Dẫu khó, không bỏ Đường Lâm!

07:00 | 30/06/2013

822 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, lãnh đạo xã và người dân làng cổ Đường Lâm lại tổ chức gặp gỡ đôi bên. Nhưng cuộc họp tại nhà văn hóa làng với mục đích tìm hướng quy hoạch giãn dân vẫn không có kết quả. Cuộc họp nhanh chóng đến hồi… giải tán, với ngổn ngang bức xúc của người dân. Phóng viên PetroTimes đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Hùng Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội, một trong những thành viên tham gia đề án bảo tồn làng cổ Đường Lâm.

“Nếu cho phép xây nhà 2 tầng trong thôn Mông Phụ cũng đồng nghĩa chúng ta đã bỏ đi một gia trị quý giá nhất của làng cổ Đường Lâm”, TS Phạm Hùng Cường đã chia sẻ như vậy khi đề cập đến thực tế trong tiến trình bảo tồn làng cổ này.

PV: Hiện nay đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về công tác bảo tồn làng cổ Đường Lâm. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

TS Phạm Hùng Cường: Bảo tồn làng cổ Đường Lâm không chỉ là bảo tồn di tích mà còn là bảo tồn các giá trị đặc trưng của một mô hình cư trú điểm dân cư nông thôn truyền thống - vẫn đang tồn tại và phát triển như một cơ thể sống. Đây là sự can thiệp vào một quá trình đang tồn tại và phát triển do đó công tác này thiên về điều tiết, điều chỉnh xu hướng biến đổi trong quá trình phát triển. Làng cổ Đường Lâm là một khu vực đa chức năng với quyền sở hữu và sử dụng của một cộng đồng dân cư đa dạng.

Do đó việc bảo tồn trước hết là vấn đề quản lý xã hội và phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương. Kế hoạch đầu tư và các chương trình hành động bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm phải đảm bảo mục tiêu duy trì và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, phát triển hoạt động du lịch tại làng cổ Đường Lâm là cần thiết và quan trọng để quảng bá hình ảnh, phát triển kinh tế, tạo động lực cho việc bảo tồn làng cổ. Song ngay từ đầu cần phải kiểm soát chặt chẽ, điều tiết hợp lý để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn nhưng giá trị bền vững của làng cổ Đường Lâm.

TS Phạm Hùng Cường

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản làng cổ Đường Lâm?

TS Phạm Hùng Cường: Sự tham gia của cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện công tác quy hoạch bảo tồn và xây dựng khu vực làng cổ. Việc đầu tiên, theo tôi chúng ta phải tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của di tích làng cổ Đường Lâm và ý nghĩa của công tác bảo tồn làng cổ đối với người dân. Việc bảo tồn phải có sự vào cuộc của các tổ chức xã hội như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi…

Đặc biệt là vai trò của các dòng họ. Cần công bố công khai các kế hoạch, chính sách thực hiện công tác quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng. Người dân cần được biết tất cả các thông tin, được tham gia thảo luận về các dự án có liên quan. Số lượng nhà cổ khá lớn và là một trong những hạng mục quan trọng của việc tham quan di tích. Việc giữ gìn các nhà cổ sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống hiện tại của người dân do đó phải có sự trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn cho người dân, tạo sự đồng thuận.

Cần xuất bản những tài liệu hoặc hướng dẫn trực tiếp người dân về công tác bảo tồn, tránh những hiểu biết sai lệch về công tác bảo tồn như việc làm mới di tích hoặc bảo tồn theo cảm tính.

Các chính sách phải đảm bảo sự công bằng và có sự góp ý của người dân. Làm rõ những lợi ích mà dân được hưởng cũng như những trách nhiệm giữ gìn các di tích đối với từng loại đối tượng. Các điều lệ quản lý phải rõ ràng trách nhiệm, có các hình thức bắt buộc và khuyến khích rõ ràng. Tránh tình trạng những hộ có nhà cổ phải giữ gìn di tích nhưng lợi ích được ít, các hộ không có di tích nhưng tham gia làm dịch vụ lại được hưởng nhiều.

PV: Vậy theo ông, sẽ có những xu hướng phát triển không phù hợp nào trong quá trình bảo tồn làng cổ Đường Lâm?

TS Phạm Hùng Cường: Việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm là bảo tồn một không gian cư trú đang tồn tại và phát triển như một cơ thể sống. Trong quá trình thực hiện có thể xuất hiện các mâu thuẫn, các xu hướng không phù hợp. Tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phương thức sản xuất không đồng bộ với việc chuyển đổi văn hóa, lối sống. Việc chuyển đổi quá chậm hoặc quá nhanh phương thức sản xuất sẽ ảnh hưởng xấu đến công tác bảo tồn.

Nếu tỉ trọng kinh tế dịch vụ du lịch tăng chậm, người dân sẽ không thấy rõ lợi ích của công tác bảo tồn, sẽ không tham gia tích cực vào công tác bảo tồn. Nếu chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển quá nhanh sẽ không phù hợp với việc chuyển đổi tâm lý, thói quen của người dân. Điều này sẽ tạo áp lực buộc người dân rời bỏ làng cổ nhường chỗ cho những người chuyên làm dịch vụ, làm thay đổi lối sống văn hóa truyền thống.

Bảo tồn làng cổ phải đảm bảo lợi ích của người dân

Do nhu cầu cuộc sống, người dân phải tiến hành xây mới, sửa chữa nhà cửa, điều này đã phá vỡ cấu trúc không gian của làng cổ. Khi có khách du lịch tới sẽ nảy sinh những hoạt động dịch vụ. Người dân sẽ trổ cửa ra mặt đường để làm dịch vụ sẽ biến làng cổ thành phố cổ. Ngay trong những ngôi nhà cổ đã được phân loại cũng có những “mối nguy” khi kiến nghị bảo tồn nhưng chưa được kinh phí đầu tư, phải chờ đợi lâu trong khi chất lượng ở xuống cấp dễ dẫn đến việc người dân tự ý cải tạo, làm sai lệch di tích.

Xu hướng làm bảo tồn theo kiểu làm mới di tích cũng khó tránh khỏi. Bảo tồn tự phát không theo đúng các trình tự khoa học. Việc phát triển dịch vụ tràn lan của các đơn vị kinh doanh du lịch làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Cũng có thể có sự phát triển của các nghề mới ảnh hưởng đến môi trường. Việc xây dựng các công trình công cộng nhưng người dân chưa ý thức được các trách nhiệm bảo tồn cảnh quan chung cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Khi hoạt động du lịch ở Đường Lâm phát triển sẽ tạo nên một hệ quả là giá đất tăng, người dân có thể có xu hướng bán đất lấy tiền xây nhà. Việc người dân chia nhỏ đất sẽ làm thay đổi mật độ xây dựng. Đồng thời có xu hướng người nhập cư làm dịch vụ, kinh doanh dụ lịch, người dân gốc chuyển đi nơi khác.

PV: Là chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, ông nghĩ thế nào khi có ý kiến đề xuất cho phép người dân làng cổ Đường Lâm xây nhà 2-3 tầng?

TS Phạm Hùng Cường: Thật đáng lo ngại bởi nếu cho phép xây nhà 2 tầng trong thôn Mông Phụ cũng đồng nghĩa chúng ta đã bỏ đi một gia trị quý giá nhất của làng cổ Đường Lâm. Cái cần bảo tồn chính là cấu trúc không gian của cả ngôi làng còn nguyên vẹn, của cả quần thể 5 thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm  và Cam Thịnh chứ không phải chỉ của vài chục ngôi nhà cổ, của một số di tích đình chùa.

Chỉ cần một chỉ thị đồng ý cho xây nhà 2-3 tầng thì chỉ sau 2 năm, làng này cũng chả khác gì các làng ở nội đô khác. Mục tiêu bảo tồn làng cổ Đường Lâm sẽ thất bại hoàn toàn. Cũng chẳng ai chắc chắn rằng sao sự kiện đòi nâng tầng nhà, việc đòi trổ cửa ra ngõ buôn bán sẽ không xảy ra. Lúc đó chắc chắn xóm Sui, xóm Sài (Mông Phụ) sẽ trở thành phố Sui, phố Sài…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

6 giá trị quý giá của làng cổ Đường Lâm cần được bảo tồn:

- Giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc quy hoạch và không gian của một ngôi làng truyền thống của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Có khả năng tôn tạo và phục hồi hoàn chỉnh.

- Có công trình kiến trúc nhà ở, đình chùa, miếu, cổng, giếng… có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa.

- Các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú , có ý nghĩa lịch sử. Tiêu biểu là vùng đất 2 vua và nhiều danh nhân khác, lối sống cộng đồng, quan hệ dòng họ, hoạt động lễ hội, truyền thuyết, văn hóa ẩm thực.

- Có giá trị tiêu biểu về việc sử dụng các vật liệu truyền thống trong xây dựng. Có giá trị thể hiện phương thức phát triển của một mô hình cư trú truyền thống có giá trị hàng ngàn năm.

- Có giá trị về không gian và cảnh quan đặc sắc với không gian đường làng ngõ xóm, cổng, đồng ruộng, rộc, địa hình cảnh quan sông, hồ, cầu, cây xanh, mặt nước thiên nhiên đẹp, phong phú.

- Tiêu biểu cho một mô hình cư trú dân cư nông nghiệp với mối quan hệ sinh thái nhân văn phát triển bền vững. Quan hệ dân cư - đồng ruộng, ở - sinh hoạt - sản xuất, con người - thiên nhiên có mối lien hệ mật thiết và tác động tương hỗ trong quá trình tồn tại phát triển. Có khả năng khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên.


Văn Dũng (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc