Đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ:

Đau đáu nỗi niềm bảo tồn ca trù Việt

17:00 | 05/02/2017

1,081 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ lâu Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Đẹ, 94 tuổi, ở thôn Cao La, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ, Hải Dương) đã được mệnh danh “đệ nhất danh cầm” của nghệ thuật ca trù. Gần một thế kỷ qua, cụ Đẹ luôn sống trong không gian, hơi thở của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Khi tuổi đã “đèn khuya hắt bóng” cụ vẫn trăn trở, đau đáu nỗi niềm bảo tồn nghệ thuật ca trù Việt của cha ông.

Trăm năm réo rắt tiếng đàn

Chúng tôi được người dân trong thôn chỉ thẳng đến ngôi nhà của nghệ nhân trăm tuổi. Vừa bước qua cánh cổng hẹp, chúng tôi bắt gặp một cụ già tóc bạc trắng, gương mặt đã phủ đầy những nếp nhăn và lấm tấm những hạt đồi mồi. Một người con của cụ đang khẽ xoa bóp tay, chân.

Chúng tôi ngỏ ý muốn hầu chuyện cụ về ca trù, như có luồng điện, cụ liền ngồi thẳng dậy bảo: “Đã lâu chẳng có ai đến hỏi chuyện về ca trù rồi”. Tôi nghe thấy trong lời nói của cụ Đẹ dường như có sự thảng thốt, nuối tiếc.

Sinh ra trong một gia đình có bốn đời theo nghiệp ca trù, đến đời cụ Đẹ là đời thứ tư. Những âm thanh của nhịp phách, lời hát, tiếng trống, tiếng đàn sâu lắng, thánh thót của ông nội, cha, mẹ và nhiều nghệ nhân trong giáo phường đã nuôi dưỡng, thấm đẫm tâm hồn cậu bé Nguyễn Phú Đẹ. Những làn điệu ca trù “Tỳ bà hành”, “Hồng hồng, tuyết tuyết”, “Bất năng nhẫn”… đã theo suốt tuổi thơ của cậu bé.

dau dau noi niem bao ton ca tru viet
Nghệ nhân và NSƯT Đỗ Quyên trong một buổi biểu diễn ca trù

Tuy được sống trong không khí, hơi thở của ca trù, nhưng mãi đến hơn 10 tuổi, cậu bé Đẹ và anh trai là Nguyễn Phú Đọ mới được ông nội là Nguyễn Phú Tằng và cha là Nguyễn Phú Quỳnh dạy cho những ngón nghề chơi đàn đáy. Với tố chất thiên bẩm, cậu bé Đẹ tiếp thu rất nhanh, từ những điều cơ bản như cung bậc thang âm đến những kỹ thuật khó hơn như nhấn, chùn, rung, vẩy, chụp và cách cảm thụ, cách thẩm âm điệu réo rắt của tiếng đàn đáy, tiếng tom, chát của trống chầu. Dần dần, các ngón đàn của cậu ngày càng điêu luyện.

Vài năm sau, Đẹ và người anh đã trở thành những kép đàn trẻ giỏi nghề và được đi khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh thành để biểu diễn. “Từ năm 1945 trở về trước, ca trù thịnh lắm. Từ đám cưới, đám hỏi, đám khao lên lão, khao thưởng, hội làng… đâu đâu cũng mời các giáo phường ca trù về biểu diễn. Họ đối đãi tử tế với các giáo phường lắm. Mỗi buổi đi hát, đi đàn được trả công cả đồng bạc. Mỗi năm có 12 tháng thì 6 tháng chúng tôi rong ruổi khắp các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên để biểu diễn”, cụ Đẹ nhớ lại thời huy hoàng của ca trù.

Đến những năm kháng chiến chống Pháp, nghệ thuật ca trù mai một, những giáo phường ca trù, những đào kép, ca nương không còn “đất dụng võ” nữa, đành treo đàn, chuyển sang cày cuốc mưu sinh. Một ngày, giặc tràn vào nhà cướp bóc, thấy đàn treo trên tường, chúng lôi xuống đập tan. Đàn đã vỡ chẳng còn gì níu kéo tâm hồn. Rồi giặc dã liên miên, nỗi lo cơm áo, khiến người kép đàn Nguyễn Phú Đẹ quên hẳn nghề đàn hát ca trù.

Tưởng rằng nghiệp đàn hát ca trù sẽ vĩnh viễn trôi vào quên lãng, nhưng đến năm 1995, huyện Tứ Kỳ có chủ trương khôi phục lại bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Lúc đó trong huyện không mấy ai biết đàn, biết hát. Rất may một người trong xã biết danh cầm Nguyễn Phú Đẹ đã giới thiệu với cán bộ phòng văn hóa huyện. Từ đó, người kép đàn tài hoa năm xưa lại có dịp thăng hoa, được sống trong không gian đầy ắp tiếng đàn, lời ca, nhịp phách, tiếng trống chầu khi đã qua tuổi “cổ lai hi”. Cụ Đẹ nhớ lại: “Họ cấp tiền để tôi mua đàn. Tôi về thuê thợ mộc đóng cây đàn đáy mới và từ đó tôi bắt đầu chơi đàn trở lại”.

dau dau noi niem bao ton ca tru viet
Tuổi ngoài 90 song cụ Đẹ vẫn luôn đau đáu với nghệ thuật ca trù

Ngót 50 năm không được sờ vào phím đàn, nay lại được chơi đàn trở lại, cụ Đẹ như được hồi sinh. Cụ hứng khởi, say mê, miệt mài tập luyện những ngón đàn vang danh thuở trước. Cụ nhớ lại những bài, những làn điệu ca trù cổ. Rồi cụ tập hợp những người yêu thích ca trù để thành lập Câu lạc bộ (CLB) Ca trù để cùng tập luyện. Ai không biết đàn, biết trống thì cụ dạy đàn, dạy trống. Ai không biết hát, biết gõ phách thì cụ dạy hát, dạy gõ phách. Sau đó, cụ cùng các thành viên CLB tham gia biểu diễn ca trù mỗi khi trong thôn, xã, huyện tổ chức các hoạt động. Tiếng lành đồn xa, cụ Đẹ và CLB ca trù còn được khắp nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ mời về biểu diễn.

Những ngón đàn tuyệt kỹ của cụ khiến dân ca trù và công chúng nghe mê mẩn. Cụ Đẹ được biết đến là cây đàn đáy số 1 Việt Nam, một trong những nghệ nhân nguyên bản hiếm hoi của bộ môn nghệ thuật ca trù. Cụ cũng là kép đàn duy nhất có thể đeo đàn đứng hát trong nghi lễ hát cửa Đình. Thành công cứ theo đó đến với cụ như một lẽ tất yếu. Năm 2005, cụ Đẹ đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca trù toàn quốc. Năm 2006, cụ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2009, Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ được Học viện Âm nhạc Việt Nam mời về dạy nhằm chuẩn bị cho tiến trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2010, cụ được tặng giải thưởng Đào Tấn. Năm 2015, cụ Đẹ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Trò chuyện với cụ Đẹ, chúng tôi hiểu các giải thưởng, danh hiệu chỉ là niềm động viên, còn mục đích của cụ khi trở lại với ca trù là để khơi ngợi cho các thế hệ trẻ về giá trị của nghệ thuật truyền thống, để họ giữ gìn, chăm chút, bảo tồn nghệ thuật ca trù Việt. Đó mới là điều cụ đau đáu. Bởi vậy, hơn 20 năm qua, bất chấp tuổi tác, sức khỏe và quỹ thời gian không còn nhiều, cụ nhiệt tình truyền dạy đàn, hát ca trù cho các thế hệ trẻ cũng vì mục đích này.

Hồi mới thành lập CLB Ca trù, cụ Đẹ tổ chức dạy đàn, hát ca trù cho các thành viên CLB. Sau đó, cụ còn mở lớp dạy hàng chục, con cháu trong dòng họ, trong làng. Giai đoạn ấy, lúc nào ở nhà cụ cũng đầy ắp tiếng đàn, tiếng trống, nhịp phách hòa cùng tiếng hát trong trẻo, hồn nhiên của các cháu, khiến cụ Đẹ vui mừng khôn xiết.

Trong số những người cháu mà cụ Đẹ đã dạy, có ca nương Nguyễn Thị Chiêm là người lĩnh hội và gắn bó với ca trù nhiều nhất, lâu nhất. Do được ở gần ông ngoại, từ bé Chiêm đã được nghe ông đàn, hát ca trù. Dần dần cô bé Chiêm yêu thích môn nghệ thuật này lúc nào không hay. Rồi Chiêm cũng tập hát, tập gõ phách và cũng tham gia CLB để đi biểu diễn. Chiêm thuộc khá nhiều lối hát của ca trù từ hát chơi, hát nói, hát miễu… Năm 2007, Chiêm đã đoạt huy chương Bạc trong liên hoan các câu lạc bộ ca trù toàn quốc.

dau dau noi niem bao ton ca tru viet
Nghệ nhân biểu diễn cùng học trò Phạm Thị Huệ trong ngày ra mắt CD “Ca trù - singing house”

Hiện nay, ca nương Nguyễn Thị Chiêm vẫn tích cực tham gia CLB Ca trù. Ngoài ra, cô còn nhận dạy cho 1 lớp ca trù của Trường Tiểu học Dân Chủ. Chiêm bảo, em rất vui, vì được tiếp nối tinh thần của ông em trong việc giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật ca trù.

Không chỉ dạy cho các cháu trong họ, trong làng, cụ Đẹ còn nhiệt tình dạy cho nhiều người thuộc các CLB trong huyện, trong tỉnh. Nhiều giáo phường ca trù của Hà Nội, Hải Phòng cũng tìm đến “tầm sư” để học đàn, học hát. Cụ Đẹ dạy hết ngón nghề, tuyệt kỹ chơi đàn đáy cùng các lối hát của ca trù.

Trong số học trò mà cụ đã dạy, cụ Đẹ cũng chỉ ưng ý một vài học trò, bởi những người này có tâm, kiên trì theo học. Đó là kép đàn Phạm Đình Hoằng và đào đàn Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thăng Long.

Năm 2005, chị Phạm Thị Huệ nghe danh tiếng cụ Đẹ nên chị đã về xin bái sư. Sau khi nghe chị Huệ đàn, cụ Đẹ đã nhận chị làm học trò. Cụ truyền dạy cho chị Huệ những tuyệt kỹ chơi đàn đáy. Năm 2006, cụ Đẹ cùng với nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và chị Phạm Thị Huệ cùng thành lập CLB Ca trù Thăng Long (năm 2010 CLB nâng cấp thành Giáo phường Ca trù Thăng Long). Họ truyền dạy cho thế hệ trẻ những kiến thức về nghệ thuật ca trù và tiếp lửa để họ hiểu và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, Giáo phường Ca trù Thăng Long hoạt động biểu diễn khá bài bản, có lịch biểu diễn hàng tuần tại một số điểm ở khu phố cổ của Hà Nội. Các điểm diễn của giáo phường thu hút khá đông du khách nước ngoài.

Ngoài ra, năm 2011 cụ Đẹ cùng với học trò Phạm Thị Huệ phát hành CD đầu tay mang tên “Ca trù Singing house” nhằm phổ biến nghệ thuật ca trù đến đông đảo công chúng.

Ở tuổi 92, sức khỏe cụ Đẹ yếu đi nhiều nhưng cụ vẫn nhiệt tình trong việc truyền dạy nghệ thuật ca trù. Năm 2014, CLB Ca trù Hải Phòng đã về tận nhà cụ Đẹ để nhờ cụ dạy và phục dựng lối hát cửa đình từ lâu bị mai một. Hơn 4 tháng miệt mài tập luyện, các đào kép, ca nương của CLB đã được cụ Đẹ truyền dạy những kiến thức về kỹ thuật buông hơi, nhả chữ và những nghi thức của lối hát cửa đình cổ. Nhờ vậy, CLB Ca trù Hải Phòng đã phục dựng thành công không gian hát cửa đình. Buổi biểu diễn tại đình Hàng Kênh diễn ra vào ngày 14-1-2015 đã được các nhà chuyên môn, công chúng đánh giá cao.

Cuối buổi trò chuyện, cụ Đẹ đàn tặng chúng tôi một khúc nhạc ca trù. Những ngón tay gầy guộc của cụ lướt trên phím đàn réo rắt lúc trầm lúc bổng. Tôi cảm nhận giữa cụ Đẹ và cây đàn đáy thân thuộc dường như có mối giao cảm lạ kỳ, như hòa làm một để tạo lên khúc nhạc tuyệt vời.

Minh Tiến - Việt Cường

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.