Dân Anh không muốn đánh IS!

10:03 | 30/11/2015

1,256 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người dân Anh và cả quốc hội nước này đang phản ứng dữ dội trước tin Chính phủ Thủ tướng Cameron sẽ tham gia không kích IS tại Syria. Theo họ, chỉ có tình thương và quyền tự do mới cho cuộc sống tự do và kêu gọi chính phủ Anh không nên rơi vào cái bẫy thâm độc của IS.

 

dan anh khong muon danh is
Biểu tình phản đối không kích IS trước trụ sở Thủ tướng Anh ngày 29/11

Hôm qua (29/11), khoảng 4 nghìn người đã biểu tình ở Luân Đôn để chống lại việc Anh có thể tham gia không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.

Cuộc biểu tình do Phong trào phản đối liên minh quân sự tổ chức. Chủ tịch phong trào này, ông Andrew Murray nói rằng cuộc khủng hoảng IS không thể giải quyết bằng bom đạn.

Sau khi Pháp bị tấn công khủng bố ở Paris hôm 13/11, Tổng thống Hollande đã chạy đôn chạy đáo khắp thế giới để vận động một liên minh rộng lớn chống IS bằng vũ lực. Trong cuộc gặp ngày 24/11 tại Paris, Tổng thống Hollande đã thuyết phục được Thủ tướng Anh tham gia liên minh này. Và người đứng đầu chính phủ Anh hứa sẽ giúp Pháp “một tay” bằng các cuộc không kích IS tại Syria. Anh còn cho phép quân Pháp sử dụng căn cứ không quân Akrotiri của Anh tại Cyprus.

Phát biểu trước quốc hội hôm 26/11, Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra điều mà ông gọi là “trường hợp khẩn cấp” cần mở rộng các cuộc không kích nhắm vào IS từ Iraq sang Syria.

Ông Cameron dự định sẽ tổ chức một cuộc biểu quyết tại Hạ viện về việc mở rộng cuộc không kích ở Syria mà ông tự tin mình giành thắng lợi thông qua việc thuyết phục đủ số lượng các dân biểu đảng Lao động ủng hộ ông.

Trước đó, trong cuộc hội kiến với Tổng thống Nga Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 trung tuần tháng 11, Thủ tướng Cameron đã đề nghị “thỏa hiệp” với Nga về tương lai của Tổng thống Syria Assad để đổi lấy việc Moskva giúp tiêu diệt IS. Sự chìa tay của Anh là rất bất ngờ bởi lâu nay Nga và Anh thực sự không ưa gì nhau. Thủ tướng Cameron đã tận dụng cơ hội gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Putin tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ để kêu gọi Nga dùng hỏa lực tấn công IS. Người ta đã thấy Thủ tướng Cameron chụp ảnh với Tổng thống Putin dù còn ngượng ngùng. Đây là lần đầu tiên trong một năm qua, hai nhà lãnh đạo Nga và Anh gặp mặt trực tiếp với nhau.

Tuy nhiên, quyết định tham chiến của Thủ tướng Cameron còn phải được quốc hội Anh chấp thuận.

Hiện nay Đảng Lao động đối lập ở Anh có chủ trương chống lại việc đưa máy bay tham gia không kích IS.

Chính phủ Anh tiền nhiệm hồi 2013 đã bị quốc hội bỏ phiếu bác bỏ việc tham gia hành động quân sự chống chính quyền Assad và cũng không thúc đẩy biểu quyết việc Anh tham gia không kích ở Syria.

Lần này cũng thế, các nghị sĩ Anh đang tranh luận gay gắt đề xuất tham chiến của chính quyền Cameron.

Lãnh đạo đảng Lao động, ông Jeremy Corbyn, thì phản đối việc tiến hành không kích ở Syria chống lại IS và điều này khiến ông mâu thuẫn với nhiều thành viên nội các của đảng mình.

Trong khi tỏ rõ quan điểm cá nhân về việc phản đối mở rộng các cuộc không kích, ông Corbyn nói "sai lầm khủng khiếp" của cuộc chiến Iraq một phần là do các dân biểu "bị tác động và đe dọa" buộc phải ủng hộ "điều mà nhiều người trong số họ không tin tưởng".

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 29/11, ông Corbyn nhấn mạnh: "Đây là vấn đề lương tâm. Quý vị đang gửi những người đến chiến trường và họ có thể hy sinh... Do vậy quý vị nên bỏ phiếu theo phán xét của cá nhân về những gì quý vị cho là tốt nhất cho các cử tri và đất nước".

Các thành viên cao cấp trong đảng Lao động đối lập đang tìm cách xoa dịu nội bộ về vấn đề có nguy cơ chia rẽ.

Lãnh đạo đảng Lao động đã gửi thư thăm dò quan điểm của đảng viên và thúc giục họ phải trả lời trước tuần sau.

Tom Watson, phó lãnh đạo đảng Lao động gợi ý một cuộc bỏ phiếu tự do - cho phép nội các đảng đối lập và các dân biểu đảng Lao động bỏ phiếu theo ý nguyện cá nhân - có thể là giải pháp tốt nhất trong tình thế hiện tại.

Các bộ trưởng, trong đó có Ngoại trưởng Philip Hammond, sẽ tìm cách tác động đến các dân biểu đảng Lao động vào cuối tuần này để ủng hộ cuộc không kích nhắm vào IS tại Syria trong cuộc biểu quyết tại quốc hội.

Có thể nói, thất bại cay đắng của Mỹ tại Iraq và Afghanistan sau vụ 11/9/2001 vẫn còn ngay trước mắt. Màn trả thù Al-Qeada của Mỹ sau khi bị tấn công khủng bố chỉ khiến nước Mỹ thêm hao tài tốn của và nhân mạng. Chả nhẽ Anh và Pháp không thấy được điều này? Báo chí Anh cảnh giác: không nên rơi vào cái bẫy thâm độc của IS, xem tín đồ đạo Hồi là kẻ thù, đưa đến xung đột trong xã hội.

Tờ The Guardian dẫn lời các nhà phân tích cho hay, trong tầm nhìn của kẻ sát nhân, chúng không phân biệt Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Arập, phương Tây hay thế tục gì cả. Chúng giết tất cả mọi người. Cơ sở này hướng dẫn chúng ta trả đũa. Nếu hủy bỏ các quyền tự do để chống khủng bố là thua kẻ thù. Chỉ có tình thương và quyền tự do mới cho chúng ta cuộc sống tự do. Người dân châu Âu vốn truyền thống yêu tự do, công lý, điềm tĩnh và khoan dung nên về lâu dài sẽ không muốn đất nước rơi vào vòng xoáy của bạo lực kiểu ân oán chồng chất.

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc