Đánh bạc với nhà tái định cư 'ủy quyền định đoạt'

11:36 | 04/12/2015

1,150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người mua chỉ phải trả cho người có suất tái định cư số tiền 400-600 triệu đồng là có thể “sở hữu” một căn hộ tái định cư và được nợ gốc không tính lãi trong 2-3 năm đầu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên PetroTimes, hình thức mua bán này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro với người mua.

Theo lời kể của anh Lê Việt Anh (Tập thể ĐH Luật Hà Nội, Phan Văn Trường, Cầu Giấy, Hà Nội), qua lời giới thiệu của bạn bè và tìm hiểu thông tin trên mạng, thấy hiện nay người ta đang rao bán khá nhiều các căn hộ tái định cư, vị trí cũng đẹp mà số tiền bỏ ra ban đầu cũng không nhiều. Thấy loại nhà này phù hợp với khả năng tài chính anh đã tìm mua.

Vợ chồng anh cũng đã tìm đến không ít văn phòng môi giới BĐS và cũng đã đi xem nhà tại một số căn hộ tái định cư ở “thành phố giao lưu” (Phạm Văn Đồng), tái định cư Hoàng Quốc Việt, Nam Trung Yên, Chùa Láng...

Mức chênh lệch mà chủ những căn hộ này đưa ra cũng khá phong phú, có khi chỉ 300-400 triệu đồng nhưng cũng có khi lên tới cả tỉ đồng.

Tuy nhiên, với mức chênh lệch như vậy, nếu đem so với các dự án nhà ở thương mại ở trong cùng khu vực thì vẫn rẻ hơn tới 3-5 triệu đồng/m2. Ngoài ra, nếu đồng ý mua những căn hộ này, anh cũng sẽ được nợ lại phần gốc 2-3 năm (tùy theo khả năng “làm việc” của người mua với ban quản lý dự án) và không phải chịu lãi suất.

danh bac voi nha tai dinh cu uy quyen dinh doat
Nhà tái định cư ở “thành phố giao lưu” (đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Vì vậy, nhà tái định cư đang tạo nên “cơn sốt” trên thị trường BĐS không chỉ ở Hà Nội mà ở cả TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều tỉnh, thành phố lớn khác.

Lần theo lời quảng cáo trên các trang mua bán trực tuyến, để liên hệ trực tiếp với người rao bán (phần lớn là các trung tâm, văn phòng môi giới nhà đất), chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời tiếp thị, giới thiệu hấp dẫn về loại hình nhà ở này kiểu như vị trí thuận lợi, được hưởng hệ thống hạ tầng của các dự án chung cư thương mại xung quanh mà giá thì rẻ, lại được nợ gốc mà không phải tính lãi...

Khi tôi liên hệ để hỏi mua nhà tái định cư, anh Nam - người đang đứng ra rao bán một số căn hộ tái định cư trên trang muaban... đã bảo: Thời gian gần đây, nhà tái định cư luôn trong tình trạng “cháy hàng”, có căn nào là người ta mua ngay.

Mức chênh lệch cho từng căn cũng tăng lên từng ngày, ví như nhà tái định cư ở “thành phố giao lưu” chẳng hạn, khi mới có, mức chênh lệch chỉ là 400 triệu đồng nhưng giờ, có rẻ ra thì cũng phải là 600 triệu đồng.

Nam phân tích: Nếu tôi mua thì chỉ phải trả cho chủ nhà số tiền chênh lệch, phần nợ gốc khoảng 1 tỉ đồng sẽ được trả dần trong vòng 2-3 năm mà không phải trả lãi, tính sơ sơ theo lãi ngân hàng cũng lợi được 200-300 triệu đồng rồi.

Ngoài ra, nếu sau 2-3 năm mà chưa thanh toán được phần gốc, tôi có thể tiếp tục làm “cơ chế” với ban quản lý dự án để xin gia hạn khoảng thời gian nợ gốc với khoản kinh phí khoảng vài ba chục triệu đồng.

Tuy nhiên, khi hỏi về cách thức thực hiện giao dịch thì được biết, tất cả những giao dịch này sẽ phải thực hiện theo hình thức hợp đồng ủy quyền định đoạt, tức là chủ nhà sẽ làm giấy ủy quyền cho người mua toàn quyền sử dụng căn hộ và cũng chỉ có vậy.

Còn sổ đỏ của căn hộ thì vẫn sẽ do ban quản lý giữ cho tới khi thanh toán hết phần gốc. Và đây chính là điều mà Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci cho là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ rủi ro không nhỏ với người mua.

Đề cập cụ thể về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tú phân tích: Hợp đồng ủy quyền định đoạt theo quy định của pháp luật là hợp đồng dân sự và được quy định tại Điều 581 Bộ luật Dân sự. Theo đó, hợp đồng ủy quyền về thực chất là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Tuy nhiên, theo Điều 589 Bộ luật Dân sự thì hợp đồng ủy quyền hoàn toàn có thể chấm dứt nếu hợp đồng hết hạn; công việc ủy quyền đã hoàn thành; một trong các bên trong hợp đồng ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng; một trong các bên ủy quyền chết...

Ngoài ra, Luật sư Tú cũng thông tin thêm, theo quy định của Luật Nhà ở thì mọi trường hợp thực hiện giao dịch về nhà ở, trong đó có nhà ở tái định cư nếu không đúng quy định thì đều bị cấm. Chính vì vậy, mọi hành vi mua bán suất căn hộ tái định cư dưới dạng như hợp đồng mua bán viết tay, hợp đồng ủy quyền đều là trái pháp luật.

Mặc dù việc “mua bán” nhà tái định cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng có một thực tế, những thông tin rao bán nhà tái định cư vẫn xuất hiện với mật độ dày đặc trên mạng. Thậm chí, thời gian gần đây, tại nhiều dự án tái định cư chưa hoàn thành, người dân chưa bốc thăm như khu nhà tái định cư Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội), các căn nhà tái định cư vẫn được chào bán trên các trang mua bán nhà đất.

Thông tin về dự án này, một “cò đất” tên Linh cho biết, một căn hộ có diện tích 66m2 ở khu nhà tái định cư Hoàng Cầu hiện có giá khoảng 1,64 tỉ đồng. Trong đó, giá gốc là 15 triệu đồng/m2, tương đương 990 triệu đồng. Và số tiền còn lại là khoản tiền chênh mà người mua phải trả cho người có xuất tái định cư. Tuy nhiên, khi đề cập đến thời điểm bốc thăm và thời gian bàn giao nhà thì “cò đất” này lại không trả lời được.

Trong khi đó đại diện Ban Quản lý Dự án quận Đống Đa (đại diện chủ đầu tư Dự án Khu nhà nhà tái định cư Hoàng Cầu) khẳng định: “Do khu chung cư có vị trí trung tâm, rất thuận tiện giao thông đi lại nên rất được nhiều người quan tâm. Để ngăn chặn việc rao bán trái phép này, chúng tôi sẽ báo cáo UBND quận Đống Đa xử lý những trường hợp có suất tái định cư chưa bốc thăm đã định bán”.

Như vậy, nếu người mua chấp nhận mua nhà theo dạng hợp đồng ủy quyền thì sẽ phải đối diện với không ít nguy cơ, bởi rất có thể trong quá trình thực hiện, hợp đồng sẽ bị phá vỡ. Thậm chí, hợp đồng có thể bị phá vỡ bởi chính bên bán vì lợi ích gì đó mà quyết định chấm dứt hợp đồng, đòi lại nhà...

 

L.H

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc