người nước ngoài. Về chuyện Deterding, Churchill đi theo sự chỉ dẫn của đô đốc Fisher.

Trong bức thư gửi cho Churchill, Fisher viết rằng, Deterding "là sự kết hợp của Napoleon và Cromwell. Ông ta là người tuyệt vời nhất tôi từng gặp… Với sự táo bạo của mình, ông ta là một Napoleon, với sự cẩn trọng của mình, ông ta là một Cromwell!... Hãy xoa dịu và đừng đe dọa ông ta! Hãy ký một hợp đồng với ông ta để có thể sử dụng hạm đội 64 tàu chở dầu của ông ta trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Đừng đối xử tệ với Công ty Shell… [Deterding] có một người con trai học ở Rugby hay Eton, đã mua một cơ ngơi lớn ở Norfolk và đang xây lâu đài! Hãy ràng buộc ông ấy với đất nước mà ông ấy đã lựa chọn!" Và Churchill đã làm đúng như vậy. Mặc dù đã có thỏa thuận mới, Công ty Anh-Ba Tư vẫn không phải là nhà cung cấp duy nhất cho Bộ Hải quân.

Mùa xuân năm 1914, Churchill tiến hành đàm phán cá nhân với Deterding về hợp đồng cung cấp dầu nhiên liệu cho Hải quân Anh. Deterding nhiệt tình đáp ứng đề nghị của Churchill. Trong lá thư đề ngày 31 tháng 7 năm 1914 gửi Churchill, Fisher viết: "Tôi vừa mới nhận được một lá thư đầy lòng yêu nước từ Deterding. Trong thư, Deterding nói là ông sẽ thiếu dầu hoặc tàu chở dầu trong trường hợp chiến tranh. Ông già Deterding tuyệt vời! Làm thế nào mà ông già Hà Lan này lại ghét người Đức đến vậy cơ chứ! Hãy phong hiệp sĩ cho ông ấy khi ông có cơ hội". Deterding là người có đầu óc thực tế và nhanh chóng thấu hiểu việc dàn xếp với Công ty Anh-Ba Tư. Tuy nhiên, vẫn có những người không thể hiểu nổi thương vụ này của Chính phủ Anh. Toàn quyền Ấn Độ, ngài Hardinge, người đã phục vụ hai năm tại Tehran, tỏ ra nghi ngờ tất cả những gì có liên quan đến Ba Tư. Ông và các quan chức cao cấp dưới quyền ông tại Ấn Độ cho rằng, thật không khôn ngoan khi phụ thuộc vào một nguồn cung cấp dầu lửa nước ngoài ít an toàn nhất, trong khi nước Anh được ban phát một nguồn than dồi dào và bảo đảm. Ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố: "Mọi chuyện đang diễn ra cứ như thể các ông chủ của những vườn nho hảo hạng ở Gironde cố gắng thuyết phục mọi người về những đặc điểm tuyệt vời của thứ đồ uống là rượu whisky của Scotland". Câu trả lời ở đây khá đơn giản. Quyết định này của Anh được thúc đẩy bởi những nhu cầu kỹ thuật cấp bách của cuộc chạy đua hải quân giữa Anh và Đức, thậm chí trong trường hợp người Đức chỉ tìm kiếm sự ngang hàng, Hải quân Anh vẫn quyết tâm duy trì địa vị thống trị về hải quân của mình, và dầu đem lại một ưu thế có tính quyết định về tốc độ và khả năng linh hoạt.

Thỏa thuận với Công ty Anh-Ba Tư bảo đảm cho Chính phủ Anh một nguồn cung cấp dầu lửa lớn, đồng thời, đem đến cho Công ty Anh-Ba Tư một dòng vốn bổ sung vô cùng cần thiết và một thị trường bảo đảm. Điều này trực tiếp liên quan tới sự sống còn của Công ty Anh-Ba Tư và gián tiếp liên quan tới sự sống còn của chính đế quốc Anh. Do vậy, mùa hè năm 1914, Hải quân Anh đã hoàn toàn chuyển sang sử dụng dầu lửa làm nhiên liệu, còn Chính phủ Anh thì đã tiếp nhận vai trò cổ đông lớn của Công ty Anh-Ba Tư. Lần đầu tiên và chắc chắn không phải là lần cuối cùng, dầu đã trở thành một công cụ của chính sách quốc gia, một thứ hàng hóa chiến lược đứng trên tất thảy mọi thứ hàng hóa khác. Với tư cách là Bộ trưởng Hải quân, Churchill thường xuyên nói rằng, mục tiêu của ông là hải quân phải luôn ở thế sẵn sàng, như thể chiến tranh có thể nổ ra ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, trong suốt những tuần trước ngày 17 tháng 6 năm 1914, ngày diễn ra phiên thảo luận tại Nghị viện Anh, tình hình ở châu Âu thiên về hòa bình nhiều hơn, còn chiến tranh dường như ở xa hơn, so với những gì đã diễn ra trong nhiều năm. Không có một vấn đề lớn nào làm các cường quốc phải nổi giận.

Trên thực tế, các đơn vị của hải quân Anh sẽ có những chuyến thăm ngoại giao tới các cảng của nước Đức vào cuối tháng 6. Sau này, nhiều người sẽ nhớ về những ngày mùa xuân và đầu mùa hè của năm 1914 với niềm tiếc nuối, như thể nhớ về buổi hoàng hôn của một kỷ nguyên, điểm kết thúc của thời thơ ấu, một quãng thời gian êm đềm không bình thường, thậm chí là không tự nhiên. Thời kỳ đó sẽ không kéo dài. Ngày 28 tháng 6 năm 1914, 11 ngày sau khi Nghị viện Anh thông qua dự luật của Churchill, Hoàng tử Franz Ferdinand của nước Áo bị ám sát tại Sarajevo. Tới tận ngày 10 tháng 8 năm 1914, Hoàng gia Anh mới thông qua Hiệp định dầu lửa Anh - Ba Tư. Tới lúc đó, thế giới đã thay đổi. Ngày 30 tháng 7, Nga tiến hành vận động cho chiến tranh. Ngày 1 tháng 8, Đức tuyên chiến với Nga và huy động lực lượng quân đội. 11 giờ trưa ngày 4 tháng 8, sau khi Đức phớt lờ tối hậu thư của Anh phản đối việc vi phạm sự trung lập của Bỉ, Churchill cấp tốc gửi đi một thông điệp tới tất cả các tàu của hải quân Anh: "BẮT ĐẦU CUỘC CHIẾN CHỐNG NƯỚC ĐỨC". Chiến tranh thế giới thứ nhất đã bùng nổ.

(Còn tiếp)

Nam Hà (giới thiệu)

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 1)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 1)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 2)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 2)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 3)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 3)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 4)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 4)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 5)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 5)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 6)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 6)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 7)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 7)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 8)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 8)