Đại gia “bán thân” chuộc nợ

14:29 | 08/11/2013

1,448 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để giảm tải áp lực thanh toán nợ, nhiều doanh nghiệp đang tìm mọi cách lôi kéo các chủ nợ thành đối tác, cổ đông của mình.

Chuyện vay mượn, nợ nần là chuyện thường tình đối với giới kinh doanh. Tuy nhiên, khi nền kinh tế gặp khó, vòng quay vốn của doanh nghiệp tắc nghẽn thì lại khác, doanh nghiệp sẽ phải hứng chịu sức ép khủng khiếp từ những khoản nợ này. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp dù nhỏ dù lớn cũng đang phải đối diện với thực trạng này.

Để giải quyết những món nợ lên tới cả trăm, thậm chí cả ngàn tỉ đồng, một trong những giải pháp được các doanh nghiệp áp dụng là phát hành thêm cổ phiếu và bán cho chủ nợ. Đây có thể xem là chuyện cực chẳng đã bởi chẳng cổ đông nào lại muốn chia sẻ quyền lợi của mình cho một người mới.

Chuyện của ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) là một ví dụ.

Từng lên tiếng khẳng định về mức độ “an toàn” của những khoản nợ lên tới cả ngàn tỉ mà các doanh nghiệp do mình nắm quyền hoặc sở hữu, nhưng thời gian gần đây, ông Đặng Thành Tâm đã phải thừa nhận những khó khăn mà ông và những người thân trong gia đình phải đối diện trong việc thanh toán các khoản nợ này.

Ông Tâm đã chấp nhận chia sẻ quyền lợi của mình ở KBC để giải quyết một phần nợ.

Ngay từ cuối năm 2012, khoản nợ lên tới gần 4.000 tỉ đồng của KBC đã được nhắc đến. Nhiều chuyên gia khi phân tích khả năng thanh toán nợ của công ty này đã hoài nghi, đặc biệt khi con số tồn kho của KBC tính đến hết quý III/2012 lên tới 6.000 tỉ đồng và tập trung chủ yếu vào các khu công nghiệp, khu chế xuất mà ông Tâm đã đầu tư.

Tuy nhiên, những nỗ lực giảm tải nợ của KBC đã không mang lại nhiều hiệu quả và bản thân ông Tâm cách đây không lâu cũng đã phải “cầu cứu” Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, ông Tâm đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo một số ngân hàng thương mại giãn thời hạn thanh toán khoảng 1.700 tỉ đồng tiền trái phiếu mà các công ty do ông trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu. Chưa biết động thái này của ông Tâm sẽ được các chủ nợ hồi đáp như thế nào nhưng có một thực tế, để giảm tải áp lực từ các chủ nợ, KBC đã phát đi thông tin sẽ phát hành khoảng 100 triệu cổ phiếu, với mức giá đấu giá thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phiếu.

KBC đặt kỳ vọng sẽ giải quyết được một phần công nợ đến hạn thanh toán và bổ sung một lượng vốn kinh doanh. Theo đó, KBC sẽ phát hành số cổ phiếu này cho chính các nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức, chủ nợ của công ty.

Trước đó, giải pháp mà KBC thực hiện cũng đã được Tập đoàn Tân Tạo (ITA) áp dụng. ITA từng phát hành gần 116 triệu cổ phiếu để giải quyết khoản nợ hơn 1.156 tỉ đồng.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, tồn kho của một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng… còn lớn, giải pháp "pha loãng" cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu bán cho chủ nợ, biến chủ nợ thành cổ đông, thành đối tác đang trở thành một thủ pháp trên thị trường.

Nhận xét về việc này, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội cho biết, công ty của ông vừa phải làm thủ tục điều chỉnh lại cơ cấu cổ phần, thành phần cổ đông. Lý do là sau quãng thời gian đàm phán, một chủ nợ của công ty đã chấp nhận quy đổi khoảng nợ gần 6 tỉ đồng thành cổ phần và đương nhiên trở thành một cổ đông của công ty.

Thanh Ngọc