Đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện

14:47 | 28/04/2017

3,317 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thiệt hại bởi sự cố từ các hồ đập thủy điện đến môi trường và đời sống nhân dân là vô cùng lớn. Bởi vậy, các biện pháp để đảm bảo an ninh, an toàn hồ đập thủy điện không thể dừng ở việc kêu gọi, lưu ý mà phải đi vào thực chất và biện pháp mạnh, cụ thể như chấm dứt giấy phép hoạt động, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương trong suốt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phòng chống thiên tai.  Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã ghi lại những phát biểu quan trọng tại hội nghị về vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện do Bộ Công Thương tổ chức tại Đà Nẵng cùng với các địa phương có dự án, nhà máy thủy điện trên cả nước.  

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Phối hợp, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị

dam bao van hanh an toan hieu qua ho chua thuy dien

Sau những nỗ lực của Bộ Công Thương và các bộ, ngành địa phương vào cuộc, thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường quản lý thủy điện, trong đó có công tác đảm bảo an toàn đập, vận hành hồ chứa... chúng ta đều ghi nhận những đóng góp to lớn của các hồ thủy điện trên cả nước trong việc cung cấp điện năng, góp phần cắt, giảm, làm chậm lũ cho hạ du trong mùa mưa, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Công Thương đề ra một số giải pháp cụ thể như sau: Trước hết, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy chế, chính sách để đảm bảo đúng pháp luật như Nghị định 72, Luật Thủy lợi cần sửa đổi và sớm ban hành nâng cao tính khả thi của các nghị định này hay Quyết định 1537/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7-9-2015 liên quan đến vận hành liên hồ chứa, Thông tư 34 của Bộ Công Thương và một số thông tư khác để vừa đảm bảo phát triển nông nghiệp vừa giữ vững an ninh an toàn hồ đập thủy điện.

Bộ Công Thương sẽ chủ động cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành lập nhóm công tác liên bộ để làm việc cụ thể với một địa phương có hồ thủy điện lớn, số lượng hồ thủy điện nhiều để thống nhất các giải pháp cụ thể, làm rõ trong phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành và tổ chức thực hiện chấp hành pháp luật liên quan đến vận hành xả lũ tại các địa phương. Đặc biệt là xây dựng các phương án phòng chống lụt bão tại địa phương với vai trò các doanh nghiệp có hồ thủy điện, vai trò của Ủy ban Phòng chống lụt bão, các đồng chí chủ tịch tỉnh là trưởng ban phòng chống lụt bão với việc điều hành xả lũ tại các hồ thủy điện. Bộ cũng sẽ làm rõ vai trò các cơ quan quản lý, đồng thời theo dõi, xây dựng kế hoạch theo dõi, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật liên quan đến hồ, đập thủy điện.

Bộ Công Thương sẽ chủ động điều chỉnh một số cơ chế chính sách cụ thể để đảm bảo hiệu quả của các hồ thủy điện tham gia phòng chống lụt bão, đồng thời đảm bảo hiệu quả hoạt động của thủy điện. Đặc biệt là cơ chế giá điện sinh hoạt để đảm bảo thủy điện có thể tham gia hiệu quả vào thị trường điện, đồng thời có sự hỗ trợ bù đắp khi thủy điện được huy động vào phòng chống lụt bão hay cấp nước cho nông nghiệp tại địa phương.

Chúng tôi sẽ chủ động cùng Bộ TN&MT tiêu chí hóa về vấn đề quan trắc môi trường tại địa phương sao cho phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời phù hợp với yêu cầu thực tiễn để sớm hình thành các trạm quan trắc tại địa phương với tiêu chí cụ thể cả về độ dày và tần suất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị có cơ chế tổ chức, phương thức kiểm tra các trạm quan trắc để có chế tài xem xét, rút giấy phép khi phát hiện hoạt động tiêu cực.

Đề nghị Ủy ban Phòng chống thiên tai Trung ương chủ động báo cáo đề xuất Chính phủ đề xuất sử dụng giải pháp công nghệ, kỹ thuật. Đặc biệt trên cơ sở giải pháp từ địa phương, doanh nghiệp như hệ thống cảnh báo lũ trên lưu vực sông Hương… Có cơ chế chính sách để Trung ương, các bộ, ngành hỗ trợ hình thành, đồng bộ hóa phương tiện, kỹ thuật từ Trung ương tới địa phương đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống cảnh báo, ứng phó tốt với thiên tai.

Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An: Xây dựng biểu đồ điều tiết nước

dam bao van hanh an toan hieu qua ho chua thuy dien

Trong mùa khô hạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các công ty thủy điện trực thuộc nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Bộ Công Thương, vận hành điều tiết nước theo lệnh và yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Loại bỏ lợi ích phát điện để xả nước duy trì dòng chảy cấp nước cho hạ du. Trong thực tế đã có nhiều nhà máy thủy điện phải xin ra khỏi thị trường điện cạnh tranh bởi trách nhiệm cấp nước cho nông nghiệp quá lớn.

Tuy nhiên, vấn đề phối hợp điều tiết của các hồ thủy điện bậc thang trên cùng một lưu vực sông qua nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu lượng nước, thời gian lấy nước ở mỗi địa phương còn khác nhau. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cũng chưa tính toán được lưu lượng nước cần lấy để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, nếu không làm tốt công tác phối hợp, xây dựng biểu đồ điều tiết nước, tính toán nhu cầu nước, thời điểm lấy nước sẽ rất khó khăn, vướng cho vận hành phát điện, ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phải huy động các nguồn khác.

Trong số 330 hồ đập thủy điện đang vận hành trên cả nước có nhiều chủ đầu tư như EVN, PVN, TKV và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác. Mặt khác, trên nhiều lưu vực sông lớn có nhiều hồ đập thủy điện thuộc nhiều doanh nghiệp khác nhau nằm ở các địa phương khác nhau nên công tác vận hành quy trình liên hồ chứa còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mọi người cứ nghĩ rằng, hồ chứa thủy điện như cái kho nước lúc nào cũng đầy, nhưng trong những năm gần đây do ảnh hưởng của thời tiết, hồ thủy điện cũng bị ảnh hưởng, cũng bị thiếu nước không thể đủ nước để điều tiết cho đến hết mùa khô. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phải xây dựng được biểu đồ điều tiết nước, vì nếu không làm tốt giữa mùa kiệt đã hết nước gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Theo đánh giá của EVN thì khu vực miền Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, đã làm tốt công tác lấy nước như xây dựng được thời gian lấy nước thành 3 đợt, lưu lượng nước, đồng loạt xả nước, phối hợp truyền thông và quy định bắt buộc 12 tỉnh, thành phố phải lấy nước nên việc sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi.

Một vấn đề khác là trong mùa lũ, mặc dù các hồ thủy điện của EVN đã nghiêm túc thực hiện các quy trình vận hành hồ chứa đơn hồ liên hồ và có ký quy chế phối hợp với nhiều cơ quan, ngành, địa phương nhưng trong vận hành điều tiết vẫn còn khó khăn. Đơn cử như khi lũ về lúc nửa đêm, các thủy điện fax thông báo không có người nhận, liên lạc bằng điện thoại, bằng tin nhắn với lãnh đạo địa phương rất khó. Mặt khác, trong vấn đề báo cáo cũng còn tồn tại vì quy định hành chính.

Theo quy định, trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão là chủ tịch UBND tỉnh, thường trực là phó chủ tịch UBND tỉnh, trong khi mưa lũ, chủ hồ gọi điện báo cáo cho phó chủ tịch vừa là đại diện ủy ban, vừa là thường trực ban phòng chống lụt bão, nhưng có tỉnh đã phê bình là tại sao không báo cáo trưởng ban (chủ tịch). Trong tình hình khẩn cấp, giám đốc đơn vị còn phải lo chỉ đạo, phòng chống tại hiện trường nhưng nếu hành chính hóa, thực hiện theo đúng quy định phải gọi đến hàng chục người. Ông An cho rằng, cần các địa phương “thông cảm” cho vấn đề này và nên quy định một đầu mối liên lạc, thậm chí chỉ cần báo cáo cho một chuyên viên, thành viên ban chỉ huy phòng chống nghe điện rồi báo cáo lại lãnh đạo là được.

Để làm tốt công tác quản lý vận hành hồ đập, ngoài những vấn đề nêu trên, EVN cũng đề nghị các chủ đập cần tăng cường đầu tư cho công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo lũ; có quy định trách nhiệm cụ thể đối với các chủ hồ đập thủy điện trên cùng một lưu vực sông; tăng cường thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng trong việc điều tiết...

Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) Nguyễn Trọng Oánh: Cần có hành lang thoát lũ

dam bao van hanh an toan hieu qua ho chua thuy dien

Là công ty quản lý một số hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong những năm qua, DHD đã tăng cường phối hợp với địa phương làm rất tốt công tác vận hành quy trình liên hồ chứa và đã không xảy ra sự cố bất thường nào. Không những thế các hồ thuộc công ty quản lý, bên cạnh việc sản xuất điện đã thường xuyên cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân vùng hạ lưu.

Cách đây 10 năm, trời mưa khoảng 10 tiếng nước mới lên mạnh và gây ra ngập lụt, nhưng hiện tại mưa chỉ khoảng 4 tiếng là hồ đã đầy, trong khi quy định của Nhà nước phải ban hành thông báo lũ và sơ tán người dân phải từ 24-36 giờ trước khi xả lũ. Điều này là bất khả thi trong điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan. Một điều cần lưu ý nữa là lũ lụt không chỉ do xả lũ, mà còn một phần lớn là do mưa nội đồng, mưa to nặng hạt ngay trong một khu vực, một tỉnh...

Mặt khác, trong hệ thống quy phạm pháp luật chưa có văn bản nào đề cập đến hành lang thoát lũ vì hành lang này sẽ làm giảm thiệt hại cho người dân vùng hạ lưu. Do đó, Nhà nước cần đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết về hành lang thoát lũ bao gồm cả các chế tài quản lý, hướng dẫn thực hiện, tránh xâm phạm. Bên cạnh đó, những quy định cụ thể về vận hành liên hồ và xả lũ khi nhiều thủy điện cùng báo đầy một lúc phải có quy định là hồ nào xả trước và đơn vị nào quyết định việc xả lũ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương: Cơ chế hỗ trợ cho các chủ hồ tham gia phòng chống lũ

dam bao van hanh an toan hieu qua ho chua thuy dien

Trong thời gian qua, Huế được đánh giá khá cao trong hoạt động vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện. Các hồ chứa đã tham gia làm chậm lũ và giảm đỉnh lũ trên sông Hương và sông Bồ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn. Đáng kể nhất là hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương, sông Đại Giang - Thiệu Hóa và nhiều sông khác có cao trình bờ thấp từ +0,3m đến dưới 1m. Các đoạn đê này lại quá cũ kỹ, xuống cấp… nên khi triều cường, xã lũ nước thấm vào thân đê. Ngoài ra khu vực hạ du, khẩu độ các cống qua đê ven phá nhỏ; các sông suối bị bồi lắng gây khó khăn cho việc thoát lũ; góp phần làm cho mực nước sông dâng cao và xuống chậm, gây ngập úng cục bộ.

Bên cạnh đó phải kể đến hệ thống quan trắc các hồ chứa thủy lợi, thủy điện còn thưa. Hệ thống thông báo, cảnh báo lũ vùng hạ du của các hồ còn thiếu… Vì vậy khi ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành lệnh vận hành hồ chứa đến các huyện, thị xã, TP Huế… mất nhiều thời gian. Chưa nói đến, các nhà máy chỉ lắp đặt một cụm còi tại đập chính nên khi xả lũ thông tin cảnh báo không đến được với rộng rãi người dân…

Để điều hành các hồ chứa nước thủy điện có hiệu quả, Huế kiến nghị một số vấn đề: Trước hết, để hạn chế lãng phí, thất thoát tài nguyên nước, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện, huy động nguồn điện ở các nhà máy thủy điện với giá hợp lý; Có cơ chế hỗ trợ cho các chủ đập khi các chủ đập sử dụng phần dung tích của các hồ chứa để thực hiện phòng, chống lũ cho hạ du vì trên thực tế các hồ thủy điện đều nhỏ, khi đầu tư xây dựng chỉ phục vụ sản xuất điện chứ không làm chức năng hồ thủy lợi.

Các cơ quan chức năng liên quan cần chỉ đạo các chủ đập tiến hành kiểm định an toàn đập sớm hơn theo quy định là 10 năm; Triển khai xây dựng các phương án ứng phó khẩn cấp hồ chứa khi có sự cố vỡ đập. Đồng thời điều chỉnh lại nội dung quy định thời điểm cho phép tích nước để đưa về mực nước dâng bình thường muộn hợn so với quy định hiện hành đối với những năm dự báo có mùa mưa kết thúc muộn…

Các bộ, ngành Trung ương cần sớm triển khai dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện. Bên cạnh những phương thức cảnh báo vận hành hồ chứa nước bằng loa phát thanh, còi, bảng điện tử… cần áp dụng thêm các hình thức cảnh báo qua ứng dụng điện thoại di động, mạng xã hội…

Đối với các chủ hồ, ngay sau mỗi đợt lũ các chủ đập cần triển khai khảo sát hiện trạng ngập lụt, đánh, vết lũ, nghiên cứu lập bản đồ vùng ngập lụt… để làm cơ sở điều chỉnh vận hành hồ chứa. Đã đến lúc từ Trung ương tới địa phương cần đẩy mạnh đầu tư khoa học, công nghệ như đo đạc, truyền số liệu tự động, hợp tác với các đơn vị có năng lực để dự báo sớm, chính xác thiên tai, lũ lụt trong từng khu vực và cả nước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh: Phải có ngay quy trình vận hành liên hồ

dam bao van hanh an toan hieu qua ho chua thuy dien

Vấn đề quan trắc tại thượng nguồn, có sự chỉ đạo chưa quyết liệt của Bộ TN&MT, Bộ Công Thương trong việc lắp đặt quan trắc về thượng lưu. Độ dầy trạm quan trắc chưa được tiêu chuẩn hóa cụ thể, đảm bảo hiệu quả, cụ thể như hồ Thủy điện An Vương là 113km2/trạm, Sông Bung 4 là 181km2/trạm; Đakmil 4 là 315 km2/trạm; Sông Tranh 2 là 386 km2/trạm. Trong khi đó tại hồ Phú Ninh, dự án lắp đặt trạm quan trắc thời tiết do WB tài trợ chỉ 40km2/trạm và dự báo sớm 36 tiếng.

Đặc biệt là hiện nay mới có quy định vận hành hồ chứa thủy điện cho đơn hồ, còn chưa có quy định cho vận hành liên hồ. Quy định về vận hành liên hồ còn chưa chi tiết, trong trường hợp lũ về 3 hồ cùng một lúc phải phân chia xả lũ thế nào để không ảnh hưởng đến hạ du. Trong Nghị định 172 có quy định trong tình huống bất thường chưa được thông báo là tình huống gì, tình huống đặc biệt là tình huống gì.

Cần có nhìn nhận đúng mực về vai trò của thủy điện, không phải cứ có lũ lụt là đổ do thủy điện, thực tế trong thời gian qua thủy điện đã làm rất tốt vai trò của mình trong điều tiết phục vụ nước hạ du cũng như phục vụ đảm bảo an ninh năng lượng. Thủy điện cũng là một tài nguyên, nếu sử dụng tốt hợp lý tài nguyên này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Cần rà soát lại các dự án thủy điện kiên quyết xử lý những thủy điện chưa đảm bảo các yêu cầu vận hành an toàn hồ chứa thủy điện. Bên cạnh đó, tăng cường cổ phẩn hóa kêu gọi xã hội hóa các thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ thì nhà nước nên rút dần vốn giao lại cho các doanh nghiệp bên ngoài nhà nước thực hiện.

Trong số 330 hồ đập thủy điện đang vận hành trên cả nước có nhiều chủ đầu tư như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác. Trên nhiều lưu vực sông lớn có nhiều hồ đập thủy điện thuộc các doanh nghiệp khác nhau nằm ở các địa phương khác nhau nên công tác vận hành quy trình liên hồ chứa còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

Nguyễn Sơn - Thành Công

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps