Đạo diễn Vương Đức: Làm phim phải có khán giả

08:06 | 09/04/2014

2,352 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
5 năm trở lại đây, điện ảnh Việt “mất hút” trong khu vực và thế giới. Ở trong nước, họa hoằn mới có một bộ phim xem được… Điện ảnh Việt dường như vẫn lúng túng, bế tắc khi không thể tìm ra một hướng đi. PV Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Vương Đức - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hãng Phim truyện Việt Nam về câu chuyện này.

Năng lượng Mới số 311

Khán giả chỉ nhớ phim hay

PV: Mấy năm nay điện ảnh Việt không sản xuất ra được một bộ phim hay nào. Ông nghĩ gì về nhận định này?

Đạo diễn Vương Đức: Thế nào là phim hay? Với cá nhân tôi rất đơn giản, phim hay là phim được khán giả nhớ. Phải thế nào người ta mới nhớ chứ, vì khán giả xem rất nhiều phim nhưng không phải phim nào người ta cũng nhớ. Để người xem nhớ được chúng tôi gọi nó là kinh điển vì phải rất tự nhiên mới vào được lòng người. Đi vào lòng người rồi mới để lại trong tâm trí họ được, đó là việc vô cùng khó. Có thể phim đó không đạt được giải quốc tế nhưng đi vào lòng người thì vẫn được đánh giá là phim hay. Tôi vừa phát hành phim cũ của Việt Nam trên truyền hình. Nhìn số lượng khán giả xem, tôi giật mình. Các phim đó không có giải gì cao siêu cả nhưng được đón nhận rất tốt. Chúng ta phải chú ý cả yếu tố đó nữa. Phim hay sống theo thời gian.  Thời gian sẽ xác định giá trị nghệ thuật của phim đó.

Đạo diễn Vương Đức

Hiện nay theo thống kê, trung bình mỗi năm thế giới sản xuất 3.000 phim chiếu rạp. Hai trung tâm sản xuất phim nhiều nhất là Hollywood và Bollywood. Trong 3.000 phim đó, chỉ chọn được số lượng phim rất ít trao giải tại liên hoan phim quốc tế, nhưng nhiều khi xem những phim đó khán giả Việt cũng không thích. Tôi không biết có nên cho nó là phim hay hay phim dở. Tất nhiên, nếu nói về phim quốc tế thì mỗi năm thường có khoảng 10 phim xuất sắc hoặc 30 phim dưới xuất sắc, tức là 3.000 phim mới có 30 phim hay, trong điều kiện sản xuất và tư duy nghệ thuật là rất tốt. Đó là tầm quốc tế.

Trong khu vực, Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đẳng cấp thấp hơn, trình độ tư duy nghệ thuật cũng thấp hơn. Ở Việt Nam nếu xét trên quan điểm cá nhân tôi, trong 5 năm thì lại khác. Nước ta một năm cả Nhà nước và tư nhân sản xuất khoảng 20 phim, 5 năm khoảng 100 phim. Chọn một phim hay tôi nghĩ là có nhưng mà chỉ là đẳng cấp khu vực thôi.

PV: Nhưng thưa ông, thực tế thì 5 năm nay chúng ta chưa được công nhận phim nào đạt đẳng cấp khu vực?

Đạo diễn Vương Đức: Trong 100 phim đó, tôi đảm bảo là có phim hay. Cá nhân tôi thích vài phim nhưng cái hay đó chưa được bạn bè quốc tế công nhận, nghĩa là nó vẫn còn lệch so với đánh giá của báo chí, của người xem và của các nhà chuyên môn. Cũng có một số phim tham gia liên hoan phim lớn nhưng chưa được giải, chỉ được bằng khen về diễn xuất tốt thôi chứ chưa chính thức nhận được giải thưởng.

Tôi đồng ý là chúng ta còn quá ít phim hay. So sánh tổng số phim 5 năm mà như vậy thật đáng buồn. Đó là điều những người làm nghề rất trăn trở, xót xa. Đây cũng là nỗi buồn của không phải chỉ một thế hệ đạo diễn mà của nhiều thế hệ.

Hiện nay điện ảnh Việt đã xuất hiện cùng lúc nhiều thế hệ, thế hệ trước chúng tôi, chúng tôi và sau chúng tôi là có 3 thế hệ. Có những người có thể đánh giá thực trạng nhưng có người không thể đánh giá được hoặc không muốn đánh giá thực trạng này. Nếu chúng ta xét theo góc độ này cũng phải nhìn nhận. Có thể phim chúng ta cho là hay nhưng thế giới không cho như vậy.

Tôi biết bạn sẽ hỏi nguyên nhân tại sao? Câu trả lời của tôi là, mỗi năm chúng ta sản xuất phim quá ít. Nhà nước có khoảng 3-5 phim mỗi năm, tư nhân và các tập thể khác khoảng 10-15 phim. Tỷ lệ quá thấp. 5 năm tôi mới được làm 1 phim. Tôi được làm rất ít phim nên khó để chọn được một phim hay trong sự nghiệp của mình.

Còn một số những lý do như Luật Điện ảnh chậm đi vào cuộc sống, chưa có thông tư, hàng rào pháp lý, cơ chế cho điện ảnh. Nhưng bỏ qua yếu tố khách quan chúng ta sản xuất ít vẫn còn yếu tố khán giả. Khán giả chỉ thích như thế thôi.

Hiện nay, các rạp chiếu phim chủ yếu phục vụ khán giả trẻ tuổi ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... Vì thế, khó mà đáp ứng đối tượng khán giả khác, đặc biệt những khán giả có gu thưởng thức tốt. Vì vậy, làm sao mà “ra biển lớn”. Những nhà điện ảnh tư nhân rất có tham vọng. Ví dụ phim “Cánh đồng bất tận” là một phim đầy tham vọng cả về nghệ thuật và về thương mại. Nhưng có được những phim như vậy quả thật không dễ dàng trong thời điểm này.

Nói về khía cạnh khán giả là nói về khán giả trong nước và khán giả nước ngoài. Để làm ra một tác phẩm điện ảnh chiếu rạp có rất nhiều yếu tố mà đôi khi chúng mâu thuẫn với nhau. Rất ít những phim được lòng cả thị trường và được các nhà chuyên môn ở các liên hoan phim đánh giá cao.

Việc chúng ta chú ý đến những điểm đó rất có ích cho những người làm phim và những người xem phim. Chẳng hạn, có những phim rất hay mang từ Cành cọ vàng về, lúc bắt đầu chiếu ở Trung tâm Văn hóa Pháp Việt tại TP HCM thì kín rạp, thậm chí ngồi ở dưới sàn, đứng để xem. Thế nhưng sau vài phút khán giả bỏ về hết, chỉ còn vài người.

Chúng ta chưa được xem nhiều những phim hay, ngôn ngữ điện ảnh cần có trình độ nhất định để hiểu, mà có hiểu mới thấy hay được. Rạp chúng ta cũng không có điều kiện trình chiếu những phim như thế vì liên quan đến vấn đề máy móc, bán vé... Phải được chiếu và mọi người được xem thường xuyên thì mới làm giàu kiến thức của khán giả về nghệ thuật điện ảnh. Tất cả những điều đó ảnh hưởng vừa trực tiếp và gián tiếp tới những người làm phim chúng tôi. Có những phim chúng tôi bảo làm hơi khó một chút, khán giả xem sẽ không hiểu. Dù thế nào đi chăng nữa, làm phim ra phải có khán giả xem, chứ chẳng lẽ mình làm mình xem.

10 mới có 2 đơn đặt hàng của nhà nước

PV: Vậy Nhà nước giúp gì cho các hãng phim? Mỗi năm hãng phim được hỗ trợ như thế nào?

Đạo diễn Vương Đức: Từ năm 2007 đã xóa tính bao cấp cho các hãng phim rồi. Chúng tôi phải tự nuôi nhau, trở thành Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam, tức là một doanh nghiệp như tất cả các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp chúng tôi chỉ là một doanh nghiệp thường, không đặc thù, không công ích gì cả. Tôi trả tiền cho các nghệ sĩ, nhân viên bằng tiền tự kiếm được, ví dụ làm phim truyền hình nhiều tập, cho HTV, VTV… Còn Nhà nước nếu có đặt hàng thì sẽ bỏ tiền và chúng tôi làm phim, Nhà nước không bao cấp, không cho chúng tôi tiền, không nuôi chúng tôi.

Đạo diễn Vương Đức, nhà sản xuất phim “God Father”, ”Love Story” và diễn viên Mỹ Uyên

PV: Mỗi năm đơn hàng của Nhà nước đặt cho hãng phim truyện được khoảng bao nhiêu tiền, thưa ông?

Đạo diễn Vương Đức: Không có đều đều, chỉ khi nào Nhà nước có nhu cầu mới đặt hàng. Phim về kỷ niệm Điện Biên chúng tôi vừa kết thúc là Ban Bí thư chỉ đạo phải xây dựng một bộ phim kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch yêu cầu chúng tôi tìm các kịch bản để đáp ứng cho lễ kỷ niệm 60 năm. Chúng tôi trình kịch bản được chấp nhận mới làm thủ tục duyệt kinh phí để làm phim. Không có chuyện cấp tiền hằng năm hay gì hết, cũng không phải mỗi năm được bao nhiêu cái.

Nếu tính phim đặt hàng của Nhà nước thì từ phim về Điện Biên chúng tôi làm cách đây 10 năm, đến bây giờ chúng tôi mới có phim đặt hàng thứ hai.

PV: Vậy mà, không ít người vẫn nghĩ rằng, mỗi năm Nhà nước cấp cho hãng phim một nguồn kinh phí tối thiểu để có thể sống được chứ không nghĩ hãng phim phải tự bơi trong cơ chế thị trường?

Đạo diễn Vương Đức: Trước thì chúng tôi làm thuê cho Nhà nước, Nhà nước trả lương nhưng về sau Nhà nước không nuôi, không trả lương nữa nhưng vẫn bắt là của Nhà nước. Lương hiện nay tôi chỉ trả được cho cán bộ, diễn viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước là 70% vì không đủ đầu việc.

Từ 2007 đến nay 3 đời giám đốc đã nghỉ rồi. Lúc đầu tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng, làm giám đốc thì điều kiện làm phim sẽ tốt hơn là làm đạo diễn bình thường nên tôi nhận. Tôi không nghĩ công việc của người giám đốc trong thời điểm hiện tại lại khó khăn, phức tạp đến thế. Tuy nhiên, đã nhận rồi thì phải làm.

PV: Công việc chính của hãng phim bây giờ là gì?

Đạo diễn Vương Đức: Chúng tôi là “lính đánh thuê”. Làm phim, làm cho VTV, HTV… ai thuê thì làm.

Chúng tôi có một phòng biên kịch, biên tập, lại thêm đội ngũ cộng tác viên rất mạnh. Chúng tôi phải giữ đội ngũ quay phim, đạo diễn… phải trả lương để họ chú ý đến công việc chứ không họ sẽ bỏ cơ quan để làm việc cho những đơn vị khác. Khi có những dự án của Nhà nước chúng tôi vẫn có sự giúp đỡ của những nghệ sĩ giỏi để quán xuyến công việc.

Nhiều tiền chắc gì phim đã hay

PV: Là đạo diễn, bây giờ muốn sản xuất ra một bộ phim hay, ông cần những điều kiện gì?

Đạo diễn Vương Đức: Với cá nhân tôi là một đạo diễn, tôi có hai sự lựa chọn. Nếu lựa chọn sai không bao giờ tôi có thể làm ra một bộ phim trung bình chứ đừng nói đến phim hay. Lựa chọn đầu tiên là kịch bản, hai là diễn viên. Tất nhiên vào sản xuất phải có kinh phí. Nhưng kinh phí thì các cụ đã dạy bảo là “liệu cơm gắp mắm”.

Đạo diễn Vương Đức đang chỉ đạo một cảnh quay trong phim “Những người thợ xẻ”

PV: Không ít đạo diễn nói rằng, không có phim hay vì không có tiền. Nhưng ngày trước không có nhiều tiền vẫn làm được phim hay, ít nhất cũng là phim sạch chứ không như bây giờ, thưa ông?

Đạo diễn Vương Đức: Tiền là yếu tố không thể thiếu được. Nhất là phim nhựa chiếu rạp rất tốn tiền.

Ngành nghệ thuật này rất sang trọng, rất tốn tiền. Tiền thì đạo diễn nào cũng muốn nhiều cả. Vấn đề là tiêu tiền như thế nào. Vì những người đạo diễn thường không có tiền mà phải đi tiêu tiền của người khác hoặc ông chủ là Nhà nước hoặc ông chủ là tư nhân. Nếu những đạo diễn đó không biết tiêu tiền thì đôi khi đồng tiền đó thành lãng phí, không làm tăng được chất lượng phim, chất lượng nghệ thuật. Nhiều tiền chưa chắc phim đã hay. Tiền chỉ là một trong những yếu tố quan trọng chứ không phải đóng vai trò số 1. Không có tiền đương nhiên không thể làm được phim, tiền bao nhiêu phù hợp với yêu cầu của từng phim, yêu cầu của nội dung phim đó. Ví dụ phim về chiến tranh tất nhiên phải tốn tiền nhiều hơn phim hòa bình, phim lịch sử phải nhiều tiền hơn phim hiện đại. Phim quay ở biển sẽ khó hơn ở trên bờ…

PV:  Có không ít phim từng đổ ra rất nhiều tiền, nhưng khi phim được trình chiếu thì quả thật không hề tương xứng với “đồng tiền bát gạo”? Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Đạo diễn Vương Đức: Cũng có một số anh em có điều kiện làm việc tốt về vật chất nhưng phim chưa hay. Tôi nghĩ đừng đổ cho họ rằng không có tài. Nguyên nhân dẫn đến phim không hay có thể nhiều như lá cây rừng. Nhưng để chọn lựa ra một nguyên nhân thì không ai hết ngoài chính người đạo diễn. Ví dụ như phim “Mùi cỏ cháy”. Không thể nói phim đó là phim không hay, trong nước đánh giá phim rất tốt nhưng việc phổ biến nó ra rạp lại không thành công.

Làm phim phải có người xem

PV: Theo ông, sự khác biệt lớn nhất giữa phim tư nhân và phim Nhà nước đặt hàng là gì?

Đạo diễn Vương Đức: Hai ông chủ đó rất khác nhau. Ông chủ dặn chúng tôi cái gì, chúng tôi phải thực hiện đúng với yêu cầu của họ chứ. Anh em chúng tôi làm khắp các hang cùng ngõ hẻm, cả của tư nhân và Nhà nước chứ không phải chúng tôi chỉ làm Nhà nước không thôi.

Tiêu chí của họ là làm theo kịch bản trong khả năng tốt nhất. Họ cũng có đầy đủ khả năng về quản lý tài chính, sản xuất, về nội dung. Họ là những người rất bài bản chẳng khác gì Nhà nước. Có khác chỉ là mục đích của các ông chủ khác nhau thôi.

Nhà nước thường đặt hàng những nhiệm vụ về chính trị, lịch sử, cách mạng, thanh thiếu nhi, miền núi, hải đảo, những thứ mang ý nghĩa xã hội. Đôi khi có những phim nặng về chính trị nhiều quá mà không để ý đến vấn đề cảm thụ của người xem. Tất cả những phim dù là chính trị hay giải trí đều phải chiếu cho khán giả xem. Tôi thường nói với anh em và cũng với chính bản thân mình rằng, có làm phim chính trị cũng phải có người xem. Tất cả những vấn đề quan trọng đều liên quan đến chính trị, giải trí cũng là chính trị. Chẳng hạn những phim làm xong mà không được duyệt cho chiếu cũng liên quan đến chính trị, bạo lực cũng là chính trị nên mới không cho chiếu. Mọi người nghĩ thế nào là phim chính trị và phim giải trí, không thế nào cả, hai cái đó hầu như không có ranh giới. Tính mục đích thì có còn ranh giới là không có. Anh làm phim sẽ cho là có một bộ phận khán giả hào hứng với phim của mình nhưng rất nhiều khán giả khác vào xem sẽ đi ra và nói lại với những người khác rằng không nên xem phim đó. Nói cho cùng, mục đích của Nhà nước hay tư nhân đều giống nhau, nghĩa là chúng ta đều phải làm phim hay, dù cho nó là chính trị hay giải trí.

PV: Nhưng rõ ràng ở khu vực tư nhân lại rất nhộn nhịp, họ đều đặn ra phim và  thu lãi lớn?

Đạo diễn Vương Đức: Số lượng đó cũng chưa nhiều, họ chỉ tập trung chủ yếu vào các đề tài giải trí. Họ làm phim giải trí, thị trường rất đúng, họ đáp ứng được nhu cầu của đại đa số thanh niên bây giờ. Tuy nhiên, cái số lãi của họ thì chưa ai kiểm chứng được.

PV: Và như vậy, có thể nói rằng, họ đang sống được bằng làm phim thưa ông? Vậy tại sao hãng phim truyện không đi theo hướng đó để giải quyết những khó khăn trước mắt?

Đạo diễn Vương Đức: Chúng tôi hiện vẫn là người của Nhà nước, chịu sự quản lý của Nhà nước. Còn đã là đạo diễn thì làm cho Nhà nước hay tư nhân đều phải cố gắng làm phim hay, còn làm phim mà không có khán giả thì khác gì đạo diễn “tự sướng”.

PV: Xin cảm ơn đạo diễn!

Những bộ phim Việt từng đoạt giải thưởng quốc tế

“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”: Giải thưởng của Hội đồng Hòa bình thế giới và Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho nữ diễn viên Trà Giang tại LHP Moscow 1973.

“Cánh đồng hoang”: Huy chương Vàng LHP quốc tế Moscow 1981; Giải Đặc biệt của Liên đoàn Báo chí Điện ảnh quốc tế.

“Trăng nơi đáy giếng”: Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Hồng Ánh tại LHP Dubai.

“Áo lụa Hà Đông”: Phim hay nhất do khán giả bình chọn tại LHP Busan - Hàn Quốc; Top 10 phim hay nhất và phim hay nhất do khán giả bình chọn tại LHP Fukuoka - Nhật Bản; Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại LHP Kim Kê - Trung Quốc.

“Chuyện của Pao”: Giải đặc biệt của Ban Giám khảo tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 51 tại Đài Bắc.

“Bi, đừng sợ”: Giải thưởng Dự án châu Á nổi bật tại LHP Pusan 2007; Giải ACID/CCAS của Hiệp hội Các nhà phát hành phim độc lập; SACD cho biên kịch xuất sắc nhất trong hạng mục Tuần lễ các nhà phê bình của LHP Cannes lần thứ 63; Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Stockholm (Thụy Điển); Phim hay nhất dành cho các đạo diễn có phim đầu tay lại LHP châu Á 2010.

“Chơi vơi”: giải thưởng Hiệu ứng âm thanh xuất sắc nhất tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 53; Giải thưởng ở hạng mục về điện ảnh đương đại Orizzonti tại LHP Venice 2009; Giải Taiga đồng lại LHP Spirit of Fire (Nga).


Thái Linh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.