Đau lòng với phiên bản Việt

13:59 | 24/06/2011

1,035 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khoảng những năm 90 của thế kỉ trước, nhiều người phản ứng gay gắt với cái kiểu “trang sức” bằng tiếng Tây một cách bừa bãi và kệch cỡm. Sau hơn một thập niên của thế kỉ này, người ta lại đến khổ với lắm thứ có “phiên bản Việt”. Chung quy lại, cả hai xu hướng có vẻ đối nghịch ấy cùng thuận chiều ở sự nghèo nàn ý tưởng, tự ti bản sắc và ham hố vay mượn.

Sau sự dễ dãi của làng giải trí Việt khi nhường chỗ cho phim ảnh, thời trang, âm nhạc nước ngoài, người nào tinh ý sẽ thấy nớp nớp sợ cái thời điểm “Việt hóa” ồ ạt và máy móc. Xưa, các cụ ta tiếp thu văn hóa Hán trong sự kiềm tỏa của ngàn năm Bắc thuộc nhưng vẫn “lọc” ra được một thứ tinh hoa thuần Việt mịn màng. Tiếp đến thời Pháp thuộc, rồi thời kì học hỏi các nền văn hoá trong khối XHCN nhưng tác phẩm được sáng tạo vẫn cho thấy rõ ràng hai việc: Học hỏi sự tiến bộ của phương pháp và tự chủ trong cảm hứng sáng tạo.

Anh em nhà bác sĩ phiên bản Việt

Thế nhưng giờ đây, cụm từ “phiên bản Việt” lại trở nên phản cảm và xa lạ hơn cả những tác phẩm nguyên bản của nước bạn. Từ vở kịch “Bà tỷ phú” của kịch tác gia nổi tiếng người Thụy Sĩ Fiedrich Duerrenmatt còn khiến người xem băn khoăn về những gì chưa tương đồng trong bối cảnh văn hoá. Cho đến những bài hát được đặt lời Việt từ nhạc Thái, nhạc Hoa. Những bộ phim phiên bản Việt như “Anh em nhà bác sĩ, Ngôi nhà hạnh phúc”… có thể tạm chấp nhận cho đó là một thử nghiệm khi cho diễn viên, đạo diễn Việt được thể nghiệm với những hướng đi mới mẻ theo kiểu vịn cầu thang mà đi hay thêu hoa theo nét vẽ. Thế nhưng, đến một bộ phim lịch sử nước nhà tưởng khó có thể lẫn vào những yếu tố ngoại lai như “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” mà vẫn phải đỏ mắt “soi” xem màu sắc Việt ở đâu thì quả là đáng sợ. Lỗi hẹn với đại lễ 1000 năm Thăng Long, giờ đây dù chỉ để xuất hiện ngang tầm với các bộ phim truyền hình bình thường cũng khó. Phải chăng đấy cũng là một sự báo động về cái gọi là sạch trơn về bản sắc. Ngẫm ra, nhiều người bây giờ cũng đang nghi ngờ cả những giá trị mà ông bà ta gắng sức giữ gìn để không lẫn với người khác.

Ngôi nhà hạnh phúc Phiên bản Việt

Chưa hết choáng váng vì những phiên bản Việt đó, nhiều khi ta còn bắt gặp cái gọi là phiên bản Việt của Việt. Hai bộ phim truyền hình trong nước một trong Nam, một ngoài Bắc bỗng có nhiều điểm “sao giống nhau đến thế”. Hay bỗng một hôm người ta nhận ra BTV của một tạp chí văn nghệ đã hồn nhiên “biên tập” truyện người khác thành của mình.

Có lẽ, mọi sự mờ nhạt, kém giá trị sớm muộn cũng bị lẽ công bằng của thời gian đào thải. Không câu nệ ở việc tiếp thu từ bên ngoài hay viết về xứ sở mình mà điều quan trọng là ở cái bản lĩnh và hiểu biết về văn hoá. Chỉ có điều trước khi có được sự lắng đọng kì diệu ấy thì những phiên bản Việt kia vẫn làm chúng ta thấy đau lòng như nghe tin một người mẫu, diễn viên hay ca sĩ xinh đẹp, tài năng mà lại phải mặc một bộ đồ “nhái”. Phải chăng, tấm áo văn hoá Việt không còn gì đáng để họ mặc sao?

Bùi Việt Phương