Dấu hỏi lợi nhuận ngân hàng 2011

15:15 | 08/11/2011

524 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không bất ngờ, nếu năm nay nhiều ngân hàng không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, dù chỉ tiêu đầu năm đặt ra đã có sự thận trọng.

Những con số hàng nghìn tỉ đồng lợi nhuận có vẻ lớn về giá trị tuyệt đối, nhưng chưa hẳn đã cân đối với một cơ thể liên tục “tăng cân” những năm gần đây

Đến thời điểm này, báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm đã được nhiều ngân hàng thương mại công bố. Điểm chung dễ thấy: áp lực hoàn thành chỉ tiêu đang dồn về quý còn lại của năm 2011.

Không còn bứt phá

Những năm 2007 trở về trước, hoạt động ngân hàng có một “thông lệ” gắn với yếu tố mùa vụ, nửa cuối năm là giai đoạn bứt phá mạnh mẽ của việc thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh. Nhưng, từ năm 2008 trở lại đây, sự mạnh mẽ đó được thay bằng chật vật, căng thẳng cán đích và cả những quyết định phải hạ chỉ tiêu lợi nhuận.

Năm nay, thực tế diễn ra đang cho thấy chưa có những dấu hiệu của sự trở lại “thông lệ” đó, thậm chí còn khó khăn hơn. Hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận tại nhiều nhà băng vẫn là một dấu hỏi lớn.

Tính đến hết 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đã đạt 2.293 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Con số chỉ tiêu đề cập đầu năm nay là 4.000 tỉ đồng, một khoảng cách lớn đang đặt ra cho 3 tháng còn lại. Tại Ngân hàng Quân đội (MB), con số tương tự là 1.776 tỉ đồng sau 9 tháng, mục tiêu cả năm là 2.900 tỉ đồng. Tại Ngân hàng Á châu (ACB) phần đã thực hiện là 2.565 tỉ đồng còn đích hẹn là 4.100 tỉ đồng. Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lũy kế 9 tháng của riêng ngân hàng là 2.147,6 tỉ đồng, còn chỉ tiêu chung theo nghị quyết cho năm nay là 2.700 tỉ đồng. Tại Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng là 1.000,24 tỉ đồng, còn kế hoạch 2011 là 1.300 tỉ đồng. Tại Ngân hàng Nam Việt (Navibank) 9 tháng đạt 197,1 tỉ đồng, mục tiêu dự kiến đưa ra đầu năm là 276 tỉ đồng…

Với mỗi thành viên, đoạn đường còn lại theo chỉ tiêu xa gần khác nhau. Còn ở tình hình chung, thử thách lớn đang đặt ra cho khả năng đạt đích. Bởi kết quả cuối cùng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, mà thời gian còn lại của năm là rất ngắn.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn nói rằng, lợi nhuận năm nay của một số ngân hàng sẽ có sự níu kéo từ yêu cầu trích lập dự phòng gia tăng. “Đơn cử như đã một năm trôi qua, thực tế cho thấy Chính phủ đã không “cứu” các khoản vay của Vinashin. Điều này buộc những ngân hàng liên quan phải trích lập một cách nghiêm túc, đầy đủ và lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng”, vị phó tổng này đưa ra ví dụ cụ thể.

Rộng hơn, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã và đang có xu hướng gia tăng. Điều này có thể nhận thấy ở các báo cáo tài chính quý 3/2011 đã công bố, đi cùng với đó là sự đội lên của chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Thêm nữa, câu hỏi chung cũng đang đặt ra ở kết quả hợp nhất. Nhiều ngân hàng hiện đều đã có các thành viên trực thuộc là công ty chứng khoán, công ty bất động sản. Khó khăn nổi bật ở hai lĩnh vực này trong năm nay dự kiến sẽ phản ánh bất lợi vào kết quả lợi nhuận hợp nhất, cũng như ở khó khăn khi thực hiện chỉ tiêu chung cả năm.

Cân bằng hơn là xoay chuyển

Nối liền từ năm 2008 đến nay, hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận là áp lực đè nặng tại các ngân hàng thương mại, dù đã có sự thận trọng trước khi xác định. Đi cùng với đó là thử thách đang đặt ra cho dài hạn.

Bối cảnh chung của nền kinh tế một phần, trực tiếp hơn là sự thay đổi của chính sách tiền tệ. Năm 2011, lần đầu tiên trong hơn 15 năm qua tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán dự kiến sẽ tạo sự đứt gãy rõ rệt. Tăng trưởng tín dụng bị khống chế dưới 20%, thực tế chung cả hệ thống dự tính chỉ khoảng 12% năm nay, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh lãi của các ngân hàng.

Tại hầu hết các thành viên hiện nay, tỉ trọng nguồn thu từ tín dụng vẫn còn chiếm tới 80% – 90%. Năm 2012, dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thậm chí còn thấp hơn 2011, chỉ khoảng 15% – 17%. Thử thách tiếp tục được đặt ra, các ngân hàng buộc phải tăng cường dịch chuyển, mở rộng các nguồn thu phi tín dụng. Đáng chú ý là yêu cầu này không phải đến nay mới được nói tới.

Ngay cả trong tín dụng, mảng tạo khả năng sinh lãi cao nhất là phi sản xuất trong năm nay cũng đã bị siết chặt. Thế nên, một số người trong cuộc vẫn nói rằng, từ nay đến cuối năm phải lo cho được các giới hạn quy định, lo thu hồi nợ và rút tỉ trọng xuống hơn là tính chuyện tăng tốc lợi nhuận theo chỉ tiêu.

Ở tỉ lệ lãi biên, thoạt nhìn, các ngân hàng hiện nay đang thu lãi rất lớn. Lãi suất huy động đầu vào tối đa chỉ 14%/năm, cho vay đầu ra lên tới 20% – 22%/năm. Nhưng, như phân tích của Ủy ban Kinh tế đưa ra mới đây, các nhà băng cần có một thời gian để có thể “tiêu hóa” hết lượng vốn huy động lãi suất cao vừa qua, mức đầu vào 14%/năm đó mới chỉ được làm nghiêm hơn tháng trở lại đây. Tỉ lệ lãi biên bình quân năm nay theo đó có thể cũng chỉ xoay quanh mốc 3%.

Tín dụng khó, nguồn phi tín dụng còn mỏng, áp lực đảm bảo lợi nhuận càng tăng. Và thử thách liên quan đang đặt ra với nhiều ngân hàng là yêu cầu giữ cân đối các chỉ số tài chính cơ bản hơn là xoay chuyển được tình thế hiện nay; đó là chưa nói đến việc giữ mình trước môi trường rủi ro có xu hướng gia tăng, từ nợ xấu, từ sự tương tác với thị trường bất động sản, chứng khoán…

Những con số hàng nghìn tỉ đồng lợi nhuận công bố có vẻ lớn về giá trị tuyệt đối, nhưng chưa hẳn đã cân đối với một cơ thể liên tục “tăng cân” trong những năm gần đây. Thực tế, theo tài liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, so sánh hai chỉ số ROE (tỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) và ROA (tỉ số lợi nhuận ròng trên tài sản) của ngành ngân hàng với 21 ngành khác của nền kinh tế, ROE của họ chỉ ở mức trung bình (thứ 11/21), còn ROA thì ở mức thấp nhất.