Đấu giá và sự minh bạch

07:51 | 11/11/2017

1,279 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xin mở đầu bài viết này bằng câu chuyện xảy ra mới đây tại Jerusalem, bút tích của nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein đã được bán đấu giá với giá cao bất ngờ 1,56 triệu USD, trong khi trước đó, người ta dự kiến chỉ bán được với giá từ  5.000-8.000 USD.

Bút tích này chỉ có vài chục từ và được viết ra trong một hoàn cảnh bình thường như không thể bình thường hơn. Đó là một lần vào năm 1922, nhân viên đưa thư người Nhật Bản đã tới khách sạn Imperial (Tokyo) để chuyển cho Einstein một bức thư. Không rõ là do văn hóa địa phương mà người đưa thư từ chối nhận tiền boa hay do Einstein không có tiền lẻ, ông vẫn không muốn người đưa thư ra về tay không. Vì thế, ông đã tự tay viết một lời khuyên tặng người đưa thư và nói: “Có thể nếu anh may mắn, những dòng ghi chú này sẽ có giá trị hơn nhiều một khoản tiền boa thông thường”.

dau gia va su minh bach
Bút tích của nhà khoa học Albert Einstein

Dòng nhắn nhủ của Albert Einstein nói rằng, ở Đức “một cuộc sống giản dị và yên bình mang lại nhiều niềm vui hơn việc theo đuổi thành công bị ràng buộc bởi những bất ổn không ngừng nghỉ”.

Dĩ nhiên, người đưa thư coi đấy là vật kỷ niệm quý giá cho đến gần 100 năm sau, do một hoàn cảnh nào đó, người nhà của người đưa thư ngày nào đã mong muốn đấu giá bút tích này.

Nêu ra câu chuyện để thấy rằng, trong nền kinh tế thị trường, đấu giá là phương pháp xác định giá trị của món hàng chưa biết giá hoặc giá trị thường thay đổi. Giá cả hàng hóa chỉ có thể thể hiện gần đúng nhất một khi được định giá bằng quan hệ cung cầu trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai và minh bạch.

Từ đấy, lại liên hệ với chuyện mới đây ở Việt Nam mình. Đó là nghe tin Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có công văn yêu cầu tạm thời dừng triển khai việc bán đấu giá tài sản của Hãng Phim truyện Việt Nam đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam.

Tin này đã khiến nhiều người không khỏi cảm thấy ngỡ ngàng, bởi cách đây ít lâu, Chính phủ đã yêu cầu thanh tra lại toàn bộ quy trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) đầy tai tiếng trong suốt thời gian qua. Vậy nay tại sao vẫn có những ai đó ngấm ngầm vi phạm?

Tìm hiểu ra thì được biết, trong quá trình cổ phần hóa, nhiều tài sản của hãng phim đã không tính vào giá trị doanh nghiệp là do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định, gồm phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, vật tư hàng hóa..., với giá khởi điểm chưa đến... 800 triệu đồng!

Một câu hỏi được đặt ra, vì sao còn hai loại tài sản “khủng” của hãng phim đã không tính vào giá trị doanh nghiệp lại không được đưa vào danh sách đấu giá này, đó là quyền ưu tiên được thuê nửa vạn mét vuông đất vàng ven Hồ Tây cùng nhiều mảnh đất giá trị khác, bên cạnh đó là giá trị thương hiệu của Hãng Phim truyện Việt Nam, trong đó có toàn bộ bản quyền của gần 400 bộ phim quý giá?

Có người giải thích, đất đó là của Hà Nội cho thuê, không phải của bộ, cũng không phải là của hãng phim nên không đấu giá được.

Những người am hiểu về thị trường này đều khẳng định, quyền ưu tiên được thuê mảnh đất đáng giá cả nghìn tỉ đồng, nếu đấu giá vẫn có người quan tâm chứ không đến nỗi bằng con số 0 tròn trĩnh như đã được định đoạt.

Còn về giá trị thương hiệu, rõ ràng cũng đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhưng lần này cũng không có trong danh sách đem ra đấu giá. Đây là một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ vì tại buổi làm việc với lãnh đạo bộ, ngành, VFS và Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ năm ngoái, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát lại việc xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị thương hiệu mang tính lịch sử của hãng phim. Tuy nhiên, các bộ đều báo cáo là chưa có tiền lệ nên chỉ có thể xác định theo cách tính thông thường, với giá trị thương hiệu bằng 0.

Đến đây, chắc hẳn nhiều người liên tưởng đến cuộc tổ chức bán đấu giá bút tích của Einstein. Đây vốn là chỉ là một kỷ niệm liên quan đến danh tiếng của một nhà khoa học, không thể lấy ý chí chủ quan để định được giá. Nếu không đưa ra đấu giá, người ta chỉ có thể nghĩ đến con số 5.000-8.000 USD, nhưng thực tế đã cao hơn cả trăm lần.

Chẳng thế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo về vấn đề này: "Các bộ phải bắt tay vào xác định lại giá trị thương hiệu, không thể để tình trạng nhân dân, văn nghệ sĩ đặt vấn đề là những gì Nhà nước bán thì xác định giá trị thấp, trong khi những gì Nhà nước mua thì giá rất cao".

dau gia va su minh bach

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Hình thức BT được hiểu đơn giản là đổi đất lấy hạ tầng. Tôi thấy ở đây có 2 vấn đề nổi cộm về định giá. Thứ nhất, hạ tầng hay chính là công trình thì giá là bao nhiêu? Hay do chủ đầu tư cứ khai bao nhiêu thì nó là thế? Thứ hai, đất được định giá như thế nào, ai là người định giá?

Nếu để hai bên có sự móc ngoặc với nhau thì trong những sự vụ này có lắm chuyện, người ta nâng giá của hạ tầng lên và hạ giá của đất đai xuống, như thế, nhà đầu tư sẽ hưởng lãi vô số, dĩ nhiên họ không hưởng lợi một mình mà sẽ chia bớt lợi nhuận cho bên giao đất. Thực tế, giá của thị trường không chỉ phụ thuộc vào cơ chế giá cả mà còn phụ thuộc vào cơ chế cạnh tranh, có cạnh tranh mới ra được đúng giá thị trường, thế nhưng đổi đất lấy hạ tầng hiện tại ở nước ta là không có cạnh tranh. Do đó, giá ấy không phải là giá thị trường nên bị lợi dụng và tạo điều kiện cho tham nhũng”.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc