Đãi ngộ quá “bèo”, giáo viên mầm non bỏ nghề

08:56 | 04/06/2017

1,960 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong tờ trình của UBND TP HCM về chính sách thu hút và giữ chân giáo viên mầm non đã nêu ra một thực trạng: Thành phố thiếu giáo viên nhưng không giữ được các cô lại với nghề.

Mỗi ngày có 3 người bỏ việc

Trong tờ trình gửi HĐND, UBND TP HCM cho biết, hiện tại thành phố có 3.057 nhóm nhà trẻ; 10.347 lớp mẫu giáo, số giáo viên mầm non còn đang thiếu là 7.695 người so với quy định của Thông tư 06/2015. Nếu kết hợp cả việc đáp ứng được quy định số trẻ/nhóm, lớp trong Điều lệ trường mầm non thì số giáo viên mầm non mà thành phố còn thiếu lên đến 11.014 người, riêng giáo viên mầm non ở trường công lập còn thiếu đến 3.319 người.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non phường 3 (quận 10) cho biết, trường hiện có 353 trẻ với 10 nhóm lớp nhưng chỉ có 18 giáo viên nên rất căng thẳng. Trường chỉ cố gắng ưu tiên đủ giáo viên cho khối nhà trẻ, còn khối khác, Ban Giám hiệu buộc phải trực tiếp vào lớp những giờ cao điểm để phụ giáo viên như cho trẻ ăn, trông coi trẻ, thậm chí kiêm nhiệm thêm các công việc thủ kho, thu ngân...

dai ngo qua beo giao vien mam non bo nghe

Theo bà Thủy, trường cũng đã đăng ký tuyển giáo viên nhưng không được. Nhân viên nuôi dưỡng (bảo mẫu) cũng thiếu vì lương quá thấp, chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng nên khó tuyển, trường phải ký hợp đồng lại với một số giáo viên đã về hưu.

Ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 11, thông tin: trong 3 năm học vừa qua, giáo viên mầm non mới tuyển dụng trên địa bàn không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Số lượng ứng viên đăng ký thấp hơn cả chỉ tiêu các trường cần tuyển. Năm học 2016-2017, toàn quận còn thiếu 15 giáo viên mầm non. Từ đầu năm học đến nay, quận Bình Thạnh đã tuyển 2-3 đợt nhưng hiện vẫn còn thiếu 9 giáo viên mầm non. Ngay ở trung tâm như quận 1 cũng thiếu nhiều nhưng không tuyển được. Để đảm bảo công việc, quận cũng phải linh động hợp đồng lại với giáo viên đã về hưu hoặc diện KT3.

Một bất cập mà hầu hết trường mầm non hiện nay đang gặp phải là việc tuyển dụng và bố trí nhân sự cho 4 vị trí gồm kế toán, thủ quỹ, y tế và văn thư. Do Thông tư liên tịch số 06 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định các trường mầm non chỉ được biên chế 2 người để làm 4 vị trí trên, tức mỗi người phải kiêm nhiệm thêm một việc. Theo các trường, như thế rất khó và các cô không kham nổi khi công việc ở trường quá nhiều. Thêm vào đó, theo quy định, nhân viên kế toán không được giữ tiền, nghĩa là không thể kiêm thủ quỹ, kế toán cũng không được giữ con dấu, nghĩa là không thể kiêm văn thư. Như vậy, kế toán chỉ có thể kiêm y tế trong khi số trẻ mỗi trường đều ở khoảng 500-600 trẻ, phải đối diện với đủ thứ dịch bệnh và các vấn đề sức khỏe, nhân viên y tế chuyên trách còn chưa chắc đã đảm đương nổi chứ chưa nói đến kiêm nhiệm.

Trong tờ trình gửi HĐND, UBND TP HCM cho biết, mỗi năm có hơn 1.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc hoặc về hưu, trong khi tuyển dụng gặp nhiều khó khăn do thu nhập ngành này thấp. Theo Sở GD&ĐT TP HCM, tình trạng thiếu giáo viên mầm non do sinh viên nghỉ hoặc chuyển ngành học giữa chừng khá nhiều.

Nhu cầu tuyển dụng trong những năm gần đây luôn cao hơn nhiều so với số lượng giáo viên mầm non được tuyển dụng. Như năm học 2016-2017, thành phố cần tuyển trên 2.380 nhưng chỉ tuyển được 1.760, thiếu trên 620 giáo viên mầm non. Số sinh viên tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non (ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học) có hộ khẩu tại TP HCM chỉ khoảng 30%. Nếu như tất cả sinh viên tốt nghiệp có nhu cầu vào hệ thống giáo dục mầm non và hệ thống tuyển dụng hết, thành phố vẫn thiếu nguồn dự tuyển để đảm bảo đủ giáo viên theo quy định.

Trung bình mỗi giáo viên cần 10 tiếng/ngày để thực hiện được các yêu cầu của việc chăm sóc, giáo dục trẻ và nhiệm vụ quản lý nhóm, lớp (do đặc thù công việc, giáo viên phải đi sớm 1 tiếng để làm vệ sinh lớp từ phòng sinh hoạt đến phòng vệ sinh trẻ ngày 3 lượt, vệ sinh đồ dùng cá nhân trẻ hằng ngày, chuẩn bị đón trẻ… và về trễ 1 tiếng để trả trẻ).

Ngoài ra, áp lực công việc tăng thêm khi giáo viên mầm non còn phải tham gia thường xuyên các hoạt động khác. Trung bình giáo viên mầm non cần dành thêm khoảng 2 tiếng/ngày để thực hiện các việc phụ trợ cho việc giảng dạy như làm đồ dùng, đồ chơi, chuẩn bị giáo án…

Như vậy, mỗi giáo viên mầm non cần 10-12 tiếng/ngày để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong khi điều kiện chưa thoải mái để họ cống hiến. Đó là chưa kể, yêu cầu của phụ huynh ngày càng cao với việc chăm sóc, giáo dục con trẻ nên họ sẵn sàng có lời nói, hành động xúc phạm và tổn hại đến giáo viên nếu có việc không hài lòng. Ngoài ra, thu nhập thấp, không tương xứng với cường độ công việc cũng khiến nhiều giáo viên mầm non không trụ nổi với nghề.

Áp lực lớn - đãi ngộ thấp

Bất cập lớn nhất hiện nay là đãi ngộ cho giáo viên mầm non còn quá “bèo” so với công việc. Giáo viên mầm non phải làm từ 10-12 tiếng/ngày, vượt cả quy định làm thêm hàng trăm giờ một năm, rồi áp lực từ nhiều phía nhưng thu nhập lại rất thấp.

Ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 11 cho biết, thu nhập giáo viên nhìn chung vẫn còn thấp, thấp nhất chưa đến 2,3 triệu đồng/tháng, không bằng lương công nhân. Nhiều giáo viên mới ra trường, ngoài đi dạy còn đi bán hàng cho siêu thị, được một thời gian thì nghỉ dạy luôn vì thấy làm ở siêu thị lương cao hơn. Những giáo viên trẻ hiện đang công tác nhưng các trường luôn trong tình trạng lo lắng vì không biết họ sẽ nghỉ việc lúc nào.

Theo báo cáo của quận 11, hiện mức thu nhập thấp nhất của giáo viên (thời gian công tác 1-5 năm) là 2.253.000 đồng/tháng. Mức lương này thấp hơn cả lương thợ phụ, giáo viên không thể đủ sống nên rất khó khăn để đòi hỏi giáo viên trẻ yêu nghề và cống hiến lâu dài.

Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, nguồn tuyển rất hạn chế do vẫn vướng yêu cầu về hộ khẩu. Đồng thời Sở cũng thừa nhận, rào cản lớn nhất khiến giáo viên mầm non khó gắn bó lâu dài với nghề là chế độ đãi ngộ quá thấp trong khi áp lực công việc quá lớn. Do đó, Sở đã kiến nghị lên thành phố hàng loạt giải pháp để làm sao giữ chân giáo viên trước, rồi tiến tới thu hút nguồn lực cho ngành này như nâng phụ cấp, tuyển đủ giáo viên, bảo mẫu…

Ngoài ra, Sở cũng đề xuất nhiều giải pháp khác như có cơ chế tuyển dụng giáo viên không gắn với yêu cầu hộ khẩu và kiến nghị thành phố cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non với cam kết ra trường công tác tại các cơ sở mầm non công lập ở thành phố và hoàn trả khoản vay trong 3-5 năm đầu công tác…

Từ thực tế này, UBND TP HCM đề xuất kinh phí dự kiến để giữ chân giáo viên mầm non với số tiền là hơn 251 tỉ đồng/năm, trong đó hơn 32 tỉ đồng cho bổ sung giáo viên theo dạng khoán, trong điều kiện không thể tăng biên chế giáo viên mầm non để đủ theo quy định; hơn 39 tỉ đồng cho bổ sung nhân viên nuôi dưỡng, hợp đồng khoán để bổ sung thêm nhân viên hỗ trợ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh cho trẻ; hơn 56 tỉ đồng để điều chỉnh thu nhập và chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non; hơn 89 tỉ đồng để hỗ trợ khuyến khích giáo viên mầm non có trình độ chuyên môn đến công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non…

Ngoài ra, UBND TP HCM cũng đề xuất các giải pháp đi kèm như cho phép thực hiện thí điểm tự chủ toàn phần tại một số đơn vị có điều kiện (đơn vị tự quyết định mức học phí, tự quyết định số lượng giáo viên và mức lương của giáo viên), kinh phí lẽ ra cấp cho đơn vị này sẽ điều tiết sang đơn vị ở vùng ven, vùng khó khăn hay ngoại thành để hỗ trợ phát triển đơn vị; có cơ chế tuyển dụng giáo viên mầm non không gắn với yêu cầu hộ khẩu thành phố.

Bạch Dương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.