Đảo Phú Quý được cấp điện 24/24

22:28 | 04/07/2014

1,085 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ ngày 1/7, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã tăng thời gian cấp điện trên đảo từ 16h lên 24h mỗi ngày. Giá bán điện trên đảo cũng ngang bằng với giá điện ở đất liền.

Điện giá rẻ luôn thắp sáng trên đảo xa

Trước thông tin giá điện trên đảo bằng với giá đất liền, người dân đảo Phú Quý phấn khởi đón nhận tin vui này. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn mua sắm các thiết bị điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Khoảng hơn một tháng trở lại đây, các cơ sở kinh doanh đồ điện gia dụng trên đảo luôn ở trong tình trạng khan hàng do nhu cầu tăng cao.

Hệ thống máy Diesel cung cấp điện cho đảo Phú Quý.

Ông Tạ Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý nói: “Các chuyến tàu từ TP Phan Thiết đi Phú Quý luôn chật cứng các mặt hàng điện máy như: Tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt, quạt máy… của người dân mua mang ra”.

Từ năm 2009 đến nay, sản lượng điện tiêu thụ trên đảo hầu như không tăng, chỉ xấp xỉ trên dưới 8 triệu kWh. Năm 2013, nhà máy phong điện Phú Quý tham gia cung cấp điện trên đảo nhưng sản lượng điện tiêu thụ cũng chỉ ở mức 8,3 triệu kWh. Trong đó, điện diesel là 5,9 triệu kWh, điện gió là 2,4 triệu kWh. Việc kích cầu để tăng phụ tải trên đảo Phú Quý gần như không thể do giá điện quá cao.

Giá bán điện cho nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên đảo Phú Quý bình quân cao hơn trong đất liền từ 1,9 đến 4,96 lần. Phú Quý là một trong số ít các địa phương có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản nhất của Bình Thuận. Giá điện quá cao đã khiến nhiều doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất vào trong đất liền.

Ông Lê Xuân Thái, Trưởng Ban quan hệ cộng đồng EVN SPC phân tích: “Mấy năm nay, mức lãi của Công ty Điện lực Bình Thuận vào hàng thấp nhất so với các công ty thuộc EVN SPC vì phải gánh mức lỗ từ Điện lực Phú Quý”.

Chung tay vì sự phát triển biển đảo

Hiện nay, EVN SPC đầu tư để Phú Quý có điện suốt ngày đêm, giá điện ngang với giá ở đất liền thì mức lỗ tăng lên đến 90 tỷ đồng/năm nhưng đây là gánh lỗ ngành điện chịu chung.

“Đầu tư vào đảo Phú Quý, ngành điện xác định không vì yếu tố kinh doanh mà cái chính là vì nhiệm vụ chính trị. Đó là đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng trên huyện đảo”, ông Lê Xuân Thái khẳng định.

Mạng lưới điện rộng khắp trên đảo, đáp ứng nhu cầu cho 27.000 người dân.

Thời điểm trước đây, Phú Quý có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản nhất của tỉnh Bình Thuận nhưng giá điện quá cao đã khiến nhiều doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất vào trong đất liền. Theo thống kê, đến năm 2013, gần 20 doanh nghiệp dời cơ sở sản xuất chính vào TP Phan Thiết, Thị xã La Gi... đồng thời thu hẹp sản xuất tại đảo.

Từ khi điện thắp sáng trên đảo mỗi ngày, các doanh nghiệp có tàu dịch vụ thu mua hải sản đã mạnh dạn đầu tư sản xuất trên đảo, tạo công ăn việc làm cho người dân có thêm thu nhập.

Ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý đánh giá: “Sự kiện phát điện 24h mỗi ngày đối với đảo Phú Quý là bước ngoặc mang tính lịch sử. Đây là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Phú Quý và có ý nghĩa to lớn trong chiến lược an ninh quốc phòng của Đảng và Nhà nước về phát triển biển đảo của quốc gia”.

Đỗ Hưng – Trần Hoàng

  • el-2024