Đào tạo nghề tại nông thôn: Đừng chạy theo số lượng!

15:49 | 29/03/2017

598 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, phát biểu tại hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ở một số nơi, việc học nghề của lao động nông thôn thời gian qua vẫn chỉ là đánh trống ghi tên, đăng ký để lĩnh tiền chế độ...

Đánh giá quá trình thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hai ngành liên quan trực tiếp đến vấn đề này là Lao động, Thương binh và Xã hội và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vẫn lúng túng, chưa xác định được việc nào thì ngành nào làm. Cộng thêm một số vướng mắc khác về vốn, cơ chế chính sách nên hiệu quả đào tạo nghề vẫn chưa cao.

“Ở một số nơi, việc học nghề của lao động nông thôn thời gian qua vẫn chỉ là đánh trống ghi tên, ghi tên để lĩnh tiền chế độ. Vì thế mới có chuyện một xã mà có tới 600 lao động đăng ký ghi tên học nghề… hoạn lợn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PetroTimes, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, Nhà nước đã và đang chú trọng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm giải quyết vấn đề công ăn, việc làm. Tuy nhiên, việc này chưa đạt được kết quả như mong muốn.

dao tao nghe tai nong thon dung chay theo so luong
Ông Phạm Tất Thắng

“Vấn đề Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu tại hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cũng đã được phát hiện ở nhiều địa phương và nhiều đại biểu quốc hội khác cũng đã lên tiếng” - ông Phạm Tất Thắng nói.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, việc đào tạo nghề cho lao động tại nông thôn đang tồn tại nhiều vấn đề. Thứ nhất, cơ cấu nghề nghiệp chưa đáp ứng đúng với thực tiễn của nông thôn. Thứ hai, số lượng người theo học một nghề ở một xã cũng không phù hợp, giống như một xã có vài chục người học sửa xe máy thì không thể cùng về quê mở điểm sửa chữa xe được.

Vì vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn bất cập ở cả hai yếu tố cơ cấu nghề và số lượng người học hay nói cách khác là việc đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, một số nghề ở nông thôn không thực sự cần thì lại đào tạo rầm rộ dẫn đến tình trạng “đánh trống ghi tên”. “Việc đào tạo nghề đang chạy theo số lượng người được đào tạo mà không chú ý đến hiệu quả thực sự” - ông Phạm Tất Thắng nhận định.

Nói về những khó khăn trong việc đào tạo nghề cho lao động tại nông thôn, ông Phạm Tất Thắng cho biết: “Vấn đề này có những khó khăn nhất định. Đầu tiên phải kể đến việc chuyển đổi cơ chế sản xuất ở nông thôn diễn ra chậm, chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Việc đào tạo theo hướng kỹ năng nghề theo hướng hiện đại thực sự rất khó. Hơn nữa, việc tổ chức đào tạo ở ngay địa bàn xã mà để cho người dân đến học thì nảy sinh vấn đề là có một số nghề cần phải thực hành lại không có trang thiết bị để phục vụ giảng dạy. Học nghề mà không được thực hành, chỉ mang tính chất "dạy chay" thì khó đáp ứng được yêu cầu sau khi ra trường”.

Từ những khó khăn nêu trên, ông Phạm Tất Thắng nhận định, việc cải thiện chất lượng đào tạo là việc cần phải làm trước tiên nếu muốn chuyển đổi sản xuất ở nông thôn qua đó góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhưng cũng phải tránh kiểu triển khai đào tạo nghề theo lối phong trào, chạy theo hình thức.

“Thời gian qua, ở nước ta có một bộ phận những người làm công tác đào tạo nghề chưa chú trọng đến hiệu quả thực sự. Việc đào tạo nghề chỉ làm theo phong trào, do đó cần phải thay đổi từ nhận thức của các cán bộ tổ chức. Phải xác định được cơ cấu nghề và phương thức đào tạo sao cho hợp lý với từng địa phương.

Hơn nữa, cũng cần phải tính số lượng học viên cho phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo đầu ra cho học viên. Nếu đào tạo quá nhiều thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu việc làm ở một địa phương. Con số 600 người đăng ký học nghề hoạn lợn mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói chỉ là một ví dụ cho thấy việc dạy nghề cho lao động nông thôn ở nhiều địa phương chỉ làm theo phong trào, mà chưa chú ý đến hiệu quả và chưa sát với nhu cầu thực tiễn” - ông Phạm Tất Thắng nói.

Xuân Hinh - Chu Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc