Đào tạo Tiến sĩ: Tuy có chậm nhưng “siết” là đúng

06:50 | 17/04/2017

552 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vừa chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ. Quy chế này sẽ có hiệu lực từ ngày 18-5-2017 với nhiều điểm mới đáng chú ý khi nâng cao nhiều tiêu chí trong tuyển sinh, đào tạo...  

Muộn còn hơn buông

Trong quy định mới, việc đào tạo tiến sĩ được siết chặt ngay từ đầu vào. Cụ thể, nếu theo quy định cũ thì các ứng viên tốt nghiệp đại học loại khá đã có thể ứng tuyển học tiến sĩ thì ở quy định mới, các ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi mới được dự tuyển. Đặc biệt, các ứng viên phải là tác giả, đồng tác giả của tối thiểu 1 bài báo liên quan đến lĩnh vực, đề tài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 1 báo cáo đăng tại kỷ yếu của các hội nghị, hội thảo khoa học trong hoặc ngoài nước. Các bài báo hoặc báo cáo này được đăng tải trong thời hạn 3 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Trong quy định mới, trình độ ngoại ngữ đối với các nghiên cứu sinh được yêu cầu cao hơn. Ngay từ khi tham gia dự tuyển, các ứng viên đã phải có các chứng chỉ về ngoại ngữ. Cụ thể, các ứng viên phải đảm bảo có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL IBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc Chứng chỉ TOEIC từ 500 điểm trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận. Các chứng chỉ này đều phải cấp trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp đến ngày đăng ký dự tuyển. Như vậy, chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn châu Âu hiện được 10 trường đại học thi và cấp chứng chỉ như trước đây sẽ không được sử dụng trong tuyển sinh tiến sĩ. Quy định mới còn đòi hỏi các ứng cử viên phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong chuyên môn. Nghĩa là ứng cử viên có thể diễn đạt những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn cũng như hiểu được người khác nói về chuyên môn bằng tiếng Anh.

dao tao tien si tuy co cham nhung siet la dung
Nghiên cứu sinh nhận bằng tiến sĩ

Thời gian đào tạo tiến sĩ cũng sẽ siết chặt theo hướng nâng cao chất lượng. Theo đó, thời gian đào tạo tiến sĩ vẫn là 3-4 năm tùy từng đối tượng được quy định tại Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được phép gia hạn tối đa là 2 năm. Như vậy, tổng thời gian đào tạo tiến sĩ theo quy định mới là 5-6 năm kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh thay vì tổng thời gian hoàn thành chương trình của nghiên cứu sinh có thể kéo dài tới 7-8 năm như quy định hiện hành. Trong thời gian gia hạn tối đa là 2 năm, nghiên cứu sinh phải theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo. Hết thời gian gia hạn, nếu luận án của nghiên cứu sinh không được hội đồng đánh giá luận án cấp trường, viện thông qua thì cơ sở đào tạo sẽ phải quyết định cho nghiên cứu sinh thôi học. Đương nhiên, kết quả học tập của chương trình đào tạo này sẽ không được bảo lưu.

Giai đoạn bảo vệ luận án cũng có những yêu cầu cao hơn trước đây khi yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố nội dung và kết quả nghiên cứu của luận án trong tối thiểu 2 bài báo. Trong đó, có ít nhất một bài đăng trong tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc 2 báo cáo đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện khác. Toàn văn luận án và tóm tắt luận án hoàn chỉnh có chữ ký của nghiên cứu sinh, chữ ký của người hướng dẫn và của thủ trưởng cơ sở đào tạo sau khi đã sửa chữa, bổ sung được đăng trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Quy định mới cũng yêu cầu đối với người hướng dẫn phải có công bố quốc tế. Người hướng dẫn chức danh giáo sư, phó giáo sư, hoặc có bằng tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, chuyên môn phù hợp với đề tài luận án hoặc lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Đối với người chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư thì phải có tối thiểu 3 năm nghiên cứu hoặc giảng dạy kể từ khi được cấp bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ.

Điểm quan trọng nhất là người hướng dẫn nghiên cứu sinh phải có tối thiểu 1 bài báo đăng trên các tạp chí ISI hoặc Scopus hoặc sách tham khảo của các nhà xuất bản nước ngoài có mã số chuẩn quốc tế ISBN. Nếu không đạt điều kiện trên, người hướng dẫn cũng có thể có 2 báo cáo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện khác thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan tới đề tài luận án của nghiên cứu sinh.

Với trường hợp người hướng dẫn độc lập là tiến sĩ nhưng chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư thì phải có thêm 1 bài báo hoặc công trình đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus. Đương nhiên, hướng dẫn cũng phải có năng lực ngoại ngữ để phục vụ nghiên cứu và trao đổi khoa học quốc tế.

Hết thời “tiến sĩ mù” tiếng Anh

Trước nay, đã nhiều lần các chuyên gia bày tỏ lo ngại khi nhắc đến chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng tiến sĩ không đạt yêu cầu và lâu nay việc đào tạo tiến sĩ có nhiều lỗ hổng. Điều này đúng khi thực tế cho thấy, rất nhiều các công trình nghiên cứu của tiến sĩ bị “xếp xó”, không có tính ứng dụng thiết thực vào đời sống. Mặc dù chất lượng kém là vậy nhưng hằng năm hàng loạt chức danh tiến sĩ vẫn “ra lò” đều đều, gây lãng phí cho xã hội.

Vì vậy, những quy định siết chặt trong tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ vừa được Bộ GD&ĐT công bố, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Siết như vậy là đúng”.

Theo PGS.TS Sơn, những quy định này sẽ phần nào sàng lọc ngay từ đầu chất lượng ứng viên vào học bậc học này. Việc quy định ngay từ khi tuyển sinh tiến sĩ là các ứng viên phải có trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế là hoàn toàn đúng đắn. Bởi trong thời đại hội nhập như hiện nay, nếu không đọc thông, nói thạo cũng như dịch được các công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh thì chẳng khác nào như người mù chữ. Nhất lại là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ thì càng phải đạt tiêu chí này.

Tiêu chí nghiên cứu khoa học được công nhận thông qua các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế cũng là đúng. Bởi người đạt được trình độ tiến sĩ ngoài kiến thức sâu rộng còn phải luôn có những tìm tòi, phát hiện. Những phát hiện này không gì đánh giá đúng hơn bằng việc được các tạp chí chuyên ngành trên thế giới công nhận. Yếu tố này sẽ dần đưa bằng cấp đào tạo ở Việt Nam tiến gần hơn với các nước có nền giáo dục phát triển khác.

Theo các chuyên gia, để thực hiện quy chế mới, các trường đại học phải đối diện với những khó khăn, đặc biệt là về lệ phí để nghiên cứu sinh tham gia các hội thảo quốc tế hay đăng bài trên các tạp chí. Bởi lệ phí đăng bài trên các tạp chí theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính hiện còn rất hạn chế. Thêm nữa, trong thời gian đầu các trường có thể sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nhiều trường đại học có thể chưa đạt tiêu chuẩn trong việc thẩm định trình độ tiếng Anh, đào tạo nghiên cứu sinh theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, ông Sơn cho rằng: “Các trường đại học phải thực hiện nghiêm túc. Để khắc phục khó khăn trước mắt, các trường đại học cần có lớp tập huấn cho các nghiên cứu sinh hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn của các bài báo quốc tế, từ đó đi đến định hướng nghiên cứu mang tính phát hiện và cho ra đời những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn”.

Theo Bộ GD&ĐT, quy chế sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 18-5-2017. Tuy nhiên, phải từ khóa tuyển sinh ngày 1-1-2019, toàn bộ quy định của thông tư ban hành quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ mới có thể có hiệu lực đồng bộ. Nên đối với khóa tuyển sinh từ 18-5-2017 đến 31-12-2018, Bộ sẽ chấp nhận tiêu chuẩn thấp hơn về bài báo quốc tế đối với cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh.

Huyền Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.