Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 29)

07:44 | 08/12/2022

9,007 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 1970 cũng chứng kiến sự thay đổi đáng kể của thị trường dầu mỏ thế giới. Cầu đang dần bắt kịp với cung và sự dư thừa kéo dài suốt 20 năm kết thúc.

PHẦN V: CUỘC CHIẾN GIÀNH QUYỀN BÁ CHỦ THẾ GIỚI

CHƯƠNG 28: NHỮNG NĂM THÁNG BẢN LỀ: CÁC QUỐC GIA CHỐNG LẠI CÁC CÔNG TY

Persepolis, kinh đô của đế chế Ba Tư cổ, miền đất bị Alexander Đại đế đánh bại năm 330 trước Công nguyên, bị lãng quên suốt hai thiên niên kỷ trong đống đổ nát điêu tàn. Tháng 10 năm 1971, nó được đưa trở lại cuộc sống chói lọi. Ba trại lớn và 59 trại nhỏ hơn đã được dựng lên trên vùng đất hoang tàn này. Sự kiện mà tạp chí Time gọi là "một trong những sự kiện gây chấn động nhất lịch sử" đã được vua Iran tổ chức để kỷ niệm sự ra đời đế chế Ba Tư 2.500 năm trước.

Những người quyền cao chức trọng có mặt bao gồm Chủ tịch Liên bang Xô Viết, Phó tổng thống Mỹ, Thống chế Nam Tư Tito, hai mươi vị vua và tộc trưởng, năm nữ hoàng, 21 công chúa và hoàng tử, 14 vị tổng thống khác, ba vị phó tổng thống, ba vị thủ tướng và hai vị bộ trưởng ngoại giao. Trong các nghi lễ, nhà vua Iran công khai nói chuyện với linh hồn của Cyrus Đại đế, người sáng lập ra đế chế đã băng hà khoảng 2.500 năm trước đó, và hứa sẽ tiếp tục kế tục truyền thống cũng như sự nghiệp của ông. Và những vị khách đeo đầy ngọc ngà châu báu và mề đay đã được xe buýt đưa lên ngọn đồi phía trên Persepolis để xem một chương trình biểu diễn âm thanh - ánh sáng gây ấn tượng sâu sắc dưới ánh sao đêm, phục dựng cảnh Alexander tàn phá Persepolis.

dau mo tien bac va quyen luc ky 29
Persepolis, kinh đô của đế chế Ba Tư cổ

Trước khi diễn ra lễ kỷ niệm ở Persepolis, Chính phủ Iran đã vội vã xin lời khuyên tối mật từ nước Anh về một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong ngoại giao cấp cao: sắp xếp chỗ ngồi như thế nào khi có quá nhiều nhân vật quan trọng tham dự. Khả năng sai sót và làm mất lòng các nhà thống trị chuyên quyền là rất lớn. Bộ phận lễ tân của Bộ Ngoại giao ở London đã đưa ra sơ đồ dự kiến dựa trên một chiếc bàn được thiết kế đặc biệt với những đường cong lượn sóng để không ai ở quá xa thành viên nổi tiếng của gia đình Pahlavi.

Như một chứng cứ nổi bật cho thấy sự cao quý của mình, vua Iran đã mời Nữ hoàng Elizabeth II tham dự bữa tiệc. Nhưng ngài đại sứ của Nữ hoàng tại Tehran đã phải thực hiện một nhiệm vụ không vui vẻ gì là giải thích rằng Nữ hoàng đã hứa đến thăm một nước khác. Tuy nhiên, "nước khác" ở đây tình cờ lại là người láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, điều lại càng làm vua Iran bực mình. Sau đó, ông mời Thái tử Charles. Thật đáng tiếc, Charles cũng không thể tham dự; Thái tử đang thực hiện nghĩa vụ hải quân trên một chiếc tàu chiến tại Biển Bắc. Không bận tâm đến việc tới Persepolis không chỉ là dự một bữa tiệc, mà là dự một lễ kỷ niệm 2.500 năm mới có một lần - trong số nhiều vấn đề phức tạp khác, Shah đang sắp đặt hàng mấy trăm chiếc xe tăng do Anh sản xuất, một đơn đặt hàng vô tình lại vô cùng quan trọng đối với cán cân thanh toán của Anh. London đề nghị là Hoàng tử Philip và Công chúa Anne sẽ tham dự. Vua Iran chấp nhận nhưng không thật sự bớt giận.

Đồ ăn phục vụ sự kiện này do nhà hàng Maxim ở Paris cung cấp. Thực đơn do 165 đầu bếp, thợ làm bánh và người hầu bàn soạn ra và phục vụ, tất cả đều được đưa tới từ Paris qua đường hàng không và đều rất lạ. Đi kèm với các bữa ăn, 25.000 chai rượu cũng được chuyển tới từ Pháp. (Do toàn bộ sự kiện này mang quá nhiều dấu ấn của nước Pháp nên sự vắng mặt của Tổng thống Pháp Georges Pompidou trở thành tâm điểm chú ý. Chính ông đã giải thích ngay trước khi sự kiện diễn ra: "Nếu tôi đến đó, chắc chắn họ sẽ biến tôi thành bếp trưởng"). Chi phí để trang hoàng và tổ chức lễ kỷ niệm này ước tính khoảng 100 đến 200 triệu đô-la Mỹ. Khi được hỏi tại sao lại phải phung phí như vậy thì vua Iran đã không thể kiềm chế: "Các người phàn nàn về điều gì? Về việc chúng ta đã tổ chức những bữa tiệc lớn cho khoảng 50 nguyên thủ quốc gia? Chúng ta không thể chỉ mời họ bánh mì và củ cải, phải vậy không? Tạ ơn Thánh Allah, Triều đình Iran có thể chi trả cho những dịch vụ của Maxim".

dau mo tien bac va quyen luc ky 29
Lễ kỷ niệm sự ra đời đế chế Ba Tư 2.500 năm trước (1971)

Sau Persepolis, trong một nỗ lực nhằm xoa dịu vua Iran và nhằm giảm bớt hàng loạt những căng thẳng giữa hai nước, Anh đã mời ông nghỉ cuối tuần cùng hoàng gia tại Lâu đài Windsor ở Ascot. Chuyến thăm này là một thành công lớn. Trục trặc duy nhất xảy ra khi vua Iran chuẩn bị cưỡi ngựa cùng Nữ hoàng. Chỉ vài giờ trước khi họ lên ngựa, người ta kinh hãi phát hiện ra là nhà vua, một người đàn ông Iran, sẽ không cưỡi một con ngựa cái hay một con ngựa thiến mà sẽ chỉ cưỡi một con ngựa đực. Nhưng ở đó lại không có con ngựa nào như thế. Nỗi tuyệt vọng bao trùm lên người Anh. Nữ hoàng chợt nhớ ra Công chúa Anne có một con ngựa đực chưa thiến. Nhưng tiếc thay là tên nó lại là Cô-dắc.

Tất nhiên, vua Iran là con trai một sĩ quan trong Lữ đoàn Cô-dắc, người đã nắm quyền trong những năm 1920. Tình cảm của vua Iran đối với cha mình, vai trò của nước Anh trong việc hạ bệ ông ta và sự ngờ vực thường ngày vua Iran trước người Anh rất có thể sẽ khiến ông coi việc dâng con Cô-dắc như một sự lăng mạ hiển nhiên, và quả thực đó là một sự sỉ nhục thô thiển. Vua Iran đã cưỡi con Cô-dắc, người ta đã giấu kín tên con ngựa và cuộc đi dạo đó cũng như phần còn lại của kỳ nghỉ đã diễn ra thuận lợi. Nữ hoàng Elizabeth cùng với Hoàng tử Philip, vua và Hoàng hậu Iran đã đi vòng quanh trường đua Ascot trên một chiếc xe ngựa bốn bánh. Sau đó vua Iran đã viết thư cho Nữ hoàng và gọi bà là "Người chị nữ hoàng thân mến của tôi".

dau mo tien bac va quyen luc ky 29
Buổi lễ được coi là tốn kém nhất trong lịch sử

Mục đích duy nhất của lễ kỷ niệm hoành tráng mà vua Iran tổ chức tại Persepolis là củng cố vị trí của mình trong dòng dõi của vua Cyrus Đại đế, người được thần linh lựa chọn. Chuyến thăm Nữ hoàng Anh càng giúp ông củng cố dòng dõi hoàng gia để được xếp ngang bằng với bà. Ông không còn là một kẻ bù nhìn, một con tốt đen hay chỉ là một người được chọn ngồi vào ngai vàng. Giờ đây ông là một người vô cùng giàu có, đầy quyền lực và lòng kiêu hãnh – người đang từng bước chiếm lĩnh những vai trò chủ chốt ở Trung Đông và trên trường quốc tế.

Sự rút lui của Anh - Mỹ

Trật tự dầu mỏ ở Trung Đông sau chiến tranh đã được phát triển và duy trì dưới uy thế của Anh - Mỹ. Nửa cuối những năm 1960, sức mạnh của cả hai nước đã sa sút về mặt chính trị. Điều này có nghĩa là nền tảng chính trị cho trật tự dầu mỏ ở đây cũng đang yếu dần đi. Mỹ đang sa lầy ở Việt Nam với một cuộc chiến tranh tốn kém tiền của, không được lòng dân và cuối cùng không thể chiến thắng. Cùng lúc này, chủ nghĩa chống Mỹ đã trở thành một trào lưu lớn ở nhiều nơi trên thế giới, được tổ chức dưới hình thức tố cáo chủ nghĩa đế quốc, phản đối chủ nghĩa thực dân mới và sự bóc lột về kinh tế. Bản thân người Mỹ cũng bị chia rẽ sâu sắc, không chỉ vì cuộc chiến tranh Việt Nam mà còn bởi những luận điểm dựa trên "Bài học Việt Nam", điều cần phải xem xét trong phạm vi và đặc điểm của vai trò toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, đối với một số nước đang phát triển, bài học Việt Nam lại khá khác biệt: đó là sự nguy hiểm và cái giá của việc thách thức Mỹ đã giảm đi so với trước đây, chắc chắn nó không cao như cái giá mà Mossadegh đã phải trả, trong khi đó những gì thu được lại rất lớn.

So với Anh, nước đã xâm nhập Vịnh Ba Tư từ đầu những năm 1800 khi lần đầu tiên họ trấn áp nạn cướp biển ở vùng này và thiết lập những thỏa ước ngừng bắn cho các cuộc hải chiến thường xuyên diễn ra giữa các tộc trưởng Arập trong vịnh, thì Mỹ chỉ là kẻ mới đến Trung Đông. Đổi lại, Anh đảm nhận trách nhiệm gìn giữ hòa bình với những hiệp ước đã biến thành những cam kết bảo vệ nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của hàng loạt quốc gia "đã ngừng bắn" này. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những hiệp ước và thỏa thuận tương tự đã được mở rộng đến Bahrain, Côoét và Qatar.

Nhưng nước Anh, vào những năm 1960, lại phải bận tâm vì sự suy thoái kinh tế và chính trị cả trong nước và quốc tế, khiến việc chấm dứt đế chế trở thành sự kiện trung tâm đối với nước Anh sau chiến tranh. Anh đã phải tạm biệt thành phố cảng Aden, một thành phố ở phía Nam bán đảo Arập. Hoàn toàn là một tác phẩm của Anh, Aden nằm ở vị trí chiến lược trên tuyến đường vận chuyển dầu từ Vịnh Ba Tư và là một trong những bến cảng tấp nập nhất thế giới. Hiện giờ nó đang trong tình trạng hỗn loạn. Khi Thống đốc Anh rút đi, ban quân nhạc đã chơi bài Mọi thứ không còn như xưa. Và quả thực là mọi thứ không còn như trước nữa.

Sau khi người Anh rút đi, Aden được sáp nhập vào một nhà nước theo chủ nghĩa Mác-Lê là Nam Yemen. Sau đó, đầu tháng 1 năm 1968, trước cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán, Thủ tướng Harold Wilson tuyên bố Anh sẽ chấm dứt những cam kết phòng thủ tại bờ Đông kênh đào Suez. Họ sẽ rút toàn bộ quân khỏi Vịnh Ba Tư vào năm 1971 và bằng cách này sẽ loại bỏ những dư âm còn lại của Đại thực dân Anh hồi thế kỷ XIX và chấm dứt thời kỳ cai trị của Anh ở Ấn Độ.

Các thủ lĩnh Arập và những kẻ cai trị khác ở Vịnh Ba Tư điếng người, không nói nên lời trước quyết định của Chính phủ Wilson. Chỉ ba tháng trước đó, Bộ Ngoại giao Anh còn bảo đảm với họ rằng nước Anh không hề có ý định rời khỏi Vịnh Ba Tư. Các thủ lĩnh Arập đã khẩn cầu người Anh ở lại. Thủ lĩnh Dubai đã hỏi: "Ai buộc người Anh phải ra đi?". Tiểu vương Bahrain còn thẳng thừng hơn: "Nước Anh có thể làm vậy với một Winston Churchill khác. Nước Anh suy yếu ở nơi họ đã từng rất mạnh mẽ. Các ngài có biết rằng chúng tôi và tất cả người dân Vùng Vịnh đều mong người Anh ở lại."

Trên thực tế, sức mạnh của Anh quốc trong Vùng Vịnh chỉ khoảng 6.000 bộ binh cùng với các đơn vị yểm trợ trên không với mức phí tổn là 12 triệu bảng/năm. Có thể thấy đây là một khoản chi phí khá nhỏ, một mức phí bảo hiểm, nhưng là một khoản đầu tư rất lớn mà các công ty dầu mỏ Anh quốc rót vào khu vực này, vừa mang lại những khoản lãi cho công ty vừa có ảnh hưởng rất tích cực đối với cán cân thanh toán của nước Anh và đem lại doanh thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Một số lãnh tụ Hồi giáo cho biết họ sẵn lòng chi 12 triệu bảng để giữ quân đội Anh ở lại. Đề nghị này nhận được sự phản đối đầy giận dữ từ phía Anh. Bộ trưởng Quốc phòng Demis Healey chế giễu quan điểm cho rằng người Anh sẽ trở thành "lính đánh thuê cho những ai cần quân đội Anh ở quanh mình". Nhưng như một vài quan điểm được đưa ra, phía Anh sẽ chấp nhận những khoản thanh toán đền bù để đưa quân sang đóng tại Tây Đức hoặc Hồng Kông. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy Healey không chỉ là hoàn cảnh kinh tế bắt buộc; sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc đã khiến ông tin rằng duy trì sự hiện diện của quân đội Anh ở Trung Đông là "không khôn ngoan về mặt chính trị".

Người Anh đã góp công thành lập một liên bang, các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, nhằm gắn kết các quốc gia nhỏ lại với nhau với hy vọng có thể bảo vệ họ. Sau khi hoàn thành công việc này, quân Anh khăn gói rời khỏi Vùng Vịnh tháng 11 năm 1971. Sự ra đi của họ đánh dấu sự thay đổi căn bản nhất tại Vùng Vịnh kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, đồng nghĩa với sự kết thúc của hệ thống an ninh hoạt động tại vùng này trong suốt hơn một thế kỷ. Sự việc này cũng để lại khoảng trống quyền lực nguy hiểm trong khu vực vốn cung cấp 32% lượng dầu hỏa tiêu thụ trên toàn thế giới và tại thời điểm đó nắm giữ 58% trữ lượng dầu mỏ đã được phát hiện.

Như đã tuyên bố vào tháng trước đó tại lễ kỷ niệm trọng đại ở Persepolis, quốc vương Iran rất muốn giải quyết vấn đề này. Ông nói: "Sự an toàn của Vùng Vịnh Ba Tư phải được bảo đảm và còn ai khác ngoài người dân Iran có thể hoàn thành nhiệm vụ này?" Người Mỹ không vui mừng trước sự ra đi của người Anh. Nhưng nếu không phải là người Anh thì sẽ là quốc vương Iran. Rốt cuộc thì đây là thời đại của học thuyết Nixon, học thuyết chủ trương giải quyết những sức ép kinh tế và chính trị đối với quyền lực của nước Mỹ bằng cách dựa trên những thế lực địa phương thân tín có tư cách là những sen đầm khu vực. Dường như không một ai có thể đóng vai trò đó thích hợp hơn quốc vương Iran. Bản thân Nixon cũng đã bày tỏ với ông lòng kính trọng của mình tại lần gặp đầu tiên năm 1953. Vài tháng sau đó Shah đã giành lại được ngai vàng của mình. Nixon từng nói với Tổng thống Mỹ khi đó là Eisenhower: "Shah ngày càng trở nên quyết tâm hơn" và "Nếu có sự lãnh đạo của ông ta mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn."

Năm 1962, khi Nixon thất bại trong đợt bầu cử thống đốc bang California, ông đã có một chuyến du hành vòng quanh thế giới, quốc vương Iran là một trong số ít những vị nguyên thủ quốc gia đã chào đón Nixon hết sức thân mật. Ông sẽ không bao giờ quên sự tôn trọng được bày tỏ thời ông thất thế. Đầu những năm 1970, quốc vương Iran có tham vọng không chỉ đứng đầu đất nước Iran mà còn thống trị các quốc gia trong khu vực, và chính quyền Nixon ủng hộ việc này. Mặc dù thực tế thường không được công nhận, nhưng chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Liên Xô đổ quân với số lượng lớn vào nước láng giềng Iraq, một quốc gia luôn mang trong mình tham vọng làm bá chủ Vùng Vịnh và kiểm soát dầu mỏ trong khu vực. Kể từ lúc này, một hệ thống an ninh hoàn toàn khác biệt đã bao trùm lên khắp Vùng Vịnh.

Kết thúc tình trạng dư thừa suốt 20 năm: hướng đến thị trường của người bán! Năm 1970 cũng chứng kiến sự thay đổi đáng kể của thị trường dầu mỏ thế giới. Cầu đang dần bắt kịp với cung và sự dư thừa kéo dài suốt 20 năm kết thúc. Kết quả là thế giới đã nhanh chóng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Đông và Bắc Phi về dầu hỏa. Cuối những năm 1960 đầu những năm 1970, kinh tế tăng trưởng rất mạnh ở các nước công nghiệp và phát triển bùng nổ trong một vài năm, và đó là do dầu hỏa. Nguồn cung dầu tính trên toàn thế giới tăng từ 19 triệu thùng/ngày năm 1960 lên 44 triệu thùng/ngày năm 1970. Do nhu cầu, mức tiêu thụ dầu tăng lên trên khắp thế giới, một khối lượng lớn các sản phẩm từ dầu mỏ được tiêu thụ trong các xí nghiệp, nhà máy năng lượng, các hộ gia đình và ôtô.

Tại Mỹ, mức tiêu thụ gia tăng không chỉ bởi người ta đi lại nhiều hơn mà còn bởi ôtô cồng kềnh hơn và được lắp đặt thêm các thiết bị khác như điều hòa. Trong thời gian này, giá xăng rẻ nên việc sản xuất những loại ôtô tiết kiệm nhiên liệu không được chú trọng. Thời kỳ này đánh dấu bước ngoặt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. Mỹ không còn ở trong tình trạng thừa dầu. Trở lại với Cha Joiner, mỏ dầu miền đông bang Texas và Harold Ickes trong nhiều thập kỷ, sản lượng được quy định bởi Ủy ban đường sắt Texas, Ủy ban liên hợp Oklahoma, Ủy ban bảo tồn Louisiana và những cơ quan tương tự ở các bang khác. Họ điều chỉnh lượng cung, giữ sản lượng luôn thấp hơn khả năng cung thật sự để bảo tồn và duy trì giá cả trong trạng thái dư thừa trên mức cho phép. Sơ suất này đã khiến cho sự an toàn năng lượng của Mỹ và toàn bộ thế giới phương Tây bị đảo lộn, làm xuất hiện khả năng xảy ra khủng hoảng − tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này sánh ngang Chiến tranh thế giới thứ hai hay lớn hơn nhiều lần so với những cuộc khủng hoảng vào các năm 1951, 1956, 1967.

Nhưng ý định kìm hãm sản lượng đã bị gạt bỏ vì cầu tăng, và mức đầu tư thấp do giá, tỷ lệ phát hiện mỏ dầu mới tương đối thấp và hạn ngạch nhập khẩu. Tại Mỹ, người mua háo hức mua từng thùng dầu được sản xuất. Từ năm 1957 đến 1963, dư cung ở Mỹ là 4 triệu thùng dầu/ngày. Đến năm 1970, chỉ còn 1 triệu thùng, thậm chí còn thấp hơn. Đây cũng là năm sản lượng dầu mỏ của Mỹ lên tới 11,3 triệu thùng/ngày, mức cao nhất tính đến thời điểm đó. Nhưng suy thoái cũng bắt đầu kể từ đó. Tháng 3 năm 1971, lần đầu tiên trong một phần tư thế kỷ, Ủy ban đường sắt bang Texas đã cho phép sản lượng đạt mức tối đa là 100%. Ngài chủ tịch ủy ban tuyên bố: "Chúng tôi nhận thấy đây là một cơ hội lịch sử. Nhưng lịch sử thật đáng buồn. Những khu dầu mỏ bang Texas giống như những chiến binh già nua đáng tin cậy có thể sẵn sàng đứng lên khi cần. Nhưng những chiến binh già nua ấy không đứng lên được nữa." Mức tiêu thụ tiếp tục tăng, Mỹ phải dựa vào thị trường dầu mỏ thế giới để đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Hạn ngạch do Eisenhower quy định bị bãi bỏ, và mức nhập khẩu ròng tăng nhanh từ 2,2 triệu thùng dầu/ngày năm 1967 lên tới 6 triệu thùng năm 1973. Nhập khẩu và tổng mức tiêu thụ dầu trong thời gian đó tăng từ 19% lên 36%.

Tình trạng thừa dầu chấm dứt ở Mỹ cũng có nghĩa "đường biên an toàn" mà thế giới phương Tây vẫn dựa vào không còn nữa. Tháng 11 năm 1968, tại cuộc họp của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ở Paris, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo với châu Âu rằng sản lượng của Mỹ sắp chạm tới ngưỡng giới hạn cho phép. Trong tình huống khẩn cấp, sẽ không có hỗ trợ về an ninh; Mỹ sẽ không thể cung cấp nguồn dự trữ. Các quốc gia khác tham gia hội nghị đều ngạc nhiên về điều này. Đó mới chỉ là một năm sau nỗ lực cấm vận của OPEC năm 1967, còn Trung Đông thì hiển nhiên không còn an toàn nữa.

Thật vậy, các nước phương Tây ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ ở Trung Đông. Mặc dù xuất hiện nguồn cung dầu mỏ mới từ Indonesia và Nigieria (sau khi nội chiến ở các quốc gia này kết thúc đầu năm 1970), nhưng sản lượng quá ít ỏi so với sản lượng dầu mỏ đang tăng lên của Trung Đông. Những năm 1960, nhu cầu dầu mỏ trên thị trường tự do đã tăng lên 21 triệu thùng/ngày, trong khi sản lượng dầu tại Trung Đông (bao gồm cả Bắc Phi) đã tăng lên 13 triệu thùng/ngày. Nói cách khác, các giếng dầu Trung Đông đáp ứng 2/3 lượng gia tăng khổng lồ của mức tiêu thụ dầu lửa.

Tác động đến môi trường

Một thay đổi quan trọng khác đang diễn ra tại các quốc gia công nghiệp. Mối liên hệ giữa con người và môi trường và cách nhìn nhận nó đang dần thay đổi, song song với tác động nghịch lý của sự gia tăng nhu cầu về dầu và việc điều chỉnh mức sử dụng nó. Giữa thập niên 1960, các vấn đề môi trường bắt đầu trở nên quan trọng trong tiến trình chính trị tại Mỹ cũng như những nơi khác. Ô nhiễm không khí khiến cả thế giới có cái nhìn thực tế hơn và chuyển dần từ sử dụng than đá sang sử dụng dầu, ít ô nhiễm. Vậy là lại có thêm một tác nhân kích thích nhu cầu sử dụng dầu mỏ.

Năm 1965, thị trưởng New York đã cam kết xóa bỏ than trong thành phố. Vào Lễ Tạ ơn năm 1966, cả thành phố New York ngập trong sương mù, và việc sử dụng than bị hạn chế. Trong vòng hai năm, hãng Consolidated Edison cung cấp điện cho New York chuyển sang sử dụng dầu. Năm 1967, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về môi trường với tổng số phiếu 88/3. Năm 1970, cơ quan lập pháp liên bang ban hành một bản tuyên cáo về những ảnh hưởng lên môi trường: trước khi thực thi những dự án quan trọng, cần phải dự đoán và tính trước những hậu quả có thể tác động tới môi trường. Cùng năm đó, 100 nghìn người đã xuống đường diễu hành tại Đại lộ thứ 5 ở New York để kỷ niệm ngày Trái Đất.

Không có gì phản ánh ý thức bảo vệ môi trường rõ nét như việc đông đảo công chúng đã hưởng ứng cuốn The Limits to Growth (Những giới hạn của Tăng trưởng) xuất bản năm 1972, cuốn sách biện luận rằng nếu những xu hướng cơ bản của thế giới như dân số, công nghiệp hóa, ô nhiễm môi trường, sản xuất thực phẩm, tiêu thụ năng lượng, sự cạn kiệt nhiên liệu (bao gồm dầu hỏa và khí tự nhiên) tiếp tục không giảm thì chúng có thể gây nên sự bất ổn cho xã hội công nghiệp đương thời và "sự phát triển trên hành tinh này sẽ tới ngưỡng giới hạn trong thế kỷ tới". Nghiên cứu này không chỉ cảnh báo nguồn nhiên liệu bị cạn kiệt mà còn nhấn mạnh những hậu quả về môi trường từ việc đốt cháy khí hydrocarbon, sự tích tụ khí cacbon dioxit trong không khí và mối lo lắng mới về tình trạng trái đất nóng lên. Lời cảnh báo chung là: chúng ta không thể biết chắc thời điểm sẽ xảy ra những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Nghiên cứu này đã được đưa ra vào thời điểm có tính chất quyết định. Sự bùng nổ kinh tế thế giới cùng với tỷ lệ lạm phát cao và nhu cầu tài nguyên ngày càng tăng cùng diễn ra tại một thời điểm khiến nguồn dự trữ dầu của Mỹ cạn dần, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ và mức tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới tăng lên đột ngột. Hơn thế nữa, ý thức bảo vệ môi trường đang bắt đầu điều chỉnh lại chính sách xã hội trong thế giới công nghiệp và thúc đẩy những thay đổi trong các chiến lược hợp tác. Nói theo cách của lãnh đạo tập đoàn Sun Oil, điều đó có nghĩa là có một "cuộc chơi mới" cho các công ty năng lượng. Những giới hạn của tăng trưởng trở thành kim chỉ nam trong các cuộc hội thảo về năng lượng và môi trường. Những lập luận trong đó là những nhân tố quan trọng gợi lên nỗi lo sợ và bi quan về sự thiếu hụt năng lượng trong tương lai cũng như về sự tiết kiệm nhiên liệu sẽ trở thành vấn đề thường trực những năm 1970, và định hình chính sách cũng như phản ứng của các nước nhập và xuất khẩu dầu.

Ảnh hưởng của luận thuyết môi trường lên sự cân bằng năng lượng thật đa dạng. Ngày càng có nhiều người ngừng sử dụng than cùng với niềm tin dành cho chất đốt sạch là dầu. Năng lượng hạt nhân được coi là một tiến bộ mới về môi trường so với công nghệ đốt cháy hydrocarbon. Những nỗ lực tìm kiếm nguồn dầu mới được nhân lên. Cuối những năm 1960, niềm hy vọng lại được nhen lên khi có thêm giếng dầu mới ngoài khơi California. Ở đó, trước khi kết thúc thế kỷ XIX, mũi khoan đầu tiên xuống biển được thực hiện tại bến cảng gần Santa Barbara. Đến giờ, tức hơn 70 năm sau, những giàn khoan đã mọc lên dọc bờ biển Nam California. Nhưng vào tháng 1 năm 1969, mũi khoan xuống giếng dầu ngoài khơi eo biển Santa Barbara đã bất ngờ gặp phải tầng địa chất bất thường. Hậu quả là khoảng 6.000 thùng dầu đã bị rò khỏi kẽ nứt và nổi lên mặt biển. Dầu thô đặc quánh không kiểm soát nổi đã loang vào vùng nước miền duyên hải và trải dài 30 dặm dọc các bờ biển. Phản ứng dữ dội từ phía công chúng đã lan rộng ra khắp cả nước và lan sang cả phạm vi chính trị. Chính quyền Nixon đã tạm ngừng và trên thực tế là chấm dứt khai thác dầu ngoài khơi bang California. Tuy nhu cầu sử dụng dầu cao nhưng sự rò rỉ đã làm dấy lên sự phản đối ở các vùng nhạy cảm về môi trường, bao gồm cả Alaska, miền đất hứa ở Bắc Mỹ, miền đất ngăn chặn sự suy thoái của nền sản xuất Mỹ và làm đối trọng cân bằng sự lệ thuộc của Mỹ vào Trung Đông.

Chú voi Alaskan

Đầu năm 1923, Tổng thống Warren Harding cho xây dựng một kho dự trữ dầu cho hải quân Mỹ trên vùng ven Bắc Băng Dương bang Alaska. Sau cuộc khủng hoảng Suez năm 1956, hãng Shell và Standard Oil bang New Jersy bắt đầu khai thác ở Alaska. Nhưng năm 1959, sau khi tiến hành khoan hố dầu được coi là đáng giá nhất cho tới thời điểm đó thì họ lại tạm ngừng hoạt động.

Một công ty khác cũng quan tâm đến vụ đầu tư này là BP. Nhìn hậu quả của vụ Mossadegh ở Iran và cuộc khủng hoảng Suez, BP rất muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường dầu mỏ Trung Đông. Năm 1957, BP đã đưa ra quyết định chiến lược nhằm tìm kiếm những nguồn nhiên liệu đa dạng, đặc biệt là ở miền Tây bán cầu. Quyết định này được Chính phủ Anh nhiệt liệt ủng hộ. Thủ tướng Harold MacMillan gửi một bức thư riêng cho Thủ tướng Australia, Robert Menzies, năm 1958, trong đó viết: "Các công ty Anh nhận thức rõ việc họ nắm giữ các nguồn cung dầu Trung Đông rất bấp bênh, trong khi họ lại dựa chủ yếu vào đó để duy trì việc kinh doanh tại Tây Âu và trên khắp Tây bán cầu. Họ cũng biết vì những nguyên nhân chính trị và kinh tế, Chính phủ Anh sẵn sàng ủng hộ bất cứ hành động nào của họ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Đông. Về phía BP, họ có những lý do thương mại riêng để mở rộng nguồn cung là: họ bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng Suez hơn tất cả các công ty dầu lửa quốc tế khác, và đang cố gắng giảm thiểu những tổn thất phải gánh chịu khi ngừng sử dụng nguồn cung từ Trung Đông."

Công ty Sinclair Oil đã đề xuất một biện pháp đơn giản giúp BP, đó là liên kết khai thác ở Alaska. Tuy nhiên, hai công ty này phải dừng lại sau khi khoan liền sáu lỗ khô với chi phí tốn kém tại North Slope giá lạnh cách xa Alaska. Công ty Gulf Oil cũng quan tâm đến vùng Alaska. Một nhà thăm dò dầu khí của họ quả quyết vùng địa chất ở đây rất hứa hẹn, mặc dù các lỗ khoan đều khô cạn, và khuyên công ty tiếp tục. Ban giám đốc thậm chí còn từ chối xem xét đề nghị của họ. Nhưng một lãnh đạo cấp cao đã tuyên bố thẳng thừng: "1 thùng dầu ở đó sẽ tốn 5 đô-la, mà ở thời chúng ta thì 1 thùng dầu sẽ chẳng bao giờ có giá 5 đô-la."

Nhưng vẫn có một công ty đầu tư vào Alaska, đó là Richfield, một công ty độc lập có trụ sở ở California. Họ bị hấp dẫn trước bề dày trầm tích đại dương ở vùng đất gần như không thể đến được này. Năm 1964, Jersey quyết định trở lại Alaska, tổng giá trị các khoản thanh toán và các cam kết là trên 5 triệu đô-la, và Humble, một công ty con của Jersey, đã trở thành đối tác của Richfield. Năm 1965, liên doanh mới thành lập này đã trúng thầu 2/3 giá trị hợp đồng thăm dò hệ thống vịnh Prudhoe vùng North Slope. Liên doanh giữa BP và Sinclair là những nhà trúng thầu chính còn lại.

Cùng năm đó, Richfield sáp nhập với Atlantic Refining, tạo nên Atlantic Richfield, sau đổi tên thành ARCO, do Robert O. Anderson điều hành. Dù thường lấy sự công kích người khác làm nguồn giải khuây và có thể hơi quá trớn nhưng Anderson có sự quyết đoán và tập trung hoàn toàn hợp với người được coi là một nhà thăm dò và trùm dầu lửa vĩ đại cuối cùng của thế kỷ XX. Anderson là con trai một chủ nhà băng Chicago, người trong thập niên 1930 đã làm, việc độc nhất vô nhị là cho các nhà khai thác dầu độc lập ở bang Texas và Oklahoma vay tiền. Anderson lớn lên và trưởng thành ở Đại học Chicago, phục vụ trường này vào thời hoàng kim của những Cuốn sách vĩ đại và khiến người ta nghĩ ông sẽ trở thành giáo sư triết học. Nhưng các nhà khai thác dầu là khách hàng của cha ông đã kích thích trí tưởng tượng của ông mạnh hơn các đồng nghiệp hàn lâm ở trường đại học.

Năm 1942, ông tới New Mexico tiếp quản một nhà máy lọc dầu có công suất 1.500 thùng/ngày. Ông nhanh chóng chuyển sang khai thác dầu và trở thành một nhà khai thác độc lập nổi tiếng. Ông còn có năng khiếu tính nhẩm giống như Rockefeller và Deterding. Hồi nhỏ, ông có thể thắng được thước loga và sau đó là máy tính bỏ túi. Ông có thói quen chỉnh người khác đến tận phân số thập phân. Ông giải thích: "Tôi chưa bao giờ ý thức đặc biệt về khả năng này. Điều lớn nhất mà nó làm được là giúp bạn loại bỏ nhiều thứ và đi tiếp. Khi thương thuyết, bạn có thể thỉnh thoảng làm những điều mà người khác không hiểu được tầm quan trọng của chúng. Như vậy bạn đã vượt lên trước rồi."

dau mo tien bac va quyen luc ky 29
Robert O. Anderson

Với thời gian, Anderson đã chứng tỏ mình là một người có mối quan tâm rộng lớn và đa dạng, một trí thức không thỏa hiệp trong ngành dầu mỏ. Khát khao ý tưởng, giao tiếp hoàn toàn thoải mái với các giáo sư ngành xã hội, ham tìm hiểu các giá trị, những thay đổi xã hội và thời thế, ông thích tham dự các cuộc hội thảo, nơi các doanh nhân thảo luận về mọi chủ đề như khoa học công nghệ, chủ nghĩa nhân đạo, môi trường và thuyết Aristotle. Tóm lại, mặc dù rất thành công, ông không phải là hình mẫu của một ông trùm dầu mỏ điển hình. Xét đến cùng, ông là một kẻ liều lĩnh tinh tế và không có gì làm ông tin tưởng nhiệt thành như dầu thô và trữ lượng trong lòng đất, "trái tim tuyệt đối của nền công nghiệp" theo như ông nói. "Bài học xương máu trong ngành này là, nếu bạn chưa bị thất vọng bao giờ thì bạn không nên chọn nó, bởi 90% các mũi khoan sẽ thất bại. Bạn thật sự thường xuyên bại trận." Mặc dù vậy, 10% còn lại không chỉ giúp Anderson rất giàu có mà còn khiến ông trở thành địa chủ lớn nhất nước Mỹ.

Tuy nhiên, mùa đông năm 1966, việc tìm kiếm dầu ở Alaska dường như đã chấm dứt với 90% thất bại. ARCO, có Humble cộng tác, đã khoan một giếng dầu cách vùng biển Bắc Alaska 60 dặm về hướng nam. Giếng khô. Một kế hoạch liều lĩnh khác được thực hiện tại vịnh Prudhoe ở North Slope. Họ cân nhắc có nên tiếp tục hay không. Điều đó tùy thuộc vào quyết định của Anderson. Ông tin vào cuộc khai thác này, ông tin vào dầu lửa. Nhưng hố dầu khô cạn của ARCO xuất hiện cùng với sáu hố dầu khô cạn của BP và Sinclair, và ông không kinh doanh dầu lửa để mất tiền. Ông đồng ý, mặc dù không có nhiều bằng chứng. Giàn khoan dầu đã có sẵn tại Alaska, và chỉ việc di chuyển nó thêm 60 dặm. Sau này ông nói: "Quyết định hủy bỏ một giếng dầu đã được lập kế hoạch còn khó hơn quyết định tiếp tục tiến lên phía trước."

Mùa xuân năm 1967, liên doanh ARCO-Humble bắt đầu khoan giếng dầu chắc chắn là lần cuối cùng nếu thất bại. Nhưng giếng dầu này sẽ đưa vịnh Prudhoe lên vị trí quán quân. Ngày 26 tháng 12 năm 1967, một âm thanh lớn rung chuyển mặt đất đã kéo khoảng 40 người về phía giếng dầu. Họ mặc những bộ quần áo dày cộp - nhiệt độ lúc đó khoảng âm 30 độ C - và phải chống chọi để không bị hất ngã vì trận gió tốc độ 30 dặm/giờ. Tiếng ồn ngày càng to hơn, đó là tiếng nổ của khí tự nhiên. Đối với một nhà địa chất thì tiếng động này giống như tiếng của bốn chiếc máy bay phản lực bay ngay phía trên đầu. Khí tự nhiên phụt ra từ một ống dẫn phun cao 30 mét thẳng lên bầu trời trước cơn gió rít mạnh. Họ đã thành công. Đến giữa năm 1968, lại có một bước tiến nữa, một mũi khoan cách giếng dầu đầu tiên khoảng bảy dặm càng khẳng định đây là một mỏ dầu lớn, một vùng dầu tầm cỡ thế giới. Một con voi thật sự. Công ty công trình dầu lửa DeGolyer & McNaughton ước tính vịnh Prudhoe có trữ lượng lên tới 10 tỷ thùng. Tuy nhiên, Anderson miễn cưỡng quyết định tiếp tục, và đây là quyết định quan trọng nhất của ông với tư cách là một ông vua dầu lửa. Vịnh Prudhoe là mỏ dầu lớn nhất Bắc Mỹ, rộng gấp rưỡi khu mỏ dầu miền Tây Texas của Cha Joiner, khu mỏ đã phá giá dầu đầu thập niên 1930.

Trong thị trường dầu lửa thế giới đầy căng thẳng, vịnh Prudhoe sẽ không phá hủy bất kỳ hệ thống giá cả nào, nhưng có thể làm lượng dầu nhập khẩu của Mỹ tăng chậm và giảm đáng kể sự căng thẳng trong vấn đề cân bằng dầu lửa thế giới. Ước tính, tổng sản lượng sẽ sớm đạt mức 2 triệu thùng/ngày, đưa vịnh Prudhoe trở thành mỏ dầu lớn thứ ba thế giới, sau Ghawar của Arập Xêút và Burgan của Côoét. Ban đầu, công ty dầu mỏ ARCO và Jersey cùng chi nhánh Humble của Jersey cho rằng khu mỏ sẽ hoạt động trong vòng ba năm. Họ có thể phát triển mỏ dầu nếu đơn giản hóa cơ cấu quản lý; ARCO giành được Sinclair ngay trước mũi khối liên minh Vùng Vịnh và phương Tây, khối sáp nhập lớn nhất của Mỹ thời đó. Hiện nay, ba hãng dầu lửa lớn nhất tại North Slope là ARCO, Jersey và BP. Sự sáp nhập này đưa ARCO trở thành công ty dầu mỏ lớn thứ bảy tại Mỹ.

Một trở ngại lớn cho sự phát triển là môi trường tự nhiên ở miền Bắc xa xôi: không thể tiếp cận và khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, "một nơi cằn cỗi, dơ dáy và không thể làm việc", theo một nhà địa chất. Nó không giống những nơi đã tìm thấy dầu nào; khoa học công nghệ không dành cho sản xuất ở một môi trường như vậy. Một vùng đất hiếm bước chân người với nhiệt độ mùa đông xuống tới âm 65 độ C, vào mùa hè, mọi thứ tan chảy như bọt biển thành một vùng đồng cỏ thảo nguyên. Không có con đường nào đi qua đây và sâu dưới đất là lớp băng vĩnh cửu. Dưới đó, một phần đất thường xuyên bị đóng băng, đôi khi dày đến 1.000 feet, và những cọc thép bình thường sẽ mềm nhũn như rơm khi đóng vào lớp băng đó.

Sau trở ngại này, vẫn còn rất nhiều thách thức trong quá trình đưa dầu vào thị trường, bởi điều kiện hết sức khó khăn. Những tàu chở dầu phá băng sẽ xuyên qua Bắc Băng Dương đi Đại Tây Dương được xem xét kỹ lưỡng. Giải pháp khác là một đường ray xe lửa hoặc một đoàn xe chở hàng liên tục vận hành trên đường cao tốc 8 làn đường đi qua Alaska (theo tính toán phải cần tất cả xe chở hàng của nước Mỹ mới đủ). Một nhà vật lý nguyên tử nổi tiếng đã giới thiệu một hạm đội tàu ngầm chở dầu hoạt động bằng năng lượng hạt nhân có thể di chuyển dưới lớp băng địa cực tới một cảng nước sâu được tạo ra bằng một vụ nổ hạt nhân ở Greenland. Còn Boeing và Lockheed đưa ra ý tưởng vận chuyển dầu bằng máy bay phản lực.

Quyết định cuối cùng được đưa ra là xây dựng đường ống dẫn. Nhưng theo hướng nào? Có một đề xuất xây dựng đường dẫn dài 800 dặm từ phía nam khu mỏ đến cảng Valdez, tại đó, dầu sẽ được chuyển lên các tàu vận tải đi qua eo biển Prince William. Một khả năng khác là dùng đường dẫn hoàn toàn trên đất liền, xuyên qua Đông Alaska đến Canada rồi từ phía nam Canada vào Mỹ và điểm cuối có thể là Chicago. Những người phản đối đường dẫn qua Alaska cho rằng dầu có thể bị thất thoát khi xảy ra sự cố tàu chở dầu, trong khi tuyến đường Canada có môi trường tốt sẽ làm giảm chi phí cho những đường ống dẫn khí tự nhiên tốn kém của vùng Alaska. Tuy nhiên, tuyến đường Alaska có những thế mạnh khác vì đó hoàn toàn là tuyến đường của Mỹ, nên an toàn hơn, và dầu ở Alaska có thể được chuyển tới cả Mỹ và Nhật Bản. Các công ty dầu lửa chỉ phải làm việc với chính quyền liên bang và chính quyền bang của Mỹ, tránh được chính quyền bang Canada ở Ottawa và ba đến bốn chính quyền địa phương và lãnh thổ với những hệ thống thuế khác nhau, cũng như tránh được các nhà hoạt động môi trường Canada và cả đôi ba chính quyền bang khác của Mỹ. Hơn thế nữa, Chính phủ Canada dường như không ủng hộ dự án đường ống qua Canada. Tất cả những cân nhắc trên đưa đến lý lẽ chủ đạo: xây dựng đường ống qua Alaska sẽ nhanh hơn đường ống qua Canada, và nó đã được chọn.

Việc xây dựng đường ống dẫn dầu đứng trước thách thức đòi hỏi phải có nhiều sáng tạo và khéo léo. Ví dụ, dầu có nhiệt độ nóng là 160°C khi đưa lên khỏi mặt đất; nhưng sau đó phải được đổ vào đường ống dẫn dầu chạy xuyên qua lớp băng vĩnh cửu lạnh dưới 0°C. Nếu đường ống chạy bên dưới vùng đóng băng có lượng nước cao thì đất ở khu vực đó sẽ bị nhão; lúc đó đường ống sẽ mất đi bệ đỡ và gãy đôi. Nhưng cho dù có gặp phải bất kỳ sự cố nào về xây dựng, tập đoàn dầu mỏ vẫn bắt đầu xây dựng đường ống qua Alaska. Tập đoàn bao gồm các công ty dầu mỏ ARCO, Jersey và BP cùng với các công ty quy mô nhỏ ở North Slope. Họ đổ xô đi mua 500.000 tấn đường ống loại 48 inch từ một công ty Nhật Bản mà không nghĩ mình hoàn toàn có thể đợi các nhà chế tạo máy người Mỹ. Và họ đã sai lầm. Đường ống bị hỏng một nửa trước khi công trình bắt đầu.

Công trình bị ngưng trệ vì những yêu sách của người Eskimo và người dân Alaska, kèm theo mâu thuẫn giữa các bên tham gia, nhưng bị đình chỉ vì một lý do hoàn toàn khác: các nhà hoạt động môi trường đã nhận được lệnh đình chỉ xây dựng từ Tòa án Liên bang năm 1970. Vụ tràn dầu năm 1969 ở Santa Barbara và sự thay đổi đa dạng môi trường lại càng gây thêm trở ngại cho dự án đường dẫn dầu Alaska. Một vài nhà hoạt động môi trường nói rằng, các công ty dầu mỏ đang đi quá nhanh mà chưa có đủ kiến thức, kỹ năng tiêu chuẩn và sự cẩn trọng, do vậy kế hoạch đường ống dẫn dầu là một kế hoạch bất khả thi. Chỉ cần một vụ tai nạn là có thể gây ra thảm họa nặng nề cho môi trường. Tuyến đường ống dẫn dầu qua Canada là phương án tốt hơn do ít rủi ro về môi trường hơn. Họ nói rằng trước khi tiến hành, Mỹ nên xây dựng một chương trình bảo toàn năng lượng. Các nhà hoạt động môi trường biện luận rằng những tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo và môi trường có thể bị tàn phá và hủy diệt, vì vậy không nên tiếp tục dự án này.

Các công ty dầu mỏ tự tin có thể vượt qua sự phản đối này và đưa những xe dây xích và xe móc với tổng giá trị là 75 triệu đô-la tới điểm tập kết bên bờ sông Yukon để sẵn sàng xây dựng đường sá và lắp đặt đường ống. Xe tải, máy kéo và đường ống đã nằm bẹp suốt năm năm. Lệnh cấm xây dựng đường ống vẫn có hiệu lực. Năm 1972, lượng dầu được mong đợi từ Alaska không chảy về Mỹ mà thay vào đó, lượng dầu nhập khẩu vào Mỹ lại tăng lên. Về phần những chiếc xe tải và máy kéo ở hai bên bờ sông Yukon, các công ty dầu lửa đã chi hàng triệu đô-la để giữ cho những chiếc xe vận hành và đợi đến ngày quyết định.

Khi những nguồn trữ lượng mới ở Alaska và ngoài khơi bang California ngày càng trở nên khó giải quyết, một sự thay thế đầy hứa hẹn khác xuất hiện với mỏ dầu được phát hiện ở Bắc Hải. Nhưng tiềm năng phát triển ở Bắc Hải không chắc chắn. Mọi nỗ lực đều cần có quy mô cực kỳ lớn và hết sức tốn kém. Môi trường ở đó khắc nghiệt và luôn thay đổi. Cũng giống như North Slope ở bang Alaska, trữ lượng dầu ở Bắc Hải đòi hỏi một thế hệ công nghệ hoàn toàn mới và phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng Alaska và Bắc Hải còn có một điểm chung khác: mặc dù về mặt tự nhiên, trữ lượng dầu nằm ở địa thế hết sức khó khăn cho việc khai thác, nhưng về mặt chính trị, chúng lại có một vị thế rất ổn định. Tuy vậy, hai vùng dầu mỏ này cũng không hỗ trợ gì cho sự cân bằng cung và cầu dầu mỏ trên thế giới, một vấn đề vẫn tiếp tục gây căng thẳng. Điều đó có nghĩa là chỉ duy nhất một nơi có nguồn cung đáp ứng được nhu cầu dầu mỏ vô hạn trên thế giới: đó là Trung Đông.

Ngài tiến sĩ

Rạng sáng một ngày cuối tháng 8 năm 1970, một chiếc phi cơ thuê của hãng Falcon (Pháp) bay vào không phận Libya và hạ cánh xuống sân bay Tripoli. Cửa máy bay mở, một người đàn ông thấp, đậm bước xuống máy bay. Ông vừa bước sang tuổi 72. Ông rất lo lắng, đến mức phải đáp chuyến bay thẳng từ Los Angeles hạ cánh xuống Turin mà chỉ kịp thời gian chuyển phi cơ. Ông sợ rằng sẽ "vận số đang lên" của mình - vụ chuyển nhượng quyền khai thác dầu mỏ béo bở của công ty ở Libya. Nhưng, như mọi khi, ông luôn cố gắng tự tin. Cả cuộc đời ông dành cho công việc buôn bán, bởi vậy ông tin tưởng chắc chắn như một tín điều, như ông từng nói: "Không có gì tồi tệ hơn là một cuộc thương lượng chưa ngã ngũ".

Người đàn ông đó là Tiến sĩ Armand Hammer, Chủ tịch hãng dầu lửa Occidental. Trong các cuộc thương lượng, rất ít người muốn đối đầu với Armand Hammer. Ông sinh năm 1898 tại thành phố New York trong một gia đình dân Do Thái nhập cư, có nguồn gốc ở Odessa, Biển Đen. Ông có một người chú họ giàu có kiểm soát hệ thống phân phối cho hãng Ford trong vùng này. Vào thế kỷ XIX, Odessa là nơi buôn bán sầm uất, chốn gặp gỡ của các nhà tư bản công nghiệp phương Tây và thương nhân vùng Trung Đông và có thể nói, tính cách Odessa luôn chảy trong huyết quản của Armand Hammer. Cha ông, tiến sĩ Julius Hammer không chỉ là bác sĩ, một nhà sản xuất dược phẩm mà còn là một người ủng hộ đảng cánh tả. Năm 1907, ông đã gặp Lenin ở châu Âu và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Mỹ. Armand không chia sẻ tư tưởng xã hội chủ nghĩa với cha; ông chỉ thích thú với công việc buôn bán và kiếm tiền, nói tóm lại ông là một nhà tư bản.

Năm 1921, vừa tốt nghiệp trường Y khoa, Hammer lên đường đến Nga. Ông mang đến nguồn trợ cấp y tế cho một đất nước đang bùng nổ nội chiến nhằm lấy 150 nghìn đô-la mà Liên Xô đã nợ các gia đình kinh doanh dược phẩm. Nhờ quan hệ của cha, ông được Lenin biết đến, người cho phép có sự cạnh tranh trong một nền kinh tế suy thoái của nước Nga và khuyến khích giao thương với các nước tư bản phương Tây. Lenin ưu ái đặc biệt đối với Hammer và giới thiệu ông với Stalin: "Đây là cái ngõ dẫn chúng ta đến với thế giới kinh doanh Mỹ, chúng ta nên sử dụng bằng mọi cách có thể". Nhờ đó, với sự hỗ trợ của người anh là Victor, Hammer ở lại nước Nga để bắt đầu con đường kinh doanh dưới chính sách kinh tế mới của Lenin - giảm giá khoáng chất amiang, mở đại lý sản phẩm máy kéo của hãng Ford và các sản phẩm khác, giảm giá sản phẩm bút chì trên toàn quốc. Ông còn điều hành một xưởng lông thú ở Siberia với thợ bẫy thú của riêng mình.

Nhưng khi Stalin lên nắm quyền vào cuối thập kỷ, Hammer nhìn thấy một tương lai u ám nên ông đã cuốn gói ra đi. Ông và anh trai Victor mang theo nhiều kiệt tác nghệ thuật của nước Nga và đem bán chúng cho các cửa hàng bách hóa ở Mỹ. Sau đó, Hammer tiếp tục kiếm hàng triệu đo-la bằng nhiều công việc kinh doanh khác nhau, từ buôn bia và rượu Whisky ngô.

Năm 1956, ông đến Los Angeles. Lúc đó, ông 58 tuổi, giống như những người đàn ông khác, ông có ý định nghỉ hưu. Lúc này, ông nổi tiếng là chủ sở hữu một phòng triển lãm nghệ thuật. Ông trốn thuế để đầu tư vào dầu mỏ, sau đó đầu tư vào lĩnh vực thể thao, mua một công ty nhỏ gần phá sản có tên là Occidental. Lúc đó, ông không biết tí gì về công việc kinh doanh dầu mỏ. Nhưng năm 1961, công ty Occidental có những phát hiện quan trọng đầu tiên tại bang California. Hammer, một nhà kinh doanh lâu năm đã thắng được những công ty khác, và năm 1966, doanh số hàng năm của Occidental lên đến 700 triệu đô-la.

dau mo tien bac va quyen luc ky 29
Armand Hammer, Chủ tịch hãng dầu lửa Occidental

Nhờ chiến lược kinh doanh khôn ngoan và khả năng nắm bắt đúng thời cơ, Hammer cuối cùng đã xây dựng Occidental trở thành một trong những công ty năng lượng lớn nhất thế giới. Không phải bằng các chuỗi mệnh lệnh bình thường. Những quan hệ chính trị của ông nhiều không ai sánh bằng; khả năng thâm nhập của ông không ai có thể ngăn cản; và của cải của ông thì vô cùng lớn. Trong các cuộc thương thuyết vô tận, Hammer luôn phá vỡ không khí căng thẳng bằng những câu chuyện hay giai thoại hài hước. Một đối thủ của ông đã nhận xét: "Ông ta giống như một người cha rất hiền từ và âu yếm". Nhưng ông lại là người rất nghiêm túc khi tìm kiếm những thứ mình muốn. Ông còn có một tài năng tuyệt vời khác là để cho người nghe được nghe những gì họ muốn. "Tiến sĩ là một trong những diễn viên vĩ đại bậc nhất thế giới", đây là lời nhận xét sắc bén của một trong số nhiều người lầm tưởng mình là người thừa kế của Hammer.

Hammer đã nối lại mối liên hệ với Liên bang Xô Viết dưới thời Nikita Khrushchev và trở thành người trung gian cho năm tổng bí thư Liên Xô và bảy tổng thống Mỹ. Con đường tới điện Kremlin của ông là độc nhất vô nhị. Ông gần như là người duy nhất có thể nói chuyện trực tiếp với Mikhail Gorbachev về Lenin, con người đã ra đi trước khi Gorbachev sinh ra tới một thập kỷ. Cuối năm 1990, ở tuổi 92, Hammer vẫn là một chủ tịch năng động của tập đoàn dầu mỏ Occidental, và các cổ đông trung thành vẫn tiếp tục ca ngợi ông. Ông thật sự là một gian hùng, đứng trong hàng ngũ những nhà sáng lập vĩ đại của ngành dầu mỏ: Rockefeller, Samuel Deterding, Gulbenkian, Getty và Mattei. Ông cũng là một kẻ lỗi thời, một tên "cướp biển" đến từ quá khứ với tinh thần của một "thương nhân xứ Odessa" kết nối hợp tác toàn cầu để tìm kiếm những phi vụ trở thành ăn. Nhưng chỉ có vụ làm ăn ở Libya mới giúp giấc mộng làm trùm tư bản toàn cầu của ông trở thành hiện thực.

Cuộc chạy đua dầu lửa ráo riết tại Libya tiến triển khá tốt khi vào năm 1965, công ty dầu mỏ Occidental giành được quyền khai thác ở lần đấu giá vòng hai. Tờ đơn dự thầu dày dặn của Oxy nổi bật lên trong số 119 công ty khác bởi vì dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hammer, đơn được viết tay trên giấy da cừu, buộc bằng dải ruy băng màu đỏ, đen và xanh lá cây, giống màu cờ của đất nước Libya. Công ty Oxy hứa ngon hứa ngọt sẽ thiết lập một nông trang thực nghiệm trên một ốc đảo, nơi đã từng là quê hương thời thơ ấu của nhà vua Idris và cũng là nơi chôn cất đức vua cha của ngài. Hammer đã gửi tặng nhà vua Idris một bộ bàn cờ bằng vàng. Công ty cũng đã trả những khoản cần thiết và khoản hoa hồng đặc biệt cho những người đã giúp công ty giành được quyền chuyển nhượng khai thác này.

Các lô 102 và 103 mà công ty Occidental trúng thầu là một vùng hoang mạc nắng cháy đầy sỏi đá, rộng gần 2.000 dặm vuông ở Sirte Basin, cách Địa Trung Hải hơn 100 dặm. Hammer từng nói: "Điều khắc nghiệt nhất là phải sống với những hố dầu khô cạn", mà những lỗ khoan đầu tiên trong khu khai thác đều rất khô cạn. Công việc này đã tốn rất nhiều tiền của. Ban giám đốc Occidental đã bắt đầu lên tiếng cằn nhằn về "sự điên rồ của Hammer". Libya là nơi dành cho những ông chủ lớn nhưng Hammer vẫn kiên trì với công việc của mình.

Sự kiên trì của ông đã được đền đáp. Mùa thu năm 1966, hãng Occidental khoan trúng mỏ dầu ở lô 102. Nhưng kết quả chưa là gì so với những gì tìm thấy ở lô 103, cách đó 40 dặm về phía Tây, lô này sau đó được gọi là lô Idris. Hãng dầu lửa Occidental đã khoan xuống ngay bên dưới khu trại trước đây của công ty Mobil Oil. Khu này trước đây do Mobil Oil nắm giữ nhưng sau đó đã được nhượng lại. Giếng dầu đầu tiên khai thác được 43.000 thùng dầu mỗi ngày. Một giếng khác khai thác được 75.000 thùng dầu mỗi ngày, một con số phi thường. Occidental đã chạm đúng một trong những mỏ lớn nhất trên thế giới. Để khai thác khu mỏ này, người ta đã sử dụng một hệ thống công nghệ địa chấn mới được phát triển, nó đã giúp một nhà sản xuất nhỏ California tìm thấy thứ mà người khổng lồ Mobil bỏ sót. Trước phát hiện mới này, Hammer nói: "Thời tăm tối đã qua. Chúng ta đã trở thành một ông trùm dầu lửa".

Một may mắn khác lại tới vào năm 1967. Cuộc Chiến tranh Sáu ngày khiến kênh đào Suez phải đóng cửa và do vậy, khu mỏ dầu ở Libya càng có giá trị hơn. Sự bùng nổ dầu mỏ ở Libya ngày càng trở nên mạnh mẽ. Căn cứ của những phát hiện cho đến thời điểm đó, hãng kỹ sư dầu lửa DeGolyer và McNaughton ước tính, chỉ riêng hãng Occidental đã sở hữu trữ lượng dầu có khả năng hồi phục lên tới 3 tỷ thùng, gần bằng 1/3 trữ lượng dầu thô đã được phát hiện ở vùng North Slope của Alaska trong cùng thời gian đó! Nhưng điều mà ở Alaska không thực hiện được là xây dựng đường ống dẫn dầu thì chắc chắn thực hiện được tại Libya. Thông thường, phải mất đến ba năm để xây dựng một đường ống dẫn dài 130 dặm xuyên qua sa mạc; nhưng dưới sức ép tiến độ, chỉ mất chưa đầy một năm để hoàn thiện đường ống dẫn, và hãng Occidental chỉ mất gần hai năm để vận chuyển dầu đến châu Âu kể từ thời gian trúng thầu. Người ta đã nhanh chóng sản xuất được một lượng dầu lên tới 800.000 thùng mỗi ngày tại Libya. Khởi đầu từ con số không, Occidental đã trở thành công ty khai thác dầu lớn thứ sáu thế giới. Để có được thành công này, công ty Occidental đã phải nỗ lực cạnh tranh trên thị trường châu Âu rộng lớn bằng các hợp đồng và bằng cách mua lại hệ thống phân phối của thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, sự thành công bất ngờ này rất dễ bị lung lay do phụ thuộc quá nhiều vào Libya. Vua Idris đã cao tuổi, không thể sống lâu hơn nữa. Để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, Hammer tìm cách mua lại công ty Island Creek - công ty khai thác than chính của Mỹ. Nhưng trước khi đồng ý, ông William Bellano, chủ tịch hãng Island Creek đã quyết định tìm hiểu và điều tra sự ổn định tình hình chính trị tại Libya. Ông Bellano đã nói chuyện với những người làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ, ngân hàng Chase Manhattan và ngân hàng Citibank. Câu trả lời chung đều giống nhau, là: Người ta có thể trông đợi vào sự ổn định chính trị ở Libya trong năm hoặc sáu năm, và "thật dễ đoán trước về sự chuyển giao quyền lực có trật tự khi nhà vua qua đời". Vì thế, sự sáp nhập hai công ty đã được tiến hành. Đó là năm 1968. Song tất cả các chuyên gia đều mắc phải sai lầm chết người.

Sức ép từ Libya

Đêm 31 tháng 8 rạng sáng ngày 1 tháng 9 năm 1969, một sĩ quan cao cấp của Libya bỗng nhiên bị đánh thức trong lúc đang ngủ say. Ông nói với viên sĩ quan cấp dưới trẻ tuổi rằng đánh thức ông giờ này là quá sớm, cuộc đảo chính đã được lên kế hoạch cho một vài ngày tới. Nhưng vị sĩ quan cấp cao này không biết đây là một cuộc đảo chính hoàn toàn khác. Kể từ nhiều tháng nay, quân đội Libya đang sục sôi với những âm mưu đen tối. Nhiều nhóm chính trị và sĩ quan quân đội đã chuẩn bị cho cuộc đảo chính lật đổ chế độ đang ngày càng mục nát của vua Idris. Một nhóm sĩ quan trẻ có tư tưởng cấp tiến dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Muammar al-Qaddafi đã tấn công tất cả các phe nhóm khác bao gồm cả những sĩ quan chỉ huy của họ, những người đã lập kế hoạch cho cuộc chính biến của họ trong ba, bốn ngày tới. Thực tế là, có rất nhiều binh lính tham gia cuộc đảo chính ngày 1 tháng 9 mà không hề biết ai là người lãnh đạo và thậm chí mục đích của âm mưu này là gì.

Qaddafi và những người đồng mưu đã chuẩn bị cho âm mưu này từ thập kỷ trước đó, khi những học sinh trường cấp hai được truyền bá tư tưởng Gamal Abdel Nasser qua cuốn sách Philosophy of Revolution (Triết lý về cách mạng) của ông và đài phát thanh tiếng Arập. Giới trẻ quyết định sống theo hình mẫu và lý tưởng của Nasser. Họ cũng cho rằng con đường dẫn tới quyền lực không cần trực tiếp thông qua những đảng phái chính trị, mà theo cách của Nasser đã chọn, đó là thông qua học viện quân sự. Trong tâm trí của Qaddafi, một người có óc quan sát sắc sảo, thì học thuyết Cách mạng của Nasser được hòa trộn "với tư tưởng của đạo Hồi trong thời đại Mohammed". Nhóm nổi dậy này đều là nô lệ của học thuyết Nasser và ảo tưởng của Nasser về một khối thống nhất. Vào lúc thích hợp, Qaddafi sẽ tìm cách khoác lên người chiếc áo choàng của học thuyết Nasser.

Là một người bẩm sinh đã đầy mưu lược giống như Nasser, nhưng cũng là một người lập dị và tính khí thay đổi thất thường do chứng trầm cảm, ông ta không chỉ cố gắng biến mình thành một thủ lĩnh, mà hơn thế nữa còn là hiện thân của thế giới Arập. Chỉ bằng cách đó, ông ta mới có thể không ngừng âm mưu lập chiến dịch chống lại Israel, chủ nghĩa phục quốc Do Thái, các quốc gia Arập khác và phương Tây. Với tiềm lực dầu lửa to lớn, ông ta sẽ trở thành chủ ngân hàng, nhà tài trợ, và là thủ lĩnh của rất nhiều nhóm khủng bố trên toàn thế giới.

Ngay sau thành công của cuộc đảo chính ngày 1 tháng 9, một động thái đầu tiên của Hội đồng Chỉ huy Cách mạng mới thành lập của Qaddafi là đóng cửa căn cứ quân sự Anh và Mỹ tại Libya, trục xuất nhiều công dân Italia khỏi nước này. Qaddafi cũng ra lệnh đóng cửa tất cả các nhà thờ Thiên chúa giáo trong nước, dỡ bỏ giá thập tự và bán đấu giá các tài sản nhà thờ. Sau đó, vào tháng 12 năm 1969, một cuộc phản đảo chính được dẹp tan và việc củng cố quyền lực của Qaddafi đã hoàn thành. Thời điểm này, ông đã sẵn sàng giải quyết vấn đề của ngành công nghiệp dầu lửa. Tháng 1 năm 1970, các sĩ quan trong Hội đồng chỉ huy cách mạng đã phát động cuộc tấn công đầu tiên với lời kêu gọi tăng giá niêm yết. Qaddafi đã cảnh báo những người đứng đầu 21 công ty dầu mỏ đang hoạt động ở Libya rằng ông sẽ đóng cửa sản xuất nếu cần để đạt được điều mà ông muốn. Ông nói: "Con người đã sống mà không có dầu trong 5.000 năm; họ có thể sống mà không có nó thêm vài năm nữa để giành được các quyền chính đáng".

dau mo tien bac va quyen luc ky 29
Dầu mỏ là nền tảng của kinh tế Libya

Lúc đầu, công ty Esso - Libya phải chịu rất nhiều áp lực. Chính phủ quân sự này yêu cầu tăng giá niêm yết lên 43 xu một thùng. Người đứng đầu Esso - Libya hồi tưởng lại: "43 xu trong những ngày ấy. Thật quá sức tưởng tượng". Esso đã đề nghị giá 5 xu. Còn các công ty khác không có động tĩnh gì. Trước sự cản trở của công ty Jersey và các công ty lớn khác - hầu hết những công ty này đều có nguồn thay thế, nên phía Libya chuyển hướng sang một công ty không có bất cứ nguồn thay thế nào: công ty Occidental. Họ hiểu rõ điểm yếu này. Một người Libya đã giải thích: "Tất cả trứng của họ đều nằm trong cùng một giỏ". Cuối mùa xuân năm 1970, công ty Occidental được lệnh cắt giảm sản lượng từ 800.000 thùng dầu một ngày xuống còn khoảng 500.000 thùng một ngày. Như một sự đề phòng Occidental không thực hiện, cảnh sát Libya bắt buộc dừng việc sản xuất, khám xét và quấy rối ban giám đốc. Mặc dù việc cắt giảm và quấy rối cũng áp dụng với các công ty khác nhưng chỉ có Occidental là nhận được sự quan tâm ưu ái đặc biệt nhất.

Qaddafi đã lựa chọn một thời điểm hết sức thuận lợi để bắt đầu chiến dịch. Libya đang cung cấp 30% lượng dầu mỏ cho châu Âu. Kênh đào Suez vẫn đang đóng cửa, như vậy áp lực về đường giao thông vận chuyển vẫn tồn tại. Sau đó, tháng 5 năm 1970, một chiếc máy kéo đã làm vỡ đoạn khóa ống dẫn tại một điểm Syria. Sự cố này đã cản trở việc xuất khẩu 500.000 thùng dầu mỗi ngày từ Arập Xêút qua đường ống dẫn dầu đến Địa Trung Hải. Vì vậy, số tàu chở dầu phải tăng lên gấp ba. Trữ lượng dầu mỏ không thiếu nhưng thiếu phương tiện vận chuyển, khó khăn này đặt Libya và Qaddafi nằm ở thế trung tâm giữa Địa Trung Hải và thị trường châu Âu. Người Libya sẵn sàng khai thác những lợi thế của mình. Việc cắt giảm sản lượng dầu này lại càng làm thị trường dầu mỏ châu Âu thêm căng thẳng. Cùng với sự đứt đoạn đường ống dẫn dầu và sự cắt giảm sản lượng dầu ở Libya, mỗi ngày có 1,3 triệu thùng dầu đột ngột bị rút khỏi thị trường.

Khi áp lực ngày càng tăng, Hammer trở nên tức giận. Ông tới Ai Cập để mời người anh hùng của tướng Qaddafi là Tổng thống Nasser đứng ra làm trung gian hòa giải với "học trò" của ông. Lo ngại việc ngừng sản xuất dầu tại Libya sẽ đe dọa nguồn cung cấp dầu của Libya cho quân đội Ai Cập, Nasser đã khuyên Qaddafi nên nhẹ tay hơn. Ông cũng nói với vị lãnh đạo của Libya rằng không nên lặp lại sai lầm của chính ông. Ai Cập phải trả giá đắt cho chính sách quốc hữu hóa và việc trục xuất các kỹ thuật viên chủ chốt người nước ngoài. Nhưng phía Libya không để ý đến lời khuyên của ông.

Hammer cố gắng tìm kiếm các công ty khác có thể cung cấp nguồn dầu thay thế cho công ty Occidental, đề phòng trường hợp công ty không nhượng bộ trước những yêu cầu của phía Libya mà cương quyết chống lại Qaddafi và sau đó bị quốc hữu hóa. Nhưng ông đã không thành công. Ngay cả chuyến thăm Chủ tịch hãng Exxon là Kenneth Jamieson cũng không mang lại kết quả gì, họ không đáp ứng được lượng dầu mà Hammer cần, ít ra là với những điều kiện của ông. Hammer rất thất vọng và cay đắng. Nhưng có thể Jamieson chỉ đơn giản là không nghiêm túc đối với Hammer. Một cố vấn cao cấp của Hammer nói: "Hoàn toàn có thể hiểu được vì sao Jamieson từ chối Hammer". Chủ tịch hãng Exxon, tập đoàn lớn mạnh nhất thế giới đã đối đầu với một nhà buôn đầy tài năng, một týp người tàn nhẫn, lạnh lùng với mưu đồ tầm cỡ toàn cầu.

Vô vọng với ý định tìm kiếm nguồn dầu mỏ thay thế, Hammer quyết định thực hiện một chiến lược toàn cầu khác. Trong bữa tối tại trang trại của Lyndon Johnson ở bang Texas, ông đã cố gắng kết hợp một cuộc trao đổi mà qua đó, ông đóng vai trò trung gian trong thương vụ mua bán máy bay quân sự của hãng McDonnell Douglas để đổi lấy dầu lửa của Iran. Nhưng nỗ lực này cũng thất bại. Công ty của ông gần như cạn kiệt nguồn thay thế. Đến cuối tháng 8 năm 1970, ông nhận được cuộc điện thoại khẩn từ người quản lý của mình ở Libya là George Williamson, thông báo Libya có thể sẽ quốc hữu hóa tập đoàn Occidental. Bức điện khẩn khiến ông phải vội vã đáp máy bay đêm tới Tripoli.

Về phía Libya, các cuộc thương lượng do Phó Thủ tướng Abdel Salaam Ahmed Jalloud chủ trì được coi là nhẹ nhàng hơn so với thái độ khắt khe của Qaddafi, nhưng ông ta vẫn là một kẻ thương thuyết không khoan nhượng. Một lần, để tỏ rõ thái độ không hài lòng trong cuộc tranh luận với những người đại diện cho Texaco và Standard của Califonia, ông ta đã vò nát bản đề xuất và ném thẳng vào mặt họ. Một lần khác, ông ta đi vào một phòng họp toàn các vị lãnh đạo trong lĩnh vực dầu lửa với một khẩu súng tiểu liên trên vai. Ở lần đàm phán đầu tiên với Hammer, sau khi mời tiến sĩ dùng bánh mì cuộn nóng hổi và cà phê, ông ta mở khóa thắt lưng và đặt khẩu côn 45 xuống bàn chĩa thẳng về phía Hammer. Mặc dù mỉm cười nhưng Hammer thật sự cảm thấy lúng túng. Ông chưa bao giờ thương thuyết với một họng súng chĩa thẳng vào mình như vậy.

Mỗi ngày, Hammer làm việc với nỗ lực hết mình, với các cuộc thương thuyết không ngớt. Hằng đêm, ông đáp chuyến bay về Paris, trong phòng riêng ở khách sạn Ritz, ông có thể an toàn gọi điện về cho ban điều hành công ty ở Los Angeles. Đó là một trong những lý do khiến ông phải đi lại thường xuyên. Hammer đã từ chối lời mời của Jalloud đến thăm cung điện của vua Idris. Ông sợ bị giữ chân ở đây quá lâu. Và ông không hề sao nhãng vấn đề an ninh. Ngày đầu tiên, ông thuê một chiếc phi cơ của Pháp bay thẳng đến Tripoli đề phòng phía Libya có thể cướp máy bay riêng của ông. Sau đó, để thêm chắc chắn, ông cho phi cơ quay lại, chuyển từ chiếc phi cơ thuê sang chiếc phi cơ quen thuộc của hãng Gulfstream II, với phòng ngủ riêng biệt tiện nghi của mình. Ông sẽ quay về Paris lúc 2 giờ sáng và lại ra đi lúc 6 giờ. Trong suốt cuộc đời mình, ông có một khả năng đáng chú ý là có thể chợp mắt trong bất kỳ điều kiện nào và ông đã tận dụng rất tốt khả năng này trên những chuyến bay.

Trong khi các cuộc tranh luận gay gắt vẫn tiếp diễn và kéo dài, dân chúng bên ngoài đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm đầu tiên của cuộc đảo chính và cầu nguyện cho những kẻ xấu số đã từng chống lại chế độ này. Và cuối cùng, cuộc thương lượng cũng đi tới hồi kết khi Hammer và Jalloud bắt tay nhau. Họ đã đồng ý về nguyên tắc và cuộc làm ăn này dường như đã hoàn tất. Nhưng một vấn đề liên quan đến hình thức hợp đồng đột ngột nảy sinh. Cảm thấy nghi ngờ, Hammer lập tức quyết định trở về Mỹ, giao lại việc hoàn tất hợp đồng cho George Williamson. Ngày hôm sau, tại khách sạn Ritz ở Paris, Hammer nhận được tin cuối cùng thỏa thuận đã được ký. Phía Libya đã tăng 20% thuế và phí thuê mỏ dầu. Tập đoàn Occidental đã có thể tồn tại. Các công ty khác tỏ thái độ lưỡng lự, nhưng vào cuối tháng 9 thì hầu như tất cả đều chịu nhượng bộ mặc dù với thái độ rất miễn cưỡng. Phía Libya long trọng hứa sẽ thực hiện những thỏa thuận mới này trong vòng 5 năm.

Nhưng những gì thật sự diễn ra quan trọng hơn rất nhiều so với việc tăng giá niêm yết thêm 30 xu, và sự chia sẻ lợi nhuận bên phía Libya đột ngột tăng từ 50% lên 55%. Những cam kết bên phía Libya đã thay đổi sự cân bằng quyền lực giữa chính quyền các nước sản xuất dầu lửa và các tập đoàn dầu mỏ trên thế giới. Đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ, thắng lợi của Libya càng khuyến khích họ; nó không những bất ngờ đảo ngược tình thế giá dầu giảm, mà còn dựng lại chiến dịch đòi chủ quyền và quyền kiểm soát các nguồn dầu mỏ của các nước xuất khẩu dầu vốn đã được phát động từ một thập kỷ trước với việc thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, nhưng sau đó đã ngừng hoạt động.

Đối với các tập đoàn dầu mỏ thì đây là bước khởi đầu của sự rút lui. Một giám đốc của Jersey phụ trách hoạt động của hãng ở Libya đã tóm tắt súc tích tầm quan trọng của các hiệp ước mới. Ông nói: "Nền công nghiệp dầu lửa mà chúng ta từng biết sẽ không còn tồn tại lâu thêm nữa". George Williamson của tập đoàn Occidental đã có dự cảm về những thay đổi to lớn trong tương lai. Khi chuẩn bị ký tên vào các văn kiện cuối cùng, ông đã nhận xét với một giám đốc khác của Occidental: "Tất cả những người lái máy kéo, xe tải hay ôtô ở các nước phương Tây đều bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận này". Họ ký vào các văn kiện và sau đó, Williamson cùng với các cộng sự ngồi cùng những người Libya, nhấp từng ngụm soda cam, thứ đồ uống tốt nhất có thể tìm thấy ở vùng đất hiếm đồ uống có cồn, suy nghĩ trong im lặng về một tương lai bất định.

Giá dầu tăng vọt

Chắc chắn vua Iran không muốn những sĩ quan trẻ mới nổi lên ở Libya vượt mặt. Tháng 11 năm 1970, ông đã phá vỡ quy tắc chia lợi nhuận cũ theo tỷ lệ 50-50 và nâng lợi nhuận của mình lên 55% trước liên minh các công ty dầu mỏ. Các công ty dầu mỏ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp thuận mức 55% lợi nhuận dành cho các quốc gia Vùng Vịnh. Từ đây, trò chơi tăng giá dầu bắt đầu. Venezuela là nước đưa ra một đạo luật mới: nâng tỷ suất lợi nhuận lên 60% đồng thời tự ý nâng giá dầu mà không hề tham khảo hay đàm phán với các công ty dầu mỏ. Một hội nghị của OPEC đã quy định tỷ lệ lợi nhuận tối đa là 55% và đe dọa sẽ cắt giảm nguồn cung dầu cho các tập đoàn nếu yêu cầu trên không được đáp ứng. Hội nghị còn nhấn mạnh các công ty dầu mỏ nên đàm phán với các nhóm quốc gia xuất khẩu dầu mỏ của từng khu vực chứ không phải với OPEC như một thực thể. Chắc chắn trò chơi này sẽ không bao giờ kết thúc trừ phi các tập đoàn dầu mỏ thiết lập một liên minh chung và duy trì nó thành công.

David Barran, Chủ tịch công ty Shell Transport and Trading trở thành người đầu tiên đấu tranh cho hướng này. Ông nói: "Chúng tôi nhận thấy một loạt vấn đề phức tạp đang xuất hiện". Nếu không có một liên minh thống nhất, các công ty dầu mỏ "sẽ lần lượt bị gục ngã". Cùng với sự hối thúc của Barran là các cách tiếp cận chung, bằng cách này các công ty dầu mỏ sẽ tạo thành một khối để đàm phán với nhóm các quốc gia dầu lửa OPEC, hơn là đàm phán với từng quốc gia riêng lẻ. Với cách này, họ hy vọng có thể ngăn chặn hàng loạt đòi hỏi ganh đua nhau của các nước. Giành được quyết định từ bỏ việc chống độc quyền từ Bộ Tư pháp Mỹ, các công ty dầu mỏ đã thiết lập "một mặt trận hợp nhất" - gọi là "Front Uni", quay trở lại cách mà họ đã làm để chống lại Liên bang Xô Viết vào những năm 1820.

Nhưng giờ đây, thế giới phức tạp hơn nhiều và có thêm nhiều người tham gia vào cuộc chơi. Mặt trận hợp nhất bao gồm 24 thành viên là những công ty của Mỹ và không phải của Mỹ, đại diện cho khoảng 4/5 sản lượng dầu lửa của thế giới tự do. Những công ty này cũng thiết lập "Mạng lưới an toàn Libya", ngầm hiểu nếu bất kỳ công ty dầu mỏ nào phải cắt giảm sản lượng với Chính phủ Qaddafi vì đứng đầu thì các công ty dầu mỏ khác sẽ cung cấp dầu thay thế. Thỏa thuận này đã thể chế hóa thỏa thuận mua bán mà Hammer cố gắng đạt được với Exxon sáu tháng trước đây và đã thất bại. Theo lời của James Placke, tùy viên phụ trách vấn đề dầu lửa của Mỹ tại Libya, đây là "sự ngừng bắn" giữa bên nắm quyền chủ chốt và bên phụ thuộc.

Ngày 15 tháng 1 năm 1971, các công ty dầu mỏ đã gửi thư khẩn cấp đến Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, kêu gọi một thỏa thuận "toàn thể", có tính toàn cầu với các nước xuất khẩu dầu mỏ. Mục đích của thỏa thuận này là nhằm duy trì một mặt trận thống nhất và đàm phán với OPEC với tư cách một thể thống nhất hơn là phải đàm phán với từng nước hoặc từng nhóm các nước xuất khẩu dầu như OPEC mong muốn. Mặt khác, nếu không đi đến một thỏa thuận như vậy, các công ty dầu mỏ sẽ bị tổn hại do sự tăng vọt của giá dầu.

Nhưng vua Iran đã cương quyết chống lại kế hoạch của các công ty dầu mỏ, bởi ông cho rằng sự điều hòa giá cả không thể ngăn cản những người có quan điểm cực đoan ở Libya và Venezuela. Nếu các công ty dầu lửa biết điều và và thỏa thuận riêng với những quốc gia Vùng Vịnh thì vua Iran hứa sẽ thực hiện một thỏa thuận ổn định kéo dài trong vòng 5 năm. Ông ta còn tuyên bố "nếu các công ty dầu mỏ còn có thêm bất kỳ hành động lừa dối nào khác thì Vùng Vịnh sẽ đóng cửa và không có thêm một giọt dầu nào chảy nữa".

Tiến trình đàm phán đã mở ra ở Tehran, với đại diện của mặt trận thống nhất là ông George Piercy, Giám đốc khu vực Trung Đông của tập đoàn Exxon và ông Lord Strathalmond, Giám đốc tập đoàn British Petroleum và là luật sư chuyên nghiệp. Ông Lord Strathalmond là một người thân thiện và tốt bụng. Ông thường đùa ngài bộ trưởng dầu lửa của Côoét bằng cách gọi tên ông theo vẻ bề ngoài của ông là "Groucho" (ngài cáu kỉnh). Ông là con trai của William Fraser - Chủ tịch tập đoàn BP vào thời kỳ xảy ra vụ Mossadegh, và là người kém nổi tiếng nhất ở Iran - đến mức Lord Strathalmond cảm thấy buộc phải nói với một vài người Iran đang rất bối rối: "Tôi không phải là cha tôi".

Các công ty dầu mỏ cho rằng họ được Chính phủ Mỹ hỗ trợ trong cuộc đấu tranh chống lại vua Iran, nhưng Piercy và Strathalmond đã khám phá ra trong chuyến đi tới Tehran, Washington đã ngầm đồng ý với quan điểm của vua Iran. Piercy và Strathalmond vô cùng sửng sốt và tức giận. Ông Piercy nói: "Đó là một màn kịch ngớ ngẩn".

Ngày 19 tháng 1, Piercy và Lord Strathalmond đã có cuộc gặp gỡ với Ủy ban Vùng Vịnh của OPEC, gồm có: Bộ trưởng Tài chính Iran, ông Jamshid Amouzegar (đã từng học ở Cornell và trường Đại học Washington), Bộ trưởng dầu lửa Zaki Yamani của Arập Xêút (từng học tại trường Đại học New York và khoa Đại học Luật Harvard) và Bộ trưởng dầu lửa Iraq ông Saadoun Hammadi (tiến sĩ kinh tế học nông nghiệp trường Đại học Wisconsin). Ba vị bộ trưởng này đều là những người rất cứng rắn và kiên quyết. Họ sẽ thảo luận với nhau về giá dầu tại các quốc gia Vùng Vịnh, chỉ đối với các quốc gia Vùng Vịnh chứ không phải những quốc gia còn lại trong OPEC. Vua Iran đã phản đối kịch liệt các công ty dầu mỏ và tuyên bố có thể cấm công ty dầu mỏ nào không đồng ý với quan điểm của mình. Thậm chí, ông ta còn tổ chức buổi gọi hồn Mossadegh. Ông ta lạnh lùng cảnh báo: "Những điều kiện của năm 1951 không còn tồn tại nữa". "Không một người dân Iran nào được phép cuộn mình trong chăn hoặc tự giam mình trong phòng cố thủ". Ông ta nói: nỗ lực để đạt được một thỏa thuận "toàn thể", đơn nhất chỉ là "một trò đùa hoặc một ý định lãng phí thời gian".

Giai đoạn đầu tiên của quá trình đàm phán tại Tehran không có kết quả. Trong một cuộc gặp riêng, ông Yamani đã cảnh báo Piercy rằng, những điều Piercy nghe thấy đều là sự thật, rằng đã có những buổi nói chuyện giữa các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ về lệnh cấm vận nhằm tăng cường lực lượng chống lại các công ty dầu mỏ. Hơn nữa, ông Yamani đã thừa nhận phía Arập Xêút và các quốc gia Vùng Vịnh đều ủng hộ ý kiến này. Điều này khiến Piercy sốc. Phía Arập Xêút chưa bao giờ cấm vận dầu lửa trừ thời kỳ chiến tranh. Piercy đã đưa ra câu hỏi liệu việc này có nhận được sự ủng hộ của vua Faisal hay không và ông đã nhận được câu trả lời là "có" của Yamani và nhà vua Iran. Piercy đã cố thuyết phục Yamani đừng nghe theo những quyết định đó. Yamani trả lời: "Tôi không nghĩ là ông nhận ra được những vấn đề khó khăn trong OPEC. Tôi phải tiếp tục".

Các công ty dầu mỏ cuối cùng đã đi đến quyết định bất đắc dĩ phải từ bỏ quyết tâm để đạt tới một đường lối thống nhất, bởi họ không còn sự lựa chọn nào khác. Họ chấp nhận rạn nứt trong các cuộc đàm phán. Nếu không, sẽ không có bất kỳ sự thỏa thuận nào trong cuộc đàm phán. Các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ tự đưa ra quyết định về giá dầu. Trước tất cả các mức giá, các công ty dầu mỏ cần phải duy trì thái độ đồng tình, thậm chí, nếu thật sự không đồng tình mà muốn các quốc gia xuất khẩu dầu phải đàm phán với họ chứ không phải tự đưa ra quyết định. Do vậy, lúc này có hai chiều hướng trong các cuộc đàm phán: một là tại Tehran và một ở Tripoli. Ngày 14 tháng 2 năm 1971, các công ty dầu mỏ đã chịu thua ở Tehran. Thỏa thuận mới đã đào mồ chôn nguyên lý 50-50. Nguyên lý kinh điển này đã hoàn thành sứ mệnh của mình, nó tồn tại suốt hai thập kỷ, và bây giờ thời đại đó đã qua. Thỏa thuận mới đã thiết lập con số 55% là con số thấp nhất mà chính phủ đưa ra, còn giá dầu tăng lên 35 xu một thùng, với một cam kết hàng năm giá dầu còn tiếp tục tăng. Những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ long trọng hứa: giá dầu sẽ không tăng trong vòng 5 năm tới như đã cam kết trong hiệp ước.

Thỏa thuận Tehran đã đánh dấu một bước ngoặt có ảnh hưởng bước đầu tới các công ty dầu mỏ cũng như các quốc gia xuất khẩu dầu. Một quan chức của OPEC phát biểu: "Đó là một bước chuyển mình thật sự đối với OPEC. Sau khi thỏa thuận Tehran được ký kết, OPEC đã mạnh lên rất nhiều. Hệ quả trực tiếp là, vua Iran đã đưa ra những lời tốt lành cho cam kết này, dốc trượt tuyết tại St. Moritz, Thụy Sĩ. Ông bảo đảm: "Cho dù bất cứ điều gì xảy ra thì cũng không có sự nhảy vọt về giá dầu". Ông David Barran, Chủ tịch tập đoàn Shell còn dự đoán chính xác hơn. Ông nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa, thị trường dầu mỏ dành cho người mua đã kết thúc".

Giờ đã đến lúc để nói về một khía cạnh khác của cuộc đàm phán - giá dầu của OPEC ở vùng Địa Trung Hải. Ủy ban khu vực Địa Trung Hải bao gồm Libya và Angiêri, cũng như Arập Xêút và Iraq do một phần sản lượng dầu lửa của các quốc gia này được vận chuyển đến Địa Trung Hải qua đường ống dẫn dầu. Vài ngày trước khi có thỏa thuận Tehran, các cuộc tranh luận đã bắt đầu ở Tripoli, với Libya - thiếu tá Jalloud - dứt khoát đảm trách các cuộc đàm phán bên phía các nước Arập. Jalloud đã sử dụng tất cả những chiến thuật quen thuộc như hăm dọa, thuyết giảng về cách mạng hay đe dọa cấm vận và quốc hữu hóa. Ngày mùng 2 tháng 4 năm 1971, một thỏa thuận được tuyên bố. Giá dầu niêm yết trên thị trường tăng lên đến 90 xu đúng theo những gì được nói tới trong thỏa thuận Tehran. Chính phủ Libya tăng doanh thu lên 50% từ xuất khẩu dầu lửa.

Về phần vua Iran, ông thật sự giận dữ. Một lần nữa ông lại bị vượt mặt. Sự dự phần: "Vĩnh viễn ràng buộc như một cuộc hôn nhân Thiên chúa giáo" Sự bảo đảm ổn định trong vòng 5 năm của các thỏa thuận Tehran và Tripoli chỉ là những ảo tưởng. Một cuộc chiến mới sẽ sớm diễn ra khi OPEC cố gắng tăng giá dầu nhằm đền bù tổn thất do sự mất giá đồng đô-la gây ra vào đầu những năm 1970. Nhưng trận chiến này đã bị lu mờ trước những xung đột và mâu thuẫn quan trọng hơn. Những mâu thuẫn này làm thay đổi đột ngột mối quan hệ giữa các công ty dầu mỏ và các quốc gia xuất khẩu dầu. Cuộc chiến này là về vấn đề "dự phần": kết quả thu được của các nước xuất khẩu dầu mỏ sở hữu một phần nguồn tài nguyên dầu lửa nằm trong lãnh thổ của họ. Nếu các quốc gia xuất khẩu giành chiến thắng trong cuộc chiến này, điều đó đồng nghĩa với sự cải tổ triệt để công nghiệp và sự thay đổi cơ bản vai trò của những người tham gia cuộc chơi.

Phần lớn hoạt động khai thác dầu mỏ bên ngoài lãnh thổ Mỹ đều dựa trên hệ thống nhượng quyền. Lịch sử của hệ thống này bắt nguồn từ một người tên là William Knox D’Arcy và cuộc phiêu lưu mạo hiểm, mù quáng của ông đến Ba Tư năm 1901. Với hệ thống nhượng quyền, bằng hợp đồng với một vị vua, các công ty dầu mỏ đã giành được quyền khai thác, sở hữu và sản xuất dầu trên một vùng lãnh thổ đã định sẵn, có diện tích rộng bằng vùng đất của D’Arcy là 480.000 dặm vuông ở Ba Tư và vùng đất của tập đoàn Occidental rộng 2.000 dặm vuông ở Libya. Nhưng giờ đây, khi có sự liên quan của các nhà xuất khẩu dầu thì hệ thống nhượng quyền chỉ còn là quá khứ, những tàn dư của chế độ thực dân và chủ nghĩa đế quốc không còn tồn tại, tất cả đều không thích hợp với kỷ nguyên mới của nền độc lập tự chủ, phi thực dân, của chủ nghĩa dân tộc. Những quốc gia này cũng không còn muốn chỉ là "người đi thu thuế". Đó không chỉ là vấn đề thu thêm thuế cho ngân khố quốc gia. Đối với các nước xuất khẩu dầu, vấn đề lớn hơn cần đặt ra là độc lập chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Tất cả những vấn đề khác đều được dự liệu để phục vụ cho mục đích này.

Quốc hữu hóa triệt để là phương sách hiển nhiên đối với một vài nước xuất khẩu, chẳng hạn như ở Nga sau cuộc Cách mạng Bolshevik, ở Mexico và Iran. Khái niệm "sự dự phần" − quyền sở hữu một phần đạt được nhờ thương thuyết, đã được lập kế hoạch có chủ ý như một giải pháp thay thế cho việc quốc hữu hóa và sở hữu toàn phần, bởi vì việc này thỏa mãn lợi ích của một số nước xuất khẩu dầu chủ chốt. Dầu lửa không những là biểu tượng niềm tự hào và quyền lực của một quốc gia; mà còn là một công cuộc kinh doanh. Quốc hữu hóa triệt để sẽ phá vỡ mối quan hệ với các tập đoàn quốc tế và trực tiếp đặt nước sản xuất dầu lửa vào cuộc kinh doanh dầu lửa. Quốc gia quốc hữu hóa ngành dầu mỏ sẽ phải đối mặt với cùng một trở ngại có thể làm điêu đứng những người độc lập đã tạo dựng nên nguồn trữ lượng dầu mỏ ở Trung Đông: đây chính là vấn đề toàn quyền. Việc này sẽ dẫn đến một cuộc chiến với các nước xuất khẩu khác để tranh giành thị trường. Khi đó, các công ty dầu mỏ không những được tự do buôn bán với giá dầu rẻ nhất mà còn có được khuyến khích mạnh mẽ, bởi giờ đây, họ đang thu lợi nhuận bằng cách buôn bán trên thị trường tiêu dùng, chứ không chỉ bằng việc sản xuất. "Chúng tôi sống ở những quốc gia sản xuất dầu lửa, chúng tôi trở thành người khai thác và buôn bán dầu và cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua sản xuất", đó là lời phát biểu của Yamani năm 1969 và cũng là lời cảnh báo đối với việc quốc hữu hóa triệt để. Hậu quả sẽ là "sự sụp đổ đột ngột của cấu trúc giá, do mỗi quốc gia sản xuất dầu đều cố gắng duy trì những yêu cầu của ngân sách quốc gia trước sự sụt giá dầu bằng cách đưa vào thị trường một khối lượng dầu lớn hơn". Những phí tổn và rủi ro sẽ không chỉ còn là vấn đề kinh tế. "Sự bất ổn tài chính chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất ổn chính trị". Yamani quả quyết hình thức dự phần − đồng sở hữu với những công ty lớn tốt hơn − là cách để đạt được mục tiêu của những nhà xuất khẩu và còn duy trì được hệ thống ổn định mức giá. Ông nói: điều này sẽ tạo ra một mối ràng buộc "không thể chia cắt được, giống như một cuộc hôn nhân Thiên Chúa giáo".

Hình thức dự phần phù hợp với tình hình của Arập Xêút; nó có nghĩa là sự thay đổi từ từ, chứ không phải một sự đảo lộn trật tự quyết liệt trong ngành dầu lửa. Nhưng đối với những nước xuất khẩu khác, sự dự phần từng bước vẫn chưa đủ. Angiêri, nước không giả bộ đàm phán, đã giành được 51% quyền sở hữu trong những hoạt động khai thác dầu lửa của Pháp tại nước này và duy trì từ một thập kỷ trước khi Angiêri giành được độc lập. Venezuela đã thông qua đạo luật, theo đó tất cả các quyền khai thác được chuyển nhượng sẽ tự động được phục hồi lại cho chính phủ khi hết hiệu lực vào đầu những năm 1980.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC kêu gọi thực hiện ngay tức khắc hình thức dự phần trước mối đe dọa của "hành động phối hợp" nếu hình thức này không được thực thi. Yamani được giao nhiệm vụ ở phía OPEC. Áp lực lên các công ty cũng theo đó mà tăng lên. Cùng với việc quân Anh rút khỏi Vùng Vịnh vào cuối năm 1971, Iran chiếm được một vài hòn đảo nhỏ gần eo biển Hormuz. Đối với những binh sĩ người Arập, đây là sự sỉ nhục lớn vì lãnh thổ của người Arập bị những kẻ không phải người Arập chiếm đoạt. Để trừng phạt người Anh về sự "thông đồng" trong hành động ném đá giấu tay này, Libya, một nước cách đó 2.400 dặm đã quốc hữu hóa các khu đất mà BP thuê tại đất nước này. Iraq cũng quốc hữu hóa tài sản còn lại cuối cùng của công ty dầu mỏ Iraq − quyền khai thác vùng Kirkuk. Vùng này là khu khai thác cho sản lượng lớn được phát hiện vào những năm 1920 trở thành tâm điểm của tất cả các cuộc tranh luận ầm ĩ giữa người Gulbenkian với những công ty lớn, và là nền tảng cho nhiều ngành sản xuất của Iraq. "Có một xu hướng quốc hữu hóa trên phạm vi toàn cầu và Arập không thể một mình chống chọi," Yamani đã cảnh báo các công ty: "Ngành công nghiệp này nên nhận ra điều này và đi đến thỏa thuận để cứu vãn được càng nhiều càng tốt trước hoàn cảnh này".

Trước đây, khi chưa lập ra bất cứ một thỏa thuận nào, một số vấn đề căn bản đã được tranh luận, bao gồm vấn đề định giá. Ví dụ, dựa trên công thức tính toán đã được lựa chọn, 25% lợi nhuận của công ty dầu mỏ Côoét có thể có giá trị ở bất cứ đâu với mức từ 60 triệu đến một tỷ đô-la. Cuối cùng, trong trường hợp này, hai bên cùng nhau tạo ra một khái niệm tính toán mới: "giá trị kế toán cập nhật". Giá trị này bao gồm lạm phát và các nhân tố có tác động lớn khác. Tháng 10 năm 1972, một "thỏa ước dự phần" cuối cùng cũng đạt được giữa các nước Vùng Vịnh và các công ty. Thỏa thuận này cung cấp một dự phần tức thời là 25%, và con số này tăng lên thành 51% năm 1983. Nhưng, bất chấp sự tán thành của OPEC, việc áp dụng thỏa thuận của những nước OPEC còn lại không được như Yamani mong đợi. Angiêri, Libya và Iran vẫn đứng ngoài cuộc. Bộ trưởng dầu lửa Côoét tán thành nhưng Quốc hội lại phản đối, và thế là Côoét cũng đứng ngoài.

Các công ty thuộc Aramco cuối cùng đã đồng ý chung phần với Arập Xêút hình thức thay thế còn tồi tệ hơn – đó là quốc hữu hóa hoàn toàn. Chủ tịch Exxon nói đầy hy vọng rằng ông trông đợi "các mối quan hệ trong tương lai sẽ vững bền hơn" như là kết quả của bản thỏa thuận vốn "duy trì vai trò trung gian thiết yếu của các công ty dầu mỏ quốc tế tư nhân". Những người khác thì không chắc lắm. Trong một cuộc gặp gỡ tại New York của các nhà quản trị công ty dầu mỏ, do John McCloy chủ trì, hãng Aramco tuyên bố quyết định đồng ý với hình thức dự phần. Cuối buổi thảo luận nhiều tranh cãi này, McCloy xin ý kiến của Ed Guinn, người quản lý công ty dầu mỏ độc lập Bunker Hunt hoạt động tại Libya. Guinn rất buồn. Ông tin rằng bất cứ sự nhượng bộ nào trong Vùng Vịnh Ba Tư đều chỉ khiêu khích Libya đưa ra những đòi hỏi cao hơn. Còn kế hoạch Aramco mà ông vừa nghe khiến ông nhớ đến câu chuyện về hai bộ xương treo lủng lẳng trong một căn buồng nhỏ. Bộ xương này nói với bộ xương kia: "Vì sao chúng ta lại ở đây nhỉ?" Bộ xương kia trả lời: "Tớ cũng chẳng biết nữa, nhưng nếu chúng ta có vài đoạn ruột, chúng ta sẽ ra khỏi đây".

"Cuộc họp tạm ngừng!", McCloy lập tức hét lên, và mọi người bỏ ra ngoài. Sau thỏa thuận giữa Yamani với Aramco, Libya tiếp quản 50% việc điều hành ENI, một công ty dầu mỏ quốc doanh của Italia, sau đó tiến hành sung công toàn bộ cổ phần của Bunker Hunt. Trong khi ủng hộ nhà độc tài Idi Amin Dada của Uganda, Qaddafi đã tuyên bố, bằng việc thâu tóm Bunker Hunt, ông ta đã nên cho Mỹ "một cú đấm trời giáng" vào "bộ mặt lạnh lùng xấc xược của nước này". Sau đó, ông ta bắt đầu tiến hành quốc hữu hóa 51% các công ty khác đang hoạt động ở Libya, bao gồm công ty dầu mỏ Occidental của Hammer.

Vua Iran bảo đảm có thể đi đến một thỏa thuận tốt hơn của Arập Xêút. Nhưng với người Iran, phần thưởng không thỏa đáng. Qua sự kiện quốc hữu hóa năm 1951, Iran sở hữu dầu và những cơ sở vật chất khác. Nhưng công-xooc-xiom được thành lập năm 1954, thực chất điều hành ngành dầu mỏ mà không phải là Công ty dầu mỏ quốc gia Iran (NIOC). Vì thế, vua Iran kiên quyết giành lấy không chỉ sản lượng cao hơn và mức tài chính tương đương với bản thỏa thuận mà Yamani đã đưa ra, mà còn muốn nắm quyền kiểm soát nhiều hơn nữa. Và ông đã có tất cả những gì mà mình mong muốn. NIOC sẽ không chỉ trở thành chủ sở hữu mà còn phải nắm vai trò điều hành. Năm 1954, các công ty liên minh lập ra một công ty mới hoạt động với tư cách là nhà thầu dịch vụ cho NIOC, thay thế cho công-xooc-xiom cũ. Việc Công ty dầu mỏ quốc gia Iran chính thức được công nhận như nhà điều hành đã khởi đầu cho một công ty dầu mỏ quốc doanh. Chiến thắng này tượng trưng cho công cuộc biến NIOC trở thành công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới của vua Iran. Và đó cũng là chiến thắng của chính bản thân ông. Giờ đây, ông đang tiến tới thời kỳ huy hoàng nhất. Vua Iran tuyên bố: "Cuối cùng ta cũng giành chiến thắng". Bảy mươi hai năm ngành dầu mỏ của chúng ta bị kiểm soát dưới tay người nước ngoài nay đã chấm dứt".

Những năm tháng bản lề

Trong việc giành quyền kiểm soát lớn đối với các công ty dầu, bằng hình thức dự phần hay quốc hữu hóa hoàn toàn, các nước xuất khẩu dầu cũng đạt được sự kiểm soát lớn hơn đối với giá cả. Mới đây, họ chỉ tìm cách tăng thu nhập bằng việc chú trọng vào khối lượng, ganh đua nhau để đưa dầu vào thị trường, điều đó chỉ khiến cho giá cả giảm xuống. Còn bây giờ, họ lại tìm kiếm mức giá cao hơn. Cách tiếp cận mới của họ mức cân bằng cung - cầu chặt chẽ hỗ trợ. Kết quả là một hệ thống mới đã bị làm giả mạo ở Tehran và Tripoli, theo đó, giá cả được đàm phán giữa các công ty và các quốc gia, và các quốc gia luôn thúc đẩy giá niêm yết. Các công ty đã không thể tạo ra một thành công mới như Front Uni và ngay cả chính phủ của họ cũng vậy. Trên thực tế, chính phủ của các nước mua dầu không thật sự muốn hỗ trợ hoặc bênh vực các công ty này trong cuộc đương đầu với các nước xuất khẩu. Họ bị sao nhãng vì những vấn đề khác. Giá dầu dường như không phải là vấn đề thật sự được ưu tiên cao, và một vài người còn cho rằng giá dầu tăng, trong bất kỳ trường hợp nào, đều có lý do chính đáng và rất hữu ích để khuyến khích bảo tồn nguồn nhiên liệu hiện có và phát triển nguồn năng lượng mới.

Ngoài ra, cũng có những yếu tố khác đáp lại hai cường quốc phương Tây. Cả Anh và Mỹ đều có những động cơ tìm kiếm sự hợp tác mạnh mẽ, hơn là đối đầu, với Iran và Arập Xêút, và tình cờ đã chấp thuận để hai nước này có được thu nhập lớn hơn. Đầu những năm 1970, Iran và Arập Xêút đã lưu ý đến yêu cầu xin giúp đỡ của vua Oman dập tắt cuộc nổi loạn, và hai nước này đảm nhiệm vai trò như là những sen đầm khu vực. Việc sắm sửa vũ khí, đạn dược của hai nước tăng lên nhanh chóng. Đây là sự xác định cho mối tương tác giữa việc tăng giá dầu và bài toán mới cho an ninh Vùng Vịnh.

dau mo tien bac va quyen luc ky 29
Mỏ dầu Al-Shaybah phía Nam Arập Xêút

Nhưng dù đặt sang một bên các vấn đề chính trị và cá tính, thì cán cân cung cầu xuất hiện vào đầu những năm 1970 đã mang đến thông điệp quan trọng nhất: dầu giá rẻ là một mối lợi to lớn thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng không thể duy trì liên tục. Nhu cầu không phải lúc nào cũng cao, trong khi những nguồn cung mới luôn cần được phát triển. Điều này có nghĩa là công suất dư thừa đã bị mất đi. Có một thứ gì đó cần phải được đưa ra, và đó chính là giá cả. Nhưng làm cách nào? Và khi nào? Tất cả chỉ là những câu hỏi mang tính chỉ trích. Có người cho rằng năm quyết định là năm 1976, khi các thỏa thuận Tehran và Tripoli hết hiệu lực. Nhưng cán cân cung - cầu vẫn không thay đổi.

Trong khi đó, các trữ lượng có thể phục hồi ở vùng Trung Đông rất lớn, công suất sản xuất hiện thời đã gần đạt tới nhu cầu thực tế. Cuối năm 1970, công suất dư thừa trên thế giới, bên ngoài nước Mỹ, vẫn là khoảng 3 triệu thùng phần lớn tập trung ở Trung Đông. Năm 1973, công suất phụ thêm cắt giảm xuống còn một nửa, chỉ còn khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày, chiếm 3% tổng nhu cầu. Trong lúc đó, một vài nước Trung Đông mà dẫn đầu là Côoét và Libya đã bắt đầu giảm sản lượng. Vào năm 1973, công suất sản xuất dư thừa thực tế chỉ còn 500.000 thùng mỗi ngày. Con số này chiếm 1% mức tiêu thụ trên thế giới.

Không phải chỉ với ngành công nghiệp dầu mỏ, mà với hầu hết các ngành công nghiệp khác, thậm chí khi vắng mặt yếu tố chính trị, mức sử dụng 99% và chỉ có 1% dành cho dự trữ an ninh được coi như là sự cân bằng tạm thời bất thường giữa cung - cầu. Yếu tố chính trị cũng được thêm vào những mối đe dọa này.

Tất cả những điều này trong tương lai có nghĩa là gì? Một người đã quan sát sự việc với linh tính ngày càng rõ ràng là James Placke, một nhà ngoại giao người Mỹ, đã từng là cán bộ kinh tế ở Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad thập kỷ trước, khi OPEC thành lập, và lúc bấy giờ là một viên chức phụ trách vấn đề dầu lửa của Đại sứ quán Mỹ ở Tripoli. Vào cuối tháng 11 năm 1970, ông ta ngồi xuống và tập hợp lại những suy nghĩ, viết ra rồi gửi đến Bộ Ngoại giao. Mười lăm tháng đã trôi qua kể từ ngày một nhóm sĩ quan không tên tuổi tiến hành cuộc đảo chính quân sự ở Tripoli và đã là ba tháng kể từ khi họ tiến hành một cuộc đảo chính về giá dầu. Placke đã báo cáo hàng ngày khi người Libya tranh chấp với các công ty Occidental, Esso, Shell và các công ty khác, nhưng bấy giờ đã là lúc để đứng lên trở lại. Thời tiết trở nên mát mẻ hơn và dường như là sắp có giông bão, với những cơn gió mạnh đột ngột kéo đến vùng Địa Trung Hải mang theo cả mùi vị của muối và biển vào trong không khí. Cảm giác không mấy dễ chịu thường trực và thậm chí là sợ hãi đã đến với cộng đồng cư dân phương Tây ở Libya. Nhiều lời đồn đại liên miên về những người đã bị quấy rối, giam cầm hoặc bị đầy ải, và những quan chức công ty cũng như những nhà ngoại giao phương Tây luôn có vệ sĩ theo sau tháp tùng.

Placke đã dành vài tuần sắp xếp những điều sẽ trình bày cho Washington. Ông không muốn cường điệu những vấn đề của mình lên. Như những gì đã viết, từ ô cửa sổ căn phòng nhỏ ở đại sứ quán, ông có thể nhìn thấy bên kia của con phố hẻm là văn phòng công ty Occidental, nơi các kỹ sư cặm cụi bên bàn làm việc như thể mọi việc vẫn bình thường và không có gì thay đổi. Nhưng như Placke nhận ra, mọi việc đã thay đổi. Trò chơi cũ trong lĩnh vực dầu lửa đã kết thúc, thậm chí ngay cả khi không có ai ở London hay Washington hiểu thấu về nó. Trật tự ngành dầu lửa quốc tế tất yếu phải thay đổi. Trong bản báo cáo cuối cùng gửi đến Washington vào tháng 12, ông lập luận rằng điều đã xảy ra ở Libya dẫn đến khả năng là các nước sản xuất "có thể vượt qua được sự chia rẽ để hợp tác khi kiểm soát sản xuất và tăng giá bán".

Nhưng đó không chỉ là vấn đề giá cả, đó còn là vấn đề quyền lực. "Quy mô của những nước phương Tây phụ thuộc vào dầu lửa như một nguồn năng lượng đã bộc lộ, và việc kiểm soát nguồn cung như một phương thức nhằm gây áp lực để tăng giá dầu đã được thể hiển rõ ràng". Như ông nhận thấy, Mỹ và các nước đồng minh, cùng với ngành dầu lửa đã không chuẩn bị tri thức lẫn chính trị để "đối phó với cán cân quyền lực đã thay đổi trong tình hình cung cấp dầu lửa". Các cuộc đua tranh đã lên đến đỉnh cao. Trong số các thứ khác, cho dù "vũ khí dầu lửa" không có tác dụng năm 1967, thì "tỷ lệ những người kêu gọi sử dụng dầu như một thứ vũ khí trong cuộc xung đột ở Trung Đông đã tăng hơn trong hoàn cảnh hiện tại". Ông thêm vào một điểm nữa: "Kiểm soát dòng tài nguyên là mối quan tâm chiến lược trong suốt chiều dài lịch sử. Việc khẳng định quyền kiểm soát những nguồn năng lượng thiết yếu cho phép các quốc gia Trung Đông giành lại vị thế của mình trước các nước phương Tây, vùng đất đã bị cai trị từ rất lâu". Placke nhấn mạnh rằng ông không bào chữa cho việc duy trì tình trạng này. Vấn đề này là không thể. Nhưng điều quan trọng là hiểu thế giới đang thay đổi thế nào để chuẩn bị cho nó. Tội lỗi lớn nhất chính là sự vô tâm.

Đại sứ Mỹ rất ấn tượng với những điều Placke viết, và để tạo thêm sức nặng, ông đã gửi cả tên của chính mình. Nhưng theo những gì Placke hiểu, chẳng có ai ở Washington mảy may chú ý đến thông điệp này. Dĩ nhiên là ông chẳng bao giờ nghe được phản hồi gì về thông điệp này nữa.

(Còn tiếp)

Nam Hà (giới thiệu)

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 23)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 23)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 24)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 24)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 25)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 25)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 26)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 26)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 27)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 27)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 28)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 28)