Dấu ấn khoa học - công nghệ của ngành điện

07:05 | 21/04/2016

781 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một trong những tập đoàn kinh tế đi đầu trong việc đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học để đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, nhiều năm qua, hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt được nhiều thành tựu đáng kể, trong đó nổi bật nhất là hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ nhằm phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển, điều độ, thông tin - viễn thông điện lực trong nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hệ thống điện.  

Làm chủ công nghệ

Ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất là một trong những hoạt động nổi bật của EVN thời gian qua. Điển hình là các thành tựu như tự thiết kế và xây dựng thành công Nhà máy Thủy điện Sơn La; đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện than phun 622MW (tại Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2); nâng cao thông số nhiệt độ, áp suất, để giảm hàm lượng phát thải cacbon và tăng hiệu suất chu trình (Duyên Hải 1, Uông Bí MR 2, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 2...); sử dụng công nghệ lò tầng sôi hiện đại tại Nhiệt điện Mông Dương 1; đưa vào vận hành công trình thủy điện ngầm đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế, thi công (TĐ Huội Quảng).

Nói đến KH-CN của EVN không thể không kể đến việc thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp (MBA) 500kV - một trong những bước đột phá quan trọng nhất trong lịch sử cơ khí ngành điện Việt Nam. Làm nên sự kiện vẻ vang này là “Người phụ nữ vàng của ngành điện” - Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt, người đã góp phần ghi danh ngành điện Việt Nam vào bản đồ ngành điện thế giới.

dau an khoa hoc cong nghe cua nganh dien

Vệ sinh sứ cách điện tại trạm 110kV Hoàng Mai

Tiếp nối thành công từ sáng chế MBA 110-220kV, tháng 9-2010, Tổ MBA 3 pha 500kV/450MVA đầu tiên do chị Nguyệt và các đồng sự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đã được gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày 22-11-2011, MBA đã được đưa vào vận hành thành công tại trạm 500kV Nho Quan - Ninh Bình.

Từ thành công này, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khối Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500kV. Sự kiện này đã giúp Việt Nam trở thành đối trọng để các hãng nước ngoài phải giảm giá 20-30%, vừa giảm nhập siêu cho đất nước, vừa giúp ngành điện tiết kiệm chi phí mua sắm, chủ động trong việc cung cấp các MBA và các sản phẩm thiết bị điện, phục vụ chống quá tải cho lưới điện quốc gia; tạo ra lợi nhuận để doanh nghiệp có khả năng đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến nhằm mở rộng và phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng, lưới điện truyền tải và phân phối được đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại rất hiệu quả. Đó là việc ứng dụng thiết bị điện tử công suất (SVC); áp dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị: kiểm tra phóng điện cục bộ MBA 220-500kV; giám sát dầu online tại trạm biến áp 500kV; sửa chữa lưới điện không cần cắt điện... Đặc biệt, giải pháp vệ sinh cách điện hotline (trên lưới điện đang mang điện) bằng nước áp lực cao do kỹ sư Nguyễn Văn Xuân - Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 và các đồng sự thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Được biết, giải pháp vệ sinh cách điện hotline đã được nhiều quốc gia sử dụng máy bay trực thăng hoặc xe thang chuyên dụng cùng với nước cách điện được bắn rửa với áp lực cao. Tuy nhiên, kinh phí eo hẹp nên công nhân EVN vẫn phải vệ sinh lưới điện bằng cách thủ công là trèo lên cột để lau chùi từng bát sứ. Khi đó, lưới điện buộc phải cắt trong thời gian dài, vừa ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng, vừa làm mất sản lượng điện thương phẩm, giảm doanh thu của ngành điện. Công nghệ vệ sinh hotline của ông Xuân dựa trên nguyên lý sử dụng nước nguyên chất, áp lực cao để vệ sinh cách điện.

Với ưu điểm an toàn, tiết kiệm thời gian và sức lao động cho người công nhân, đặc biệt là không làm mất điện của khách hàng, công nghệ đang được triển khai ứng dụng rộng rãi tại các đơn vị trong Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị điện lực trên toàn quốc. Đề tài đã đạt giải Nhì tại cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011.

Điểm tựa cho phát triển bền vững

Hiện EVN đang quy tụ hơn 348 phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ; 17.643 kỹ sư; 13.530 cán sự, kỹ thuật viên và 40.085 công nhân lành nghề. Họ đều là những người được đào tạo cơ bản và đã thông thạo từ bước lập quy hoạch đến vận hành các nhà máy hiện đại, các đường dây và trạm phức tạp. Cùng với sự ra đời của nhiều nhà máy điện có công suất lớn, thiết bị hiện đại, đội ngũ kỹ sư, công nhân của các nhà máy điện đã hoàn toàn làm chủ các hệ thống máy móc, công tác vận hành, sửa chữa, nâng cấp thiết bị mà không cần tới sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài. Từ chỗ chỉ thiết kế xây dựng các công trình nhỏ, đơn giản và làm tư vấn phụ cho tư vấn nước ngoài, nay cán bộ kỹ thuật của EVN có thể thiết kế các công trình lớn với quy mô kỹ thuật phức tạp cao, chi phí giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, nhận thức được vai trò quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, EVN đặc biệt quan tâm đến yêu cầu về phát triển bền vững. Ví dụ: Nhà máy Nhiệt điện cũ Phả Lại 1, Uông Bí, Ninh Bình đã được đầu tư thay thế toàn bộ thiết bị lọc bụi tĩnh điện có hiệu suất cao; cải tiến vòi đốt nhằm giảm phát thải khí và nâng cao hiệu suất đốt. Các Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2, Quảng Ninh, Hải Phòng... ứng dụng công nghệ đốt than tiên tiến; nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi việc đốt dầu FO sang dầu DO để giảm tối đa khói thải gây ô nhiễm; cải tiến lắp đặt hệ thống giảm âm cho các van xả sự cố, giảm tiếng ồn ra khu vực xung quanh.

Các công trình thủy điện ứng dụng công nghệ đập bê tông đầm lăn (A Vương, Pleikrong, Sê San 4, Sơn La, Lai Châu...); bê tông bản mặt (Quảng Trị, Tuyên Quang, An Khê Kanak...) góp phần tiết kiệm vốn đầu tư, bảo vệ môi trường, rút ngắn thời gian xây dựng... Ngoài ra, công tác thu gom, phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại, rác thải và thực hiện tái sử dụng phục vụ sản xuất rất được chú trọng, được triển khai thực hiện nhiều hạng mục và đạt được những kết quả thiết thực.

Thời gian tới, EVN tiếp tục nghiên cứu sử dụng hiệu quả năng lượng sơ cấp trong nước cho các nhà máy điện; khai thác hiệu quả hồ chứa thủy điện; thực hiện các giải pháp nâng cao độ tin cậy của hệ thống, nâng cao năng lực lưới điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng lực kinh doanh điện và dịch vụ khách hàng, năng lực cạnh tranh trong thị trường điện... Đồng thời, chú trọng phát triển công nghệ và thiết bị sản xuất điện phi tập trung, phát triển năng lượng tái tạo; đẩy mạnh nghiên cứu viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh điện năng. Tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu triển khai; nghiên cứu ứng dụng; tiếp nhận làm chủ công nghệ mới; phát triển công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa; khoán kinh phí trong nghiên cứu khoa học để chủ nhiệm đề tài chủ động trong quá trình thực hiện; tổ chức đấu thầu nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm.

Theo chiến lược phát triển công nghệ điện lực đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, EVN nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại trên lưới điện truyền tải và phân phối để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng.

Ngọc Loan

Năng lượng Mới số 515

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps