"Đất nước thịnh hay suy một phần do nền học vấn"

06:57 | 04/09/2015

898 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhà bác học Lê Quý Đôn khi bàn về quy luật thịnh suy của một quốc gia đã viết: “Phi trí bất hưng, phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt” .

Cách đây khá lâu tôi đọc cuốn “Chung quanh việc học” của cố GS Bùi Trọng Liễu, nguyên là GS toán học ĐH Paris từ năm 1969 đến năm 2003, ông đã viết trong lời mở đầu: “Trong một bài văn bia kỷ niệm, tôi có viết một cách dè dặt: “Đất nước thịnh hay suy, một phần do nền học vấn”. Thực ra, trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ rằng “phần chính là do nền học vấn”. Đúng hay sai, xin tùy người đọc suy xét. Là một nhà khoa học định cư lâu năm ở nước ngoài, hướng về quê hương cũ, tôi cũng mong được góp phần vào việc phục hưng trí tuệ. Vì thế nên tôi viết cuốn sách này.

Thực ra, những điều GS Bùi Trọng Liễu viết không phải là một phát minh mới mẻ mà là tiếp tục khẳng định giá trị của nền học vấn đối với sự thịnh suy của một dân tộc. Điều này được chứng minh ở nhiều quốc gia thuộc Đông - Tây, cổ - kim. Như nhà bác học Lê Quý Đôn khi bàn về quy luật thịnh suy của một quốc gia đã viết: “Phi trí bất hưng, phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt”.

hinh-1
Quang cảnh trường thi Nam Định khoa thi năm Nhâm Tý (1912) với chòi canh và lều chõng của thí sinh (Ảnh tư liệu)

Còn nhớ, vào năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chỉ hai tháng sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký 3 sắc lệnh về vấn đề giáo dục của một quốc gia độc lập còn non trẻ, trong đó phải kể đến Sắc lệnh số 43, ký ngày 10/10/1945 về việc thiết lập một Quỹ tự trị cho Trường Đại học Việt Nam; Sắc lệnh số 44, ký ngày 10/10/1945 về việc thành lập Hội đồng cố vấn học chính và Sắc lệnh số 45, ký ngày 10/10/1945 về việc thiết lập một Ban đại học Vǎn khoa tại Hà Nội.

Qua đó để thấy rằng, trong các vấn đề cần phải xây dựng thì giáo dục luôn được Chủ tịch Hồ Chủ tịch cực kỳ coi trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Từ đó đến nay, nền giáo dục nước nhà đã đạt được những bước tiến quan trọng, tuy nhiên, xét trong bình diện chung thì nền giáo dục Đại học của ta còn tụt hậu khá xa so với nhiều nước trong khu vực chứ chưa so sánh đến tầm quốc tế. Và trong 100 trường ĐH tốp đầu của thế giới thì chưa có trường ĐH nào của Việt Nam lọt vào danh sách này.

Trong đợt tuyển sinh Đại học vừa qua, Bộ giáo dục & Đào tạo cho thi tuyển theo hình thức 2 trong 1. Nghĩa là tất cả học sinh 12 tham gia kỳ thi chung THPT Quốc gia do Bộ tổ chức, sau đó lấy điểm trong kỳ thi này để nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng. Tuy nhiên vì là lần đầu tổ chức hình thức này cũng như Bộ GD-ĐT chưa lường hết được những tác dụng phụ khi tiến hành cách thức xét tuyển này nên đã gây ra không ít phiền toái cho các trường cũng như cho học sinh và gia đình các em.

Cảnh tượng rút - nộp, nộp - rút hồ sơ trong 20 ngày của kỳ xét tuyển nguyện vọng 1, hồi hộp đếm thứ hạng mỗi ngày của gia đình thí sinh, rồi cực kỳ căng thẳng trong những ngày cuối cùng được nhiều người ví kỳ xét tuyển vào ĐH năm nay như đang chơi chứng khoán. Nhiều em điểm cao chót vót cũng chưa chắc đậu đúng nguyện vọng mình mong muốn.

Nếu quan sát khách quan thì nhiều người sẽ cho rằng dân tộc Việt Nam rất hiếu học, rất trọng bằng cấp. Đa số các em sau khi tốt nghiệp cấp 3 đều cố gắng bước vào ngưỡng cửa ĐH và chỉ khi nào không còn phương án đậu ĐH thì mới ngậm ngùi nộp đơn học Cao đẳng hay trung cấp nghề.

Vì thế mà trong kỳ xét tuyển nguyện vọng 1, các trường ĐH, nhất là các trường tốp trên luôn trong tình trạng quá tải hồ sơ thì ngược lại các trường Cao đẳng và trung cấp nghề lại đìu hiu trong tình trạng chờ thí sinh.

Tôi cũng nhớ đến trong một bài viết, GS Bùi Trọng Liễu nói rằng: “Một số người Việt Nam rất tự hào về tính hiếu học của người mình. Thậm chí, còn khẳng định rằng người mình “hơn người nơi khác” trên điểm đó, vì lẽ con em mình học hành ngoan ngoãn, chăm chỉ. Tôi không hoàn toàn chia sẻ thái độ ấy, vì việc học cần được phân tích trên nhiều khía cạnh và mức độ. Sự hiếu học được quan niệm là sự ham muốn trau dồi hiểu biết, hay là sự cặm cụi học mong thi đỗ để được hiển đạt?

Ở Việt Nam nhận thức học đại học để ra trường làm công chức, để có cơ hội thăng quan tiến chức vẫn còn in đậm trong tâm thức của nhiều gia đình. Dẫu nhiều người cũng biết rằng, ngày nay tốt nghiệp ĐH nhưng tỉ lệ thất nghiệp rất nhiều và nhiều em sau khi có tấm bằng ĐH trên tay mà không xin được việc làm, phải quay lại đi học cao đẳng hay trung cấp nghề để dễ tìm việc hơn khá phổ biến.

Đó là một nghịch lý, một sự lãng phí vô cùng lớn cho nền giáo dục, cho gia đình và bản thân học sinh. Chưa kể, sau bốn đến năm năm đèn sách với bao kỳ vọng, hoài bão nhưng ra trường không tìm được việc làm đã khiến cho nhiều em mất niềm tin rất lớn vào sự học, vào tấm bằng mình đạt được và vào tương lai của chính mình.

Còn những ai thích đi học đại học để mở rộng sự hiểu biết thì nền giáo dục cũng nên tạo điều kiện cho họ. Thí dụ ở Paris (Pháp) hiện có hai cơ sở dành cho sự trau dồi hiểu biết thêm: “Université inter-âges” (Đại học cho mọi tuổi) và “Université de tous les saviors” (Đại học của mọi sự hiểu biết) do các đại học chính thức tổ chức, có các lớp mở vào buổi tối cho các ông bà cao tuổi, đã về hưu, cho những ai muốn học hỏi thêm cho biết, mà chẳng có thi cử, phát bằng cấp gì cả, mặc dù phải đóng học phí (theo GS Bùi Trọng Liễu trong “Chung quanh việc học).

hinh-1-1
Thí sinh tìm hiểu thông tin trước khi quyết định nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 (ảnh:T. Thanh)

Do đó, trong đổi mới giáo dục hiện nay, chúng ta không thể không đặt vấn đề tư vấn hướng nghiệp cho học sinh từ sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở chứ đừng để đến năm học cuối cấp 12 thì nhiều trường mới tổ chức các kỳ tư vấn tuyển sinh vừa để tư vấn cho học sinh chọn ngành học vừa cũng là cách thu hút học sinh thi vào trường mình. Vì trên thực tế có rất nhiều trường tư luôn trong tình trạng ăn đong sinh viên. Và nếu không tuyển đủ học sinh đầu vào thì sự tồn tại của nhiều trường tư không hề dễ dàng.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục thì ngành giáo dục phải thiết kế làm sao để một chương trình học trong ba năm phổ thông vừa dạy kiến thức vừa định hướng nghề nghiệp để các em lựa chọn là rất cần thiết. Vì có những em có năng khiếu văn chương hay vẽ nhưng cứ nghĩ học văn ra khó xin việc, lương không cao rồi cố gắng học toán lý hóa, cày ngày cày đêm để thi khối A. Trong bốn năm học đại học cũng vất vả khổ sở với ngành học không phù hợp với năng khiếu của mình. Ra trường tìm việc đã khó, đi làm chưa chắc đã thành công và cạnh tranh nổi với những người vốn sẵn có năng khiếu ở khối A.

Có lần trò chuyện cùng giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên giáo sư ĐH Liége (Bỉ) về chương trình học ở Việt Nam hiện nay, khi đề cập đến môn toán trong nhà trường. Giáo sư Hưng chân thành chia sẻ muốn giỏi toán là phải có năng khiếu. Người có năng khiếu toán trong sinh viên chỉ khoảng 10% thôi. Do đó đòi hỏi những học sinh có năng khiếu văn chương, kiến trúc, hội họa… cũng thi toán như các em khối A thì làm sao họ thi lại những bạn học sinh giỏi toán khác.

Đối với môn Toán, theo GS Hưng thì phải chia ra thành khối toán. Khối toán nặng (toán, khoa học tự nhiên, công nghệ). Khối toán vừa (kiến trúc, quản trị kinh doanh). Khối toán nhẹ (Y, Dược). Khối toán nhè nhẹ (văn chương chữ nghĩa chỉ cần cộng, trừ, nhân, chia). Chia thành 5 mức khác nhau A, B, C, D, E để người đi thi lượng sức của mình. Nếu bây giờ cào bằng thi cùng đề thì em giỏi toán đậu cao còn những học sinh không giỏi toán kết quả sẽ thấp.

Đồng thời, GS Nguyễn Đăng Hưng cũng cho rằng phải bỏ vấn đề cộng điểm cho học sinh khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số như hiện nay. Cộng thêm điểm ưu tiên như vậy là vô tình cấp bằng cho những người chưa đủ trình độ, đào tạo ra những người chưa đủ điều kiện để phục vụ xã hội. Phải đủ trình độ mới có bằng. Mới đúng. Ai ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì cho thi nhiều lần hoặc học dự bị đại học trước khi thi vào đại học… Khi thi phải bằng nhau, đủ trình độ mới đậu. Phải làm sao để đủ điểm thì mới đậu chứ không nên cộng điểm ưu tiên. Đó là quan điểm đúng đắn về học thuật.

Đồng thời, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT nên để các trường tự chủ trong khâu xét tuyển ĐH, CĐ chứ Bộ đừng ôm hết các việc vào, càng làm càng rối.

Hy vọng rằng, với phương án tuyển sinh mới thì trong những năm kế tiếp ngành giáo dục nước nhà sẽ có những bước tiến đáng kể trong khâu thi cử, tuyển sinh, đào tạo và quan trọng nhất là sinh viên ra trường phải có việc làm chứ không như tình trạng rối rắm trong khâu đầu vào và thất nghiệp tràn lan sau khi cầm tấm bằng ĐH như hiện nay.

Thiên Thanh

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.