Dân chủ và kỷ luật

07:50 | 02/10/2011

3,658 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không thể chỉ phiến diện nhấn mạnh một chiều vấn đề dân chủ hoặc vấn đề kỷ luật tập trung; không nên tách rời hoặc đối lập dân chủ với kỷ luật. Trái lại, phải kết hợp rất chặt chẽ việc mở rộng dân chủ với việc thực hiện kỷ luật tập trung theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – bài đã đăng trong tác phẩm "Xây dựng chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, của NXB Chính trị Quốc gia, tháng 8/2005)

Đảng ta đang hoạt động trong một bối cảnh mới, môi trường mới, khác rất nhiều so với trước đây: Chủ nghĩa xã hội thế giới sụp đổ một mảng lớn, Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Liên Xô tan rã đã làm thay đổi cục diện chính trị thế giới.

Chủ nghĩa xã hội, phong trào cách mạng, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở vào thế bất lợi; chủ nghĩa đế quốc hí hửng đẩy tới việc chống phá các nước xã hội chủ nghĩa còn lại và các phong trào cách mạng hòng xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Ở trong nước, việc chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập với bên ngoài có mặt tích cực là làm cho kinh tế phát triển năng động, nhộn nhịp và có hiệu quả hơn, nhưng cũng làm xuất hiện thêm nhiều tệ nạn xã hội và yếu tố tiêu cực mới.

Môi trường xã hội đó đã tác động vào hoạt động của Đảng ta, mở ra thời cơ mới và cả những thách thức mới hết sức gay gắt, đòi hỏi Đảng ta hơn bao giờ hết phải được củng cố vững mạnh không những về chính trị, tư tưởng, trí tuệ mà cả về tổ chức. Tổ chức đảng có chặt chẽ, đoàn kết thống nhất thì mới hoàn thành được vai trò sứ mệnh của mình trong giai đoạn hiện nay. Một trong những yếu tố làm cho tổ chức Đảng chặt chẽ, vững mạnh, là trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi và có kỷ luật rất nghiêm minh. Tính chất dân chủ của Đảng thể hiện ở chỗ:

- Mọi đảng viên đều được bàn bạc các công việc của Đảng, thảo luận thẳng thắn để đề ra và tổ chức thực hiện các chủ trương, quyết định của Đảng; có quyền bầu cử, ứng cử hoặc được đề cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng; có quyền được thông tin, được chất vấn, phê bình các công việc của Đảng; được trình bày hết ý kiến của mình trong tổ chức đảng (kể cả khi tổ chức đảng quyết định kỷ luật đối với mình). Nghị quyết các hội nghị của Đảng được biểu quyết theo đa số. Trường hợp ý kiến cá nhân đảng viên không phù hợp với quyết định chung của tập thể, đảng viên phải chấp hành theo đa số, nhưng vẫn được bảo lưu ý kiến hoặc đề đạt lên các cơ quan có thẩm quyền ở cấp trên cho đến đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

- Các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng đều do bầu cử dân chủ mà lập ra theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Cơ quan lãnh đạo phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước đại hội cấp mình và trước cơ quan lãnh đạo cấp trên theo quy định của Điều lệ Đảng. Trong Đảng thực hiện lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy trách nhiệm cá nhân, thường xuyên tự phê bình và phê bình.

Các công việc của Đảng đều phải tùy theo tính chất quan trọng mà do cơ quan có đủ thẩm quyền giải quyết. Ví dụ: những vấn đề về đường lối, chính sách cơ bản của Đảng, những vấn đề chung quan hệ đến toàn Đảng đều phải do cơ quan lãnh đạo toàn quốc của Đảng quyết định. Những vấn đề thuộc trách nhiệm và quyền hạn của địa phương, ngành, một đơn vị thì các tổ chức đảng ở đó quyết định không trái với đường lối, quyết định chung của toàn Đảng.

Như vậy, thực hiện dân chủ trong Đảng là nhằm phát huy đầy đủ trí tuệ, sáng kiến, sự sáng tạo của mọi thành viên (bao gồm đảng viên và tổ chức Đảng), tôn trọng và bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành viên. Tiêu chuẩn quan trọng, thước đo trình độ dân chủ của một đảng thể hiện ở chỗ trong đảng phát huy đến mức nào trí tuệ và quyền bình đẳng của mọi thành viên, chứ tuyệt nhiên không phải ở chỗ trong đảng có nhiều hay ít phe phái đối lập, có nhiều trung tâm quyền lực hay không (như có người mơ hồ ngộ nhận).

Trong những năm gần đây, Đảng ta có bước tiến mới về thực hiện dân chủ trong Đảng, rõ nhất là trong việc chuẩn bị các nghị quyết của Đảng, trong việc bầu cử cấp ủy, đánh giá, đề bạt, bố trí cán bộ, trong quan hệ và lề lối làm việc giữa cấp trên và cấp dưới… Nhưng phải thừa nhận rằng, sự tiến bộ đó còn hạn chế. Những hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức, cùng những tư tưởng ngôi thứ, gia trưởng, độc đoán, thành kiến… còn khá nặng nề trong Đảng.

Một số cán bộ rất hách dịch, lộng quyền, không muốn nghe ý kiến người khác, nhất là các ý kiến không hợp với mình, sẵn sàng trù dập, đàn áp những người không ăn cánh hoặc không làm theo ý mình. Họ không biết rằng, dân chủ đang là một xu thế của thời đại, một yêu cầu phát triển của đất nước; dân chủ cũng là mong ước, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đảng ta chủ trương phải phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, tích cực xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đấu tranh khắc phục tệ độc đoán, lộng quyền, vi phạm dân chủ. Dân chủ trong Đảng có tốt thì mới có điều kiện thực hiện dân chủ ngoài xã hội. Dân chủ trong Đảng hạn chế thì Đảng thiếu sức sống, mọi trí tuệ, tài năng, sáng tạo không được phát huy, thậm chí có khi còn bị thui chột.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản không phải là một câu lạc bộ chỉ tranh luận, bàn cãi suông, mà là một tổ chức cách mạng, là đội tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân. Mà giai cấp công nhân là giai cấp có ý thức tổ chức kỷ luật rất cao. Hơn bất cứ tổ chức chính trị nào khác, Đảng Cộng sản là một tổ chức rất chặt chẽ, là một khối đoàn kết thống nhất ý chí và hành động. Tổ chức Đảng có được xây dựng và củng cố vững mạnh thì mới bảo đảm cho cương lĩnh, đường lối của Đảng được thực hiện. Nói cách khác, sức mạnh về chính trị và tư tưởng của Đảng được thực hiện bằng tổ chức và thông qua tổ chức. Tổ chức bảo đảm cho Đảng tồn tại một cách hiện thực và có sức mạnh. Tính tổ chức, tính kỷ luật là sức mạnh của Đảng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Bác Hồ luôn luôn giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân giữ gìn sự đoàn kết thống nhất và tự mình chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và khối đoàn kết toàn dân. Người nhắc đi nhắc lại rằng: Trong Đảng phải có kỷ luật, có ý chí thống nhất “trăm người tiến đánh chỉ như một người”; “các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Cách mạng muốn thành công phải có sự đồng tâm nhất trí của toàn Đảng, toàn dân.

Chính nhờ xây dựng được khối đoàn kết thống nhất, thực hiện kỷ luật nghiêm minh mà Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo và đấu tranh cách mạng luôn luôn có sức mạnh vô địch. Mặc dù với số lượng không đông, có lúc chỉ mấy nghìn người, Đảng vẫn có sức sống mãnh liệt, kẻ thù không sao tiêu diệt nổi. Đảng vẫn có khả năng tổ chức và dẫn dắt nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đấu tranh giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Những năm gần đây, bên cạnh mặt tốt là Đảng giữ vững và phát huy được truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, cũng có những biểu hiện vô tổ chức, vô kỷ luật, bè phái, cục bộ, địa phương, có nơi khá nghiêm trọng. Nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng không được chấp hành nghiêm túc, nghị quyết không đi đôi với hành động, nói không đi đôi với làm, thậm chí nói một đằng làm một nẻo. Cấp dưới không phục tùng cấp trên, cá nhân không phục tùng tổ chức. Chủ nghĩa cá nhân ích kỷ phát triển, một số người phát ngôn tùy tiện, công khai truyền bá những ý kiến trái với đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng.

Có trường hợp đảng viên tuyên truyền, lôi kéo một số quần chúng đấu tranh chống lại chính quyền, gây rối trật tự xã hội. Nếu không kiên quyết chặn đứng những hiện tượng này nó sẽ phá hoại kỷ cương trong Đảng, làm suy yếu khối đoàn kết thống nhất của Đảng.

Từ những điều trình bày ở trên, rõ ràng không thể chỉ phiến diện nhấn mạnh một chiều vấn đề dân chủ hoặc vấn đề kỷ luật tập trung; không nên tách rời hoặc đối lập dân chủ với kỷ luật. Trái lại, phải kết hợp rất chặt chẽ việc mở rộng dân chủ với việc thực hiện kỷ luật tập trung theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nói cách khác, nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa hai mặt tập trung và dân chủ trong một mối quan hệ hữu cơ biện chứng. Tuyệt đối hóa một mặt nào đều có thể dẫn đến những sai lầm nguy hiểm, có hại cho sự lãnh đạo và sức mạnh của Đảng.

Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc nằm ngay trong bản chất của Đảng Cộng sản, xuất phát từ tính chất, chức năng, vai trò, trách nhiệm của Đảng, phản ánh đặc điểm và bản chất của giai cấp công nhân hiện đại. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề có tính nguyên tắc bảo đảm giữ vững bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Đảng, bảo đảm phát huy sáng kiến, tính tích cực sáng tạo của đảng viên và mọi tổ chức đảng; đồng thời bảo đảm cho tổ chức đảng cố kết về tổ chức, thống nhất ý chí, thống nhất hành động.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà tư tưởng chống cộng, bọn đế quốc và phản động các loại luôn luôn tìm cách tấn công vào nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng Cộng sản, coi việc phê phán, bác bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ là một trọng điểm, là một mũi nhọn rất lợi hại nhằm phá vỡ sự thống nhất về tổ chức của Đảng. Chúng tán dương, cổ xúy các đảng thực hiện đa nguyên chính trị, dân chủ cực đoan, kích động khuyến khích trong Đảng có nhiều quan điểm khác nhau, có nhiều phe nhóm đối lập. Cùng với việc đánh vào chủ nghĩa Mác – Lênin – hệ tư tưởng của Đảng, gốc rễ của chủ nghĩa xã hội, thế giới quan và cơ sở khoa học trong đường lối chính trị của Đảng, các thế lực đế quốc và phản động còn đánh vào nguyên tắc tập trung dân chủ – cơ sở tổ chức của Đảng – nhằm phá vỡ sự thống nhất của Đảng, làm tan rã Đảng về tổ chức.

Chúng ta hãy cảnh giác, đừng mắc mưu của kẻ địch.

N.P.T