Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 20)

06:43 | 29/11/2022

3,616 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngay trước khi chiến tranh nổ ra, Chính phủ Anh bắt đầu đánh giá nghiêm túc vị thế dầu lửa của nước này với giả thuyết rằng một cuộc chiến tranh với người Đức tất yếu sẽ xảy ra.

CHƯƠNG 19: CUỘC CHIẾN CỦA QUÂN ĐỒNG MINH

Trong suốt thập niên 1930, Winston Churchill không có ảnh hưởng gì về chính trị và những cảnh báo của ông về âm mưu của Đức Quốc xã không được người ta chú ý tới. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 1939, khi 66 tuổi, Churchill đột nhiên được đưa trở lại chức vụ Bộ trưởng Hải quân. Đây là vị trí ông từng nắm giữ trong hơn 1/4 thế kỷ trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. Nhưng lần này, nhiệm vụ của ông không phải là chuẩn bị cho cuộc chiến tranh. Đã quá muộn để làm việc này vì chiến tranh đã nổ ra vài ngày trước đó, khi Đức đánh chiếm Ba Lan ngày 1 tháng 9 năm 1939. Sau một giai đoạn tạm lắng, thời kỳ chiến tranh giả kéo dài trong vòng một năm cho tới mùa xuân năm 1940 khi quân đội của Hitler tàn phá khắp Tây Âu. Những người có tư tưởng nhượng bộ ở London phải rút lui và Churchill trở thành Thủ tướng Anh.

dau mo tien bac va quyen luc ky 20
Winston Churchill

Viễn cảnh khi đó thật u ám và khiến người ta cảm thấy nhụt chí. Na Uy và Đan Mạch đã rơi vào tay quân Đức, nước Pháp đầu hàng vào tháng sau đó, còn nước Anh sẽ phải đơn thương độc mã gánh chịu cuộc chiến này. Không ai có thể phù hợp hơn Churchill trong việc lãnh đạo nước Anh vượt qua "thời kỳ đen tối nhất". Không ai có thể hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của dầu lửa, trước hết là đối với sự sống còn của nước Anh và sau đó là cuộc chiến kéo dài trước mắt.

Ngay trước khi chiến tranh nổ ra, Chính phủ Anh bắt đầu đánh giá nghiêm túc vị thế dầu lửa của nước này với giả thuyết rằng một cuộc chiến tranh với người Đức tất yếu sẽ xảy ra. Cuối năm 1937, một ủy ban đặc biệt đã xem xét khả năng nước Anh áp dụng chiến lược nhiên liệu tổng hợp "dầu từ than" dọc các phòng tuyến của quân Đức. Dù sao, nước Anh cũng sở hữu một trữ lượng than dồi dào trong biên giới an toàn của nước này trong khi vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn dầu. Tuy nhiên, chiến lược này đã bị gạt bỏ. Đây sẽ là một chiến lược rất tốn kém trong khi nước Anh có lợi thế là được tiếp cận với các nguồn cung dầu dồi dào với mức giá rẻ hơn từ khắp nơi trên thế giới mà còn có hai công ty quốc tế lớn là Shell và Anh - Iran. Ngoài ra, mặc dù chỉ là hình thức, sử dụng dầu lửa sẽ an toàn hơn. Một hệ thống dựa trên nhập khẩu dầu lửa thông thường được chuyên chở trên nhiều con tàu và thông qua nhiều cảng sẽ ít bị tổn thất trước những đợt không kích hơn là chỉ phụ thuộc vào một vài nhà máy lọc dầu lớn, dễ bị nhận thấy và trở thành mục tiêu của những trận ném bom.

Trong kế hoạch chiến tranh, Chính phủ Anh đã tính trước sự hợp tác chặt chẽ và rõ ràng với ngành công nghiệp dầu lửa mà khó lòng áp dụng tại Mỹ. Tại Anh, 85% lĩnh vực lọc dầu nằm trong tay của 3 công ty là Shell, Anh - Iran và công ty con của Jersey tại Anh. Khi Hiệp ước Munich được lập năm 1938, Chính phủ Anh quyết định rằng nếu chiến tranh xảy ra, tất cả "những trang bị cho việc cạnh tranh" sẽ bị loại bỏ và ngành công nghiệp dầu lửa của Anh sẽ vận hành như một tập đoàn thống nhất dưới sự bảo hộ của chính phủ nước này. Chính phủ Anh cũng phải đối mặt với một loại vấn đề khác – tương lai của tập đoàn Royal Dutch/Shell. Những người quản lý khi đó của tập đoàn này cũng không kém phần lo ngại nguy cơ tập đoàn bị rơi vào tay Đức Quốc xã. Trung tâm của vấn đề này chính là Henri Deterding, chủ tịch tập đoàn. Đây là người đã liên tục lãnh đạo Royal Dutch/Shell trong suốt những năm 1920. Năm 1927, một quan chức Anh nhận định: "Lời nói của ngài Henri là luật pháp. Ông ấy có khả năng thao túng Hội đồng Quản trị của Shell mà không cần tới sự hiểu biết và đồng tình của họ." Nhưng đến những năm 1930, vai trò của Deterding trong tập đoàn đã giảm xuống. Ông khiến giới lãnh đạo của Shell cảm thấy khó xử, đồng thời trở thành một nỗi lo đối với Chính phủ Anh. Hành vi của ông ngày càng trở nên thất thường, có tính phá rối và hoang tưởng.

Giữa những năm 1930, khi Deterding ở vào tuổi 70, có hai thứ làm ông say mê. Một là cô thư ký trẻ người Đức của ông và hai là Adolf Hitler. Người đàn ông Hà Lan quyết đoán, người đến với nước Anh trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, người đã được Đô đốc Fisher và Winston Churchill thu hút, đồng thời là một đồng minh vững chắc và nhiệt tình của nước Anh trong suốt cuộc chiến tranh đó, giờ đây lại về phe Đức Quốc xã. Một quan chức Bộ Ngoại giao Anh nhận xét: "Ông ta ghét Liên Xô, ngưỡng mộ Hitler và nỗi ám ảnh của ông về mối quan hệ hữu nghị giữa Anh và Đức trong việc chống lại Liên Xô dĩ nhiên được nhiều người biết đến".

Về phần mình, năm 1935, Deterding bắt đầu thảo luận với Chính phủ Đức về việc Shell cho Đức mua chịu lượng dầu lửa đủ dùng trong một năm, trên thực tế đây là một kho dự trữ quân sự. Tin đồn về những cuộc đàm phán này là hồi chuông cảnh báo lớn đối với ban lãnh đạo của Shell ở Anh, đến nỗi, một trong những giám đốc của tập đoàn là Andrew Agnew đã đề nghị Chính phủ Anh yêu cầu Đại sứ quán Anh ở Berlin điều tra. Mục đích của việc điều tra này là để ông "cùng với các đồng sự trong Hội đồng Quản trị của tập đoàn tại Anh có thể thực hiện các hành động cần thiết đúng lúc." Một quan chức nhận định: "Deterding đang già đi nhưng ông là con người của những quan điểm mạnh mẽ và tôi e rằng chúng ta không thể ngăn ông hợp tác với chính giới." Ông này nói thêm: "Các thành viên người Anh trong Hội đồng Quản trị của Shell hiểu rằng công ty không nên làm gì đi ngược với quan điểm của chính phủ Hoàng gia."

dau mo tien bac va quyen luc ky 20
Henri Deterding

Cuối cùng, sau khi nghỉ hưu vào cuối năm 1936, Deterding đã hành động vì những niềm đam mê mới. Ông ly dị người vợ thứ hai và kết hôn với cô thư ký người Đức rồi chuyển tới sống tại một điền trang ở Đức. Ông cũng thúc giục các nước châu Âu hợp tác với Đức Quốc xã để ngăn chặn những người Bolshevik. Bản thân ông cũng viếng thăm các nhà lãnh đạo của Đức Quốc xã. Đến năm 1937, Thủ tướng Hà Lan, một đồng nghiệp cũ của Deterding tại Royal Dutch/Shell, nói: "Không thể hiểu nổi vì sao một người đã làm nên danh tiếng và sự giàu có của mình tại nước Anh, một người đã nhận được sự trợ giúp từ đất nước đã cưu mang ông ta, lại có thể bất ngờ nhập cư vào Đức và cống hiến thúc đẩy sự thịnh vượng của nước này." Với thái độ giễu cợt, vị thủ tướng này nói thêm rằng những hành động của Deterding là "trẻ con và khiến người ta xem thường lòng tự trọng của ông".

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Deterding dành những năm cuối đời phá hủy danh tiếng lớn lao của một "con người của ngành dầu lửa quốc tế" mà lẽ ra ông đã có được. Deterding qua đời tại Đức vào đầu năm 1939, sáu tháng trước khi cuộc chiến tranh nổ ra. Những tin đồn lạ lùng và gây xáo trộn ngay lập tức xuất hiện tại London. Đức Quốc xã không chỉ quan trọng hóa đám tang của Deterding mà còn cố gắng lợi dụng cái chết của ông để giành quyền kiểm soát tập đoàn Royal Dutch/Shell. Tất nhiên, điều này sẽ là thảm họa đối với nước Anh. Tập đoàn này gần như đã trở thành nguồn cung cấp dầu chủ yếu của Anh trong suốt Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nếu Đức Quốc xã giành quyền thống trị Shell, toàn bộ hệ thống cung cấp dầu của nước Anh sẽ bị phá hoại. Nhưng người ta phát hiện ra rằng chỉ có các giám đốc mới được nắm giữ các cổ phần "ưu tiên" chủ chốt thể hiện quyền kiểm soát công ty. Khi Deterding qua đời, cổ phần của ông nhanh chóng được phân bổ cho các giám đốc khác. May mắn lắm, người Đức cũng chỉ có thể có được một phần nhỏ trong số cổ phần thông thường chẳng có nghĩa lý gì dù trước hay sau khi cuộc chiến tranh nổ ra.

Ngay khi cuộc đại chiến bắt đầu, các công ty dầu mỏ của Anh, bao gồm Shell đã sáp nhập các hoạt động phân phối của họ thành Hội đồng Xăng dầu. Về bản chất, đây là hành động tạo sự độc quyền quốc gia. Việc này được tiến hành nhanh chóng và không vấp phải sự phản đối nào. Các trạm bơm xăng đã được sơn màu tối và sản phẩm được bán dưới một thương hiệu duy nhất là Pool. Các công ty dầu mỏ vẫn tiếp tục điều hành hoạt động kinh doanh này, nhưng giờ đây, họ phải tuân theo sự kiểm soát của quốc gia. Sau đó, cuộc chiến dầu lửa của Anh đã ra khỏi tòa nhà Shell-Mex trên phố Strand ở London, ngay bên dưới Khách sạn Savoy. (Trụ sở của Shell được chuyển tới một cơ sở thể thao của công ty ở ngoại vi London). Cuối cùng, đường lối chung của Chính phủ Anh được đặt trong một cơ quan gọi là Bộ dầu lửa.

Những vấn đề mà nước Anh phải đối mặt hiện hữu khắp toàn cầu. Nước này phải thừa nhận rằng, một nước Đức đã ký kết hiệp ước mới với Liên Xô có thể có được nguồn cung dầu dồi dào từ Nga, trong khi các nguồn cung dầu của nước Anh từ vùng Viễn Đông sẽ bị cắt nếu Nhật xâm lược Đông Nam Á. Gần hơn, nước Đức còn có thể tiếp cận với nguồn tài nguyên dầu lửa dồi dào và thuận tiện của Rumani. Vài tháng sau khi chiến tranh bắt đầu, trước khi Pháp bị Đức đánh bại, trong nỗ lực nhằm lặp lại những gì đã được thực hiện trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, chính phủ các nước Anh và Pháp đã cùng đề nghị trả Rumani 60 triệu đô-la để phá hủy các khu vực sản xuất dầu của nước này khiến quân Đức không thể có được nguồn cung cấp này. Nhưng hai bên không thể thống nhất được một mức giá nào và thỏa thuận không bao giờ được ký. Đúng như các nước này đã lo ngại, dầu của Rumani đã rơi vào tay quân Đức. Công việc phá hủy được dành lại cho các máy bay ném bom của quân Đồng minh khá lâu sau đó trong thời gian chiến tranh.

Ở Anh, những vấn đề thiết thực về nguồn cung dầu phải được giải quyết nhanh chóng. Việc chia khẩu phần được áp dụng gần như ngay lập tức. "Định mức cơ bản" dành cho những người dùng ôtô lúc đầu được ấn định là 800 dặm mỗi năm. Dần dần, định mức này bị giảm xuống cùng với nhu cầu dầu cho mục đích quân sự tăng lên và các kho dự trữ thu hẹp. Cuối cùng, tất cả định mức bị xóa bỏ. Chính quyền muốn xe hơi của các gia đình được cất trong gara hơn là chạy trên đường. Kết quả là, số lượng xe đạp được sử dụng tăng đột biến.

Nước Anh sẽ phải làm gì với nguồn cung cấp dầu nếu nước này bị xâm lược? Đây là một khả năng có thể xảy ra trong những ngày u ám của năm 1940, sau khi quân đội Đức Quốc xã đã tràn qua Đông Âu và chiếm đóng bờ biển Manche trên đất Pháp. Quân Đức đã chiếm giữ các kho dầu của Pháp và với chiến lợi phẩm này chúng có đủ khả năng duy trì đà tiến quân. Một chiến lợi phẩm tương tự đoạt được từ nguồn cung cấp dầu của Anh sẽ đóng vai trò then chốt đối với thành công hoặc thất bại của cuộc tấn công xuyên biển Manche của phát xít Đức. Do đó, các kế hoạch phá hủy ngay lập tức kho dầu của nước Anh trong trường hợp nước này bị tấn công đã được đặt ra tại Tòa nhà Shell-Mex. Trong khi đó, các trạm xăng bản xứ tiện lợi và không được bảo vệ dường như quá thuận tiện đối với quân phát xít Đức vì là nơi chúng có thể dễ dàng lấy nhiên liệu. Vì lý do này, khoảng 17.000 trạm bán xăng ở phía đông và đông nam của nước Anh đã bị đóng cửa nhanh chóng. Việc bán và cung cấp xăng được tập trung tại khoảng 2.000 trạm có thể được bảo vệ tốt hơn, và trong trường hợp cần thiết, có thể thiêu hủy để kẻ thù không thể lấy được nhiên liệu.

dau mo tien bac va quyen luc ky 20
Tòa nhà trụ sở của Shell-Mex ở London

Ông vua dầu lửa: Cuộc huy động nguồn cung của Mỹ

Đối với quân Anh, làm thế nào để tiếp tế cho cuộc chiến tranh là một mối lo lớn. Chiến tranh nổ ra đồng nghĩa với lượng tiêu thụ dầu của Anh sẽ lớn hơn rất nhiều và nơi duy nhất để trông chờ là nước Mỹ, quốc gia chiếm tới gần 2/3 tổng sản lượng dầu của thế giới. Đối với các quan chức Chính phủ Anh và những người làm việc trong ngành công nghiệp dầu lửa tại tòa nhà Shell-Mex, có hai câu hỏi lớn nhất được đặt ra là: Liệu sẽ có dầu hay không? Và liệu một nước Anh không có đủ tiền có thể mua được dầu không? Câu trả lời cho những câu hỏi này lẽ ra có thể được tìm thấy ở Washington.

Tháng 12 năm 1940, sau khi trúng cử tổng thống lần thứ ba, Franklin Roosevelt tuyên bố rằng, nước Mỹ là "kho vũ khí của nền dân chủ." Tháng 3 năm 1941, Lend Lease được thành lập để giải quyết vấn đề tài chính. Theo cách nói của Roosevelt, vấn đề này là "ký hiệu đồng đô-la lố bịch" và là một cản trở đối với việc Mỹ cung cấp dầu cho Anh. Dầu của Mỹ nằm trong số những thứ được "cho vay" mà việc hoàn trả sẽ được thực hiện vào một thời gian không xác định trong tương lai. Quy tắc trung lập hạn chế khả năng vận chuyển dầu tới nước Anh dần dần được nới lỏng. Mùa xuân năm 1941, khi nguồn cung cấp dầu ở Anh bắt đầu giảm mạnh, 50 tàu chở dầu của Mỹ đã chuyển từ cung cấp dầu cho bờ biển phía đông của Mỹ sang các tàu khác chở sang Anh. Do đó, đến cuối mùa xuân năm 1941, các bước quan trọng đã được tiến hành để kết nối hệ thống cung cấp dầu lửa của Anh và Mỹ, nước Mỹ sẵn sàng tiếp nhiên liệu cho vị trí cô lập của nước Anh. Thật ra, nước Mỹ có thừa dầu, sản lượng dầu dư thừa mỗi ngày của nước này vào khoảng một triệu thùng. Con số này tương đương với 30% của 3,7 triệu thùng dầu mà nước Mỹ có thể sản xuất mỗi ngày. Đó là kết quả của hệ thống phân chia theo tỷ lệ liên bang − liên bang được thiết lập năm 1930, sản lượng dư thừa này hóa ra lại là một nguồn dự trữ an ninh vô giá, một nguồn dầu chiến lược cực kỳ quan trọng. Nếu không có nó, có lẽ diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ khác đi.

Tháng 5 năm 1941, ngay sau khi công bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia không giới hạn" mặc dù khi đó Mỹ vẫn chưa tham chiến, Roosevelt chỉ định Bộ trưởng Nội vụ Harold Ickes kiêm thêm chức Điều phối viên dầu lửa cho Bộ Quốc phòng. Sự bổ nhiệm này một lần nữa đưa "lão hà tiện" trở thành người đứng đầu ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ và trở nên nổi tiếng với biệt danh Vua dầu lửa của nước này. Nhiệm vụ đầu tiên của Ickes là điều chỉnh lại mối quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Roosevelt và ngành công nghiệp dầu lửa. Năm 1933, Chính sách kinh tế − xã hội mới của Roosevelt chủ trương hỗ trợ ngành công nghiệp dầu lửa đang ngập trong dầu từ Đông Texas. Tuy nhiên, đến nửa cuối những năm 1930, "tình trạng độc quyền" trong ngành công nghiệp này ngày càng bị chỉ trích nhiều hơn.

Năm 1940, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành vụ kiện chống độc quyền đối với Viện dầu mỏ Mỹ, 22 công ty dầu mỏ lớn và 345 công ty dầu mỏ nhỏ. Các công ty và tổ chức này bị buộc tội có những vi phạm trên mọi khía cạnh trong hoạt động kinh doanh. Một thay đổi khác đã đến cùng với tình trạng khẩn cấp quốc gia và cuộc chiến đã cận kề. Sau này, Roosevelt giải thích, chính sách kinh tế xã hội mới đã cũ kỹ và phải cần tới một chính sách mới mẻ hơn, chính sách chiến thắng trong chiến tranh. Theo chính sách kinh tế xã hội mới, kích thước và quy mô, hoạt động thống nhất, sự tự tin, khả năng huy động vốn và công nghệ của nhóm những tập đoàn dầu mỏ hàng đầu bị cho là không lành mạnh và không thể chấp nhập được. Tuy nhiên, theo chính sách chiến thắng trong chiến tranh, những yếu tố này chính là liều thuốc khẩn cấp giúp huy động nguồn lực cho cuộc chiến.

Ickes cũng phải đi đầu trong việc xoay chuyển một ngành công nghiệp luôn đối mặt với cảnh dư thừa thành một ngành có khả năng tối đa hóa sản lượng và ngăn chặn tình trạng thiếu thốn. Nhiệm vụ này phải được thực hiện trong sự nghi ngờ của công chúng rằng tình trạng thiếu dầu có thể xảy ra. Cùng lúc đó, lĩnh vực dầu lửa tại Mỹ, một ngành công nghiệp không chính thống bị chia tách bởi sự cạnh tranh gay gắt và nỗi ngờ vực giữa các tập đoàn lớn, các nhà sản xuất độc lập, các nhà lọc dầu và các công ty tiếp thị, cần phải được hợp nhất trên thực tế cho dù không chính thức hợp thành một tổ chức khổng lồ dưới sự lãnh đạo của chính phủ và được huy động cho cuộc chiến tranh. Việc này được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả ở Anh, nơi việc chia định mức dầu đã được chấp nhận mà gần như không có lời than phiền nào. Nhưng câu chuyện ở Mỹ thì khác.

dau mo tien bac va quyen luc ky 20
Harold Ickes (thứ ba từ phải sang)

Harold Ickes đã bắt đầu công việc với một trở ngại lớn: ngành công nghiệp dầu lửa không ưa gì ông. Mặc dù ủng hộ ngành công nghiệp dầu lửa năm 1933, nhưng sau đó, Ickes lại phê phán ngành này. Ông đã kêu gọi chính phủ liên bang quản lý chặt chẽ hơn hoạt động và lợi nhuận của ngành công nghiệp dầu lửa, thậm chí còn có ý tưởng quốc hữu hóa ngành này. Các công ty dầu mỏ đã đâm đơn kiện cá nhân Ickes. Trong suốt thời kỳ Đại khủng hoảng, theo lệnh của Ickes, các công ty này đã góp vốn để mua hết lượng xăng "báo hiệu sự nguy cấp". Năm 1936, sau khi Tòa án tối cao Mỹ xóa bỏ hiệu lực của Đạo luật phục hồi công nghiệp quốc gia mà Ickes đã hành động theo, Bộ Tư pháp chính thức buộc tội các công ty này về việc góp vốn nói trên. Sau đó, Ickes không hề lên tiếng về việc ông đã thúc đẩy chương trình này và cảm thấy dễ chịu vì không phải đến phiên tòa tổ chức ở Wisconsin để làm chứng cho vai trò của mình. Việc các công ty trên bị kết án khiến họ trở nên khôn ngoan hơn khi làm việc với Ickes sau này. Thật ra, sau khi Ickes được bổ nhiệm làm Điều phối viên dầu lửa, tờ Oil Weekly đã xuất bản phụ trương cảnh báo rằng sắp diễn ra "cách quản lý trái khoáy và có thể là sự đảo lộn không thể chấp nhận" vì "một người không có phẩm chất hay khả năng cụ thể nào để gánh vác công việc này". Ickes đã cho thấy điều ngược lại. Ngay từ đầu, ông thể hiện thái độ sẵn sàng làm việc sát sao và thực tế với ngành công nghiệp dầu lửa. Ông chọn Ralph Davies, một chuyên gia marketing của Công ty Standard ở California, đồng thời là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này làm phó của mình. Sau đó, ông vua dầu này đã thành công trong việc hóa giải sự thù hằn và hợp tác hiệu quả để vận động ngành công nghiệp rất quan trọng này.

Thử thách trước biển cả: trận Atlantic

Mắt xích dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi cung cấp giữa Mỹ và một nước Anh đang bị bao vây là con đường biển ngang Đại Tây Dương mà các tàu chở dầu phải vượt qua. Đây là nơi mà quân Đức có cơ hội kiềm chế khả năng quân sự của quân Anh rồi đến các lực lượng của Mỹ ở Bắc châu Phi và châu Âu, cũng như cỗ máy chiến tranh của Nga, một cỗ máy mà đối với nó, dầu của Mỹ chẳng mấy chốc sẽ có ý nghĩa sống còn. Tổng tư lệnh Hải quân Erich Raeder của Đức nhận định: "Cuộc chiến kinh tế càng diễn ra ác liệt bao nhiêu thì càng sớm có kết quả và chiến tranh sẽ càng kết thúc sớm bấy nhiêu". Thứ vũ khí này là tàu ngầm của quân Đức và người ta nhanh chóng nhận thấy khả năng phá hoại hoạt động vận tải trên biển của nó. Đầu năm 1941, tàu ngầm của quân Đức đang hoạt động theo từng nhóm đã đẩy mạnh chiến dịch này và mục tiêu được ưa thích là các tàu chở dầu.

Những cuộc tấn công này mang lại thành công lớn và là nỗi khiếp đảm đối với quân Anh. Lượng dầu bị thiệt hại không ngừng tăng lên trong tương quan với kho dự trữ dầu của nước Anh đang mỗi ngày một cạn kiệt và nhu cầu mỗi ngày một tăng của cuộc chiến tranh. Trận đánh này đã đưa Churchill đến tận cùng của nỗi thất vọng. Ông nói: "Tôi rất sẵn lòng đánh đổi mối hiểm nguy vô hạn và không xác định được mô tả bằng những biểu đồ, đường cong và thống kê này lấy một cuộc tấn công toàn diện." Tháng 3 năm 1944, ông nhận xét các cuộc tấn công vào tàu chở dầu như là "đám mây đen tối nhất mà chúng tôi phải đối mặt." Churchill biết rõ những gì đang trong cơn hiểm nguy giữa cuộc chiến im lặng, xa xôi trên Đại Tây Dương và hiểu rằng nước Anh sẽ không thể thắng nổi trong cuộc chiến này nếu không có sự giúp đỡ của nước Mỹ.

"Thật sự là một cú sốc… tận cùng của sự nghiêm trọng." Đó là những gì mà Ralph Davies, người phó của Harold Ickes, thông báo cho ông về tình hình cung cấp dầu đang trong cơn nguy kịch của nước Anh vào tháng 7 năm 1941. Dự trữ xăng dùng cho ôtô chỉ còn đủ trong 5 tuần và nhiên liệu dự trữ cho Hải quân Hoàng gia cũng chỉ đủ dùng trong 2 tháng trong khi khối lượng dự trữ đủ dùng trong 7 tháng đã được coi là mức an toàn tối thiểu. Ickes bị thuyết phục rằng phải làm tất cả những gì có thể để giúp nước Anh theo đuổi cuộc chiến tranh. Giảm lượng tiêu thụ dầu tại khu vực bờ biển phía đông sẽ có tác dụng vì như vậy, các tàu chở dầu có thể vận chuyển nhiên liệu sang Anh. Ickes đã huy động các đoàn xe ray chở dầu của Mỹ chuyển dầu đến khu vực bờ biển phía đông. Cùng với các công ty dầu mỏ, ông phát động một chiến dịch tự nguyện tiết kiệm xăng dầu lớn.

Trong chiến dịch này, những tờ khẩu hiệu có nội dung: "Tôi sử dụng tiết kiệm 1/3 lượng xăng" đã được phát để dán lên kính chắn gió xe ôtô. Ickes yêu cầu các trạm dịch vụ đóng cửa vào lúc 7 giờ tối và không mở cửa trở lại trước 7 giờ sáng. Ông cũng cho thực hiện trở lại những "Ngày Chủ nhật không xăng" như thời Chiến tranh thế giới thứ nhất. Thậm chí, ông còn nỗ lực áp dụng chương trình dùng chung xe hơi trong Bộ Nội vụ để làm mô hình cho cả nước. (Luôn có những suy nghĩ của một nhà cải cách, ông nhận thấy một hiệu quả phụ rất có giá trị và đã ghi lại trong nhật ký: "Chúng ta có thể cải thiện tình hình đỗ xe nói chung ở Washington"). Tuy nhiên, chương trình tiết kiệm tự nguyện này đã thất bại và Ickes quay sang phía các công ty, yêu cầu họ cắt giảm 10% − 15% lượng cung cấp cho các trạm bán xăng.

Có một điều mà Ickes đã không làm và không thể làm, đó là giải thích lý do thật sự của chiến dịch tiết kiệm xăng dầu. Đó là những tác động tai hại do tàu ngầm của quân Đức gây ra ở Đại Tây Dương và tình hình nguồn cung dầu tồi tệ của nước Anh. Ông lo ngại việc công bố những thông tin nghiêm trọng này sẽ đồng nghĩa với việc cung cấp một thông tin tình báo quan trọng cho Đức Quốc xã. Ông cũng không muốn khiến những người theo chủ nghĩa biệt lập ở Mỹ nổi giận vì đó là một việc làm không cần thiết. Do đó, toàn bộ chiến dịch tiết kiệm xăng dầu đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ.

Từ các nhà sản xuất dầu độc lập có sức mạnh chính trị ở Texas bị tước mất quyền tiếp cận các tàu chở dầu đến các công ty lọc và phân phối dầu ở khu vực phía đông phải trả chi phí cao hơn nhiều cho việc vận chuyển bằng tàu hỏa đều kịch liệt chỉ trích chiến dịch này. Quốc hội bang New Jersey đã thông qua một nghị quyết lên án nỗ lực tiết kiệm nhiên liệu trên với lý do nỗ lực này gây ra mối đe dọa đối với hoạt động đánh bắt cá và các khu nghỉ mát mùa hè của bang này. Các tờ báo lớn gọi tình hình khi đó là "sự thiếu hụt giả tạo". Những người Mỹ sử dụng ôtô tự do cũng chống đối lại chiến dịch trên mỗi khi nghĩ tới việc họ thậm chí phải tự nguyện cắt giảm việc đi lại bằng phương tiện này.

Để chống lại mối uy hiếp của tàu ngầm Đức, nước Mỹ đã tăng cường hoạt động tuần tra trên biển Đại Tây Dương và thành lập các căn cứ ở Newfoundland, Greenland, Iceland và Bermuda. Cùng lúc, quân Anh phá được mật mã của Hải quân Đức nên có thể đưa các đoàn tàu hộ tống vào các đường tránh. Cùng với với nhu cầu dầu giảm xuống, Lend Lease được thành lập và 50 tàu chở dầu được chuyển giao, những yếu tố này giúp giảm áp lực, ít nhất là tạm thời, đối với nước Anh. Tuy nhiên, mối hiểm nguy lớn hơn nhiều so với những gì mà phần lớn mọi người được biết. Theo lịch sử chính thức của lực lượng tình báo Anh, "chỉ một chút nữa thì chiến dịch chống lại tàu ngầm của quân Đức đã không thể đóng vai trò quyết định trong năm 1941."

Đến mùa thu năm đó, tình hình cung dầu tại bờ biển phía đông của nước Mỹ đã được cải thiện đáng kể. Trong khi đó, áp lực về dầu lửa của Anh cũng được tạm thời giảm bớt và nước này đã trả lại những tàu chở dầu trước đó được chuyển giao. Dường như, điều này chứng tỏ rằng tình trạng thiếu dầu không hề xảy ra và Ickes nhận thấy ông đang bị cả giới báo chí và Quốc hội bêu riếu. Một ủy ban điều tra đặc biệt của Quốc hội đã khẳng định vị bộ trưởng này đã bịa đặt ra tình trạng thiếu dầu.

Các trạm xăng lại đặt các biển hiệu quảng cáo cho biết họ không thiếu xăng, thúc giục mọi người đến "đổ đầy nhiên liệu" và những người sử dụng ôtô nhanh chóng thực hiện việc này. Ickes cảm thấy người ta đang biến ông thành một kẻ ngốc. Ông ngầm phàn nàn: "Tôi sẽ không ủng hộ việc đặt ra các hạn chế cho đến khi nào người ta nhận thấy sự thiếu dầu. Anh không thể thuyết phục dân Mỹ tham gia vào một chương trình cảnh báo để chặn trước mối đe dọa." Ickes kết luận, biện pháp ngăn chặn, dù ít dù nhiều, đều là quan điểm chính trị tồi. Sau đó, ông quyết tâm không bao giờ đi quá xa trong vấn đề dầu lửa nữa.

Mối đe dọa thiếu hụt nguồn cung dầu lửa lại xuất hiện khi nước Đức tuyên bố chiến tranh với Mỹ vào tháng 11 năm 1941, bốn ngày sau khi vụ Trân Châu Cảng xảy ra. Ngay lập tức, tàu ngầm Đức bắt đầu hoạt động ở khu vực ven biển của Mỹ và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Mục tiêu ưu tiên của chúng là các tàu chở dầu rất dễ dàng nhận diện nhờ hình dạng khác biệt. Sau một cuộc họp Nội các vào tháng 1 năm 1942, Ickes cảnh báo tổng thống rằng, tình trạng đắm tàu chở dầu trở lại ở Đại Tây Dương sẽ gây ra những áp lực mới đối với nguồn cung, đặc biệt là ở khu vực Đông Bắc. Tuy nhiên, vẫn sáng suốt trước những chỉ trích đổ xuống đầu mình sau chương trình tiết kiệm xăng dầu, Ickes kiên quyết từ chối thực hiện bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào. Ông nói: "Xét đến những gì khủng khiếp mà tôi phải gánh chịu vào mùa thu năm ngoái vì đã dự báo khả năng xảy ra sự thiếu hụt dầu và nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng đó, tôi không có ý định công khai bất kỳ điều gì cho tới khi nào dự báo này trở nên chắc chắn. Nếu tình trạng thiếu dầu thật sự xảy ra, tôi có thể sẽ được lên trang đầu của các báo với những câu chuyện tuyệt vời về những gì tôi sẽ làm bằng cách chia định mức để giải quyết sự thiếu hụt đó. Bản thân sự thiếu hụt có thể được coi là ý Chúa trong khi tôi được ca ngợi về khả năng nhìn xa trông rộng kém cỏi của mình."

Gộp chung, số tàu chở dầu bị đắm trong 3 tháng đầu tiên của năm 1942 nhiều gấp gần 4 lần so với số tàu được đóng mới. Dường như, tàu ngầm Đức hoạt động mà không vấp phải sự chống trả nào dọc toàn bộ bờ biển của nước Mỹ. Khi một trong số những con tàu trở về từ hải phận của nước Mỹ với thành tích đánh đắm 8 tàu chở dầu, viên thuyền trưởng người Đức đắc chí viết trong nhật ký của mình rằng: "Đáng tiếc là tối qua chỉ có một tàu ngầm Đức chứ không phải là 20 tàu. Tôi chắc rằng, nếu có 20 tàu thì tất cả sẽ đều có khối mục tiêu để tiêu diệt."

Con số tàu bị đắm ngày càng tăng cao. Trong bức thư gửi cho Roosevelt cuối tháng 4 năm 1942, Ickes viết: "Tình hình thật tồi tệ." Sự phản kháng đầu tiên của quân Mỹ trước cuộc tấn công của tàu ngầm Đức thật yếu ớt. Tàu chở dầu và các loại tàu khác được lệnh phải đi sát bờ biển. Ngoài ra, những tàu có thể đi vào các con kênh Cape Cod và Delaware-Chesapake được khuyến cáo là nên đi theo những con kênh này. Nước Mỹ đã lơ là cuộc chiến chống lại tàu ngầm Đức và không sẵn sàng cho nhiệm vụ này. Trên bờ biển, các thành phố Mỹ thậm chí còn giúp tàu ngầm Đức đánh đắm các tàu hàng dễ dàng hơn. Tại những nơi này, đèn đóm được thắp sáng trưng vào ban đêm khiến bóng của các tàu chở dầu, mục tiêu săn lùng của tàu ngầm Đức, càng dễ bị nhận thấy hơn bao giờ hết. Miami là thủ phạm tồi tệ nhất với 6 dặm chiều dài của chiến trường trên bãi biển của bang này thắp đầy đèn neon. Các chủ khách sạn và phòng thương mại ở đây nhất quyết không cho tắt những ngọn đèn này với lý do vẫn đang là mùa du lịch. Đâu đó dọc bờ biển, như ở thành phố Atlantic chẳng hạn, trong khi những đám đông đang ngắm nhìn bờ biển thì đường chân trời tối đen trên biển bỗng nhiên loé sáng. Lại một tàu chở dầu nữa bị đánh.

Cuối cùng, một vài giải pháp cứu vãn tình thế đã được áp dụng. Các bóng đèn chiếu sáng ngoài trời trên khu vực bờ biển phía đông đã được tắt đi. Ngoài ra, lính gác còn đi tuần để bảo đảm rằng đèn đóm trong nhà cũng được tắt hoặc ít nhất là rèm cửa đã được hạ xuống.

Các biện pháp khác cũng được tiến hành để chống lại sự phá hoại của tàu ngầm Đức. Lực lượng bảo vệ được thành lập dọc bờ biển phía đông để các tàu chở dầu được bảo vệ ở mức độ cao hơn. Nhưng còn có một lựa chọn khác thậm chí còn tốt hơn, đó là giảm thiểu lượng dầu phải chở bằng tàu biển. Người ta đã nghĩ tới việc xây dựng một đường ống với quy mô chưa từng được thử nghiệm và chiều dài chưa từng được nghe nói đến, một đường ông kéo dài từ Texas tới khu vực bờ biển phía Đông. Dầu chuyển động nhanh chóng với tốc độ 5 dặm/giờ qua một đường ống rõ ràng sẽ an toàn hơn nhiều so với được vận chuyển bằng những con tàu đi lại trên biển và rẻ hơn nhiều so với được chở bằng các toa xe ray. Ban đầu, vào mùa thu năm 1941, dự án đường ống được đặt tên là Big Inch này bị từ chối vì lý do phải sử dụng quá nhiều sắt thép. Tuy nhiên, sau vụ Trân Châu Cảng và các vụ đắm tàu chở dầu tại hải phận của Mỹ, dự án đã nhanh chóng được chấp nhận.

Cuối cùng, tháng 8 năm 1942, Big Inch được khởi công xây dựng và sau đó, ngành xây dựng đã lập được những chiến công phi thường trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trước đó, chưa từng có một công trình nào được xây dựng như vậy. Các ngành xây dựng và vận tải dầu lửa đã được huy động để thiết lập một đường ống nhằm mục đích vận chuyển lượng dầu nhiều gấp 5 lần so với một đường ống thông thường, kéo dài suốt nửa chiều ngang của nước Mỹ và đòi hỏi một số lượng lớn các thiết bị được thiết kế mới. Trong vòng một năm rưỡi tính đến cuối năm 1943, đường ống Big Inch với chiều dài 1.254 dặm đã vận chuyển một nửa tổng khối lượng dầu thô được đưa tới bờ biển phía đông. Trong khi đó, một đường ống thậm chí còn dài hơn có tên là Little Inch với chiều dài 1.475 dặm đã được xây dựng từ tháng 4 năm 1943 đến tháng 3 năm 1944 để vận chuyển xăng và các sản phẩm lọc khác từ phía tây nam đến khu vực bờ biển phía đông. Ở thời điểm đầu năm 1942, mới chỉ có 4% của tổng lượng dầu được cung cấp đến bờ biển phía đông thông qua đường ống nhưng đến cuối năm 1944, khi cả Big Inch và Little Inch đã được xây dựng xong và đưa vào sử dụng, lượng dầu được vận chuyển bằng đường ống chiếm tới 42%.

Tuy nhiên, đến mùa xuân năm 1942, việc xây dựng Big Inch vẫn chưa bắt đầu và các biện pháp khác chống lại tàu ngầm Đức hầu như không đem lại hiệu quả an ninh nào. Mặt khác, quân Đồng minh phải đối mặt với một kẻ thù đầy quyết tâm và lắm mưu mô là Đô đốc Karl Doenizt, viên chỉ huy máu lạnh của lực lượng tàu ngầm Đức. Đối với hắn, mọi thứ trên đời đều là trò chơi bình đẳng. Doenizt ra lệnh cho các thủy thủ Đức: "Không được cứu kẻ nào và không được đưa ai đi cùng". Theo hắn, mục tiêu chính của lực lượng hải quân Đức đang lớn mạnh là "phá hủy tàu bè của đối phương nhiều hơn số tàu bè mà tất cả kẻ thù của nước Đức gộp lại có thể đóng mới". Quân Đức cũng giành được hai lợi thế rất quan trọng khác. Chúng thay đổi mật mã khiến quân Anh không còn có thể đọc được tín hiệu của tàu ngầm Đức. Cùng lúc, chúng phá được mật mã điều khiển sự di chuyển của các tàu hộ tống Anh và Mỹ. Kết quả là, con số tàu bè của quân Đồng minh bị tiêu diệt lên tới mức khủng khiếp. Một lần nữa, nỗi sợ hãi lớn nhất của quân Đồng minh lại hiện ra trước mắt họ: đường tiếp tế dầu vô cùng quan trọng cho nước Anh từ Tây Bán cầu bị chặn lại.

Trong nửa cuối của năm 1942, thậm chí cuộc chiến trên Đại Tây Dương còn trở nên nguy hiểm hơn. Hải quân Đức có thêm các tàu ngầm mới được cải tiến và có kích thước lớn hơn. Những con tàu này có thể hoạt động trên phạm vi rộng hơn, có khả năng lặn sâu hơn, được trang bị hệ thống liên lạc tăng cường và có khả năng đọc được các tín hiệu tàu hộ tống đã được mật mã hóa của quân Anh. Ngoài ra, Đô đốc Doenitz cho đưa vào sử dụng những tàu ngầm tiếp tế lớn mang tên Milchjkuhs (Bò sữa) có nhiệm vụ cung cấp dầu diesel và thực phẩm cho các tàu ngầm chiến đấu. Thiệt hại trên biển của quân Đồng minh cứ thế tăng lên. Tháng này qua tháng khác, bức tranh về tình hình cung cấp dầu của quân Anh mỗi ngày thêm tệ. Về phần mình, nước Mỹ đã thiệt hại 1/4 lượng dầu vận tải trên biển trong năm 1942. Dự trữ dầu của nước Anh đã ở dưới mức an toàn tối thiểu trong khi nhu cầu có xu hướng tăng mạnh do các yêu cầu ở khu vực Bắc Phi và khả năng quân Đồng minh tiến vào châu Âu. Thêm vào đó, Stalin cũng yêu cầu có thêm nhiều dầu.

Giữa tháng 12, Churchill được thông báo rằng nhiên liệu cho tàu thủy chỉ còn đủ dùng trong 2 tháng ngoài lượng dự trữ tối thiểu cho trường hợp khẩn cấp. Ông buồn bã nhận định: "Tình hình thật tồi tệ." Các lực lượng Hải quân đã bị dàn mỏng để cố gắng bảo vệ việc chở dầu xuyên Đại Tây Dương. Tháng 1, Churchill rời Anh đến Casablanca. Ở đó, ông và các viên tham mưu trưởng của quân Anh gặp Roosevelt và các viên tham mưu trưởng Mỹ. Chủ đề chính của cuộc thảo luận này là một cuộc đổ bộ lên đại lục châu Âu. Nhưng tất cả đều đồng ý một điểm được Tướng Alan Broke, Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoàng gia Anh tổng kết: "Việc thiếu dầu là chiếc thòng lọng đối với mọi hoạt động tấn công lại kẻ thù và nếu chúng ta không thể chống trả hiệu quả các hoạt động phá hoại của tàu ngầm Đức, chúng ta sẽ không thể thắng trong cuộc chiến tranh này."

Mặc dù mục tiêu đánh bại lực lượng tàu ngầm của quân Đức là ưu tiên hàng đầu của quân Đồng minh trong năm 1943, song tình hình thực tế cho thấy không có dấu hiệu cải thiện nhanh chóng nào. Đến mùa xuân năm 1943, các kho dự trữ dầu của nước Anh đã xuống tới mức thấp nhất. Tháng 3, với sự chống đỡ yếu ớt của quân Đồng minh, tàu ngầm Đức đã đánh đắm 108 tàu của quân Đồng minh. Số lượng tàu ngầm Đức trên Đại Tây Dương nhiều đến nỗi dường như việc tấn công chúng là không thể thực hiện được. Bộ Hải quân Anh nhận định: " Gần như trong 20 ngày đầu của tháng 3 năm 1943, quân Đức đã cắt đứt sự liên lạc giữa Đông Bán cầu và Tây Bán cầu."

Nhưng trong những ngày cuối cùng của tháng 3, sức mạnh tấn công của quân Đức giảm nhanh chóng. Điều này là do phía quân Đồng minh đã phá được mật mã mới của tàu ngầm Đức và thành công trong việc khóa mật mã tàu hộ tống chở dầu. Do không bắt được tín hiệu mật mã, quân Đức dường như không nhìn thấy gì đang xảy ra trên biển. Bước tiếp theo, quân Anh và quân Mỹ đã bổ sung cho hạm đội áp tải khả năng phản công bao gồm các nhóm hỗ trợ được thiết kế đến tấn công tàu ngầm Đức. Quân Đồng minh tiếp tục cải thiện hệ thống radar và đồng thời đưa vào sử dụng một loạt máy bay mới được thiết kế có khả năng yểm hộ vùng Thái Bình Dương vốn trước đây không được không quân bảo vệ.

Cuối cùng, cục diện chiến tranh cũng đã thay đổi nhanh chóng. Chỉ riêng trong tháng 5 năm 1943, quân Đức bị thiệt hại tới 30% số tàu ngầm đang vận hành trên biển. Đô đốc Doenitz buộc phải báo cáo lên Hitler: "Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong chiến tranh tàu ngầm vì nhờ các thiết bị định vị mới, kẻ thù đã khiến chúng ta không thể chiến đấu được và gây ra những thiệt hại to lớn." Ngày 25 tháng 5, Doenitz ra lệnh cho các tàu ngầm Đức rút vào các khu vực an toàn hơn. Khi đó, Doenitz cũng đã hủy một chiến dịch triển khai tàu ngầm ở Bắc Đại Tây Dương mặc dù ông ta phủ nhận thông tin này. Hạm đội áp tải của quân Đồng minh chở dầu, hàng hóa và binh lính giờ đây có thể vượt qua Đại Tây Dương tương đối an toàn.

Sự kết hợp giữa sáng kiến kỹ thuật, tình báo, tổ chức và chiến thuật mới cùng với sự kiên trì cuối cùng cũng bảo đảm được dòng lưu chuyển dồi dào của dầu từ Mỹ đến Anh, và từ đó tới châu Âu và Liên Xô. Đường đi đã được chuẩn bị cho cuộc tấn công trên hai mặt trận vào Pháo đài châu Âu của Hitler. Sau 45 tháng đầy rẫy những chết chóc và hiểm họa, trận chiến Thái Bình Dương đã kết thúc.

Khó khăn trong nước

Sự an toàn trong vận tải dầu lửa được coi là tâm điểm của cuộc chiến trên biển, Harold Ickes cũng tích cực cố gắng nâng cao sản lượng dầu tại Mỹ. Sức mạnh của Harold được tăng thêm khi ông được thăng chức từ Điều phối viên dầu lửa lên Giám đốc Cục dầu lửa chiến tranh. Vì vẫn tiếp tục kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Nội vụ, "lão hà tiện" giờ đây nắm giữ một quyền lực lớn chưa từng thấy. Tuy nhiên, quyền lực đó còn xa mới đạt mức tuyệt đối vì khoảng 40 cơ quan liên bang khác cũng có tiếng nói đối với ngành công nghiệp dầu lửa. Cục dầu lửa chiến tranh của Ickes phải đấu tranh liên tục với một vài trong số những cơ quan này và cụ thể là Ủy ban Sản xuất chiến tranh, Cơ quan phân bổ thép và các vật liệu khác, Ban Quản lý giá, Cục giá cả và Cơ quan Quản lý vận tải biển chịu trách nhiệm kiểm soát tàu chở dầu. Ickes liên tục kêu gọi Roosevelt bịt miệng các quan chức cấp cao là đối thủ của ông trong các cơ quan thời chiến khác và tăng thêm quyền lực cho bản thân mình.

Ickes còn gặp khó khăn vì quân đội Mỹ tỏ ra bất hợp tác trong việc chia sẻ thông tin chi tiết về nhu cầu dự kiến của họ với cơ quan của ông. Những người Anh chịu trách nhiệm theo dõi và báo cáo sự bất hợp tác này về London hết sức ngạc nhiên và khó hiểu về điều này. Nhưng cốt lõi của vấn đề rất đơn giản, quân đội Mỹ không tin tưởng các cơ quan dân sự có thể giữ bí mật các nhu cầu dự kiến này để rồi từ đó can thiệp vào kế hoạch của họ. Đứng giữa cuộc xung đột này, Ickes nhìn vào ngành công nghiệp dầu lửa của nước Anh ghen tị. Ông giải thích: "Trong bất kỳ vấn đề nào về dầu lửa, Chính phủ Anh là một khối thống nhất, cả Nghị viện, cơ quan quản lý, các công ty dầu mỏ và giới báo chí. Ở đây thì ngược lại, người ta cản trở lẫn nhau và không hề có sự đoàn kết. Người Anh biết điều này, họ không thể không biết. Lúc nào Quốc hội cũng điều tra."

Bất chấp những trở ngại này, Cục dầu lửa chiến tranh đã dần thiết lập được mô hình hợp tác hiệu quả giữa chính phủ và ngành công nghiệp dầu lửa. Cơ quan này cũng xin Bộ Tư pháp miễn trừ chống độc quyền, đó là điều kiện có ý nghĩa sống còn để các công ty dầu đàm phán với nhau và phối hợp hoạt động cũng như sử dụng chung các nguồn cung. Vẫn đang thực hiện vụ kiện chống lại các công ty lớn, Bộ Tư pháp không muốn miễn trừ chống độc quyền. Tuy nhiên, dưới áp lực của Nhà Trắng, cơ quan này cuối cùng cũng chấp thuận. Khoảng 3/4 các chuyên gia kỹ thuật và nhà quản lý của Cục dầu lửa chiến tranh đã thật sự rời khỏi ngành công nghiệp dầu lửa và việc này gây ra làn sóng chỉ trích lớn đối với Ickes. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng cần phải có những người đủ năng lực, hiểu được cách thức vận hành ngành công nghiệp này. Cục dầu lửa chiến tranh được các ủy ban quốc gia và khu vực bảo vệ, có các bộ phận được tổ chức theo chức năng (sản xuất dầu, lọc dầu, v.v…) và cũng bao gồm các nhà quản lý, các quan chức trong ngành công nghiệp dầu lửa. Nhờ vậy, có một hệ thống liên lạc hai chiều mà thông qua đó các hoạt động của ngành công nghiệp dầu lửa được chỉ đạo và giám sát.

Nhìn chung, nhiệm vụ của Cục dầu lửa chiến tranh giành được sự ủng hộ rộng rãi trên cơ sở nhận thức về tầm quan trọng của dầu đối với cuộc chiến tranh ngày càng phức tạp. Mặc dù vậy, toàn bộ hệ thống cung cấp vẫn thường xuyên ở trong tình trạng thiếu dầu cao điểm. Có lúc giữa mùa đông, tháng 1 năm 1944, nguồn dầu cung cấp cho New York chỉ đủ dùng trong 2 ngày. Tuy nhiên, vào mỗi thời điểm như vậy, sự thiếu hụt trên diện rộng đã được ngăn chặn thông qua hành động và sự điều phối lão luyện của Cục dầu lửa chiến tranh. Khủng hoảng nguồn cung dầu lửa nghiêm trọng ở Mỹ chưa bao giờ xảy ra càng cho thấy cơ quan này đã nỗ lực nhiều ra sao.

Tất nhiên, chìa khóa thành công của hệ thống là sự dồi dào và khả năng sẵn sàng đáp ứng của các mỏ dầu ở Mỹ. Khi nước Mỹ tham chiến với một năng lực sản xuất dự trữ lớn, không ai có thể biết chắc liệu nhu cầu dầu cho các hoạt động quân sự sẽ tăng cao đến đâu và liệu chiến tranh sẽ kéo dài đến khi nào. Hơn nữa, lo ngại ngày càng gia tăng về nguồn tài nguyên dầu lửa của Mỹ. Không có chỗ cho sự tự mãn hoặc thậm chí cả sự tự tin. Do đó, Cục dầu lửa chiến tranh đã cố gắng tăng sản lượng cũng như duy trì và mở rộng năng lực sản xuất. Cơ quan này đã sử dụng quyền lực của mình để từ chối hoặc chấp nhận phân bổ các thiết bị khoan dầu nhằm buộc các công ty phải áp dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến của ngành dầu lửa. Cục dầu lửa chiến tranh cũng đấu tranh để bảo đảm rằng các công ty thăm dò có thể khấu trừ chi phí khoan thăm dò vào các khoản đóng thuế mà họ phải trả. Đây là một biện pháp nhằm khuyến khích hoạt động thăm dò nhiều hơn.

Tuy nhiên, cuộc chiến đấu lớn nhất của Cục dầu lửa chiến tranh trên mặt trận sản xuất là thuyết phục Ban Quản lý giá tăng giá dầu để khuyến khích hoạt động thăm dò và sản xuất. Trên mặt trận này, cơ quan của Ickes chỉ giành được một thành công giới hạn. Đó là giá dầu nặng của California được tăng lên nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác loại dầu này để đáp ứng nhu cầu của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Giá của dầu từ các giếng có sản lượng ít hơn 10 thùng mỗi ngày cũng được tăng lên. Tuy nhiên, do lo ngại lạm phát, Ban Quản lý giá từ chối những nỗ lực chính của Ickes nhằm tăng giá tất cả loại dầu thêm 25 xu từ mức giá trần chính thức là 1,19 đô-la. Như dự kiến, cuộc tranh đấu toàn diện về vấn đề giá cả đã tạo ra sự bất đồng sâu sắc giữa ngành công nghiệp dầu lửa và Ban Quản lý giá. Theo bình luận của một người phát ngôn trong ngành này, Ban Quản lý giá giống như một "tổ chức cộng sản".

dau mo tien bac va quyen luc ky 20
Xe chở dầu của Royal Dutch Shell 1920s

Dù người ta có phàn nàn thế nào, thành tích tổng thể của lĩnh vực sản xuất dầu tại Mỹ vẫn rất ấn tượng, tăng từ 3,7 triệu thùng/ngày trong năm 1940 lên mức 4,7 triệu thùng/ngày trong năm 1945, tăng 30%. Với năng lực sản xuất dư thừa được dự tính là 1 triệu thùng trong năm 1940, nước Mỹ về cơ bản sẽ phụ thuộc vào nguồn tài nguyên dầu lửa có trữ lượng phong phú của mình. Tuy nhiên, đây lại là một nhiệm vụ khó khăn hơn dự kiến vì khi công nhân tại các mỏ dầu mở van trên các giếng, họ thường phát hiện ra rằng năng lực sản xuất thực tế thấp hơn so với những gì được tính toán. Ngoài ra, sản lượng của các giếng còn giảm xuống theo quy luật tự nhiên. Do đó, ngành công nghiệp dầu lửa phải làm việc rất vất vả để tăng và sau đó là duy trì sản lượng. Để giữ vững sản lượng, ngành công nghiệp này phải duy trì hoạt động thăm dò ở mức độ cao. Gộp chung, nước Mỹ và các quốc gia đồng minh của nước này tiêu thụ gần 7 tỷ thùng dầu trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 1941 đến tháng 8 năm 1945. Trong số đó, 6 tỷ thùng là do Mỹ sản xuất. Sản lượng dầu lửa của Mỹ trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai tương đương với hơn 1/4 sản lượng dầu của nước này trong khoảng thời gian từ khi Đại tá Drake khoan giếng thăm dò đến năm 1941. Tuy nhiên, nếu nhu cầu của toàn bộ quân Đồng minh đối với dầu của Mỹ tăng cao hơn, đây sẽ là một áp lực thật sự đối với nguồn cung sẵn có.

Chia định mức – thông qua một cửa phụ

Mặt khác của nhiệm vụ cân bằng cung − cầu dầu lửa tại Mỹ là vấn đề tiêu thụ, tại đó xảy ra những cuộc xung đột chính trị lớn nhất. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để các ngành công nghiệp sử dụng dầu chuyển sang dùng than. Các hộ gia đình sử dụng dầu để sưởi được yêu cầu giữ nhiệt độ trong nhà ở mức 18o C vào ban ngày và 13o C vào ban đêm. Bản thân Tổng thống Roosevelt cũng rất quan tâm đến tiềm năng khí tự nhiên của nước Mỹ, khi đó còn chưa được sử dụng hợp lý. Trong lá thư gửi Ickes năm 1942, ông viết: "Tôi muốn ông cử người xem xét khả năng sử dụng khí tự nhiên. Tôi được biết có một số mỏ ở phía tây và tây nam trên thực tế không có dầu nhưng có một lượng lớn khí tự nhiên trong lòng đất. Lượng khí này còn chưa được sử dụng vì những mỏ này ở quá xa và để có khí tự nhiên có thể phải xây dựng những hệ thống đường ống đến các cộng đồng lớn." Tuy nhiên, xăng vẫn là trọng tâm của sự bất đồng. Một số người đã đặt lợi ích của mình sang một bên để hợp tác vì sự cần thiết ở tầm quốc gia trong việc giảm tiêu thụ xăng. Người ta không bao giờ quên tấm lòng cao cả của Bea Kyle, một phụ nữ gan dạ làm việc tại công viên giải trí Palisades. Năm 1942, cô viết thư cho Ickes để miêu tả công việc của mình: "Đầu tiên, tôi đổ xăng lên người. Sau đó, xăng được đổ lên mặt nước trong chiếc bể di động của tôi. Tiếp theo, cả tôi và bể nước được châm lửa rồi tôi nhảy vào bể nước đang bốc cháy." Cô muốn biết ý kiến chân thật của Ickes về việc liệu cú nhảy sâu 80m của cô có "đi ngược lại lợi ích quốc phòng" và cô có nên hoãn lại công việc này cho tới khi chiến tranh kết thúc hay không.

Một trợ lý của Ickes đã viết gửi lại cô những lời hữu ích: "Cô có thể sử dụng ít xăng hơn một chút trong màn trình diễn của mình hoặc bớt đi một vài cú nhảy tương tự mà không làm giảm nhiều sức hấp dẫn của màn trình diễn. Làm như vậy, lượng xăng mà cô sử dụng trong định mức như được đề nghị sẽ giảm xuống." Người trợ lý viết thêm rằng: "Mối quan tâm thể hiện lòng yêu nước của cô được đánh giá cao."

Tuy nhiên, không có nhiều người có được suy nghĩ như Bea Kyle. Sử dụng xăng đã trở thành một đặc quyền quốc gia trong suốt 3 thập kỷ trước đó và hầu như không có ai sẵn lòng từ bỏ nhu cầu này trừ phi bị buộc phải làm như vậy. Vào mùa xuân năm 1942, biện pháp đầu tiên theo hướng bắt buộc đã được thực hiện. Sử dụng xăng cho đua ôtô bị cấm hoàn toàn và vào tháng 5, việc chia định mức đã được áp dụng tại khu vực bờ biển phía đông. Để chia định mức, ban đầu, người ta sử dụng thẻ giống như những chiếc vé ăn. Tại các trạm bán xăng dầu, các thẻ này bị bấm lỗ. Sau đó, thẻ được thay thế bằng phiếu. Cho dù là hình thức nào, biện pháp chia định mức cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ mọi phía. Thống đốc bang Florida đã gọi điện cho Ickes và nài nỉ ông hoãn lệnh chia định mức để không ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch. Dân chúng ở bờ biển phía đông, vốn không am hiểu những vấn đề hậu cần và vận tải dầu lửa "biết chắc chắn" là có rất nhiều dầu ở đâu đó trên đất Mỹ. Chính quyền Tổng thống Roosevelt không muốn thực hiện việc chia định mức dầu trên toàn quốc. Ở vùng phía tây rộng lớn, không dễ có những phương tiện vận tải để thay thế cho ôtô.

Cuối cùng, chính quyền Mỹ cũng đã tìm được một con đường để đi tới áp dụng hình thức chia định mức trên toàn quốc. Con đường này thông qua một cửa phụ, đó là cao su. Việc quân Nhật đánh chiếm Đông Ấn và Malaysia đã làm giảm 90% lượng cao su của các khu vực này xuất khẩu vào Mỹ trong khi chương trình cao su tổng hợp vừa mới bắt đầu thực hiện, khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng "đói cao su". Bằng cách chia định mức xăng, việc đi lại bằng ôtô sẽ bị hạn chế và nhu cầu dân sự đối với lốp xe có thể giảm xuống. Nhờ vậy, lượng cao su sẵn có sẽ được sử dụng cho lực lượng vũ trang. Nói cách khác, dưới danh nghĩa cao su mà xăng sẽ được chia định mức. Tuy nhiên, mặc dù đã được ngụy trang, một động thái như vậy vẫn cần phải đạt được sự đồng thuận nghiêm túc. Do đó, Roosevelt đã chỉ định thành lập một ủy ban với những thành viên rất uy tín để tuyên truyền ý tưởng của Quốc hội tới dân chúng. Hai thành viên của ủy ban này là hai vị chủ tịch của Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachuset (MIT), còn chủ tịch ủy ban chính là Bernard Baruch đáng kính.

Baruch chính là lựa chọn phù hợp nhất cho công việc quan hệ công chúng này. Tại Washington, ông được đánh giá là một người vô cùng nghiêm túc trong công việc. Với uy tín lớn, nhà tỷ phú Phố Wall này từng là nhà vận động lớn nhất của ngành công nghiệp dầu lửa trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và lúc này đang là cố vấn của Tổng thống Mỹ, đồng thời là nhà chính trị lão thành bán chính thức của đất nước. John Kenneth Galbraith, một người khi còn giữ chức vụ đứng đầu cơ quan quản lý giá quốc gia đã có vướng mắc với Baruch, nhớ lại: "Sự tôn trọng của công chúng là phổ biến. Trong khi đó, sự hoài nghi cá nhân lại gần như là điều bắt buộc." Sự hoài nghi lan tới tận Phòng Bầu dục và người đã chỉ định Baruch lãnh đạo ủy ban này. "Người đa nhiệm" là từ mà Roosevelt từng dùng để nói về Baruch. Tuy nhiên, Baruch là người có thể hoạt động chính trị. Ông bảo đảm với các thành viên của ủy ban là hai chủ tịch của hai trường đại học, vốn là những người thiếu thực tế, rằng ông có thể giải quyết các vấn đề thực tế, tức là những vấn đề với Quốc hội. Ông nói: "Hãy để tôi tận dụng mối quan hệ với các nghị sĩ. Hầu hết họ là bạn tốt của tôi. Hôm nào đó, tôi sẽ mời họ ăn tối." Nhiều thượng nghị sĩ chủ chốt không chỉ là bạn của Baruch mà theo thông lệ thời đó, họ còn là những người thường xuyên nhận được sự đóng góp tài chính của Baruch trong những chiến dịch tranh cử quan trọng. Đổi lại, họ hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự sắc sảo của ông. Chiến lược này đã có hiệu quả. Tháng 9 năm 1942, ủy ban của Baruch đã mạnh mẽ đề xuất rằng xăng cần phải được chia định mức trên toàn quốc vì mục đích tiết kiệm. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử quốc hội năm 1942, kế hoạch này mới được thực hiện. Vẫn như trước, 100 hạ nghị sĩ ở miền Tây đã tổ chức phản đối chống lại hệ thống mới này và rất có thể, họ đã không được mời tới dùng bữa tối.

Ngoài chia định mức, còn có những biện pháp tiết kiệm nhiên liệu khác, bao gồm giới hạn tốc độ ở mức 35 dặm/h. Tuy nhiên, dân Mỹ chưa bao giờ tỏ ra bất bình như vậy khi việc "lái xe không cần thiết" bị cấm năm 1943. Nhưng không ai có thể đưa ra một định nghĩa chính xác về "lái xe không cần thiết" nên lệnh cấm này đã bị bãi bỏ ngay sau đó một vài tháng. Hệ thống chia định mức bao gồm 5 mức phân phối phụ thuộc vào nhu cầu và chức năng của phương tiện giao thông cũng như người sử dụng phương tiện. Những chữ cái được dán trên kính chắn gió của xe đã trở thành biểu tượng địa vị cho những người sử dụng ôtô may mắn, những người mà việc lái xe của họ được đánh giá là cần thiết. Những người may mắn nhất là những người có xe được dán chữ X, đó là các bác sĩ, thầy tu, một số thợ sửa chữa và các quan chức chính phủ, họ có quyền mua xăng không hạn chế. Còn những ai rơi vào các hạng bị cho là kém quan trọng hơn trong nỗ lực chiến tranh đều cảm thấy đôi chút hổ thẹn. Đa số mọi người đều được nhận hạng A. Với hạng này, tùy vào độ sẵn có của nhiên liệu và theo từng khu vực, mỗi người nhận được từ 1 đến 4 gallon xăng mỗi tuần. Không có gì đáng ngạc nhiên khi hệ thống này đã dẫn tới tình trạng buôn bán phiếu phân phối xăng dầu trên thị trường chợ đen, đặc biệt là ở những thành phố lớn ở bờ biển phía Đông.

Mặc dù vậy, lượng tiêu thụ xăng dân sự đã được giảm xuống đáng kể. Trong năm 1944, lượng xăng bình quân mà mỗi xe chở người tiêu thụ đã giảm 30% so với mức năm 1941. Ickes đã đúng. Dân Mỹ, những người phản đối chương trình tiết kiệm xăng đã phải chấp nhận chương trình chia định mức xăng bắt buộc cùng với các hạn chế trong lượng tiêu thụ đường, bơ và thịt. Rốt cục, người ta rất thường hay nói: "Một cuộc chiến đang diễn ra." Hệ thống tổ chức sản xuất và tiêu thụ dầu ở Mỹ chỉ là một phần trong một hệ thống quốc tế lớn hơn được Anh và Mỹ cùng nhau thiết lập và quản lý. Trong hệ thống này, dầu thô được lấy từ vùng Tây Nam của nước Mỹ, tinh chế rồi đưa tới vùng Đông Bắc bằng tàu thủy, xe chở xăng dầu và sau này là bằng ống dẫn. Sau đó, dầu được vận chuyển qua Đại Tây Dương và được đưa đến những nơi có nhu cầu, có thể là tới các kho dự trữ tại các căn cứ không quân ở Anh, hoặc đưa vào những can 5 gallon để chuyển tới binh lính của quân Đồng minh trên mặt trận, hoặc chuyển vào các toa xe lửa chở dầu tại các cảng của Liên Xô trên biển Barrents là Murmansk và Archangel. Không kém phần cấp bách là nhu cầu nhiên liệu của chiến trường Thái Bình Dương, nơi dầu phải được cung cấp theo bước tiến của lực lượng Đồng minh về phía tây. Người Mỹ và người Anh vận hành hệ thống này thông qua một số thỏa thuận chính thức và không chính thức. Họ làm việc theo nguyên tắc là đối với mỗi chiến trường, một trong hai nước sẽ phụ trách nhiệm vụ cung cấp dầu cho các binh đoàn và các lực lượng không quân của cả hai nước. Do đó, tại Anh và Trung Đông, các kho xăng của quân Mỹ được quân Anh đổ đầy, còn tại Thái Bình Dương và Bắc Phi, sau cuộc đánh chiếm của quân Đồng minh năm 1942, nước Mỹ có trách nhiệm tiếp nhiên liệu cho mọi lực lượng.

Có những vấn đề rất lớn nảy sinh từ việc điều phối trong một cuộc chiến toàn cầu. Các nguồn tiếp tế dầu đã được phân bổ giữa những ưu tiên tranh chấp nóng bỏng: châu Âu, Bắc Phi, Thái Bình Dương và nền kinh tế trong nước của Mỹ. Các tàu chở dầu đã phải phục vụ những nhu cầu xung đột giữa Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và bờ biển phía đông của nước Mỹ. Ngoài ra, việc vận chuyển và nguồn tiếp tế còn phải rất linh hoạt. Tình trạng lộn xộn, gây tốn kém, tàu đến cảng nhưng không có dầu hoặc dầu nằm chờ tại cảng mà chẳng thấy tàu đâu liên tiếp xảy ra. Bất chấp những vấn đề khó khăn và gây tranh cãi này, hệ thống trên vẫn phục vụ quân Đồng minh rất tốt.

Sáng kiến

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Mỹ không lường trước được bất kỳ vấn đề gì sẽ xảy ra trong hoạt động cung cấp dầu lửa. Lục quân Mỹ thậm chí còn không thèm thống kê lượng dầu mà họ sử dụng. Người ta không hiểu được Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai khác nhau cơ bản như thế nào. Cuộc chiến trước là một cuộc chiến tranh tĩnh trong khi cuộc chiến sau là một cuộc chiến động. (Chính Stalin đã nâng cốc chúc mừng trong một bữa tiệc chiêu đãi Churchill giữa những ngày đen tối nhất của cuộc chiến tranh: "Đây là một cuộc chiến của động cơ và xăng. Tôi uống mừng ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp dầu lửa của nước Mỹ). Chính vì thế, Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ tiêu thụ một lượng nhiên liệu lớn hơn rất nhiều. Vào những thời kỳ cao điểm, các lực lượng quân Mỹ tại châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai sử dụng lượng xăng nhiều gấp 100 lần so với trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Một sư đoàn điển hình của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất sử dụng 4.000 mã lực trong khi trong Chiến tranh thế giới thứ hai, một sư đoàn như vậy sử dụng 187.000 mã lực.

Trên thực tế, chính việc lên kế hoạch cho cuộc tấn công năm 1942 vào Bắc Phi đã khiến Lục quân Mỹ nhận thức tầm quan trọng to lớn của dầu. Do vậy, một bộ phận tập trung có kỷ luật làm nhiệm vụ hậu cần đã được thành lập. Sau đó, dầu chiếm khoảng một nửa trong tổng lượng hàng hóa được vận tải bằng đường biển từ nước Mỹ trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh. Tập đoàn Quartermaster tính toán rằng khi một chiến binh Mỹ ra nước ngoài để chiến đấu, cần có 77 pound trọng lượng hàng tiếp tế và thiết bị để hỗ trợ anh ta trong công việc, trong đó một nửa là các sản phẩm từ dầu.

Tổ chức tiếp tế nhiên liệu mới này của Lục quân Mỹ đã đưa ra một số sáng kiến để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu chuyển và sử dụng dầu. Họ tiến hành tiêu chuẩn hóa các sản phẩm và đặc biệt là đối với xăng và dầu diesel đa chức năng. Tổ chức trên cũng đưa vào sử dụng một hệ thống ống dẫn di động đặc biệt do Tập đoàn Shell nghiên cứu phát triển, kết hợp với máy bơm để dẫn dầu hữu hiệu tới những vị trí xảy ra chiến trận thay vì vận chuyển dầu bằng xe tải. Tuy nhiên, một trong những phát triển quan trọng nhất lại là loại can đựng xăng 5 gallon. Lục quân Mỹ thấy rằng can 10 gallon rất cồng kềnh và quá nặng đối với một người mang. Quân Đức chỉ sử dụng can 5 gallon. Trong khi tìm kiếm một loại vật chứa dễ sử dụng hơn, người Mỹ cùng với người Anh đã thiết kế loại can 5 gallon dựa trên những chiếc can lấy được của quân Đức. Những chiếc can nguyên bản của quân Đức được quân Anh và Mỹ dành cho sự nể phục mỉa mai bằng biệt hiệu "can blitz" (blitz − cuộc tấn công chớp nhoáng) hoặc phổ biến hơn là "can Đức". Nhưng người Mỹ đã đưa vào thiết kế của người Đức một sáng kiến quan trọng. Lính Đức phải sử dụng phễu để rót xăng khiến bụi bẩn có thể xâm nhập vào động cơ xe. Trong khi đó, người Mỹ thêm vào can một chiếc vòi gắn liền khiến bụi không thể xâm nhập. Một trong những thất vọng lớn nhất về kỹ thuật trong Chiến tranh thế giới thứ hai là PLUTO – tên viết tắt của "Đường ống dưới đáy biển". Hệ thống đường ống dẫn dưới nước này được thiết kế để nối bờ biển Manche của nước Anh tới bờ biển Manche phía nước Pháp. Sau cuộc đổ bộ của liên quân vào Tây Âu, đường ống này có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp nhiên liệu cho các cuộc tiến công của quân đồng minh từ Pháp sang Đức. PLUTO đã được xây dựng nhưng những rủi ro trong quá trình lắp đặt đã khiến các vấn đề kỹ thuật trầm trọng hơn. Do đó, lượng dầu chảy qua đường ống này trong suốt những tháng quan trọng sau cuộc tấn công nói trên là không đáng kể. Tính trung bình, từ ngày 6 tháng 6 năm 1944, khi liên quân Anh - Mỹ đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp, cho tới tháng 10 năm 1944, chỉ có 150 thùng dầu được chuyển qua PLUTO mỗi ngày, một lượng quá bé nhỏ tương đương với chỉ 1/6 của 1% lượng dầu mà các lực lượng liên quân sử dụng tại Tây Âu trong suốt thời kỳ này.

Có lẽ, thử thách đáng nản nhất trong toàn bộ chuỗi phân phối nhiên liệu của quân Đồng minh là việc cung cấp xăng hàng không có chỉ số octane là 100. Được các nhà nghiên cứu của Tập đoàn Shell tại Hà Lan và Mỹ sáng chế và được phát triển vào đầu và giữa thập niên 1930, xăng 100 octane giúp máy bay hoạt động hiệu quả hơn với khả năng tăng tốc cao hơn, mạnh mẽ hơn, hạ cánh nhanh hơn, tầm bay xa hơn và linh hoạt hơn so với loại xăng 87 octane được sử dụng thông thường. Kiểm nghiệm cho thấy, xăng 100 octane cung cấp nhiều năng lượng hơn 15 - 30% so với loại xăng vẫn được sử dụng, và do đó, giúp tiết kiệm nhiều nhiên liệu để máy bay có thể hoạt động trong tầm bay xa hơn. Tuy nhiên, trước khi chiến tranh thật sự nổ ra, loại nhiên liệu đắt đỏ hơn nhiều so với xăng thông thường này không có thị trường. Vì lý do này, một số công ty mà tiêu biểu là Shell và Jersey đã phải đối mặt với những rủi ro lớn khi đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển xăng 100. Tập đoàn Shell đã phải chuyển phần lớn xăng 100 mà hãng sản xuất vào trong kho. Tuy nhiên, chiến tranh bùng nổ bỗng nhiên đồng nghĩa với việc xăng 100 có một thị trường, một thị trường quan trọng. Những ưu thế của loại xăng này đã được minh chứng tại chiến trường Anh năm 1940. Khi đó, máy bay Spitfire chạy bằng xăng 100 của quân Anh đã hoạt động tốt hơn những chiếc Messerschmitt 109 sử dụng xăng 87 octane. Nhiều người cho rằng, sức mạnh quyết định và chiến thắng của quân Anh trong trận không chiến một mất một còn đó chính là kết quả của việc sử dụng xăng 100.

Tuy nhiên, cần phải có các thiết bị lọc đặc biệt và đắt tiền mới có thể tạo ra thứ nhiên liệu chất lượng cao này. Mặt khác, khối lượng xăng 100 có sẵn cũng rất hạn chế. Các mục tiêu sản xuất xăng 100 đã được đặt ra và không ngừng tăng lên. Hai ủy ban xăng hàng không tại Washington và London đã được thành lập để điều hành việc phân bổ lượng xăng 100 cho các đơn vị quân sự có yêu cầu. Cho dù thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt loại nhiên liệu này, song đôi lúc những người làm công tác phân phối nhận thấy họ vẫn cần phải phung phí cho mục đích cung cấp đủ dầu cho quân Đồng minh. Trong suốt thời gian bị tàu ngầm của quân Đức đe dọa, họ phải cử 3 tàu chở loại dầu này tới một mục tiêu với hy vọng rằng ít nhất một tàu sẽ tới đích.

Tính đến năm 1944, khoảng 90% nhu cầu xăng 100 của quân Đồng minh là do Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, sản xuất không thể theo kịp nhu cầu. Tháng 4 năm 1943, trong lá thư gửi cho Ickes, Thứ trưởng Chiến tranh Mỹ Robert Patterson thất vọng nói: "Tình hình hiện tại sẽ nhanh chóng xấu đi. Tôi không thấy trước mắt có sự giải tỏa nào ngoại trừ cuộc chiến đấu quyết liệt nhất." Người Mỹ đã trả lời bằng một chương trình xây dựng khổng lồ, một trong những công trình công nghiệp lớn nhất và phức tạp nhất trong thời gian chiến tranh. May mắn thay, vào cuối những năm 1930, một công nghệ lọc dầu mới là cracking xúc tác đã được phát triển, chủ yếu bởi một người Pháp có tên là Eugene Houdry và Công ty Sun Oil. Bước tiến quan trọng đầu tiên vượt qua kỹ thuật cracking nhiệt được phát triển bởi William Burton vào 3 thập kỷ trước đó. Phương pháp cracking xúc tác mới này cho phép sản xuất khối lượng lớn xăng 100. Nếu thiếu kỹ thuật này, nước Mỹ không bao giờ có thể hy vọng đáp ứng được nhu cầu xăng hàng không. Tuy nhiên, khi nước Mỹ tham chiến, một số ít các cơ sở sản xuất xăng bằng kỹ thuật cracking xúc tác mới chỉ đang ở giai đoạn đầu và dường như không thể sản xuất ra loại nhiên liệu này với khối lượng lớn. Có những yêu cầu rất lớn đối với các cơ sở sản xuất. Các nhà máy này phải cao tới 15 tầng và cần tới những khoản đầu tư lớn hơn rất nhiều so với hệ thống lọc truyền thống. Tuy nhiên, sau đó, vô số cơ sở sản xuất sử dụng kỹ thuật cracking xúc tác đã được xây dựng trên khắp nước Mỹ với tốc độ nhanh chóng hơn mà dường như không gặp phải bất kỳ một sai sót nào từ lúc thiết kế và thử nghiệm ban đầu cho tới khi đưa vào hoạt động thật sự.

Là một phần trong chiến dịch xăng 100, hàng loạt nhà máy và các cơ sở đặc biệt được xây dựng mới bên cạnh những cơ sở sản xuất cũ. Cục dầu lửa chiến tranh và ngành công nghiệp dầu lửa đã đấu tranh liên tục với các cơ quan khác để có được thép và những hàng hóa khác cần thiết cho các mục tiêu xây dựng các cơ sở sản xuất xăng theo công nghệ mới. Thêm vào đó, tất cả các nhà máy sản xuất xăng hàng không này phải gắn kết với nhau thành một khối thống nhất khổng lồ với nhiều bộ phận được di chuyển khắp nước Mỹ giữa những công ty khác nhau nhằm tối đa hóa sản lượng, theo như lời của cơ quan do Ickes đứng đầu, "để tăng thêm số thùng sản phẩm với khả năng lớn nhất". Những cải tiến liên tục trong quá trình sản xuất và các cải tiến chất lượng của xăng được đẩy mạnh. Nhờ đó, các máy bay có sức mạnh lớn hơn để vượt qua máy bay của quân địch và các máy bay ném bom chất đầy vũ khí.

Thật kỳ diệu, dường như cứ khi nào quân Đồng minh sắp cạn kiệt xăng 100 thì sản lượng gia tăng lại đuổi kịp sự tăng lên của nhu cầu. Đến năm 1945, nhu cầu đối với loại xăng này đã cao gấp 7 lần so với khối lượng dự kiến khi chiến tranh mới bắt đầu nhưng nhu cầu đó vẫn được đáp ứng. Năm 1940, nước Mỹ mới chỉ có thể sản xuất chưa đầy 40.000 thùng xăng 100 mỗi ngày nhưng đến năm 1945 đã lên tới 514.000 thùng/ngày. Theo như lời giải thích của một vị tướng thì Chính phủ Mỹ và ngành công nghiệp dầu lửa của nước này đã "vắt xăng 100 ra từ một chiếc mũ."

"Thời khắc quyết định"

Sau khi chiến tranh kết thúc, Ban dầu lửa Lục quân và Hải quân đã tự hào thông báo: "Không khi nào các binh chủng thiếu dầu, xét về cả khối lượng, chủng loại và địa điểm. Không một hoạt động nào bị trì hoãn hoặc cản trở vì lý do thiếu các sản phẩm từ dầu." Phần lớn nhận định này là đúng nhưng vẫn còn có một ngoại lệ, đó là những khoảnh khắc đáng sợ khi hệ thống phân phối dầu không hoạt động. Đến mùa xuân năm 1944, ưu thế của quân Đồng minh so với quân Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã trở nên rõ ràng. Liên quân Anh - Mỹ đã đổ bộ vào Italy và tiến tới kết thúc cuộc chiến tranh. Trên mặt trận phía đông, quân Liên Xô cũng đang tiến vào. Ngày 6 tháng 6 năm 1944, ngày quân Anh - Mỹ đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp ở Normandy, mở ra cuộc tấn công vào Tây Âu. Nhưng ngay lập tức, những kế hoạch dài và được chuẩn bị kỹ lưỡng cho quân Đồng minh gặp thất bại. Các lực lượng tấn công nhận ra rằng, trái với các kế hoạch và dự kiến, bản thân họ bị kẹt lại ở Normandy lâu hơn họ tưởng. Quân Đức quá ngạc nhiên vì đã chặn được lực lượng tấn công trong một thời gian mặc dù tình trạng thiếu nhiên liệu đã cản trở rất nhiều khả năng di chuyển quân tăng viện ra mặt trận. Chỉ huy quân Đức Field Marshall Gerd von Rundstedt buộc phải ra lệnh: "Hãy chuyển trang thiết bị bằng người và ngựa, không được sử dụng xăng trừ trường hợp chiến đấu." Sau đó, ngày 25 tháng 7 năm 1944, quân Đồng minh cuối cùng đã phá được vòng vây của Đức còn quân Đức đã phải rút lui trong tình trạng hỗn loạn và thiếu tiếp tế. Lúc này, chính quân Đồng minh cũng là những người ngạc nhiên vì quá dễ dàng trong cuộc rượt đuổi quân Đức mà không gặp phải sự kháng cự nào.

Trong cuộc truy quét này, không một lực lượng nào có thể chiến đấu mạnh mẽ hơn Binh đoàn Lục quân số 3 dưới sự lãnh đạo của Tướng George Patton Con, người đã dẫn đầu cuộc phá vòng vây ở trên. Bị dồn ép, thôi thúc và cảm thấy giận dữ, sôi sục (sự nóng nảy này có thể là kết quả của những chấn thương ở đầu mà vị tướng này gặp phải khi chơi polo), Patton đã không thể kiềm chế được trước điều mà ông cho là sự nhút nhát và quá thận trọng trong chiến lược của quân Đồng minh kể từ cuộc đổ bộ ngày 6 tháng 6. Tháng 7 năm 1944, ông đã viết một bài thơ diễn tả sự giận dữ của mình:

Trong tình yêu cũng như trong chiến tranh, anh phải luôn tiến tới

Nếu không, anh sẽ chẳng bao giờ có được điều mình muốn

Vậy hãy để chúng tôi chiến đấu thật sự, xông tới, chọc thủng và đâm chém

Hãy chiếm lĩnh cơ hội ngay, chúng ta đã có bóng

Hãy quên đi những căn cứ lớn, vững chắc giữa những không gian buồn thê lương vì súng đạn

Hãy nỗ lực quên mình và chiến thắng!

Vâng, chiến thắng tất cả.

Tướng Dwight Eisenhower, Tổng tư lệnh quân Đồng minh thường công khai miêu tả Patton như "một nhà lãnh đạo tài tình đối với những tình huống động." Cá nhân Eisenhower, mặc dù hiểu được ưu thế của Patton song vẫn cho rằng Patton thiếu khả năng cần thiết đối với một tổng chỉ huy. Trên thực tế, Eisenhower đã nghi ngờ khả năng làm việc theo nhóm cũng như trạng thái cân bằng của Patton. Eisenhower cho rằng Patton rất dễ mạo hiểm và "hành động nhẹ dạ." Ông trực tiếp cảnh báo Patton: "Tôi không hài lòng về việc anh không thể kiểm soát lời nói của mình và đã bắt đầu nghi ngờ về khả năng phán đoán tổng quát của anh, một yếu tố vô cùng quan trọng đối với người nắm giữ vị trí quân sự cao."

dau mo tien bac va quyen luc ky 20
George Patton con

Tuy nhiên, bất chấp sự nghi ngại này, Eisenhower vẫn dứt khoát muốn Patton chỉ huy cuộc tấn công. Theo lá thư Eisenhower gửi cho Tướng Marshall, Patton có những phẩm chất mà "chúng ta không thể phí phạm trừ phi ông ta hủy hoại chính mình." Miễn là Patton "ở dưới một người sáng suốt và vững vàng, có đủ khả năng sử dụng những phẩm chất tốt mà không bị lóa mắt bởi thói huênh hoang và đóng kịch của ông ta," Patton sẽ làm tốt. Tóm lại, Patton là một dạng bảo đảm đặc biệt, được thể hiện trong "thứ sức mạnh cầm lái kỳ lạ mà ông ta có được vào những thời điểm có tính chất then chốt." Eisenhower nói thêm rằng "tình hình của cuộc chiến tranh này, thậm chí có thể là chiến trường này, lúc nào cũng có thể thay đổi tới một mức độ mà Patton người mà chúng ta phải thừa nhận là thiếu cân bằng nhưng có tinh thần chiến đấu quyết liệt, sẽ là người đứng mũi chịu sào."

Chắc chắn là sức mạnh tính cách, lòng quyết tâm và khả năng của Patton trong việc khiến binh lính trở nên quả quyết và tự tin cũng như "tính hiếu thắng" của ông đã giúp ông trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc trên chiến trường. Tính cách này chưa chắc giành được sự tin tưởng của cấp trên nhưng chắc chắn sẽ tạo ra sự trung thành tuyệt đối của binh lính dưới quyền. Patton biết được tầm quan trọng trong việc tạo ra huyền thoại về bản thân. Ông có hai khẩu súng lục đeo bên người, trong đó một khẩu có cán nạm ngọc trai. Ông còn có biệt danh "Lão già bạo lực", ông tự đặt cho mình sau lần thất bại khi cố trở thành sĩ quan chỉ huy lực lượng thiếu sinh quân tại West Point. Nhưng ẩn bên trong lời nói, vẻ ngoài trần tục và kỷ luật thép là một Patton với trái tim rung lên trước mỗi trận đánh. Sau này, mọi người mới biết rằng Patton cũng đã từng xuất bản hai tập thơ.

Cũng giống như Rommel, Patton thông thạo về chiến tranh cơ động và ông sẽ nổi cáu khi phải chờ đợi cơ hội để đạt tới vinh quang. Ông phàn nàn: "Tôi phải đi và làm một điều gì đó thành công ngoạn mục nếu muốn có được vinh quang." Và Patton đã chứng minh được rằng nhận định của Eisenhower về tài năng đặc biệt của ông là đúng. Với hai khẩu súng lục bên hông, ông đã chỉ huy cuộc phá vòng vây ở Normandy với một tốc độ đáng kinh ngạc. Patton đã vượt qua một vùng lãnh thổ rộng lớn kéo dài khoảng 500 dặm từ Brest đến Verdun chỉ trong một tháng và giải phóng phần lớn vùng Loire ở phía Bắc nước Pháp. Cũng giống như Rommel, Patton tỏ ra khinh miệt các sĩ quan hậu cần. Lực lượng của ông đã áp dụng những biện pháp không bình thường được cho là có thể bảo đảm tiếp tế xăng dầu cho họ trong bối cảnh nhiên liệu ngày càng trở nên thiếu thốn khi chiến tuyến của Binh đoàn Lục quân số 3 được mở rộng. Một vài binh lính của Patton đã đóng giả làm thành viên của các đơn vị khác để lấy đồ tiếp tế, một số khác cướp nhiên liệu được chở trên các tàu lửa hoặc đoàn xe tải. Patton thậm chí còn phái các máy bay gián điệp bay khảo sát và định vị những nguồn tiếp tế nhiên liệu mà họ có thể chiếm được.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 8 năm 1944, nhiên liệu trở thành sự cản trở vô cùng nghiêm trọng đối với bước tiến của quân Đồng minh. Thật sự là ở Pháp không hề thiếu xăng nhưng xăng lại không có ở đúng chỗ. Nguồn tiếp tế được đặt tại Normandy và quá xa các chiến tuyến. Ngoài ra, còn có một vấn đề về hậu cần trong công tác vận chuyển nhiên liệu ra mặt trận. Theo ngôn ngữ của ngành hậu cần, quân Đồng minh đã di chuyển trên quãng đường tương đương với "260 ngày hậu cần theo kế hoạch" chỉ trong vòng 21 ngày. Lẽ ra, đường ray phải là đường vận chuyển nhiên liệu hiệu quả nhất nhưng lại không có tuyến đường ray nào phù hợp. Những đoàn xe tải chở nhiên liệu bất tận đi trên một hệ thống đường một chiều ngang qua nước Pháp không thể đáp ứng được nhu cầu. Vì tuyến cung cấp ngày càng dài hơn, những xe chở nhiên liệu đã phải sử dụng ngay cả số nhiên liệu mà chúng đang chở và phải dự trữ một lượng nhiên liệu cho chuyến quay về. Chính vì thế, lượng nhiên liệu tiếp tế cho đội tiến công thật khó khăn. Vấn đề hậu cần này đã dẫn tới tình trạng quân Đồng minh đang di chuyển nhanh đã sử dụng cạn kiệt lượng xăng được tiếp tế. Điều tương tự cũng đã xảy ra với Rommel khi các lực lượng của ông vượt Bắc Phi năm 1942. Tình hình này khiến Patton nổi giận. Trong thư gửi con trai ngày 28 tháng 8, ông viết: "Lúc này, khó khăn lớn nhất của cha không phải là quân Đức mà là xăng. Nếu được cung cấp đủ xăng, cha có thể tới bất cứ đâu cha muốn." Ngày hôm sau, ông viết trong nhật ký: " Vì những lý do chưa rõ ràng, chúng tôi không được cung cấp đủ phần xăng và vẫn còn thiếu 140 nghìn thùng. Có thể đây là một nỗ lực làm ngăn tôi lại một cách không đàng hoàng nhưng không chắc chắn lắm".

Mặc dù Patton nghi ngờ, song các đơn vị khác cũng đều bị thiếu nhiên liệu. Thời điểm đó, Eisenhower với tư cách là tổng chỉ huy các lực lượng của quân Đồng minh đã phải đối mặt với một quyết định có tính then chốt: nên chuyển thẳng khối lượng lớn nhiên liệu đến cho Binh đoàn Lục quân số 3 của Patton hay Binh đoàn Lục quân số 1 đang ở vị trí phía bắc để hỗ trợ Binh đoàn Lục quân số 21 của Anh dưới sự chỉ huy của Tướng Montgomery đang ở gần vị trí bờ biển nhất. Eisenhower phải tự hỏi mình đây có phải là thời điểm nên từ bỏ chiến lược "chiến trường rộng" của chính ông với mọi cánh được bảo vệ để thay bằng sự liều lĩnh để Patton cùng Binh đoàn Lục quân số 3 cố gắng xuyên thủng phòng tuyến Seigfried, Bức tường phía tây của Đức Quốc xã, tấn công vào nước Đức? Hoặc khôn ngoan hơn là để Montgomery chiếm Antwerp trước nhằm bảo đảm một cảng tiếp tế quan trọng và tránh tình trạng các tuyến cung cấp tiếp tục mỏng đi? Vẫn có một lựa chọn thứ ba mà Montgomery bảo vệ mạnh mẽ, đó là một đội quân tinh nhuệ bao gồm 42 sư đoàn dưới sự chỉ huy của chính ông tấn công vào Ruhr và đánh bại nước Đức.

dau mo tien bac va quyen luc ky 20
Tướng Dwight Eisenhower, Tổng tư lệnh quân Đồng minh 1942

Trong khi Eisenhower chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng, Patton đã rất nóng lòng muốn lên đường. Ông viết trong nhật ký: "Lúc này, chúng tôi có cơ hội lớn nhất từ trước đến nay để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Nếu họ để tôi tiếp tục… chúng tôi có thể đến Đức chỉ trong 10 ngày… Điều này chắc chắn đến nỗi tôi e rằng chỉ có những kẻ mù tịt mới không nhận ra." Nhưng Eisenhower, vốn nghiêng về những yêu cầu lớn về chính trị và mối quan hệ đồng minh chiến tranh, đặc biệt là mối quan hệ căng thẳng với một Montgomery nóng nảy, đã quyết định thỏa hiệp bằng cách chia tách lực lượng và vận chuyển xăng tới cho Binh đoàn Lục quân số 1 để hỗ trợ Montgomery thay vì Binh đoàn Lục quân số 3 của Patton. Với lượng xăng tiếp tế giảm xuống chỉ đủ sử dụng cho nửa ngày, Patton nổi cáu. Ông "gầm lên như một con bò điên" tại Sở chỉ huy của Tướng Omar Bradley, chỉ huy lực lượng quân Mỹ. Patton quát vào mặt Bradley: "Chúng ta sẽ thắng trong cuộc chiến chết tiệt này nếu như ông cho Binh đoàn Lục quân số 3 được tiếp tục. Mẹ kiếp, Brad, ông chỉ cần cho tôi 400.000 thùng xăng và tôi sẽ đặt ông bên cạnh nước Đức chỉ trong 2 ngày."

Patton không dễ dàng chấp nhận giới hạn đối với lượng xăng tiếp tế cho ông. Đây là một thời điểm then chốt, một cơ hội xông tới và liên tục thẳng tiến để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh, để đạt tới số phận của ông và cả vinh quang. Patton hầu như không thể kiềm chế được sự giận dữ của mình. Ông viết trong nhật ký: "Không ai nhận ra giá trị to lớn của thời khắc quyết định này ngoại trừ tôi. Chúng tôi không có xăng vì để chiều theo Monty, Binh đoàn Lục quân số 3 phải có phần lớn số xăng." Ông ra lệnh cho các đơn vị của mình tiến lên cho tới khi nào hết sạch xăng "và sau đó, ra khỏi xe rồi đi bộ." Trong thư gửi vợ, Patton viết: "Anh phải chiến đấu ở mọi nơi nhưng không phải kẻ thù đang cố chặn anh lại mà là "Họ"… Nhìn vào bản đồ mà xem! Giá như anh có thể lấy được một ít xăng, anh có thể giành chiến thắng."

Đến ngày 30 tháng 8, lượng xăng tiếp tế cho Binh đoàn số 3 giảm xuống còn chưa đầy 1/10 so với mức bình thường. Binh đoàn này cũng được thông báo là sẽ không được cung cấp thêm nhiên liệu trước ngày 3 tháng 9. Hôm sau, ngày 31 tháng 8, lực lượng của Patton đã tiến tới sông Meuse nhưng không thể tiến xa hơn. Các thùng xăng đã trống rỗng. Patton nói với Eisenhower: "Người của tôi có thể ăn thắt lưng của họ nhưng các thùng xăng của tôi phải có xăng."

Quân của Montgomery chiếm được Antwerp ngày 4 tháng 9. Ngày hôm sau, Eisenhower viết trong nhật ký rằng: "Bây giờ thì tôi cho rằng việc cho Patton tiếp tục di chuyển là quan trọng." Sau đó, Patton đã có thêm xăng. Nhưng giây phút chậm chễ do thiếu hụt nhiên liệu là thời khắc quý báu đủ để quân Đức tập hợp lại. Đầu tháng 9, Hitler cuối cùng đã sửa đổi lệnh "không rút lui" để các đơn vị quân Đức có thể rút lui, tổ chức lại và thành lập một phòng tuyến mới. Quân của Patton đã vượt qua sông Meuse nhưng bị sa lầy ở sông Moselle, lần này không vì lý do thiếu xăng mà do sự kháng cự quyết liệt của quân Đức. Chín tháng chiến đấu quyết liệt và tốn kém đã diễn ra sau đó. Khi quân Đức tiến hành một cuộc tấn công lớn một mất một còn, thì lực lượng chiếm được Berlin lại là quân Nga chứ không phải quân Mỹ.

Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, Patton đã vượt qua nước Đức và tiến xa tới tận Pilsen ở Tiệp Khắc. Nhưng "thời khắc quyết định" đã không cho ông có được giây phút đỉnh cao của vinh quang trên chiến trường. Tháng 12 năm 1945, tám tháng sau khi cuộc chiến tranh ở châu Âu kết thúc, cuộc đời của con người tinh thông về cách đánh vận động chiến này đã kết thúc không mấy vẻ vang khi chiếc xe limousine của ông đâm vào một chiếc xe tải của quân đội Mỹ trên đường phố ở Berlin.

Liệu có phải quân Đồng minh đã lỡ mất cơ hội then chốt để kết thúc nhanh chóng cuộc chiến tranh? Câu hỏi này đã được đưa ra tranh luận gay gắt vào thời đó và cả mãi về sau. 3/4 trong số hàng triệu thương vong mà các lực lượng quân Đồng minh phải hứng chịu khi giải phóng Tây Âu xảy ra sau khi bước tiến quân của Patton bị chặn lại vào tháng 9. Nhiều triệu người khác đã chết vì các hành động quân sự và trong các trại tập trung của quân Đức vào 8 tháng cuối cùng của cuộc chiến. Ngoài ra, nếu quân Đồng minh đột phá vào nước Đức từ phía tây sớm hơn, bản đồ sau chiến tranh của châu Âu sẽ khác vì Liên Xô sẽ không thể vươn về phía trung tâm của châu Âu xa như vậy.

Đối với Eisenhower, quyết định mà ông đưa ra là vô cùng khó khăn trong một thời điểm chóng vánh với thông tin nghèo nàn, trong bối cảnh thiếu sự chắc chắn và rủi ro cao. Cái giá phải trả cho việc tán thành Patton có lẽ sẽ rất lớn, đe dọa đến những nền tảng cơ bản của quan hệ đồng minh vào một thời điểm có tính chất quyết định, đưa toàn bộ quân đội Đồng minh vào tình thế được tiếp tế ít ỏi và đặt Binh đoàn số 3 vào vị thế có độ nguy hiểm cao. Đã có những báo cáo về việc quân Đức tấn công sát sườn quân Patton. Trong hồi ký về cuộc chiến ở châu Âu, Eisenhower đã trả lời bằng sự khôn khéo ngoại giao nhưng cũng thẳng thắn trước những lời buộc tội của Patton cho rằng ông đã đưa ra quyết định sai lầm. Đơn giản là Patton đã không nhìn được bức tranh lớn. Đối với Eisenhower, những rủi ro tổng thể rất lớn và khả năng thất bại trong kế hoạch của Patton cũng không hề nhỏ. Ông viết: "Vào những ngày mùa hè cuối cùng của năm 1944, chúng tôi biết rằng quân Đức vẫn còn sẵn quân dự bị ở trong nước. Bất kỳ ý tưởng nào về việc cố gắng đưa một lực lượng nhỏ vượt qua sông Rhine và tiếp tục tấn công vào trung tâm nước Đức là hoàn toàn điên rồ." Thậm chí cả khi đã làm được điều đó, lực lượng này cũng sẽ rơi rụng dần trong khi chiến đấu bảo vệ các sườn tiến công. Eisenhower bảo vệ quan điểm mà ông đưa ra trong những ngày cuối tháng 8 năm 1944: "Một nỗ lực như vậy sẽ thất bại trong tay kẻ thù" và kết quả đối với quân Đồng minh sẽ là "một thất bại không thể tránh khỏi."

dau mo tien bac va quyen luc ky 20
Tướng Montgomery trái và George S Patton năm 1943

Những người khác xem xét sự việc này đã đi đến một kết luận khác, rằng sai lầm là ở chỗ chia tách thay vì tập trung các lực lượng quân Đồng minh dưới quyền chỉ huy của Montgomery và tiến liên tục qua sông Ruhr và vào Berlin. Nếu cuộc tiến quân này thành công, kết quả sẽ là một kết thúc sớm cho cuộc chiến ở châu Âu. Một người đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu toàn bộ vấn đề này là Basil Liddel Hart, một nhà chiến lược quân sự và sử học ưu tú của nước Anh. Chính những bài viết của ông sau Chiến tranh thế giới thứ nhất với khái niệm "tấn công mở rộng" đã đưa ông trở thành cha đẻ của phương thức chiến tranh cơ giới hóa và vận động chiến, và trớ trêu thay ông lại là người khởi xướng hình thức chiến tranh chớp nhoáng. Không lâu sau khi Patton qua đời năm 1970, Liddell Hart đã đưa ra đánh giá cao về chiến lược của Patton. Ông đồng tình với Patton rằng những ngày cuối tháng 8 năm 1944 là "thời khắc quyết định". Quân Đức vẫn đang ở trong tình trạng choáng váng và chưa sẵn sàng, chưa một cây cầu nào trên sông Rhine bị đặt mìn cho việc phá hủy để ngăn cản bước tiến quân. Một cuộc tấn công mạnh do Patton tiến hành, nỗ lực hết mình có thể sẽ khiến lực lượng phòng thủ của quân Đức tan tác và thất bại. Liddell Hart kết luận: "Cơ hội tuyệt vời nhất để kết thúc cuộc chiến nhanh chóng có lẽ đã vụt qua khi Patton không còn xăng vào tuần cuối cùng của tháng 8, khi mà khoảng cách từ chỗ họ đến sông Rhine và những cây cầu trên dòng sông này gần hơn 100 dặm so với từ chỗ quân Anh".

(Còn tiếp)

Nam Hà (giới thiệu)

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 12)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 12)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 13)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 13)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 14)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 14)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 15)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 15)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 16)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 16)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 17)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 17)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 18)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 18)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 19)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 19)