Đại học Kinh tế Quốc dân: Những việc làm không minh bạch

10:06 | 25/07/2012

4,802 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Như những gì Nhà giáo nhân dân, GS.TSKH Lê Du Phong đề cập tới, ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân không chỉ có sự bất ổn trong việc tổ chức cán bộ mà còn có nhiều vấn đề có dấu hiệu sai phạm về tài chính. Petrotimes tiếp tục gửi tới bạn đọc bài viết thứ 2 trong loạt bài: "ĐH Kinh tế quốc dân: Bất ổn lắm, sai phạm nhiều"

Dự án Tháp KTQD chỉ là một trong nhiều dự án có vấn đề của trường ĐHKTQD.

 

Từ “sách nhiễu” nhà thầu…

Theo GS.TSKH Lê Du Phong thì, có một câu chuyện mà đến tận bây giờ vẫn được nhắc tới ở trường ĐHKTQD là quyết định bổ nhiệm ông Vũ Anh Trọng về giữ chức Trưởng phòng Quản trị thiết bị. Vẫn biết ông Nam vốn là người đầy “bất ngờ” trong việc ký, ban hành các quyết định nhưng có một điều mà không ai có thể ngờ tới chính là quyết định bổ nhiệm ông Trọng khi ông này vừa dính vào một vụ bê bối về tài chính tại dự án nhà D2, trường ĐHKTQD do Công ty Xây dựng số 4, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội thi công.

Trong quá trình thực hiện dự án, ông Trọng và ông Đàm Văn Huệ - hiện đang là Trưởng phòng Tài chính kết toán, kiêm Kế toán trưởng đã đòi nhà thầu phải chi % thì mới chịu quyết toán. Vào thời điểm đó, đơn vị thi công đã thực hiện xong phần móng và tiến hành làm thủ tục để được tạm ứng vốn theo khối lượng, với quyết toán phần xây dựng gần 20 tỉ đồng. Song, ông Trọng và ông Huệ lại cố tình giữ hồ sơ và đòi đơn vị thi công "chi cho sếp" 6%, còn mình thì 1%.

Thậm chí, khi sự việc được đơn vị thi công phản ánh với lãnh đạo phòng Quản trị thiết bị nhưng ông Trọng vẫn không nghe. Hành vi này đã buộc Chi bộ phòng Quản trị thiết bị đã họp, kiểm điểm đối với ông Trọng.

Những tưởng mọi chuyện sẽ chấm dứt ở đó, nhưng khi sự việc đến tai ông Nam, ông Nam cho gọi lãnh đạo phòng Quản trị thiết bị cùng ông Trọng, ông Huệ lên phòng làm việc. Và dù lãnh đạo phòng Quản trị thiết bị lúc bấy giờ tiến hành họp phòng và tuyên bố: Đề nghị các đồng chí không được đòi phần trăm của đơn vị thi công nhưng ông Nam vẫn triệu tập cuộc họp lãnh đạo các phòng và tổ xây dựng.

Ông tuyên bố: “Ai còn nói đến chuyện này nữa, thì tôi sẽ trực tiếp xử lí”. Ngay sau đó, Tổ tư vấn xây dựng và mua sắm thiết bị đã được ông Nam cho thành lập do ông Trọng làm Tổ trưởng, được quyền quyết hết mọi việc liên quan đến đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị. Trưởng phòng kiêm Bí thư Chi bộ phòng Quản trị thiết bị coi như vô hiệu hóa.

Dư luận trong trường ĐHKTQD không khỏi thắc mắc, đặt câu hỏi: Vì sao mà sau đó ông Trọng lại được Hiệu trưởng bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng?

Đến mập mờ mua bán

Không chỉ thể hiện sự bất ổn trong công tác tổ chức cán bộ, hàng loạt các sai phạm trong quá trình thi công, xây dựng cũng được nhiều cán bộ, giảng viên của trường ĐHKTQD phản ánh.

Cụ thể: Dự toán và quyết toán công trình nhà D2 đều là gạch đặc, với đơn giá gần gấp 3 lần gạch lỗ nhưng trên thực tế thì toàn bộ công trình lại được xây bằng gạch lỗ và quyết toán theo giá gạch đặc. Ngoài ra, theo thiết kế, toàn bộ cửa nhà D2, khoảng 1.000 m2 là chủng loại kính khung nhôm, song khi thi công lại thay vào đó là cửa khung nhựa lõi thép (Window).

Toàn bộ số cửa này do ông Trọng trực tiếp mua và cho người chở đến tận chân công trình.

Ở đây, chưa bàn tới chuyện "ăn chia, kiếm chác" của ông Trọng trong thương vụ này mà chỉ bàn tới quyết định điều chỉnh vô lối này cũng đã khiến ngân sách của trường mất khoảng 2 tỉ đồng vì theo tính toán, vào thời điểm đó, giá của cửa nhôm kính xấp xỉ 1.000.000 đồng/m2 còn cửa khung nhựa lõi thép có giá là 3.000.000 đồng/m2.

Ngoài dự án nhà D2, trường ĐHKTQD còn tồn tại rất nhiều công trình xây dựng có biểu hiện nghi vấn, có nhiều dấu hiệu sai phạm. Đơn cử như hai dãy nhà B2 là nhà cấp 4 nhưng lại được xây dựng, tính toán một cách kiên cố, vững chắc đến không tưởng với toàn vật liệu “xịn”. Móng nhà đào sâu xuống tới hơn 2 mét, tường xây dày 220 cm, toàn bộ hai dãy nhà được lắp trần nhôm và cửa kính Window... và tất nhiên tổng giá trị đầu tư của công trình này cũng lên tới 3 tỉ đồng.

Bất thường hơn nữa là công trình này lại được thi công bởi một đơn vị thi công do ông Cường (em ông Nam) thực hiện, trong khi công ty chỉ mới thành lập chưa lâu. Chưa cần nói đến năng lực thi công của công ty này nhưng với việc chỉ định thầu  cho dự án này là hoàn toàn sai với Luật Đấu thầu.

Việc cải tạo, sửa chữa kí túc xá, nhà ăn và quét vôi nhà làm việc với tổng đầu tư 10,7 tỉ đồng cũng gây xôn xao không kém. Công việc thì rất nhiều, nhưng lại được tiến hành cấp tập đến mức chưa có dự toán đã làm, rồi các công việc chưa xong đã quyết toán. Không những thế, cán bộ trong trường còn phát hiện có hiện tượng gửi giá cho đơn vị thi công khi lập quyết toán.

Ngoài ra, cầu ngang nối nhà D và nhà B cũng được triển khai khi chưa có dự án cũng đặt ra nhiều nghi vấn mà chưa có lời giải thích. Cùng với đó là hàng loạt công trình khác tuy đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể quyết toán cũng có nhiều biểu hiện đang nghi vấn. Trong đó, nghi vấn về chuyện đòi ăn chia % của một số đối tượng có quyền quyết định trong trường được đặt ra nhiều nhất.

Và “sân chơi” của ông Hiệu trưởng?

Đang có rất nhiều dấu hỏi xung quanh việc thu các khoản phí của trường ĐHKTQD.

 

Rắc rối về tài chính chưa phải là tất cả, chuyện đào tạo, liên kết đào tạo,… của trường ĐHKTQD cũng biểu hiện nhiều vấn đề.

Theo những thông tin mà GS.TSKH Lê Du Phong cung cấp, hằng năm trường ĐHKTQD cho ra lò hơn 1.000 Thạc sĩ và trong trường luôn có khoảng 3.000 học viên theo bậc học này. Đây là nguồn thu vô cùng lớn đối với trường ĐHKTQD  bởi chỉ tính riêng chương trình đào tạo Thạc sĩ điều hành cao cấp - Executive MBA - Khóa 2, năm 2012, với mức học phí là 130 triệu đồng/HV/khóa, kinh phí tổ chức các hoạt động hỗ trợ học viên thu 20 triệu đồng/HV/khóa, lệ phí thi là 1,2 triệu đồng/HV... đã cho ra một con số khổng lồ.

Và có lẽ chính vì vậy mà chỉ một năm sau khi nhậm chức, ông Nam đã giành lấy quyền phụ trách hoạt động này từ PGS. TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng nhà trường đảm nhiệm.

Quy định của Bộ Giáo dục nên rõ, khi học viên thi cao học, phải căn cứ chuyên ngành đăng kí và chuyên ngành học ở bậc đại học. Nếu học viên nào trái ngành, thì phải học bổ sung kiến thức một số môn ở bậc đại học. Học xong, học viên phải thi theo quy chế chặt chẽ: rọc phách, bài do hai giáo viên chấm chéo, có xác nhận của Chủ nhiệm bộ môn.

Thế nhưng, học viên nào có chứng chỉ lớp bồi dưỡng sau đại học thì được miễn tham gia học bổ sung kiến thức. Điều này là rất nguy hiểm, bởi lớp bồi dưỡng sau đại học có trình độ cao hơn, không phù hợp với việc bổ sung kiến thức bậc đại học. Hơn nữa việc chấm tiểu luận không qua bộ môn cũng trái với quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, tính toán từ cuối năm 2010 đến nay, Viện Đào tạo sau đại học tổ chức 14 khóa lớp bồi dưỡng kiến thức sau đại học, với tổng số khoảng 700 học viên, thu 5 triệu đồng/HV/khóa, tổng thu khoảng 3,5 tỉ đồng.

Theo cô Minh, cán bộ của Viện, hiện đang có lớp bồi dưỡng sau đại học mở vào ngày 7/4/2012, học viên học 9 môn chung, thu học phí 5 triệu đồng và ba môn chuyên ngành thu 900.000 đồng, mỗi môn học trong hai ngày, học xong học viên không phải thi mà làm tiểu luận ở nhà, giáo viên dạy chấm trực tiếp, không qua bộ môn, hết khóa học viên được cấp chứng chỉ.

Như vậy, đây là hình thức đào tạo mập mờ, dễ tạo điều kiện “đánh lận con đen”.

Cũng theo nhiều nguồn tin trên thì các lớp bổ sung kiến thức đại học cũng mang lại khoảng thu lên tới 2,1 tỉ đồng/năm. Cụ thể: Ôn thi cao học, thu của mỗi học viên 4.200.000 đồng, năm 2011 tổ chức 15 lớp, khoảng trên 1.000 học viên, tổng thu được trên 4 tỉ đồng.

Mặc dù thu lớn như vậy nhưng chi cho giáo viên lại không đáng kể, thậm chí là quá bèo bọt. Các môn chung học tại Nhà văn hóa, mỗi buổi tập hợp 400 - 500 học viên vào một hội trường, thu từ 120 - 150 triệu đồng; chi cho giáo viên 7,5 triệu đồng, tiền quản lí 2,2 triệu đồng và tiền thuê hội trường cũng chỉ vài triệu đồng. Như vậy, mỗi buổi Viện Đào tạo sau đại học “ăn ra” tới trên trăm triệu đồng...

Tất cả các khoản thu (hàng chục tỉ đồng mỗi năm), cán bộ được phân công thu tiền phải nộp hết cho cô Liên và cô Minh, là hai cán bộ không phải kế toán, không làm công tác tài vụ. Sau đó hai người này nộp cho ai, các cán bộ khác trong Viện Đào tạo sau đại học không ai được biết nhưng không cần phải nói, với tiêu chí tự thu, tự chi thì chắc chắn tiền sẽ về Viện Đào tạo sau đại học, còn sau đó, khoản tiền này đi đâu về đâu chỉ có trời mới biết.

Cùng nhiều khoản thu mờ ám

Nhiều dấu hiệu vi phạm trong đầu tư xây dựng cũng như việc thu chi tài chính và đào tạo, liên kết đào tạo đã được thể hiện khá rõ. Nhưng theo phản ánh của nhiều học viên đang theo học Thạc sĩ và một số học viên đã tốt nghiệp, mức thu phí tại ĐH KTQD quá cao và nhiều khoản phi lí.

Theo các tài liệu mà chúng tôi thu thập được, thì ngoài khoản thu học phí, sinh viên trường ĐH KTQD phải nộp thêm nhiều khoản phí khác: Thu các khoản nhập trường, thu làm thẻ sinh viên, thu tiền kinh phí hỗ trợ đào tạo, kinh phí đào tạo, hỗ trợ bảo vệ luận văn, học phí gia hạn, kinh phí đào tạo ngoài giờ...

Đơn cử tại Giấy báo nhập học kí ngày 11-10-2011 của sinh viên Thu H, thấy thông báo các khoản: Học phí (học kì I) 3.990.000 đồng; kinh phí đào tạo (năm thứ nhất) 4.500.000 đồng; chi phí tổ chức đón tiếp, xếp lớp, xếp chuyên ngành cho học viên 100.000 đồng; lệ phí làm thẻ học viên 30.000 đồng; giấy thi 50.000 đồng... Thật không thể hiểu nổi, đã đóng học phí rồi lại còn phải đóng kinh phí đào tạo và kinh phí hỗ trợ đào tạo?!

Và nếu tính toán trên con số gần 4.000 học viên đang theo các lớp cao học tại trường, nhân với “Kinh phí đào tạo” 4.500.000 đồng/học viên (ngoài học phí)/năm, số tiền thu được cũng phải tới gần 20 tỉ đồng mỗi năm. Việc thu 100.000 đồng/học viên nhập học cho mục đích tổ chức đón tiếp, xếp lớp, xếp chuyên ngành, với 1.200 học viên nhập học/năm, số tiền thu được cũng đến 120 triệu đồng.

Một khoản thu nữa mà hầu hết học viên khi bảo vệ đều thắc mắc, đó là tiền hỗ trợ bảo vệ luận văn 2,5 triệu đồng/học viên. Mỗi năm bình quân có khoảng 1.000 học viên bảo vệ, số tiền thu được khoảng 2,5 tỉ đồng, mà không phải chi cho bất kì khoản nào. Nếu học viên nào gia hạn bảo vệ, thì phải đóng học phí gia hạn 8,5 triệu đồng/năm.

Trong mấy năm gần đây, số học viên phải gia hạn chiếm bình quân 35%, khoảng 400 học viên/năm, thu được khoảng 3,4 tỉ đồng. Điều đáng nói, giáo viên hướng dẫn, giáo viên chủ nhiệm phải mất thêm một năm hướng dẫn và quản lí, nhưng họ không được nhận một đồng nào từ khoản học phí gia hạn mà học viên nộp?!...

Trong Giấy báo nhập học đề ngày 11/10/2011 của một học viên cao học chuyên ngành Kinh tế đối ngoại (xin được dấu tên), chúng tôi đã phát hiện ra các khoản thu trái quy định, với mức thu rất cao, cụ thể: Học phí học kì 1: 3.990.000 đồng; Kinh phí đào tạo năm thứ nhất: 4.500.000 đồng; chi phí tổ chức đón tiếp, xếp lớp, xếp chuyên ngành cho học viên: 100.000 đồng; Giấy thi (2 năm): 50.000 đồng... Tổng kinh phí học viên phải nộp cho Viện Đào tạo sau đại học là 8.670.000 đồng.

Biên lai thu tiền của Phòng Tài chính, thể hiện chỉ có người thu tiền và người nộp tiền, không có kế toán, thủ quỹ và thủ trưởng cơ quan như mẫu quy định của ngành tài chính. Ngoài ra, học viên còn được cung cấp một Giấy biên nhận hồ sơ đăng kí học bổ sung kiến thức năm 2012, để học 3 môn chuyên ngành, với số tiền học viên nộp là 900.000 đồng. Thực tế, Giấy biên nhận hồ sơ này chính là biên lai thu tiền học phí do Viện Đào tạo sau đại học tự in. Với mức thu học phí 900.000 đồng cho 3 môn học (2 tín chỉ) cao gấp đôi so với mức đóng học phí ở bậc đại học.

Đây là sai phạm không thể chối cãi, là lỗ hổng lớn trong quản lí tài chính tại ĐHKTQD.

 

Được thành lập theo Nghị định số 678-TTg ngày 25/1/1956 với tên gọi ban đầu là Trường Kinh tế Tài chính và được đặt trong hệ thống Đại học nhân dân Việt Nam trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 22/5/1958, Thủ tướng Chính Phủ ra Nghị định số 252-TTg đổi tên trường thành Trường Đại học Kinh tế Tài chính trực thuộc Bộ Giáo dục.

Tháng 1 năm 1965 Trường lại một lần nữa được đổi tên thành trường Đại học Kinh tế Kế hoạch. Và đến ngày 22/10/1985, Bộ trưởng Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ra Quyết định số 1443/QĐ-KH đó đổi tên Trường thành trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Kể từ đó đến nay, trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, trường ĐH KTQD luôn luôn giữ vững vị trí là: Một trong những trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh lớn nhất ở Việt Nam.

Trường có 45 chuyên ngành thuộc 8 khối chuyên ngành khác nhau: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng , Kế toán, Hệ thống thông tin kinh tế, Luật học, Khoa học máy tính và Tiếng Anh ở bậc đại học; 2 nhóm ngành Kinh tế, kinh doanh và Quản lý với 33 chuyên ngành hẹp ở bậc cao học; 14 mã số chuyên ngành với 22 chuyên ngành hẹp ở bậc nghiên cứu sinh.

 

Nhóm Phóng viên