"Danh hiệu", "đồng tiền" trong mắt các thủ khoa đại học

06:31 | 03/09/2012

1,162 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Danh hiệu và đồng tiền là hai chủ đề được nhiều bạn thủ khoa quan tâm và chia sẻ cùng TSKH Đoàn Hương, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong buổi ghi danh sổ vàng tại Văn Miếu.

Quan niệm về “đồng tiền”

Năm nay, Hà Nội có 107 thủ khoa xuất sắc đến từ các trường ĐH, học viện vinh dự được trò chuyện với hai chuyên gia ở hai lĩnh vực khác nhau, hầu hết các ý kiến thủ khoa muốn được hai chuyên gia truyền kinh nghiệm trong việc giữ vững lý tưởng của tuổi trẻ và hướng phấn đấu giúp nền kinh tế của đất nước đi lên.

Bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế là thần tượng của nhiều bạn trẻ, đã chia sẻ về con đường đến với lĩnh vực kinh tế. Bà cho biết, ngay từ thời của bà, mọi người đã có quan niệm cố hữu là “Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa” và những người học kinh tế như bà thường không được coi trọng.

Đến thời đại ngày nay, quan niệm lựa chọn ngành nghề của nhiều bạn trẻ và phụ huynh vẫn không có sự thay đổi. Bà Lan cho rằng, điều quan trọng khi tham gia ở bất kỳ lĩnh vực nào các bạn trẻ nên hết lòng với nó, không nhất thiết phải có suy nghĩ trên. Đặc biệt với các bạn học chuyên ngành kinh tế, thì cốt yếu chính là làm thế nào để đem lại lợi ích cho nhiều người nhất, giúp kinh tế phát triển bền vững nhất chứ không nên chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng mình.

 

Các thủ khoa theo dõi rất chăm chú buổi giao lưu.

Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan cũng chia sẻ, không hẳn các bạn trẻ hiện nay chỉ chăm chăm mục tiêu “tiền là trên hết” mà vẫn còn rất nhiều bạn trẻ, thanh niên sống không chỉ vì lợi ích vật chất: “Những người có học sẽ có suy nghĩ khác, thậm chí ngay cả những người trẻ làm kinh doanh”,.

Nhiều thủ khoa lo lắng trước mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước, thủ khoa Nguyễn Thùy Dương (Trường đại học Luật Hà Nội) nêu vấn đề với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Hiện nay trung bình thu nhập ở Việt Nam còn thấp, là thanh niên cần phải làm gì để cải thiện tình hình này?

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, nhận thức về nguy cơ thu nhập trung bình thấp là tương đối rõ, nhiều năm qua Nhà nước đã quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng, đó là con đường để nâng mức thu nhập trung bình của người dân lên. Muốn vậy người làm việc phải luôn luôn có tư duy đổi mới.

Nhận định về thực trạng hiện nay chúng ta để các nhà đầu tư nước ngoài vào khai thác nguồn lao động giá rẻ, bà Lan cho biết đó là điều không nên. Hơn nữa, việc khai thác khoảng sản thô đang làm phung phí tài nguyên một cách rõ rệt. Muốn đổi mới mô hình tăng trưởng cần đầu tư để phát triển con người, làm sao có bước đi vững chắc, bền vững, muốn vậy lương bình quân cũng phải tăng lên.

“Sự nghiệp phát triển là sự nghiệp của số đông, những người học cao, học giỏi phải có trọng trách”, bà Lan nhắn nhủ với các thủ khoa.

Danh hiệu thủ khoa chưa là tất cả

TSKH Đoàn Hương cho rằng, với thủ khoa sự học giỏi để được thủ khoa chỉ là bước trước mắt cho bước đi rất dài phía sau. Bên cạnh niềm tự hào, hãnh diện khi các bạn đã đi được một bước quan trọng trong cuộc đời, đã có được thành công nhất định, tuy nhiên, tốt nghiệp ĐH mới chỉ là bước mở đầu cho cả quãng đường dài phía trước cần vượt qua.

Cô chia sẻ một câu nói của giáo sư Đặng Thai Mai, đó là: “Hãy quên hết những kiến thức học được ở nhà trường đi”, bởi kiến thức trong quá trình làm việc phải luôn được làm mới, luôn được bổ sung để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

TS cũng khẳng định, tầng lớp thanh niên, trí thức ngày nay rất được ưu ái, được coi trọng thông qua các chương trình tôn vinh, các ưu tiên, đặc cách trong công việc tại các cơ quan nhà nước. Chính những điều ấy đã thôi thúc các sinh viên, đặc biệt là các thủ khoa phải có ý thức hơn trong việc góp sức mình để phát triển đất nước, đóng góp cho đất nước nhiều TS, TSKH hơn nữa.

Chuyên gia KT Phạm Chi Lan và TSKH Đoàn Hương có những lời khuyên chân thành và sâu sắc cho các thủ khoa 2012

Nhiều thủ khoa đã thắc mắc về công tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, TS Đoàn Hương thẳng thắn: “Các nhà khoa học muôn đời khó và nghèo, làm khoa học không phải là một nghề mà nó là một nghiệp. Càng bằng cấp cao thì càng khổ vì phải gánh thêm nhiều trọng trách”.

TS Đoàn Hương cho biết, thực tế hiện nay cho thấy phương hướng lựa chọn ngành nghề, đơn vị công tác đối với những người có tài, nhiều bạn trẻ thường đặt mục tiêu tiền là trên hết. Với bà, không phải cứ tiền là quan trọng, là trên hết mà các bạn trẻ hãy nhìn ở mục tiêu lý tưởng cách mạng và đừng bao giờ quên.

“Tiền là quan trọng nhưng đừng xem đó là yếu tố để suy nghĩ, nếu thế hệ trẻ sống không có lý tưởng thì cuộc đời sẽ ra sao? Lý tưởng là la bàn để con tàu đi không va vào đá ngầm, nếu không có lý tưởng giống như con thuyền bị đắm và sẽ bơ vơ”.

Cô cũng tha thiết bày tỏ với các thủ khoa: “Chỉ xin các em 3 năm tuổi trẻ để cống hiến cho đất nước, các em hãy về những vùng sâu vùng xa, mang cái chữ, mang tri thức cho những nơi cần nó”.

Chia sẻ với suy nghĩ của TSKH Đoàn Hương, bạn Nguyễn Đức Khánh (thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Danh hiệu thủ khoa mang lại rất nhiều lợi thế, được ưu ái nhiều, được quan tâm nhiều. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng đòi hỏi chúng em phải nỗ lực hơn, cố gắng hơn để không làm xấu danh hiệu Thủ khoa và không phụ lòng những người đã quan tâm, giúp đỡ chúng em”.

Vương Tâm