Dấu chân thầm lặng

07:07 | 12/08/2015

2,684 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau vụ việc Huổi Khon (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), hoạt động tôn giáo, xưng vua đón chúa, di dân tự do… trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn âm ỉ diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Nhưng từ năm 2012 đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của Công an tỉnh Điện Biên, đặc biệt là lực lượng an ninh - những người đã kiên trì bám bản, bám rừng, “nếm mật nằm gai” với ruồi vàng, bọ chó trong nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình - tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã cơ bản ổn định trở lại!

Để Mường Nhé bình yên

Để Mường Nhé bình yên

Vụ việc gần 7.000 bà con người Mông bị lôi kéo tụ tập trái phép, gây mất trật tự ở khu vực bản Huổi Khon (xã Nậm Kè, Mường Nhé) năm 2011 đã khép lại. Mường Nhé bây giờ đã bình yên. Việc này cho thấy, công tác phòng, chống phản động, chống âm mưu tôn giáo hóa dân tộc nơi vùng cao biên giới chưa bao giờ và không bao giờ là đơn giản…

Kiên trì bám trụ

Nếu như vụ việc ở bản Huổi Khon (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) được biết đến là cuộc di cư tự do, tụ tập đông người theo lời tuyên truyền, kích động của bọn phản động, phần tử xấu. Rồi người ta nhắc đến cái khổ, cái cực trong suốt một tuần liền ăn nắng, nằm mưa mà người dân đã phải trải qua. Nhưng có một điều chẳng mấy người nói đến là những ngày vô cùng gian khổ, kiên trì bám trụ, tuyên truyền vận động đồng bào của lực lượng an ninh. Và có một điều chắc chắn, nếu không có sự kiên trì, bản lĩnh, rồi không hiểu, không cảm thông với bà con, xác định bà con là đồng bào chứ không phải kể thù thì cái kết ở Huổi Khon sẽ ra sao.

Trong cái nắng nhẹ của một ngày đầu tháng 7, chúng tôi lên Điện Biên tìm gặp những con người này để nghe họ nói, họ kể về vụ việc một thời thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Vụ việc đã trôi qua 4 năm nhưng với họ, Huổi Khon mới như vừa diễn ra ngày hôm qua.

Dấu chân thầm lặng
Công an huyện Mường Nhé tổ chức tiếp nhận, thu hồi vũ khí trong đồng bào dân tộc tại xã Mường Nhé

Nhắc đến Huổi Khon họ thương hơn giận. Giận vì bà con mộng mị, khờ khạo tin theo luận điệu về ngày tận thế 21-10-2011, rồi hòn đá lớn hóa thành con trâu, con bò, hòn đá nhỏ hóa thành vàng bạc, lúa ngô mọc khắp nương rẫy… trong ngày “Vàng Chứ” hạ trần. Thương vì bà con kém hiểu biết, vì cuộc sống còn nghèo, còn khổ nên dễ bị các đối tượng phản động, phần tử xấu lừa phỉnh, lôi kéo, kích động. Vì thương bà con nên trong suốt quá trình diễn ra vụ Huổi Khon, dù phải trải qua những ngày tháng vô cùng khắc nghiệt, phải phơi mình trong cái nắng vỡ đầu hay những đêm dầm mình trong mưa thối đất, thối cát của vùng rừng núi Tây Bắc, họ đã kiên trì bám trụ với bà con, kiên trì tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục bà con. Để rồi sau đó, cùng với những diễn biến ở Huổi Khon, người dân đã hiểu cái viễn cảnh về một miền đất mà ở đó đá biến thành vàng bạc, thành trâu bò… chỉ là ảo tưởng. Vụ việc Huổi Khon nhờ đó đã khép lại không một tiếng súng, không một người bị thương!

Trung tá Mùa A Páo - Đội trưởng Đội An ninh (Công an huyện Mường Nhé), người tham gia vụ Huổi Khon ngay từ giây phút đầu tiên vẫn như in thời khắc anh cùng đồng đội lên lập chốt, dựng lán giáp mặt với bà con ở Huổi Khon. Nơi người dân tập trung là một khu đất rộng chừng 600-800m2, là khu nội bất xuất, ngoại bất nhập, đông kịt người (khi vụ việc kết thúc, cơ quan chức năng thống kê được hơn 7.000 người có mặt tại đây - PV). Thời tiết nắng mưa thất thường. Ngày nắng như đổ lửa, bụi mù mịt, nhưng tối đến lại mưa dầm dề, trơn trượt nhão nhoét... Đường vào khu đất nơi bà con tụ tập là đường đất đỏ độc đạo; tre, nứa dọc hai bên đường được người dân phát nhọn như trông.

Dấu chân thầm lặng
Tác giả trao đổi với Trung tá Mùa A Páo

Để đề phòng lực lượng chức năng xâm nhập vào Huổi Khon, các đối tượng cầm đầu đã chỉ đạo bà con đào một giao thông hào, cắt ngang con đường và chỉ để một lối đi nhỏ rộng chừng 60cm. Chúng còn cho lập hàng rào barie cách giao thông hào chừng 20m. Ở đây, chúng bố chí tuyến đầu là hàng chục người già, trẻ nhỏ và sâu về phía sau chừng 50m là mấy chục thanh niên. Còn các đối tượng cầm đầu thì lui lại mãi phía sau, thậm chí sau này, khi tiến hành rà soát, một số đã cao chạy xa bay từ bao giờ, chúng bỏ người dân lại trong cảnh khốn khổ tột cùng, lương thực, thực phẩm hầu như không còn gì. Và chắc rằng, nếu vụ việc không sớm khép lại, chỉ thêm một vài ngày, bà con không chết vì đói thì cũng chết vì ốm đau, dịch bệnh vì khu vực này khi đó ô nhiễm vô cùng.

Anh Páo lên Huổi Khon vào ngày 4-6-2011, còn trước đó, sau khi nhận được lệnh của cấp trên, anh đã có mặt tại các chốt ở bản Phiên Vai (Nậm Kè), cầu Thung Lay (ngã ba vào Huổi Khon) và cầu Huổi Khon. Chốt của lực lượng an ninh ở Huổi Khon nằm cách barie do bà con lập nên chỉ chừng 10-15m. Chốt có 6 người gồm anh Páo và 2 đồng chí cơ động của bộ, 2 đồng chí cơ động của tỉnh cùng 1 đồng chí của Cục An ninh Tây Bắc. Diễn biến tình hình lúc ấy rất căng thẳng, tâm lý bà con bị kích động do bị tuyên truyền là chính quyền điều lực lượng lên để trấn áp, “tắm máu” người dân. Bà con vì thế liên tục ném ánh mắt hầm hè, đầy thù địch về phía cán bộ, chiến sĩ an ninh trực chốt.

“Thật khó diễn tả được tình hình lúc đó, mọi thứ vô cùng căng thẳng, có thể nói là vô cùng nguy hiểm. Nó như một quả bom nước và chỉ một va chạm nhỏ thôi cũng có thể nổ tung, hàng ngàn người trong trạng thái kích động mà xông ra thì hậu quả không biết đâu mà lường” - anh Páo nhớ lại.

Dấu chân thầm lặng
Thượng tá Sùng A Lềnh

Hai bên giáp mặt chỉ cách nhau vài bước chân. Bên kia là hàng trăm, hàng ngàn người đang trong tâm trạng kích động. Còn bên này thì chỉ có vỏn vẹn 6 chiến sĩ. Đã có không ít ý kiến cho rằng, nên cho lực lượng dùng biện pháp mạnh xông vào, khống chế cục diện để tránh tình huống xấu có thể xảy ra. Nhưng lúc đó, tận sâu trong suy nghĩ của mỗi cán bộ không một chút dao động. Nhìn cảnh người già, trẻ nhỏ nheo nhóc ngâm mình dưới cái nắng nóng lên tới 34-350C, giữa khu đồi trọc, đêm lại mưa như trút nước, đồ ăn thức uống cũng chẳng có gì thì chỉ thấy thương, thấy xót, thấy căm phẫn bọn cầm đầu, bọn phản động, phần tử xấu đang tâm lừa phỉnh, đẩy bà con vào cảnh khốn cùng, thiếu thốn, đói khổ. Nhưng thương rồi lại lo, lo không biết rồi đây, khi trở về địa phương bà con sẽ lấy gì để mà sống. Ruộng nương sau nhiều ngày bỏ bê gần như chẳng còn gì. Trâu bò đem bán được ít tiền thì cũng bị lừa gạt lấy hết, có còn để lại thì giờ trở về chắc cũng chẳng còn gì.

Là một trong những người trực tiếp có mặt ở Huổi Khon, Thượng tá Lò Văn Khiêm - Phó trưởng phòng Phòng Chống bạo động và chống phản loạn (Công an tỉnh Điện Biên) cho hay: Công việc của tôi là đi khảo sát địa hình quanh khu vực người dân tập trung, vẽ bản đồ và trực tiếp báo cáo với lãnh đạo cấp trên để xây dựng phương án xử lý. Vì Huổi Khon gần như là khu biệt lập, nội bất xuất, ngoại bất nhập nên để thực hiện nhiệm vụ, ngày ngày tôi phải đi bộ hàng chục km đường rừng, tìm lên những điểm cao để quan sát. Do đặc thù của nhiệm vụ nên ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng là lên đường, tối mịt mới về. Nhiều điểm quan sát nằm khu vực núi cao, cheo leo bên miệng vực, mà để đến nơi phải đi bộ mất nhiều giờ đồng hồ. Đồ ăn thức uống cũng chỉ độc có lượng khô, mì tôm và nước lọc.

Cũng theo anh Khiêm, trước khi sự kiện Huổi Khon diễn ra, do sớm nắm bắt được tình hình nên gần như 100% quân số an ninh được Ban Giám đốc chỉ đạo, điều động tỏa đi khắp các xã, bản trong tỉnh. Với tinh thần 3 cùng, cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt với người dân, lực lượng an ninh Công an tỉnh Điện Biên đã sống, đã đồng hành, chia sẻ với cái nghèo, cái khổ của bà con. Trước là nắm diễn biến tình hình, làm công tác tuyên truyền đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước, và sau là vạch trần luận điệu lừa đảo, xuyên tạc, kích động người dân của các phần tử xấu. Nhờ những ngày tháng lăn lộn với núi rừng, 3 cùng với bà con nên trong vụ Huổi Khon, rất ít đồng bào Mông ở Điện Biên tham gia, phần lớn đến từ các tỉnh khác như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông…

Dấu chân thầm lặng
Công an phối hợp với Biên phòng vận động các đối tượng tham gia “vương quốc Mông” giao nộp vũ khí tại xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ

Ngày dài đằng đẵng trôi qua, lực lượng an ninh không chỉ sống với cái khắc nghiệt của thời tiết mà còn phải sống với thái độ hằm hè, thù địch từ chính phía người dân. Và trong cái trạng thái người dân đang kích động như vậy không biết sẽ có chuyện gì có thể xảy ra. Bản thân anh Páo giờ mỗi khi nhớ lại cũng không thể lý giải nổi tại sao có thể bám chốt, có thể vượt qua được những giờ phút căng thẳng như vậy. Nhiệm vụ của các anh không chỉ là bám chốt nắm tình hình mà còn phải quan sát, phát hiện các nhóm di cư khác tụ tập vào Huổi Khon để tuyên truyền, giáo dục ngăn chặn họ. Trời nắng nóng, lán lại dựng giữa quả đồi trọc, đồ ăn, nước uống phải chờ anh em tiếp tế, vô cùng cực khổ. Quần áo cả tuần không thay, nhiều cán bộ, chiến sĩ người ngứa ngáy, lở loét.

Đó là lính an ninh!

Không trực tiếp tham gia vụ Huổi Khon nhưng trước khi sự kiện này diễn ra, Thượng tá Sùng A Lềnh - Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé là cán bộ của Công an tỉnh Điện Biên được tăng cường cắm chốt ở bản Cay Sạt (huyện Mường Nhé). Bản Cay Sạt có “vương quốc Mông” đối tượng Mùa A Thắng - người được định danh là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Bản này chủ yếu là đồng bào Mông, tinh thần dòng tộc, họ hàng rất cao. Ngay trong vụ Huổi Khon, người dân trong bản đi gần hết, chỉ còn lại gia đình đồng chí công an viên. Lúc đầu lực lượng an ninh vào bản làm công tác tuyên truyền đã vấp phải sự phản ứng rất quyết liệt của người dân, họ hoặc không tin cán bộ hoặc vì có quan hệ với Mùa A Thắng mà bao che, không tiếp xúc, số ít thì lại sợ bị trả thù… Công an vào bản lúc nào cũng nhận được thái độ dò xét, tránh né, không hợp tác của người dân. Nhưng khi được tuyên truyền, giáo dục, đối tượng đã ra trình diện cơ quan công an. Sau thời gian cải tạo, về địa phương, Thắng trở thành một công dân tốt, có nhiều đóng góp vào công tác gìn giữ an ninh trật tự tại địa phương. Với những đóng góp đó, năm 2015, Thắng đã được Công an huyện Mường Nhé giới thiệu là điển hình tiêu biểu trong công tác gìn giữ an ninh trật tự tại địa phương để đợt tới tuyên dương ở tỉnh.

Câu chuyện của Thượng tá Sùng A Lềnh cho thấy, đằng sau sự bình yên nơi miền biên ải này, dấu ấn của lính an ninh rất đậm nét. Ở họ không đơn giản là sự bám trụ với gian khổ, với nắng gió, mưa rầm với đồng bào dân tộc miền biên ải như ở Huổi Khon mà còn là những ngày dài băng rừng, vượt suối bám bản, bám dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật của Đảng, Nhà nước, đó còn là những đêm ăn núi, ngủ rừng với ruồi vàng, bọ chó, đối diện với vô vàn hiểm nguy rình rập, thậm chí cả sự hy sinh để phá án.

Ví như vụ “hoạt động phỉ” ở xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé, Điện Biên) chẳng hạn. Trong vụ Huổi Khon, một số đối tượng cầm đầu đã trốn thoát sang Myanma, Thái Lan… và ở đây, chúng tiếp tục tìm cách liên lạc, quay lại tuyên truyền, kích động bà con, chờ cơ hội quay về để gây rối. Trước tình hình đó, qua trinh sát nắm tình hình, Phòng Chống bạo động và chống phản loạn (Công an tỉnh Điện Biên) đã tham mưu lãnh đạo Ban Giám đốc Công an tỉnh mở cuộc truy quyết trên diện rộng nhóm đối tượng này. Và sau một thời gian dồn ép, nhóm đối tượng đã chạy lên khu vực biên giới Việt - Trung. Tại đây, do không thực hiện được âm mưu, rạng sáng 15-10-2012, chúng đã gây ra vụ tập kích vào tổ công tác của lực lượng Công an, Biên phòng làm nhiệm vụ tại khu vực mốc 10, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé làm 1 đồng chí biên phòng hy sinh và 3 đồng chí công an bị thương nặng.

Hay như vụ Thượng tá Khiêm “đơn thương độc mã” một mình vào trong rừng sâu để gặp gỡ Vàng A Sải - một trong những đối tượng cầm đầu trong vụ Huổi Khon. Sau khi vụ việc kết thúc, không chỉ Sải mà một số đối tượng cầm đầu khác trốn thoát và tiếp tục hoạt động. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Điện Biên khi đó được nhận định là có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, gần như 100% quân số của phòng Phòng Chống bạo động và chống phản loạn được tăng cường đi cơ sở, không chỉ cán bộ mà lãnh đạo phòng cũng phải đi. Qua nắm tình hình, anh Khiêm biết Sải vẫn lẩn trốn ở lãnh thổ Việt Nam và có liên lạc với gia đình. Xác định như vậy, anh đã tìm cách vận động gia đình Sải để kêu gọi Sải ra trình diện cơ quan chức năng.

Lúc đầu vận động, gia đình Sải phản ứng rất gay gắt, thậm chí không tiếp. Nhưng sau khoảng 1 tháng kiên trì, thuyết phục và cũng thấy được rằng, cái gọi là “vương quốc Mông” không mang lại gì cho đồng bào nên gia đình Sải đã đồng ý liên hệ và vận động Sải ra trình diện. Khi được gia đình liên hệ ra trình diện, Sải phản ứng rất gay gắt. Hắn liên tục thay đổi chỗ ở, dựng lán ở rừng nhưng lại không ngủ. Phải một thời gian sau, khi được gia đình thông tin về tình hình ở Huổi Khon, rồi cả chuyện chính quyền đã giúp đỡ người dân như thế nào... Sải mới đồng ý. Nhưng Sải chỉ đồng ý ra trình diện nếu được gặp và nói chuyện với anh Khiêm. Và theo đúng lời hẹn, một mình anh Khiêm đã lên gặp và thuyết phục được Sải ra trình diện.

Về sau, khi nhắc lại câu chuyện này, anh Khiêm cũng tâm sự: Lúc gia đình Sải thông tin là Sải đã đồng ý ra trình diện nhưng phải gặp mình trước thì cũng thấy lo, thấy nghi ngại. Dù gì thì Sải cũng là một trong những đối tượng cầm đầu gây rối ở Huổi Khon. Nhưng khi đó vì nhiệm vụ và cũng nghĩ Sải có tin tưởng thì mới hẹn gặp như vậy nên đã đi.

Khi trao đổi về về những khó khăn, vất vả của mà người làm công tác an ninh phải đối diện, anh Khiêm nói: Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào - Trung Quốc lại dài, lên tới hơn 100km, đường sá đi lại khó khăn nên quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng công an nói chung và lính an ninh ở Điện Biên nói riêng là vô cùng gian khổ. Ở đây, những câu chuyện kiểu như phải băng rừng, vượt suối, đi bộ nhiều giờ đồng hồ để đến các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới là chuyện thường. Rồi cả chuyện trình độ dân trí người dân hạn chế, tính họ hàng, dòng tộc cao nên khi đi làm tuyên truyền phải xác định “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì sống với cái nghèo, cái khổ để tìm được sự đồng cảm, chia sẻ từ phía bà con. Vậy nên, nhiều người cả tháng trời không về nhà, lăn lộn với núi rừng, việc lớn việc nhỏ trong gia đình phải nhờ cậy người vợ. Họ chính là điểm tựa, là chỗ dựa tinh thần để mỗi cán bộ, chiến sĩ vượt khó hoàn thành nhiệm vụ.

Qua trò chuyện, tôi được biết, anh Khiêm nhận nhiệm vụ ở Phòng Chống bạo động và chống phản loạn từ năm 2007. Nhưng từ năm 2008 đến nay, trước những diễn biến phức tập của hoạt động “vương quốc Mông”, rất hiếm khi anh có mặt ở Phòng. Anh không ở Nậm Pồ thì lại lên Mường Nhé, Điện Biên... Hôm tôi vào làm việc ở Công an tỉnh Điện Biên là một trong những ngày hiếm hoi đó. Căn phòng nơi các anh làm việc chỉ chừng 30m2 nhưng là nơi làm việc của cả lãnh đạo, cán bộ và chiến sĩ trong phòng. Khi tôi tếu táo hỏi lãnh đạo mà không có phòng riêng à, anh Khiêm cười và bảo rằng: “Ở vậy cho nó gần gũi, thân tình. Anh em thì đi suốt, có người làm cùng phòng mà cả năm không thấy mặt!”.

Lính an ninh miền Tây Bắc là thế, khổ cực vô cùng. Vậy nên mới có chuyện, một số cán bộ, chiến sĩ từ lực lượng khác tăng cường sang làm công tác an ninh được độ một vài tuần đã tìm cách xin rút. Làm công an ở một địa bàn rộng, địa hình chủ yếu là đồi núi thì rõ là khổ, là cực rồi. Hình sự, ma túy... cũng vô cùng nguy hiểm. Nhưng cái sợ nhất của người lính an ninh là những ngày dài xa nhà, xa gia đình, vợ con để sống cảnh núi rừng nơi thâm sơn cùng cốc!

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 445