Dấu hiệu rạn nứt giữa Nga và Iran?

17:27 | 22/08/2016

5,206 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa đầy một tuần sau khi Iran cho phép Nga sử dụng căn cứ quân sự của nước này để tấn công IS và các lực lượng đối lập ở Syria, liên minh Moskva-Tehran, vốn làm phương Tây lo sốt vó hồi tuần trước, đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu rạn nứt.
tin nhap 20160822172343
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan (phải) và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu trong một lần gặp

Phát biểu trên truyền hình Kênh 2 của Iran ngày hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan tỏ ra không hài lòng vì Nga công khai việc sử dụng căn cứ không quân của nước này để tấn công khủng bố ở Syria.

Theo ông Dehghan thì Nga “phô trương thái quá” trong nỗ lực như là muốn “thể hiện vai trò siêu cường”. "Tất nhiên, người Nga muốn thế hiện họ là một siêu cường, một quốc gia có ảnh hưởng và đang tích cực tham gia vào các vấn đề an ninh trong khu vực cũng như thế giới. Tuy nhiên, có một kiểu thái độ khoe khoang, thể hiện và thiếu cân nhắc đằng sau việc thông báo thông tin đó”- ông Dehghan nói.

Tin mới nhất từ hãng tin TASNIM nói Iran có thể đã chấm dứt việc cho phép Nga sử dụng lãnh thổ nước này trong các chiến dịch quân sự tại Syria.

Ngày 16/8, những máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga đã có lần xuất phát đầu tiên từ Iran để thực hiện những cuộc không kích ở Syria. Bộ Quốc phòng Nga cho biết những cuộc không kích xuất phát từ căn cứ không quân Hamedan nhắm mục tiêu vào những phần tử chủ chiến IS và các nhóm vũ trang chống chính quyền tại Syria.

Việc Nga là nước đầu tiên có căn cứ quân sự tại Iran kể từ sau Thế chiến thứ 2, có ý nghĩa quan trọng cả về quân sự và ngoại giao, vì liên minh Nga - Iran thể hiện vị thế của cả hai nước về vấn đề Syria. Kiểu liên minh này đối lập với kiểu liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu bị Nga đánh giá là yếu kém. Trên thực tế, Nga và Iran có nhiều bất đồng, đặc biệt về mục tiêu tấn công hoặc vai trò trao cho Tổng thống Al-Assad. Nhưng đối với cả Nga và Iran, liên minh lần này dựa trên sự tin cậy lẫn nhau.

Từ khi ký thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, Mỹ đã rút ra khỏi khu vực, điều này có lợi cho Nga. Với sự hiện diện đương nhiên trong khu vực, Moskva có được toàn bộ ưu thế vì Trung Đông đã trở thành khu vực để Nga khẳng định sức mạnh trên trường quốc tế. Điều đó có nghĩa là đó không phải là một chiến lược thực sự do Nga lên kế hoạch mà Nga có được là do khôn khéo về chiến thuật khi cơ hội đến với nước này. Về phía Iran, liên minh với Nga cho phép Iran thể hiện khả năng can thiệp của chính quyền và vai trò xây dựng của nước này trong khu vực.

Sự hợp tác cao nhất của Nga với Iran đã khiến Mỹ lo ngại và tìm cách phá rối. Báo New York Times tuần trước viết, các quan chức chóp bu Mỹ từng nói rằng đối với họ, sự hợp tác quân sự giữa Nga và Iran không phải là điều bất ngờ, nhưng rõ ràng việc máy bay Nga cất cánh từ căn cứ Iran đi tiêu diệt IS đã khiến Nhà Trắng choáng váng vì không bao giờ lường đến tình huống này.

Tuy nhiên, mối quan hệ bất ngờ này đang xuất hiện dấu hiệu rạn nứt.

Nh.Thạch

AP, AFP, Reuters