Dầu mỏ Mỹ loay hoay tìm lối thoát

07:07 | 16/10/2015

3,660 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giá dầu ở mức thấp trong nhiều tháng qua đang khiến các công ty khai thác dầu mỏ của Mỹ lao đao. Để tìm đường thoát, ngoài việc phải giảm sản lượng khai thác, một số đã hối thúc quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ.

Các công ty khai thác đá phiến “chết hàng loạt”

Từ tháng 6/2014, dầu thô đã mất giá khoảng 60% do cung cấp thặng dư từ OPEC (Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ), dầu khai thác ở vùng Bắc Hải/Ðại Tây Dương và dầu đá phiến tại Mỹ. Bằng chiến lược do Arập Xêút dẫn đầu, OPEC duy trì một mức sản xuất cao gần kỷ lục, nhằm giữ cho giá dầu thấp để cho các công ty dầu đá phiến ở Mỹ thua lỗ không thể tiếp tục khai thác. Trong tương lai, OPEC sẽ tiếp tục để dầu thô trong tình trạng cung cấp thừa, vượt quá nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Theo kế hoạch, sản lượng dầu thô của Arập Xêút trong quý IV năm nay vẫn sẽ ở mức 10,2 triệu tới 10,3 triệu thùng mỗi ngày.

Nhờ những tiến bộ kỹ thuật mới, việc khai thác dầu đá phiến trong nội địa đã phát triển rất nhanh từ 2008 và Mỹ tiến tới vị trí là nước sản xuất dầu thô đứng đầu thế giới. Nhưng chi phí tốn kém trong việc khai thác khiến cho giá thành của một thùng dầu đá phiến cao hơn dầu quy ước, và như thế năng xuất dầu đá phiến chỉ có hiệu quả kinh tế khi giá dầu thô cao như trong mấy năm trước đây. Với giá dưới 50USD/thùng hiện nay, các công ty khai thác dầu đá phiến bị thua lỗ nặng.

dau mo my loay hoay tim loi thoat
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm một giếng dầu tại Texas

Cho đến đầu năm nay, các công ty dầu đá phiến vẫn còn tương đối dễ dàng trong việc vay nợ, thu hút đầu tư hay phát hành cổ phiếu dù giá dầu xuống từ năm ngoái. Bây giờ những việc ấy ngày càng giảm mạnh và trở ngại tài chính gia tăng cho ngành công nghiệp này. Ðể bảo đảm tín dụng của họ, các ngân hàng gần tới lúc phải tái xác định căn bản vay vốn của những công ty dầu đá phiến.

Trong nửa đầu năm nay, các công ty dầu đá phiến của Mỹ báo cáo nguồn vốn thoát ra đã lên tới hơn 30 tỉ USD sau khi đã chi ra 35 tỉ USD năm 2014. Ngành công nghiệp này đã phát triển nhanh trong 7 năm qua nhưng chưa bao giờ quân bình được ngân sách và thu hồi tài khoản đã xuất trước khi chịu tác động bởi giá dầu thế giới xuống thấp. Tình hình ấy báo hiệu sẽ có nhiều công ty phá sản và công nghệ dầu đá phiến cần phải được tái cấu trúc để chỉ duy trì các công ty hoạt động có hiệu quả.

Khai thác dầu đá phiến hầu hết là các công ty nhỏ, không phải những đại công ty dầu khí như ExxonMobil và Chevron. Theo Standard & Poor, đã có 16 công ty dầu đá phiến vỡ nợ trong năm nay. Thất bại lớn nhất là Samson Resources, do một tổ hợp tài chính cầm đầu bởi KKR mua lại năm 2011 với giá 7,2 tỉ USD, hồi cuối tháng 8/2015 đã thông báo sẽ xin được bảo vệ bởi luật phá sản trong tháng 9. Thomas Watters, một giám đốc điều hành của S&P cho biết 8 công ty khác chỉ có thể tồn tại dưới một năm nữa thì hết vốn hoạt động.

Tìm đường ra bên ngoài

Việc nhiều công ty khai thác dầu mỏ đóng cửa hoặc giảm sản lượng khai thác đã khiến quốc hội Mỹ phải lên tiếng. Ngày 10/10, Hạ viện Mỹ đã biểu quyết để chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu  hầu hết các loại dầu thô. Dự luật được thông qua với 261 phiếu thuận và 159 phiếu chống, giờ đây được chuyển sang Thượng viện. Các nhà phân tích cho rằng, việc thông qua tại Thượng viện sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu được Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Barack Obama, là người đã dọa phủ quyết.

Lệnh cấm xuất khẩu này nhằm bảo đảm nguồn cung cấp từ nội địa được áp dụng sau khi vụ cấm vận dầu mỏ của khối Arập hồi thập niên 70 của thế kỷ trước làm cho giá dầu ở Mỹ tăng mạnh.

Phe chống xuất khẩu dầu thô gồm nhiều dân biểu nghị sĩ Dân chủ và các doanh nghiệp lọc dầu đưa ra các lý luận sau đây: 1) giá dầu thô nội địa càng rẻ thì càng có lợi cho kinh tế vì giới tiêu thụ xài xăng rẻ hơn; 2) mà cũng có lợi cho xuất khẩu nhờ trị giá gia tăng từ dầu qua xăng sẽ cao hơn.

Ngược lại, phe vận động bãi bỏ sự cấm đoán để cho phép xuất khẩu cũng có lý do của họ. Thứ nhất, Mỹ cũng đang xuất khẩu xăng: Từ mấy năm qua, nước Mỹ đứng đầu thế giới về xuất khẩu xăng dầu cho vận tải, từ diesel tới kerosen cho máy bay phản lực và xăng nhẹ cho xe hơi. Một phần của số xăng dầu này là chế biến từ dầu nội địa, cho nên luật cấm xuất khẩu để bảo đảm an toàn nội địa là điều không còn đúng. Thứ hai, việc gạn cát ra dầu là chuyện tốn kém và nếu dầu đó mà không bán được ra ngoài và thực tế bị ghìm giá trong nội địa thì các doanh nghiệp không muốn đầu tư vào kỹ thuật tốn kém này. Thứ ba, nếu cho phép xuất khẩu dầu thô thì sản lượng của Mỹ sẽ tăng số cung và làm giảm giá dầu trên thế giới nên cũng có lợi cho kinh tế (và giới tiêu thụ) Mỹ.

Nhiều quốc gia đang thương lượng mua dầu của Mỹ trong đó có Thụy Sĩ, Italia và Singapore.

Bao giờ giá dầu tăng trở lại?

Ðây là niềm hy vọng không chỉ của các doanh nghiệp Mỹ mà còn cả của nước sản xuất và xuất khẩu dầu như OPEC và Nga, quốc gia đứng đầu về bán dầu.

Khi cung thấp hơn cầu thì giá dầu sẽ tăng lên ở thị trường. Trước kia OPEC đã nhiều lần thành công trong cách dùng áp lực cắt giảm sản lượng để làm giá. Bây giờ phương cách này ít tác dụng và khó khăn hơn vì nhiều nguồn cung cấp khác có thể bù đắp phần thiếu hụt. Muốn có hiệu quả phải cắt giảm sản lượng với một con số lớn đáng kể, nhưng như thế các thành viên OPEC cũng bị thiệt hại vì số dầu bán được ít đi, thu nhập giảm và mất thị phần.

Sau hội nghị định kỳ của OPEC tháng 11/2014, tổ chức này thông báo giữ nguyên sản lượng 30 triệu thùng mỗi ngày. Quyết định ấy do Arập Xêút thúc đẩy mặc dù nhiều thành viên nhỏ không muốn. Là nước sản xuất dầu thô đứng thứ nhì thế giới, sau Nga, Arập Xêút lo ngại sẽ mất thị phần trong tương lai nếu giảm số bán. Ðây cũng là chiến lược của Arập Xêút hy vọng giá dầu thấp sẽ đánh bại công nghệ dầu đá phiến ở Mỹ mà với mức độ phát triển hiện nay dự đoán sản lượng sẽ còn tăng thêm 20% trong năm tới.

Như vậy có thể thấy với chiến lược của Arập Xê út, trong tương gần giá dầu khó mà tăng trở lại mức 70-80USD/thùng. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty khai thác dầu của Mỹ sẽ còn tiếp tục bị phá sản.

 

S.Phương

Năng lượng Mới 465

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc